Một người uyên bác và bình dị

Ngày 17-6-2014 tôi được dự buổi Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn trong không khí trang nghiêm, ấp áp và đầy tình cảm. Hôm đó, tuy thời gian ngắn ngủi, song tôi đã được gặp các thầy, các bạn đồng nghiệp và các em học sinh của thầy qua các thế hệ. Tôi cũng được nghe họ nói về thầy với cả tấm lòng trân trọng. Tất cả các thế hệ đều ghi nhận: “Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn sống một cuộc sống nhân hậu, giản dị, trong sáng và lạc quan yêu đời. Ông đã hết lòng tận tụy vì người bệnh, vì học trò và vì sự phát triển của ngành Quân y nói riêng và nền Y học Việt Nam nói chung. Ông là một người thầy thuốc giàu tài năng, đức độ, tận tình, một nhà khoa học uyên bác, khiêm tốn và dễ gần gũi. Những đức tính quý báu đó khiến cho những người đã tiếp xúc hoặc làm việc với ông, dù là đồng nghiệp, học sinh và thương binh, bệnh binh đều kính yêu ông, coi ông như người cha, người bác trong gia đình”. Vì vậy, tôi không dám viết nhiều, mà chỉ muốn kể lại một số mẩu chuyện về Giáo sư.

Tháng 5-1965, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp Bác sỹ ở Đại học Y Hà Nội. Lúc đó, đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh leo thang ra miền Bắc, thế là chúng tôi 100 sinh viên Y6 đều xung phong nhập ngũ. Chúng tôi được phân công về các đơn vị quân đội. Cuối năm 1965, tôi từ Viện quân y 109 được chuyển về Đội điều trị 11, sau đó về Viện quân y 108. Khi tôi về nhận công tác ở Viện, anh Nguyễn Ngọc Doãn đã là Viện phó. Hồi đó chúng tôi quen gọi là Anh, vì tất cả cán bộ còn trẻ và không nhiều, sống rất gần gũi nhau, không có sự phân biệt, song rất tôn trọng nhau. Trong bài viết này, tôi cũng xin được dùng từ Anh như cách xưng hô thân mật trước đây.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn và Bác sỹ quân y Tiệp Khắc, năm 1963
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Những năm đầu về Bệnh viện, từ năm 1966 đến đầu năm 1968, tôi làm việc ở Khoa A1 (Khoa cán bộ cao cấp của Quân đội). Khi tình hình ở Hà Nội căng thẳng, tôi được phân công phụ trách bệnh nhân của Khoa trên khu sơ tán ở huyện Lập Thạch – Vĩnh Phú. Khoa chúng tôi cùng với Khoa A6 (Khoa không quân) nằm riêng trong một khu rừng lim rất rộng. Toàn bộ các khoa nội – ngoại của Bệnh viện nằm ở bên cạnh khu rừng. Theo định kỳ Anh Doãn thường lên điểm bệnh ở các khoa, đặc biệt ở Khoa cán bộ cao cấp. Những bệnh nhân khó, nặng đều được tổ chức hội chẩn kịp thời. Chúng tôi, những bác sỹ trẻ rất mong đến  những ngày đó, luôn chuẩn bị bệnh án chu đáo, tỷ mỷ để trình bầy với Anh. Biết Anh rất quan tâm đến triệu chứng chủ quan, khách quan cũng như điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt của bệnh nhân nên tôi đều tìm hiểu trước để trả lời. Anh lắng nghe báo cáo của chúng tôi và nghe cả ý kiến của bệnh nhân sau đó mới thăm khám tỷ mỷ và đưa ra những kết luận về chẩn đoán, điều trị, chế độ ăn uống, sinh hoạt. Với cách khám đó, bệnh nhân cảm thấy rất thoải mái. Khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, có trường hợp bệnh đã khỏi nhưng không muốn ra viện. Tôi mạnh dạn báo cáo với Anh để Anh biết tâm lý của bệnh nhân. Anh nói với tôi: “Khi đi điểm bệnh, cô mang theo khay tiêm vô trùng và Vitamin B12 nhé!”. Tôi chưa hiểu ý Anh xong cứ làm theo. Hóa ra khi đi khám, Anh khám tỷ mỉ, chu đáo, hỏi bệnh nhân đau ở đâu. Khi Anh biết chính xác không có bệnh gì quan trọng, anh bấm huyệt cho bệnh nhân và châm vào huyệt chỗ đau. Sau đó bác sỹ và bệnh nhân cùng cười. Từ đó rất ít khi có trường hợp bệnh nhân đã khỏi mà vẫn ngại ra viện; hầu hết đều an tâm trở về đơn vị công tác. Sự chăm lo đến bệnh nhân, cách khám bệnh và hỏi bệnh, cách lập luận trong chẩn đoán và điều trị của các bác sỹ thời bấy giờ như bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn, bác sỹ Bùi Đại, bác sỹ Phạm Tử Dương v.v… là những bài học cho tôi khi bước vào nghề và đã theo tôi trong suốt cuộc đời để làm trọn trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc.

Tôi còn nhớ vào năm 1967, chuẩn bị Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Ở trên có đề nghị hai Bác sỹ Phạm Gia Triệu và Bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn làm bản thành tích để xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hôm đó Anh Doãn lên Khu sơ tán, vì trời mưa nên hai anh em đứng ở vỉa hè dưới mái nhà tranh, tôi có hỏi Anh: “Anh đã làm bản thành tích chưa?”.  Anh từ tốn trả lời tôi: “Cô biết đấy, thời chiến cần chú ý đến các bác sỹ ngoại khoa nhiều hơn, nên lần này tôi chưa làm và cũng cần tập trung cho Anh Triệu là nhà ngoại khoa tài năng và xứng đáng, như vậy sẽ tốt hơn”. Năm đó Anh Phạm Gia Triệu được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.

Bác sỹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu trong Chiến dịch Quảng Trị, 1972
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Năm 1972 tôi đi Chiến dịch Quảng Trị theo diện B ngắn. Tôi đang lúng túng không biết sẽ gửi ai lĩnh lương hộ để gửi về cho bố mẹ và chồng tôi. Anh Doãn nói với tôi: “Cô cứ viết giấy là đề nghị để tôi lĩnh cho cô, tôi sẽ đưa về cho chồng và bố mẹ cô”. Thật bất ngờ!, vì khi đó Anh là Viện phó và lại chưa đến nhà tôi lần nào mà lại trả lời một cách bình dị như vậy. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ khi cán bộ dưới quyền đang gặp lúng túng.

Ngày còn học ở trường Y, những năm thứ nhất và thứ hai (1960- 1962) học những môn khoa học cơ bản. Chúng tôi học rất chăm chỉ và hứng thú các môn đó vì hầu như đều được các thầy đầu ngành giảng dạy. Các thầy đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức cơ bản, dạy chúng tôi cách học sao cho hiệu quả và luôn hun đúc cho chúng tôi lòng yêu nghề. Trong những môn khoa học cơ bản, tôi hơi sợ môn Dược lý. Song buổi đầu tiên vào học, tôi thấy có một thầy cao to bước lên bục giảng, nét mặt hiền hòa và mỉm cười chào mọi người. Thầy đã giảng cho chúng tôi ý nghĩa của việc học môn Dược lý và đã có cả những câu chuyện về dược lâm sàng. Chúng tôi nghe rất say sưa, người thầy đó là Nguyễn Ngọc Doãn. Kể từ ngày đó, chúng tôi không còn sợ môn dược lý.

Anh Doãn rất mẫn cảm trong việc chẩn đoán bệnh. Do đã nghe về bệnh sử và hai bàn tay thăm khám bệnh nhân rất kỹ nên Anh mau chóng chẩn đoán đúng bệnh. Nhiều khi chúng tôi vẫn cười với nhau: “Hai bàn tay của Anh như quả chuối mắn, sờ đến đâu là biết bệnh đến đó”. Với các bệnh khó, không chỉ dựa vào cận lâm sàng mà phải dựa vào hỏi bệnh và thăm khám tỷ mỉ. Thời đó làm gì có điều kiện xét nghiệm cận lâm sàng như bây giờ, nên chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm của các lớp đàn anh trong đó có Anh Doãn.

“Phòng làm việc” của Bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn tại Bệnh viện Yên Bái.
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Trong cuộc sống đời thường Anh Doãn quá giản dị, luôn đi chiếc xe đạp cũ, mặc quần áo rộng và luôn hút thuốc lá. Có một lần vào buổi trưa, Anh ngồi tự chấm sơn cho chiếc xe đạp bị tróc sơn. Tôi hỏi anh: “Sao Anh không đưa ra hiệu sơn cho đẹp?”, Anh cười: “Cái gì mình làm được thì cứ làm lấy vừa tiết kiệm và cũng là niềm vui”. Câu nói đó của Anh giúp tôi thêm tự lực trong công việc sau này. Trong những năm thời bao cấp, tôi thường gặp Anh đi đến cửa hàng “Nhà thờ” là cửa hàng dành cho cán bộ có bìa C để xếp hàng mua thực phẩm. Có lần tôi xếp hàng trước nhìn thấy Anh lững thững đi vào, tôi chạy ra nói với Anh đứng vào chỗ của tôi, hoặc tôi mua hộ. Song Anh từ chối và bình thản xếp hàng chờ đến lượt. Từ hành động đó của Anh, tôi ngẫm ra và hiểu rằng mình cũng phải làm như vậy, bình đẳng với mọi người. Từ đó tôi không bao giờ có ý nghĩ chen hàng và cứ chờ bình thường rồi dần dần tới lượt.

Anh ra đi đã 27 năm song hình ảnh của Giáo sư – Thầy thuốc nhân dân – Anh hùng quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn vẫn còn ở trong lòng các đồng nghiệp và bệnh nhân thân yêu. Tấm gương của thầy thuốc, thầy giáo, cuộc sống giản dị chân thành, nụ cười thoải mái và một trí tuệ uyên bác, một người cha hoàn hảo trong gia đình sẽ mãi mãi để các thế hệ noi theo.

PGS.TS.TTND. Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu

Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108