Con nhà gia thế và thành đạt sớm trong khoa học
GS Nguyễn Đồng Chi sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập và yêu nước: Cha là Nguyễn Hiệt Chi, từng tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ – Tĩnh, và là người đồng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết, rồi về dạy học ở Trường Quốc học Huế và Quốc học Vinh. Anh trai là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, từng làm Thứ trưởng Bộ Y tế trong kháng chiến chống Pháp, và cũng là người cộng sự đầu tiên trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông. Thời kỳ Tiểu học Nguyễn Đổng Chi được học tập tại Vinh, Hà Tĩnh và Đồng Hới. Khi cha ông về Vinh dạy học thì ông cũng theo về học và tốt nghiệp trung học tại Vinh. Ngoài việc học tập ở trường, Nguyễn Đổng Chi còn được cha dạy thêm chữ Hán và chữ Nôm tại nhà, chính vì vậy nên Nguyễn Đổng Chi có một cơ sở vững chắc về ngôn ngữ với vốn tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Nôm khá bài bản.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Đổng Chi lên Kon Tum sống cùng anh trai. Việc ông lên Kon Tum, như lời kể của em trai ông-Nguyễn Hưng Chi là vào khoảng năm 1933 khi người anh Nguyễn Kinh Chi lên làm việc tại bệnh viện Kon Tum: “anh tôi biên thư về nhà đề nghị anh Đổng[1] lên cùng để anh em chung sống cho vui” [2]. Chuyển lên cùng anh trai ở Kon Tum không chỉ để “anh em chung sống cho vui”, mà nó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn, đó là bắt đầu cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Nguyễn Đổng Chi.
Tại Kon Tum, Nguyễn Kinh Chi đưa ra ý tưởng viết một cuốn sách để “giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người thượng ở Kon Tum, cụ thể là người Ba-na (Bahnar)” [3]. Theo sự phân công, Nguyễn Kinh Chi sẽ đọc tài liệu qua các nguồn thư tịch của Pháp còn Nguyễn Đổng Chi sẽ vào nghiên cứu thực địa trong vùng người Ba-na. Nguyễn Hưng Chi kể lại: “anh Đổng khi đó là một thanh niên 17-18 tuổi, anh vào các buôn ở xung quanh thị xã, làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng và cũng học cách nói chuyện, ve vãn các o dân tộc. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gồm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẩu chuyện dân gian, những bài ca hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những cuộc hội đâm trâu v.v…”[4].
Năm 1937, cuốn “Mọi Kon Tum” ra đời, đó là kết quả mà hai anh em Kinh Chi và Đổng Chi đã dày công nghiên cứu tài liệu và thực địa tại Kon Tum trong mấy năm. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu dân tộc học đặc biệt về một dân tộc ở Tây Nguyên, do người Việt Nam biên soạn, nó đặt vấn đề cho việc nghiên cứu các nền văn minh khác ở Tây Nguyên của người Việt. Khi đọc để viết lời giới thiệu cuốn sách này trong lần tái bản năm 2011 (với tên gọi “Người Ba-na ở Kon Tum”), TS Andrew Hardy-một nhà nghiên cứu người Pháp làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ đã đánh giá là: “một sản phẩm khoa học có chất lượng cao nhất. Kinh Chi là một bác sỹ và Đổng Chi chưa đầy 20 tuổi, nhưng cuốn sách của họ là dân tộc học thực sự, được nghiên cứu và viết ra bằng phương pháp khoa học và với tinh thần phê phán”[5].
“Một sản phẩm khoa học có chất lượng cao nhất”
Cuốn “Mọi Kon Tum” tái bản năm 2011 với tên “Người Ba-na ở Kon Tum”
Cuốn sách đầu tiên này không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đối với nền khoa học xã hội Việt Nam, mà với riêng Nguyễn Đổng Chi, cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt, bởi nó hình thành trong ông tinh thần đam mê khoa học, được tiếp xúc với phương pháp nghiên cứu điền dã, thu thập thông tin và xử lý thông tin. Cũng từ đó, sự nghiệp khoa học của Nguyễn Đổng Chi bắt đầu nảy nở. Năm 1941, Nguyễn Đổng Chi cho ra đời cuốn “Việt Nam cổ văn học sử”, và 1943 xuất bản tiếp “Đào Duy Từ”, đó cũng là những công trình nghiên cứu quan trọng có ảnh hưởng đến ông sau này. Năm 1943, công trình “Đào Duy Từ” của Nguyễn Đổng Chi được trao Giải thưởng Học hội Alexandre de Rhodes. Như vậy, tính đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, ở tuổi 30, Nguyễn Đổng Chi đã có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có hơn 3 cuốn sách đã xuất bản và gây được tiếng vang nhất định.
