Tôi được nghe những đồng nghiệp và lớp “đàn em” của ông như PGS. Nguyễn Kim Thản (môn Từ pháp và chuyên đề Động từ tiếng Việt), Nguyễn Tri Niên (Ngữ âm học), GS-TS. Phạm Đức Dương (chuyên đề Nguồn gốc tiếng Việt, Ngôn ngữ Đông Nam Á)… đã nói nhiều về đức tính cần mẫn và cống hiến lớn nhất ở nơi ông đối với ngôn ngữ học Việt Nam là lĩnh vực ngữ nghĩa học và từ điển học.
GS. Hoàng Phê sinh ngày 17.7.1919 tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, Điện Bàn. Thân phụ của ông là Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới triều Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị giảng Học sĩ. Ông nội là Hoàng Văn Bảng, đỗ cử nhân và từng giữ chức Án sát nhiều tỉnh ở miền Trung; cụ Hoàng Văn Bảng chính là em ruột Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông là anh của các nhà khoa học tiếng tăm: GS. Hoàng Tụy, PGS. Hoàng Chúng (toán học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật)…
Giáo sư Hoàng Phê (1919-2005)
Gia đình ông vốn có truyền thống yêu nước và khoa bảng, nhưng do hoàn cảnh, sau khi đỗ tú tài phần nhất, ông không tiếp tục học mà đi dạy tư môn sử – địa. Sau năm 1945, ông tham gia kháng chiến, công tác ở ngành tuyên huấn, giáo dục và thanh niên. Năm 1959, ông được về công tác ở Ủy ban Khoa học nhà nước, nhận nhiệm vụ xây dựng Tổ Ngôn ngữ thuộc Viện Văn học (sau này tách riêng thành Viện Ngôn ngữ). Ông được phong hàm Giáo sư năm 1984 và Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Ông mất tại Hà Nội ngày 29.1.2005.
Ông đã cùng Từ Lâm, Nguyễn Lân biên soạn Từ điển chính tả phổ thông (1963), cùng với Đào Thản và Lê Xuân Hiền biên soạn Từ điển chính tả tiếng Việt (1985), và sau này các cuốn từ điển chính tả do ông biên soạn đã dựa trên cấu trúc vi mô phong phú về thông tin ngữ nghĩa, về cấu tạo từ, về phạm vi sử dụng, về từ nguyên về chính tả từ Hán Việt…
Năm 1999, ông cho ra đời cuốn Chính tả tiếng Việt, là công trình chính tả theo hệ thống tìm ra một số quy tắc với từng vấn đề cụ thể: âm tiết và cặp âm tiết có vấn đề chính tả, chính tả âm tiết Hán Việt. Đặc biệt ở công trình này, ông không sắp xếp đơn giản theo thứ tự chữ cái lần lược abc mà nhiều mục từ được xếp gần nhau để so sánh.
Rồi những cuốn Từ điển tiếng Việt do ông biên soạn hoặc giữ vai trò chủ biên, bao giờ cũng tâm huyết với việc phân tích ngữ nghĩa để đi đến việc chuẩn chính tả, chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt.
Ông đã công bố hàng trăm công trình nghiên cứu Việt ngữ, nhưng tâm đắc nhất vẫn là những vấn đề liên quan về logic ngữ nghĩa, ngôn ngữ dân tộc/quốc gia, chính tả, từ điển, chuẩn hóa tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… Chỉ với bộ Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 1988) của Viện Ngôn ngữ học do ông làm chủ biên được giới ngôn ngữ học cho là công trình đạt thành tựu mới nhất về lý luận từ điển học của thế giới được áp dụng vào thực tế biên soạn từ điển giải thích tiếng Việt một cách phù hợp. Đề lời tựa bộ Từ điển này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “… Quyển từ điển đầu tiên ở nước ta do một tập thể cán bộ ngôn ngữ học biên soạn trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ. Nó có tác dụng thiết thực đối với việc chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Cuốn sách này được Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học xuất bản vào năm 2000, sau đó tái bản nhiều lần, và nó được nhiều người xem như là cẩm nang tra cứu chuẩn về chính tả, giải nghĩa rõ về các mục từ.
Cả đời làm khoa học về ngôn ngữ, Hoàng Phê đã thể hiện tầm nhìn khoa học rất rộng và sáng suốt. Đồng thời, ông cũng là nhà ngữ học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng những thành tựu của tin học để nghiên cứu ngôn ngữ. Ông là tấm gương sáng ngời về đức tính cần mẫn, tự học, nghiên cứu có chiều sâu. Với những đóng góp của ông cho nền khoa học nước nhà, ngày 30.8.2005, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước cho công trình khoa học là cuốn Từ điển tiếng Việt do ông làm chủ biên và cụm công trình: Lôgic ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng); Từ điển chính tả (NXB Đà Nẵng); Từ điển vần (NXB Đà Nẵng); Chính tả tiếng Việt (NXB Đà Nẵng) mà ông là tác giả. Tôi nghĩ, tên tuổi của ông xứng đáng được đặt tên đường phố ở Quảng Nam.
Hoài Quảng
Nguồn: www.baoquangnam.com.vn