Dành cả cuộc đời cho một tình yêu lớn

Năm 1956, Trần Vĩnh Phúc được cử sang học ở  trường Đại học Sư phạm Lênin, Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp đại học (1961), ông về giảng dạy tại bộ môn Văn học Nga và Đất nước học Nga, Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ (1961 -1996). Năm 1976, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ngữ văn tại Đại học Sư phạm Mátxcơva. Hơn 40 năm giảng dạy, nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, đất nước Nga, PGS.TS Trần Vĩnh Phúc tác giả của nhiều công trình, bài báo nghiên cứu và là dịch giả của hơn 70 tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại Nga, đặc biệt là các sáng tác của Léptônxtôi.

Tại nhà riêng nằm trên phố Trần Quốc Hoàn, vào ngày đầu tháng 3, PGS.TS Trần Vĩnh Phúc chia sẻ với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: “Tôi bị cuốn hút bởi nền văn hóa Nga, lịch sử Nga tiên tiến, phong phú, đặc sắc trong đó phải kể đến văn học Nga; con người Nga đôn hậu; thiên nhiên Nga tuyệt đẹp với những hàng bạch dương và những bông tuyết lấp lánh. Từ tình yêu nước Nga mà tôi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về văn học Nga và đất nước Nga”.

  PGS.TS Trần Vĩnh Phúc với những bức tranh, kỷ vật về đất nước và con người Nga

Nhìn bức tranh sơn dầu hàng bạch dương (1958), bức tranh biển nước Nga (khoảng năm 1959), bức tranh Bà mẹ Nga (1960), và những ký họa về những người Nga nổi tiếng,… do chính ông vẽ, đặc biệt là một đoạn cây bạch dương được ông mang từ Liên Xô về khi tốt nghiệp Đại học, được treo trong căn phòng nhỏ, đã thật sự khẳng định được tình yêu đó.

Lê Thị Hoài Thu

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

  * Sau là Đại học Ngoại ngữ thuộc  Đại học Quốc gia Hà Nội.