Ông cũng là một trong số những trường hợp hiếm hoi của trí thức Việt Nam vừa đồng thời được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, thể hiện sự ghi công xứng đáng của Đảng và Nhà nước về toàn bộ những đóng góp của ông cả trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đam mê khoa học
Giáo sư – Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân, nhà văn Bùi Văn Ba còn có bút danh Phương Lựu – nguyên giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội là người con của vùng đất Quảng Ngãi nhiều nắng gió. Bằng hoạt động nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người, cái tên Bùi Văn Ba – Phương Lựu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh, với những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học.
Sinh năm 1936 tại Vạn An, Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, cuối những năm kháng chiến chống Pháp, Bùi Văn Ba được Đảng bộ liên khu V chọn vào Đoàn học sinh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc rồi đi du học. Năm 1960, ông tốt nghiệp ĐHSP Bắc Kinh và trở về giảng dạy tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 1987, ông bảo vệ luận án Phó Tiến sỹ bằng con đường tự học. Rồi đến năm 1991, cũng bằng con đường tự học, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học ở trong nước.
GS. TS. KH, nhà văn Bùi Văn Ba (thứ 3, từ phải sang) đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học kỹ thuật do Chủ tịch nước trao tặng
Tuy giỏi tiếng Trung Quốc, nhưng Giáo sư Ba vẫn kiên trì tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Nga để có thể trực tiếp thâm nhập vào các khu vực văn hoá lớn nhất của nhân loại. Không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ để có thể dạy học ở nhiều hệ đào tạo là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động giáo dục của ông. Khi đất nước còn khó khăn, tài liệu tham khảo thiếu thốn, GS Ba luôn quan tâm việc biên soạn giáo trình: Giáo trình cho sinh viên đại học và cả một hệ thống chuyên đề phục vụ việc đào tạo Cao học. Bộ giáo trình Lý luận văn học ba tập, do ông chủ biên được Bộ Giáo dục đề nghị sử dụng trong giáo trình giảng dạy đại học trong cả nước.
Gần nửa thế kỷ dạy học, ông góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân, hướng dẫn luận án cho 50 thạc sỹ và 15 Tiến sỹ. Học trò của ông có mặt ở mọi miền đất nước, nhiều người đỗ đạt cao, không ít người đang nắm giữ những cương vị xã hội quan trọng. Nhưng có lẽ, ấn tượng hơn cả là những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã góp một phần nhỏ vào viêc đào tạo một thế hệ sinh viên mà về sau, họ đã trở thành những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Bắc Sơn, Hoàng Triều Ân, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm v.v… Năm 2002, ông được vinh dự trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Vì một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại
Sự nghiệp trồng người bao giờ cũng là nội dung cơ bản trong hoạt động sư phạm của một nhà giáo. Nhưng dạy học ở bậc đại học không phải là giảng giải những bài học có sẵn mà là dẫn dắt học trò khám phá một lĩnh vực khoa học mới mẻ nào đó. Cho nên, muốn trở thành một nhà giáo mẫu mực, người giảng viên đại học phải phấn đấu để trở thành một nhà khoa học. Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Bùi Văn Ba đã toát lên tinh thần ấy.
Đến nay, ông đã có 22 tập chuyên khảo và phê bình tiểu luận riêng, 40 giáo trình và sách mà ông làm chủ biên hoặc tuyển chung. Trong đó, công trình Nghiên cứu tư tưởng văn nghệ Lênin (1979) được GS.TS KH Nikylin giới thiệu ở Liên Xô; còn công trình Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (1977) đã trở thanh đối tượng nghiên cứu chiếm một trong ba chương của luận án Tiến sỹ Lỗ Tấn được bảo vệ vào tháng 5/2012 ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ngoài ra, ông còn có hơn 300 bài báo khoa học đăng tại các tạp chí khoa học danh tiếng trong và ngoài nước. Những công trình và tiểu luận của ông không những phát huy trong nhà trường, nhất là việc đào tạo thạc sỹ và Tiến sỹ, mà còn đóng góp vào nền văn học và học thuật nói chung trong nước.
Thành tựu nghiên cứu rất phong phú về nhiều mặt, nhưng phương châm học thuật then chốt của nhà giáo Bùi Văn Ba – Phương Lựu như tiêu đề một công trình của ông là “Vì một nền lý luận văn học dân tộc dân tộc-hiện đại”. Tinh thần này xuyên suốt trong việc nghiên cứu của ông. Ông quan niệm “chỉ có thật hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại, cũng chỉ có sát hợp hơn với văn hóa dân tộc thì phương hướng hiện đại mới thực sự có hiệu lực và có triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú cho kho tàng lý luận chung”.
