Chuyện về nữ giáo sư đạt giải thưởng Kovalevskaia

Niềm vinh dự này không chỉ của riêng cá nhân chị mà còn là của cả tập thể giảng viên trường đại học Nông lâm Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên. Chị cũng là người phụ nữ thứ hai của Đại học Thái Nguyên được trao tặng giải thưởng cao quý này.

Trọn đời cho khoa học

Gặp chị, sau vẻ ngoài nhỏ nhắn, cương nghị là cả một nghị lực cũng như niềm đam mê công việc khó có ai có thể sánh được. Vừa từ phòng thí nghiệm, sang khu giảng đường đã thấy chị miệt mài truyền đạt kiến thức cho sinh viên.

Giáo sư Kim Lan (trái) phân tích mẫu thí nghiệm.

Chính thức giảng dạy tại Khoa Chăn nuôi Thú y – trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên từ năm 1979, lòng say mê nghề nghiệp đã giúp chị đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi chị mới bắt đầu làm giảng viên ở trường đại học, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu, sản xuất theo phương thức “tự túc, tự cấp” là chính. Lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc tự phát, hầu như không áp dụng bất cứ biện pháp khoa học nào từ nhân giống, chọn giống cho đến phòng chống bệnh dịch…

Thế nhưng, cùng với các thầy, cô giáo trong Khoa Chăn nuôi Thú y, chị đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành nông nghiệp nói chung.

Vừa giảng dạy đại học, sau đại học, vừa cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có các biện pháp điều trị hiệu quả… dấu chân của chị và các cộng sự đã in dấu ở khắp các tỉnh miền núi như: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu…

Nhiều năm làm công tác quản lý ở Khoa Chăn nuôi Thú y, từ Trưởng bộ môn, Phó trưởng khoa rồi Trưởng khoa, chị đã tổ chức rà soát, đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành của Khoa chăn nuôi thú y, mở thêm được 2 chuyên ngành mới cho khoa: Thú y và Nuôi trồng thủy sản.

Từ năm 2004 đến năm 2010, khi nhận trọng trách Phó hiệu trưởng trường đại học nông lâm Thái Nguyên, chị đã tham gia xây dựng chương trình và kế hoạch cho 23 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 7 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ và 7 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ. Chị đã trực tiếp hướng dẫn gần 400 khóa luận tốt nghiệp Đại học, hướng dẫn 34 luận văn Thạc sĩ, hướng dẫn 12 luận án Tiến sĩ…

Là một nhà giáo năng lực, nhiệt huyết, năm 2005 chị đã được công nhận chức danh Phó giáo sư, năm 2008 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và đến năm 2012 chị được công nhận chức danh Giáo sư, là ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Chị đã làm chủ nhiệm 14 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp Tỉnh, 1 đề tài cấp Đại học, 7 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu, đánh giá đạt loại tốt và xuất sắc. Hầu hết các đề tài do GS.TS. Kim Lan làm chủ nhiệm đều được ứng dụng vào công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết của gia súc, gia cầm ở các địa phương.

Có thể kể đến Đề tài cấp Bộ “ Nghiên cứu tình hình nhiễm giun, sán đường tiêu hoá ở dê cỏ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và biện pháp phòng trị” thực hiện từ  những năm 1993 đến 1997, đã xác định được đặc điểm dịch tễ của các bệnh giun, sán trên các đàn dê địa phương của các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang.

Hay như Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bệnh Coli dung huyết ở lợn con và biện pháp phòng trị tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang” thực hiện từ năm  2001 đến năm 2003;  Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hội chứng tiêu chảy, xác định một số vi khuẩn và ký sinh trùng đường tiêu hoá trong hội chứng tiêu chảy ở lợn từ sau cai sữa tại tỉnh Thái Nguyên và biện pháp phòng trị” thực hiện từ năm 2003 đến 2006 đã được tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao và đạt giải Nhất “Giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2006”.