Khi nói về GS Nguyễn Đổng Chi, GS Văn Tạo cho biết: “Quê hương và gia đình có vai trò quan trọng đối với một con người. GS Nguyễn Đổng Chi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống, trong một vùng quê mang danh đất học. Dù sau này, chính gia thế lại gây ra những khó khăn cho cuộc đời ông, nhưng nó cũng tạo cho ông một nền tảng nhận thức khoa học từ thuở bé”[6].
Những ngày đầu về Ban Văn Sử Địa
Ban Văn Sử Địa được thành lập theo quyết định số 34/NQ/TW, ngày 2 tháng 12 năm 1953 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và GS Trần Huy Liệu được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Trong những ngày đầu, ban Văn Sử Địa đã tập hợp các nhà nghiên cứu từ Khu học xá Nam Ninh về nước, từ vùng Khu III và Khu IV ra và một số trí thức ở Việt Bắc để bắt đầu xây dựng một bộ khung về nhân lực cho cơ quan nghiên cứu đầu não của khoa học xã hội Việt Nam. Quan điểm của Trưởng ban Trần Huy Liệu là sử dụng các trí thức cũ uyên thâm về học vấn và đào tạo cán bộ trẻ để làm việc lâu dài về sau. Vì thế Trần Huy Liệu tìm cách liên hệ, mời các học giả, các nhà nghiên cứu như Trần Văn Giáp, Văn Tân, Lê Xuân Phương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Khắc Đạm và sau này là Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…về làm việc.
Trong số những người được Trần Huy Liệu mời về làm việc tại Ban Văn Sử Địa thì Nguyễn Đổng Chi là một trường hợp đặc biệt. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Đổng Chi hăng hái tham gia cách mạng, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông từ Hà Nội về Khu IV hoạt động. Đến năm 1952, do sức khỏe không tốt nên ông chuyển sang dạy học ở Hà Tĩnh. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình Nguyễn Đổng Chi bị quy là địa chủ, bị tịch thu gia sản và quản thúc tại huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), Hà Tĩnh. Đó là giai đoạn khó khăn của cuộc đời Nguyễn Đổng Chi nhưng chính uy tín trong nghiên cứu của ông, mà cụ thể là từ những công trình khoa học, ông đã được tạo điều kiện ra Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu.
“GS Nguyễn Đổng Chi là một nhà khoa học uyên bác, làm việc tận tụy với tấm lòng say mê hiếm có”
(GS Văn Tạo tại nhà riêng năm 2010)
Với nhiệm vụ phải biên soạn các bộ lịch sử Việt Nam, lịch sử văn học Việt Nam và địa lý Việt Nam mà lúc đó nhóm soạn thảo lịch sử văn học Việt Nam đã có Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong… nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu người. Trước đây, do GS Trần Huy Liệu đã từng đọc “Việt Nam cổ văn học sử” của Nguyễn Đổng Chi và ông rất ấn tượng. Vậy nên ông yêu cầu Văn Tạo, lúc đó là phụ trách hành chính của Ban viết thư liên hệ với Nguyễn Đổng Chi ở Hà Tĩnh mời ra Hà Nội làm việc. Nhận được thư, Nguyễn Đổng Chi đưa gia đình ra Hà Nội với hy vọng được tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học và cũng là để tránh việc quản thúc ở quê nhà.
