Nhà khoa học của nông dân

Đồng ruộng là “duyên nghiệp”

Từ xe bus bước xuống bến đỗ trong khuôn viên Học viện Nông nghiệp, lần đầu gặp, ấn tượng của chúng tôi về ông là phong cách giản dị, từ trang phục cho đến phương tiện ông sử dụng đi làm như sinh viên và sự chính xác về giờ giấc của nhà khoa học.

Đưa chúng tôi đến Trung tâm Thông tin – Thư viện Lương Định Của thuộc Học viện, nơi ông đang làm Giám đốc, ông say sưa nói về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây. Nhắc đến “nghiệp” khoa học đối với nhà nông, ánh mắt ông chợt vui hẳn lên, ông kể: “Thời còn là học sinh, trong khó khăn chung của cả nước do chiến tranh, tôi và các bạn vẫn cố gắng học tập tốt.

Thi đại học (năm 1973), tôi thừa điểm để được xét đi học ở nước ngoài và một số trường được xem là “có giá” lúc bấy giờ, nhưng cuối cùng tôi lại chọn Đại học Nông nghiệp với suy nghĩ, mình sinh ra ở nông thôn, đắm mình nơi đồng ruộng từ nhỏ nên phải đi học để về giúp đỡ bà con nông dân. Đến lúc nhập trường, tôi lại được sắp xếp học ở khoa Cơ điện. Ngày đó, điều kiện học tập của sinh viên vô cùng thiếu thốn nhưng niềm đam mê khoa học, lòng hiếu học và nhiệt huyết tuổi trẻ thì luôn sục sôi”.

PGS. TS Hoàng Đức Liên thuyết trình trong một hội thảo khoa học.

Bước chân vào giảng đường đại học, ông xác định phải phấn đấu vượt qua khó khăn để khẳng định bản thân, vì thế khi tốt nghiệp, ông là một trong số ít người được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Ông tích cực tham gia các hoạt động tập thể, nhất là những chuyến đi thực tế, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đáng nhớ nhất là những lần đi về Tây Bắc theo chủ trương đưa cán bộ xây dựng, giúp đỡ các tỉnh miền núi, vùng cao của Đảng và Nhà nước những năm đó.

Để đi lên với đồng bào Tây Bắc, ông và những sinh viên, cán bộ trẻ chủ yếu đi bộ, có những chuyến đi vào Mường Tè (Lai Châu) mất 3-4 ngày đường, sau đó “ba cùng” với cán bộ, nhân dân các dân tộc hàng tháng trời. Cũng vì công việc mà năm 1980, ông và đồng nghiệp đón Tết tại Mường Tè chỉ với một chút thực phẩm, gian khổ nhưng không làm ông nhụt chí. Thành quả là những bản quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hết sức cụ thể, chi tiết, bám sát tình hình thực tế, có ý nghĩa định hướng cho địa phương trong những giai đoạn tiếp theo.

Trong các chuyến đi công tác, ông đặc biệt ấn tượng với vẻ đẹp và tiềm năng của Nông trường quốc doanh Mộc Châu (Sơn La). “Cơ duyên” đến với ông khi vị Giám đốc Nông trường trực tiếp gặp đoàn cán bộ tăng cường đặt vấn đề giúp đơn vị tăng năng suất đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Ông và đồng nghiệp nhận lời. Nhưng khi bắt tay thực hiện đề tài “Chế tạo máy phục tráng đồng cỏ” thì gặp không ít trở ngại. Đặc điểm của các đồng cỏ ở cao nguyên Mộc Châu thường có những tảng đá “mồ côi” nằm xen lẫn dưới thảm cỏ, một số nơi có độ dốc lớn… nên phương tiện cơ giới, máy cày liên tục hỏng, gãy răng bừa do vấp phải đá dù cán bộ, công nhân đã tìm nhiều cách khắc phục.

Ba năm ròng rã, ông đi lại như con thoi từ trường Đại học Nông nghiệp đến Nông trường Mộc Châu, có những lúc tưởng như đề tài không thể hoàn thành. Nhưng rồi công sức của ông cũng được đền đáp, năm 1983, đề tài được nghiệm thu với những giải pháp đơn giản nhưng đầy sáng tạo. Vinh dự hơn đề tài đoạt Giải thưởng Khoa học trẻ của Bộ Nông nghiệp.

Gắn khoa học với sản xuất

Bước ngoặt trong sự nghiệp của ông đến năm 1989 khi ông thi đỗ chương trình nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Mặc dù tình hình Đông Âu giai đoạn đó diễn biến phức tạp nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ chuyên ngành Năng lượng và chế tạo máy (Đại học tổng hợp kỹ thuật Sofia – Bulgaria).

PGS. TS Hoàng Đức Liên trong chuyến khảo sát khoa học
tại huyện Lục Ngạn

Đề tài của ông về “Mô hình và nghiên cứu tính toán số dòng phun hai pha không đẳng nhiệt” được công nhận cấp Nhà nước của Bulgaria vì có tính ứng dụng rất cao và rộng rãi trong cơ khí nông nghiệp như hệ thống tưới tiêu, máy sấy bảo quản nông sản, kể cả đối với giao thông vận tải, hàng không vũ trụ…

Với những kiến thức được trang bị, trở về nước, ông tiếp tục công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ông là Giảng viên cao cấp khoa Cơ – điện, Giám đốc – Bí thư Chi bộ Trung tâm thông tin – Thư viện (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Phó Chủ tịch Liên hiệp thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc… Trên cả hai lĩnh vực (truyền đạt tri thức cho sinh viên và đồng hành cùng bà con nông dân) ông đều “cháy” hết mình, hàng loạt đề tài, công trình khoa học ra đời với tâm nguyện: Sản xuất nông nghiệp phải theo hướng hiện đại, tự động hóa để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả, giảm công sức cho nông dân.

Nhà giáo Hoàng Đức Liên sinh năm 1956; năm 1996 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; năm 2004 được phong học hàm Phó Giáo sư. Ông hiện là một trong hai Giảng viên Cao cấp trực tiếp giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

 

 

Tiêu biểu trong số ấy là đề tài, dự án cấp Bộ và Nhà nước như: Mô phỏng số lực tương tác giữa dòng chất lỏng thực 3D và vật rắn; Nghiên cứu một số công nghệ và thiết bị cơ điện phục vụ kinh tế nông hộ và trang trại; Giải một số bài toán mô phỏng các thông số dòng khí trong buồng sấy nông sản trên cơ sở ứng dụng phần mềm tính toán thủy khí động lực học; Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị để cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, rửa, đánh đống muối… tại các đồng muối công nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thị giác máy tính vào tự động hóa máy phun thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, ông còn chủ biên, đồng chủ biên hàng chục đầu sách chuyên khảo, giáo trình; hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh.

Đối với Bắc Giang, quê hương luôn để lại trong ông nhiều cảm xúc. Hễ có thời gian, ông lại trở về với Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế… phối hợp với các cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và công nghệ, các huyện, TP để triển khai ứng dụng những thành tựu nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Nhiều năm liền ông là thành viên tham gia các đề tài khoa học của tỉnh; chuyển giao kỹ thuật cho một số cơ sở sản xuất máy móc, phương tiện cơ khí nông nghiệp trên địa bàn. Dù vậy ông vẫn trăn trở làm sao để nông dân Bắc Giang đưa nhanh cơ giới vào sản xuất, biến mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa thành hiện thực.

Gần đây nhất, ông giới thiệu một số máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Với PGS.TS Hoàng Đức Liên đó là niềm hạnh phúc của người con xa quê khi góp sức gắn khoa học với đời sống sản xuất.


Quốc Phương – Việt Hưng

Nguồn: www.baobacgiang.com.vn