Đề tài cấp tỉnh: “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma spp. (bệnh tiên mao trùng) cho đàn trâu tỉnh Tuyên Quang”, thực hiện năm từ  2013 đến năm 2014 chị và các cộng sự đã xác định được các đặc điểm dịch tễ của bệnh trong điều kiện sinh thái và điều kiện chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang, xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh; đã định danh được 3 loài côn trùng hút máu là môi giới truyền bệnh tiên mao trùng từ trâu bệnh sang trâu khỏe; đã xây dựng và ứng dụng phác đồ điều trị có hiệu lực cao và an toàn cho những trâu bị bệnh và dùng hóa dược dự phòng cho những trâu có nguy cơ nhiễm bệnh…

Đặc biệt, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp. trên gia súc ở Việt Nam” thực hiện trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014, là đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao đối với việc phát triển chăn nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc khi phân lập được các chủng tiên mao trùng gây bệnh ký sinh trùng đường máu ở trâu, bò, ngựa, dê.

Qua thực hiện đề tài, bằng phương pháp sinh học phân tử và ứng dụng công nghệ cao, GS.TS. Kim Lan và các cộng sự đã xác định được các chủng tiên mao trùng phân lập, nghiên cứu tách dòng và biểu hiện gen mã hóa kháng nguyên bề mặt của tiên mao trùng, sản xuất được kháng nguyên tái tổ hợp và chế tạo được các bộ KIT chẩn đoán bệnh. Chị và cộng sự đã chuyển giao 3500 KIT đã chế tạo và một phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng cho chi cục thú y 4 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình và Lai Châu để ứng dụng trên đàn gia súc của các tỉnh có kết quả tốt…

Ít khi nói về những thành công trong việc giảng dạy, nghiên cứu của mình, khi được hỏi, chị chỉ chia sẻ: “Thành công của tôi là công sức của cả một tập thể những nhà khoa học của nhà trường, của Khoa Chăn nuôi Thú y và cả các thế hệ sinh viên nữa. Để dành trọn tâm huyết cho nghề nghiệp, ngoài việc tự thu xếp, cân đối hợp lý giữa công việc ở trường với công việc trong gia đình, tôi còn có sự ủng hộ rất nhiệt tình của chồng và các con, cũng đều là giảng viên trường đại học. Ngoài danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Huân chương lao động hạng Ba, các bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên…thì phần thưởng lớn nhất của tôi chính là những kết quả khả quan thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các dân tộc khu vực trung du miền núi phía Bắc…”.

Thắp lửa đam mê

Hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan không còn tham gia công tác quản lý, nhưng hàng ngày chị vẫn đến giảng đường, trực tiếp giảng dạy cho các thế hệ sinh viên đại học và sau đại học. Mặc dù đã ở tuổi 60, nhưng lòng nhiệt huyết với công việc của chị chưa bao giờ giảm sút.

Chị vẫn dành thời gian cho những chuyến đi triển khai đề tài nghiên cứu, tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống bệnh cho vật nuôi ở các tỉnh, các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Công việc chuyên môn bận rộn nhưng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, chị đã tham gia phản biện độc lập, đánh giá luận án Tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo như Đại học thái Nguyên, trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện thú y quốc gia,…

Nói về chị, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: “Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan là một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành thú y, là nữ giáo sư duy nhất của Đại học Thái Nguyên. Tấm gương học tập, lao động, nghiên cứu, công hiến của chị chính là động lực cho đội ngũ giảng viên trẻ của Đại học Thái Nguyên phấn đấu, học tập và làm theo. Các đề tài khoa học của chị đều có tính khoa học, ứng dụng thực tiễn rất cao, đem lại hiệu quả rõ ràng cho các địa phương triển khai đề tài nghiên cứu…”.

Và ngay trong chính gia đình chị, hai người con trai cùng cô con dâu cũng học tập bố mẹ, đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, trở thành những Tiến sĩ, giảng viên trẻ tiềm năng của trường Đại học hàng hải Việt Nam và  Đại học Thái Nguyên, sát cánh cùng chị thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, cho các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc.

 

Bài, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên

Nguồn: baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-ve-nu-giao-su-dat-giai-thuong-kovalevskaia-20150306125745401.htm