Năm 1955, Nguyễn Đổng Chi đưa gia đình ra Hà Nội phải đối diện với vô vàn khó khăn, gian khổ. Ra đến nơi, ông liên hệ với Ban Văn Sử Địa và Văn Tạo được cử đến gặp ông để trao đổi. Lần gặp đầu tiên đã in đậm trong ký ức GS Văn Tạo: “Tôi đến gặp ông ở một ngôi lều tạm ven bờ sông Kim Ngưu. Lúc đó, ông mới đưa gia đình ra, không có điều kiện để tìm thuê nhà ở. Ông gặp được một người lái xích lô tốt bụng nên cho ở nhờ một túp lều bên cạnh nhà họ. Khi tôi đến gặp thì ông rất vui mừng và gửi gắm nhiều hy vọng…”[7]. Ông được Trần Huy Liệu nhận vào công tác tại Ban.
Vừa đặt chân vào Ban Văn Sử Địa làm việc chưa được bao lâu thì huyện Can Lộc gửi công văn ra Ban với nội dung yêu cầu Ban Văn Sử Địa trả Nguyễn Đổng Chi – thuộc thành phần gia đình địa chủ chưa cải tạo xong về địa phương để tiếp tục cải tạo, khi nào hoàn thành thì Ban có thể điều ra làm việc tùy theo chuyên môn. Nhận được công văn, Văn Tạo lên xin ý kiến của Trưởng ban Trần Huy Liệu. Biết rằng nếu để Nguyễn Đổng Chi về địa phương một thời gian thì cuộc sống sẽ gặp nhiều gian khổ trong khi ở Ban thì có nhiều việc cần ông làm nhưng trả lời thế nào cho địa phương thỏa đáng cũng không đơn giản trong điều kiện lúc bấy giờ. Trần Huy Liệu đã gọi điện trình bày với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bày tỏ nguyện vọng muốn giữ Nguyễn Đổng Chi ở lại làm việc và được Thủ tướng ủng hộ. Lúc này Trần Huy Liệu giao cho Văn Tạo soạn công văn gửi về huyện Can Lộc với nội dung: Ban Văn Sử Địa đã được sự đồng ý của Thủ tướng sẽ giữ Nguyễn Đổng Chi ở lại để giúp địa phương cải tạo tư tưởng và sử dụng ông về mục đích chuyên môn. GS Văn Tạo đánh giá: “Việc này đối với Nguyễn Đổng Chi là vô cùng quan trọng. Nếu Trần Huy Liệu không can thiệp thì thật khó nói được khi Nguyễn Đổng Chi về Hà Tĩnh cải tạo và quản thúc thì sự nghiệp khoa học cũng sẽ vô cùng hạn chế”[8]. Và cũng từ đó, Nguyễn Đổng Chi có điều kiện phát huy năng lực và đạt nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, mà quan trọng nhất là nghiên cứu văn học dân gian.
Một người tận tụy với gia đình
“GS Nguyễn Đổng Chi là một con người tận tụy với gia đình, có ý chí vươn lên rất mạnh mẽ, một khao khát sống để vượt qua khó khăn và tiến lên tầm cao mới”. Đó là ấn tượng lớn nhất mà GS Văn Tạo nhớ về người đồng nghiệp, bậc đàn anh của mình.
Gia đình Nguyễn Đổng Chi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là trong giai đoạn đầu mới ra Hà Nội sinh sống. GS Văn Tạo kể lại: “Gia đình Nguyễn Đổng Chi đông con, vợ thì chưa có việc làm còn các con vẫn còn bé, chưa đi làm nên chưa thể phụ giúp gia đình. Cả nhà sống dựa vào đồng lương eo hẹp của ông. Đã vậy, nhà cửa lại chật chội do không đủ tiền thuê nhà lớn. Nhưng giữa vòng vây của bao nhiêu gian khổ, ông vẫn biết tìm cách khắc phục và vươn lên hoàn thành các công việc được giao phó”[9].