Vợ chồng Giáo sư Bùi Văn Ba tại di tích “Đấu trường La Mã”
So với trước đây, cái mới trong góc nhìn của Giáo sư Bùi Văn Ba là ở chỗ: Nếu trước đây làm lý luận thì phải quán triệt đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác-Lênin, nhưng bây giờ, tuy phải kiên trì những điều này, nhưng dứt khoát phải mở rộng ra và ông đã thực hiện bằng những công trình cơ bản của mình theo hai hướng là: “Phải từ đường lối văn nghệ của Đảng, mở rộng ra di sản lý luận văn nghệ của dân tộc từ xưa đến nay” và “Phải từ tư tưởng văn nghệ Mác-Lênin mở rộng ra di sản lý luận của nhân loại cổ kim Đông Tây”.
Chính từ định hướng nghiên cứu này, Giáo sư Bùi Văn Ba đã có nhiều công trình khoa học xuất sắc như “Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX” (2001); “Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh” (2002); “Lý luận phê bình văn học” (2004); “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (2005)”; “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007). Cụm công trình trên của ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đầu tháng 2/2012.
Cụm công trình Lý luận phê bình, phương pháp luận nghiên cứu văn học rất xuất sắc ở chỗ đã tiếp tục quán triệt phương châm dân tộc – hiện đại – phải từ đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác Lênin mở rộng ra đến di sản lý luận văn học của dân tộc và nhân loại. Cụ thể, ở đây, tác giả là người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống 22 trường phái lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại phương Tây, phân tích tư tưởng văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, mở ra hướng nghiên cứu Thi học so sánh, đề xuất và triển khai nội dung cụ thể của các phân môn phương pháp luận riêng cho Lý luận văn học, Phê bình văn học và Văn học sử…
Kết quả nghiên cứu của cụm công trình là những đóng góp lý luận rất quan trọng phát triển các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn học và văn hoá nghệ thuật. Cụm công trình được sử dụng làm giáo trình, tài liệu tham khảo ở nhiều trường đại học, định hướng cho nhiều luận văn thạc sỹ và luận án Tiến sỹ về Ngữ văn nói chung và lý luận văn học nói riêng.
Một người có trái tim nhân hậu
Không chỉ là một nhà khoa học, một nhà giáo tâm huyết, Giáo sư Bùi Văn Ba – Phương Lựu còn là một nhà hảo tâm đáng kính trọng. Hầu hết số tiền dành dụm được từ các giải thưởng khoa học, ông đều đem ra làm từ thiện để giúp cho phong trào học tập và văn hóa của nước nhà. Trong đời thường, ông cũng nổi tiếng là người có lối sống rất giản dị, hay quan tâm đến người khác. Với quan niệm: “Đời người là những người mình gặp và những việc mình làm, cho nên cuộc đời mình chủ yếu diễn ra ở những nơi học tập và công tác, mình được trưởng thành từ đó”, thế cho nên, gần 20 năm qua, mỗi lần được giải thưởng, ông đều đem toàn bộ tiền thưởng ủng hộ cho những học sinh nghèo học giỏi của các Trường Tiểu học Vạn An, Trường THCS Lê Khiết… Đặc biệt, đối với ĐH Sư phạm Hà Nội, ông còn là người sáng lập “Giải thưởng nghiên cứu sinh xuất sắc” cho khoa Ngữ Văn, chủ xướng và đồng sáng lập Giải thưởng Khoa học chung cho trường.
Năm 2012, khi được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư Bùi Văn Ba đã tặng toàn bộ 200 triệu đồng tiền giải thưởng cho Trung ương Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam phát biểu rằng: Số tiền 200 triệu đồng không hề nhỏ đối với một thầy giáo về hưu, một nhà văn và đặc biệt, đó lại là số tiền nhận được từ Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá. Trung tướng cũng bày tỏ sự cảm phục, trân trọng trước tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của GS.TS KH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu.
Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy cho thấy, GS. TS KH, Nhà giáo nhân dân Phương Lựu là một người có nhân cách vô cùng cao đẹp. Ông không chỉ là một nhà khoa học chân chính, một nhà sư phạm mẫu mực mà còn là một người có trái tim nhân hậu.
Vân Phạm
Nguồn: www.congly.com.vn