Người góp phần nâng tầm khoa học Việt

Tình yêu quê hương

Sau nhiều cuộc hẹn qua email, cuối cùng tôi đã có cuộc gặp với GS.TS Trần Thanh Vân trong dịp ông về Việt Nam xúc tiến các công việc còn dang dở. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, cách nói chuyện điềm đạm, ít ai nghĩ rằng năm nay ông đã 80 tuổi, bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Nhớ lại thời kỳ đầu đầy khó khăn khi về Việt Nam tổ chức hội nghị Gặp gỡ Việt Nam theo mô hình “Gặp gỡ Moriond” tại Pháp, GS.TS Vân kể: “Để có thể tổ chức được Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên năm 1993, phải kể đến sự hỗ trợ của GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Tôi gặp anh Hiệu lần đầu vào năm 1963, khi anh ấy vừa bảo vệ xong luận án Tiến sĩ ở Liên Xô, còn tôi cũng vừa hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Pháp. Hai anh em gặp nhau ở một hội nghị quốc tế tổ chức ở Italia. Dù lúc ấy giữa hai miền Nam – Bắc vẫn còn những quan điểm khác nhau nhưng anh Hiệu là người có tư tưởng cởi mở. Chúng tôi nói chuyện và cảm thấy hợp. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin. Năm 1990, anh Hiệu nhờ tôi tổ chức cuộc gặp giống như ở Moriond để các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội gặp gỡ các nhà khoa học quốc tế. Chúng tôi bàn và quyết định sẽ tổ chức hội nghị đầu tiên vào năm 1993 tại Đà Lạt”.

GS.TS Trần Thanh Vân trao học bổng cho sinh viên.

Từ đó đến nay với sự chủ trì của GS.TS Trần Thanh Vân, đã có 9 hội nghị Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức thành công. Qua các sự kiện này, những nhà khoa học thế giới – trong đó có nhiều nhà khoa học đoạt Giải Nobel – đã trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam và tạo điều kiện để nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, sau đó ông cùng với các cộng sự thấy rằng, cần có mạng lưới kết nối các nhà khoa học thế giới với Việt Nam. Vì thế, ý tưởng xây dựng một trung tâm khoa học để mời các nhà khoa học thế giới đến cộng tác, nhằm nâng cao hình ảnh khoa học Việt Nam trên thế giới cũng như vị thế của khoa học Việt Nam đã ra đời. Sau hai năm triển khai, tháng 8-2014, tại Quy Nhơn (Bình Định) cùng một lúc diễn ra hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 và lễ khánh thành ICISE.

GS.TS Trần Thanh Vân chia sẻ, có nhiều lý do khiến ông trở về Việt Nam để tổ chức hội nghị Gặp gỡ Việt Nam cũng như làm cầu nối để các nhà khoa học thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn và ngược lại. “Song, lý do quan trọng thôi thúc tôi về Việt Nam là tình yêu quê hương. Điều này khiến cái tâm của mình luôn hướng về Việt Nam. Khi có tâm rồi mình sẽ tìm xem làm gì để giúp Việt Nam một cách tốt nhất” – GS.TS Trần Thanh Vân nhấn mạnh. Và cũng chính vì điều này, ông đã cùng vợ là GS Lê Kim Ngọc lập quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh và sau đó từ năm 2001 kết hợp cùng GS Odon Vallet trao hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, vợ chồng ông cũng đã thành lập 3 làng trẻ SOS ở Đà Lạt, Huế và Quảng Bình giúp các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn.

Nghiên cứu khoa học không vì lợi nhuận

Sinh năm 1934 tại Đồng Phú, Đồng Hới, Quảng Bình, năm 1953 chàng thanh niên Trần Thanh Vân sang Pháp tiếp tục học lớp 11. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông ở lại học tiếp đại học và tốt nghiệp Cử nhân vật lý năm 1957, rồi Tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc chỉ rõ rằng, hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được cộng đồng vật lý quốc tế làm sáng tỏ, đó là các hạt quark). Tháng 4-2012, GS.TS Trần Thanh Vân là một trong 3 người Châu Á được tặng Huy chương Tate (Tate Medal) tại hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia. Các đóng góp khoa học của ông thể hiện ở việc cống hiến 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách. Nước Pháp tặng ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Viện Hàn lâm khoa học Nga trao bằng Tiến sĩ khoa học danh dự.

Trong các hoạt động tổ chức và lãnh đạo ngành vật lý, ông được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt bốn thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam. Ông cũng là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam. GS Trần Thanh Vân chia sẻ, muốn làm khoa học thật sự phải bỏ toàn bộ thời gian, công sức và trí tuệ vào nghiên cứu cẩn thận. Không thể nào có chuyện muốn làm khoa học lại phải vừa kinh doanh thêm để bảo đảm cuộc sống. Nếu Chính phủ không cho nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ được hưởng một mức lương đủ sống, thì không bao giờ nền khoa học có thể phát triển và tiến xa được. Vì thế, ông luôn khích lệ các nhà khoa học Việt Nam thành danh ở nước ngoài về quê hương đóng góp xây dựng đất nước. Với ban cố vấn quốc tế gồm hàng chục giáo sư đầu ngành thế giới, trong đó có 9 giáo sư từng đoạt giải Nobel, uy tín của hội nghị Gặp gỡ Việt Nam ngày càng tăng cao, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng tham dự. “Chúng tôi mong rằng trong 5-10 năm nữa, với sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trung tâm sẽ là nơi tập trung của các nhà khoa học thế giới cũng như các Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois” – GS.TS Trần Thanh Vân kỳ vọng.

 

Đình Hiệp

Nguồn: hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Nguoi-viet/742964/nguoi-gop-phan-nang-tam-khoa-hoc-viet