Nguyễn Đổng Chi là một người cha mẫu mực và rất thương yêu, quan tâm đến con cái, dù cuộc sống kinh tế khó khăn nhưng ông luôn cố gắng chăm lo cho con một cách tốt nhất. Năm 1963, khi con trai là Nguyễn Huệ Chi (sau này là Giáo sư Văn học) ốm đau liên tục do thiếu vitamin. Nguyễn Đổng Chi đã viết thư cho Văn Tạo lúc đó đang ở Liên Xô nhờ giúp đỡ. Trong thư có viết: “Tôi có thằng con Huệ Chi bệnh tật liên miên, nó cần loại Vitamin B12 – 200 gam, muốn cậy anh mua hộ cho chừng 100 ống cho nó. Tôi nghĩ cần có chừng ấy vì sức khỏe nó hiện nay kém quá. Với điều kiện và phương tiện của anh, anh giúp đỡ cho đến mức nào cũng được cả, nhưng chỉ nhờ anh gửi sớm về cho càng sớm càng tốt”[10].
Thư Nguyễn Đổng Chi gửi đồng nghiệp Văn Tạo đang học tập ở Liên Xô, năm 1963
Chứa đựng trong con người tràn đầy khát vọng vươn lên là một đức tính khiêm nhường, giản dị đến hiếm có, “GS Nguyễn Đổng Chi có một chữ “nhẫn” rất lớn từ trái tim. Thường các trí thức từ nông thôn ra Hà Nội thời đó dễ gặp phải tâm lý tự ti hoặc tự ái khi phải đứng chung hàng với nhiều người ở các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng Nguyễn Đổng Chi thì khác, ông hòa nhập, không tự ti cũng không kiêu căng. Điểm nổi bật nhất ở ông là niềm tự hào về nghề nghiệp, về những thứ mình có và không ngừng vươn đến những tầm cao hơn, những tri thức mới hơn”.
Học giả uyên bác và say mê nghiên cứu khoa học
Hơn 20 năm làm việc ở Viện Sử học, sau đó chuyển sang xây dựng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Đổng Chi đã để lại một sự nghiệp khoa học to lớn. Nghiên cứu của ông chủ yếu về lĩnh vực văn học sử và văn học dân gian, ông đã dành hàng chục năm để đi thực địa nhằm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu văn học dân gian và biên soạn nhiều bộ sách lớn về vấn đề này. Bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt
Niềm say mê khoa học của Nguyễn Đổng Chi còn thể hiện bằng sự khát khao trao đổi, học hỏi. Những năm 1960, việc giao lưu với các nhà khoa học nước ngoài còn rất khó khăn và phức tạp. Với khát vọng được giao lưu, Nguyễn Đổng Chi rất muốn đi ra nước ngoài để trao đổi và sưu tầm tư liệu cũng như chia sẻ về phương pháp tiếp cận-một mong muốn không dễ hiện thực với điều kiện của ông. Biết Nguyễn Đổng Chi giỏi về thực địa và cũng có nguyện vọng được đi nghiên cứu nhiều nơi nên khi Viện Sử học nghiên cứu về vấn đề biển đảo, Trần Huy Liệu đã cử ông sang Quảng Tây sưu tầm tư liệu mà Viện đang thiếu. Đó là chuyến đi ra nước ngoài nghiên cứu của GS Nguyễn Đổng Chi mà GS Văn Tạo nhớ là “lúc về GS Nguyễn Đổng Chi rất vui mừng và mãn nguyện. Ông ghi chép rất chi tiết những thông tin mà ông thu thập được. Nhưng do nhiều điều kiện nên những tài liệu này chỉ để tham khảo trong viện”[12].
