Một kỷ vật của tình thầy trò

Chiếc phích đựng nước có màu sơn đỏ thắm với những bông hoa rực rỡ đã trầy xước, hoen lớp mạ theo thời gian được gia đình PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng và giữ gìn cẩn thận từ năm 1966 đến năm 2014. Khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại buổi Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đã kể cho chúng tôi nghe lai lịch về kỷ vật này.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao tặng chiếc phích – một kỷ vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 21-6-2014

Năm 1954, Trần Xuân Nhĩ ra Bắc với nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ, ông đã thi đỗ vào khoa Sinh học (khóa 1955-1957) trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dưới dự dìu dắt, hướng dẫn của thầy Lê Quang Long. Ngày đầu tiên gặp mặt các thầy cô, Trần Xuân Nhĩ rất ấn tượng với hình ảnh “thầy Long mặc áo trắng tựa như bác sĩ trong bệnh viện” khiến mọi con mắt của các học trò đều ngỡ ngàng. Rồi đến các buổi học trên lớp được “mục sở thị” tài lẻ của thầy Long khi “vẽ hình bằng hai tay trên bảng rất cân đối” cùng cách giảng bài lôi luốn, đối với Trần Xuân Nhĩ, những điều đó thực sự “rất sinh động, hấp dẫn, khiến ai cũng háo hức””[1].

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Xuân Nhĩ được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Động vật có xương sống và Giải phẫu người, Bộ môn Sinh lý người và động vật, Khoa Sinh vật học. Trong quá trình làm việc tại khoa, ông luôn được thầy Lê Quang Long giúp đỡ chân tình. Ông không thể nào quên kỷ niệm: “Đầu năm 1958, trường Đại học sư phạm Hà Nội chuyển về Cầu Giấy, khoa Sinh phải đi thực tế ở làng Yên Hòa. Khi đi gặt lúa giúp dân, nước ngập ngang bụng, đỉa bơi từng bầy… nhưng thầy Long vẫn xuống gặt, gánh lúa giúp dân đến mức nổi cả một “cục u” trên vai vì có lẽ chưa bao giờ thầy phải làm việc nặng nhọc như vậy”[2]…Năm 1965, giặc Mỹ leo thang bắn phá Thủ đô, trường Đại học Sư phạm sơ tán lên Việt Bắc, rồi về Hà Tây. Tại nơi sơ tán, thầy trò cùng bắt tay xây dựng lớp, phòng thí nghiệm, phải vào rừng đốn gỗ, lấy nứa dựng lớp học, rồi cùng nhau nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc lên phản xạ thần kinh của chuột bạch. Hay kỷ niệm hai thầy trò đèo nhau đi tìm địa điểm sơ tán ở Hưng Yên để nhường địa điểm ở Việt Bắc cho việc thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, mà va vào một người qua đường vì lạc tay lái.

Những năm tháng chiến tranh đó, cuộc sống vô cùng khó khăn, hàng hóa, lương thực, thực phẩm đều trở nên khan hiếm, hầu hết đều phải phân phối. Lúc bấy giờ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang sơ tán ở Hà Tây các loại vật dụng khi được phân phối về trường đều chia cho các khoa để tự phân phối, theo sự bình xét chặt chẽ, vì số lượng hàng ít nên chỉ một số người được mua. Trong một dịp phân phối ở khoa, thầy Lê Quang Long được xét mua chiếc phích đựng nước Trung Quốc – chiếc phích duy nhất của cả khoa.

Gần 50 năm gắn bó, đối với chúng tôi, chiếc phích là kỷ vật quý…”

Quen biết nhau trong những năm học tập ở Matxcơva và cùng trở về nước làm việc vào năm 1966, PTS Trần Xuân Nhĩ và kỹ sư Phạm Bích Thọ quyết định tiến tới hôn nhân. Một đám cưới đơn giản được tổ chức ở Hải Phòng (quê cô dâu) vào đúng ngày mồng 1 Tết âm lịch Bính Ngọ với sự chứng kiến của gia đình. Đến ngày mồng 4 Tết chú rể Trần Xuân Nhĩ mượn được nhà một người bạn để mời bạn bè, thầy cô đến chia vui. Trong đám cưới thời bao cấp, quà cưới thường là các vật dụng cần thiết trong gia đình như ấm chén, xoong nồi, bát đĩa hay chăn, màn…trong đó có chiếc phích là quà mừng của thầy Lê Quang Long.

Vốn luôn kính trọng người thầy tài năng, tận tụy và hết lòng yêu khoa học, thì bây giờ, tấm chân tình của thầy Lê Quang Long khi tặng cho trò chiếc phích theo tiêu chuẩn phân phối để làm quà mừng cưới, khiến ông rất xúc động và càng quý nể người thầy, người đồng nghiệp của mình hơn.

Đối với ông, chiếc phích là vật dụng vô cùng quý giá thời bấy giờ, nhất là đối với những người có gia đình, rất tiện lợi “chứa nước nóng để có thể dùng cả ngày”[3]. Đặc biệt, cuối năm 1966, khi vợ ông sinh con đầu lòng, chiếc phích càng trở lên hữu dụng hơn bao giờ hết. Chiếc phích có dung tích 2.5 lít luôn sẵn sàng nước nóng để pha sữa, tắm cho con. PGS Trần Xuân Nhĩ tâm sự rằng:“ Trong thời buổi kinh tế thị trường, thứ gì cũng sẵn như hiện nay thì các bạn có thể không hình dung ra được giá trị, ý nghĩa của cái phích nước sôi thời đó”[4].

Bà Thọ kể thêm: chiếc phích đã gắn bó với gia đình suốt những năm sơ tán về Hà Tây, vào Nam, ra Bắc. Gần nửa thế kỷ, từ khi ông Nhĩ còn là cán bộ giảng dạy khoa Sinh, đến những cương vị là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (1976-1981) cho đến Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1991-1997). Dù trải qua nhiều cương vị khác nhau, với điều kiện kinh tế đỡ khó khăn hơn, cuộc sống đã có đầy đủ tiện nghi hiện đại hơn, tuy chiếc phích đã cũ, màu sơn vỏ phích đã bị bong tróc do thời gian nhưng chúng tôi vẫn trân trọng lưu giữ như một kỷ vật quý mà thầy Long đã trao tặng và coi nó chính là một kỷ niệm đáng quý của tình thầy trò.

Qua thời gian, vật đổi sao dời nhưng tình nghĩa thầy trò, tình đồng nghiệp thì vẫn vẹn nguyên. Cứ vào tháng 3 hàng năm, dịp sinh nhật GS Lê Quang Long, những thế hệ học trò của thầy lại quây quần trong ngôi nhà nhỏ của thầy ở phố Nguyễn Đổng Chi để chúc mừng thầy và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đậm nghĩa tình thầy trò rất đáng quý.

Lưu Thị Thúy- Nguyễn Thúy Tiềm

______________________

[1] PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phát biểu trong buổi lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS.TS Lê Quang Long, ngày 21-6-2014.

[2] Như trên.

[3] Phỏng vấn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ngày 14-8-2014.

[4] Như trên.