Tuy ít có điều kiện ra nước ngoài, nhưng việc trao đổi tri thức giữa Nguyễn Đổng Chi với các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng được triển khai qua nhiều "kênh" khác nhau. Những cuộc đón tiếp khách nước ngoài hay những hội thảo khoa học, là cơ hội để ông tham gia trao đổi. Từ đầu những năm 1960, Viện Sử học mời được một số chuyên gia Liên Xô sang nghiên cứu ở Việt
Khi Văn Tạo sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh (1961-1964), ông trở thành một cầu nối để Nguyễn Đổng Chi liên hệ trao đổi với các nhà khoa học ở Liên Xô. Trong bức thư gửi Văn Tạo ngày 07-02-1963, Nguyễn Đổng Chi đề cập đến cuốn sách mà ông đang viết: “Chắc hè năm nay anh sẽ về chơi. Anh sẽ chỉ giáo cho nhiều điều về cuốn Lịch sử phong trào nông dân của tôi. Hiện tại tôi đã viết được một nửa. Có nhiều vấn đề ông Goubert đã có giải thích nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn là bởi vì ông ta cũng nói chung chung. Tuy nhiên có nhiều điều ông ta cũng làm sáng tỏ lắm, rất bổ ích. Điều mà tôi thích nhất về vấn đề gì ông ta cũng giải quyết một cách chính thống”[13]. Sở dĩ ông viết vậy vì ông đã đọc tài liệu của ông Goubert – một nhà sử học Liên Xô và hai người đã có dịp trao đổi với nhau trong những lần làm việc ở Viện Sử học. Và Nguyễn Đổng Chi cũng muốn qua Văn Tạo, ý kiến này sẽ được trao đổi trực tiếp. Vậy nên, trong một bức thư sau đó, viết ngày 13-3-1963, Nguyễn Đổng Chi lại viết: “Những mắc mớ của tôi về cuốn khởi nghĩa nông dân chẳng qua chỉ xung quanh vấn đề hình thành dân tộc. Tất nhiên, phong trào nông dân không phải là phong trào dân tộc rồi, thế nhưng dân tộc ta hình thành từ bao giờ? Chắc chắn là không có khái niệm dân tộc phong kiến được. Thế nhưng những phong trào nông dân chống đô hộ nhà Minh, phong trào nông dân chống Pháp phải chăng là phong trào nông dân hay phong trào dân tộc. Tôi hiểu phong trào nông dân phải có hai tính chất: 1, tính chất đấu tranh giai cấp; 2, tính chất quần chúng. Nhưng khi nói tới phong trào nông dân không thể không nói tới những cuộc khởi nghĩa có tính chất quần chúng chống nhà Minh được… Nếu có cuốn sách nào nói về vấn đề đó hay là nói về lịch sử phong trào nông dân ở Nga, Pháp hay một nước khác ở Châu Âu anh sưu tầm hộ (chuyên sử) để xem cách họ trình bày như thế nào thì tốt cho tôi quá”[14]. Những trao đổi này của ông sau này đã gợi mở thêm ông để biên soạn một số công trình liên quan đến phong trào nông dân, trong đó có “Góp phần tìm hiểu lịch sử phong trào nông dân Việt Nam trong lịch sử xã hội phong kiến” mà ông dày công nghiên cứu từ 1968 đến 1978.
Niềm đam mê khoa học, sự tỉ mỉ trong nghiên cứu cũng như sự quyết tâm theo đuổi đến cùng các vấn đề nghiên cứu là một yếu tố tạo nên thành công của GS Nguyễn Đổng Chi, giúp ông vượt qua nhiều khó khăn để trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng và uy tín trong nền khoa học xã hội Việt Nam thế kỷ XX. Năm 1996, cụm công trình “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, “Lược khảo về truyện thần thoại Việt Nam” của GS Nguyễn Đổng Chi được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là một ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của ông cho lĩnh vực khoa học xã hội. Như GS Văn Tạo suy ngẫm: “Thời gian trôi đi rồi những vấn đề của lịch sử sẽ được soi rọi. Những ai có đóng góp cho nền văn hóa dân tộc rồi sẽ được ghi nhận xứng đáng và Nguyễn Đổng Chi là một nhân vật như vậy, càng ngày ông càng được tôn vinh và đó là ghi nhận xứng đáng”[15].
Bùi Minh Hào
______________________
[1] Nguyễn Hưng Chi vẫn gọi thân mật Nguyễn Đổng Chi là anh Đổng.
[2] Dẫn theo “Lời giới thiệu” của TS Andrew Hardy trong “Người Ba-na ở Kon Tum”. H-Tri thức, 2011.
[3] Như trên
[4] Như trên
[5] Như trên
[6] Phỏng vấn GS Văn Tạo về GS Nguyễn Đổng Chi ngày 07-3-2014. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[7] Như trên
[8] Như trên
[9] Như trên
[10] Trích thư GS Nguyễn Đổng Chi gửi GS Văn Tạo ngày 07-2-1963. Tài liệu đang lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt