PGS. NGND Tôn Thất Bách được biết đến là chuyên gia về lĩnh vực tim mạch của Việt Nam và là một nhà quản lý có uy tín và tầm ảnh hưởng không chỉ trong giới y học mà còn đối với xã hội nói chung. Đảm đương nhiều trọng trách như Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1993 – 2003), Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức (2003 – 2004), Đại biểu Quốc hội Khóa IX, X và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI (2002 – 2007), và có lẽ bởi vậy, những vấn đề đời sống dân sinh luôn được ông quan tâm đặc biệt. PGS Tôn Thất Bách còn được mệnh danh là “ông nghị với nhiều ý kiến sắc sảo, sâu sát thực tế” vì bên cạnh những ý kiến về vấn đề của ngành Y Dược: giá thuốc, viện phí, đời sống nhân viên ngành y, chất lượng đào tạo đội ngũ thầy thuốc… ông còn là một nhà “công tác xã hội” có tâm và có tầm.
Bài viết “Tai nạn giao thông – Phân tích qua một luận án” của PGS Tôn Thất Bách đăng trên Báo nhân dân, số ra ngày 29-10-2002
Tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông và tai nạn giao thông ngày một nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong theo đó ngày càng tăng đã thực sự là một vấn nạn kéo dài ở nước ta. Qua góc nhìn của một thầy thuốc, ở cương vị Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, PGS Tôn Thất Bách không khỏi xót xa trước tình trạng Bệnh viện lúc nào cũng quá tải vì cấp cứu bệnh nhân cũng như hàng ngày ông thường tiếp xúc và trực tiếp mổ cho nhiều bệnh nhân do tai nạn giao thông. Từ thực tế đó, ông luôn trăn trở muốn điều tra, tìm hiểu những căn nguyên, nguồn gốc của vấn nạn trầm kha – tai nạn giao thông để có thể đưa ra những giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng này.
Để thực hiện ý tưởng, PGS Tôn Thất Bách đã định hướng nghiên cứu cho học trò nhằm thông qua những số liệu điều tra y tế về những vụ tai nạn giao thông để tìm những lý giải liên quan đến những vấn đề xã hội. Thực hiện một đề tài như vậy trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, từ đối tượng cần tiếp cận là những nạn nhân đang được cấp cứu hoặc người thân của họ, đến việc trực chờ không kể thời gian ngày hay đêm ở bệnh viện để thu thập thông tin… Và sinh viên Bùi Mai Anh là người đã thực hiện ý tưởng đó và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bác sĩ tại trường Đại học Y Hà Nội vào tháng 6-2002, với đề tài “Góp phần tìm hiểu một số yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt – Đức”, do chính PGS Tôn Thất Bách hướng dẫn.
Tuy luận văn tốt nghiệp của sinh viên Bùi Mai Anh chỉ nghiên cứu với quy mô nhỏ, qua 1000 trường hợp tai nạn giao thông được ghi nhận tại Bệnh viện Việt – Đức từ tháng 11-2001 đến tháng 2-2002, nhưng đã được Hội đồng đánh giá cao và những số liệu đưa ra trong luận văn là những vấn đề đáng phải suy nghĩ.
Khẳng định những đóng góp của các thế hệ thầy trò trường Đại học Y Hà Nội, PGS Tôn Thất Bách mở đầu bài viết: “Ngày 15-11 (năm 2002- TG), trường Đại học Y Hà Nội sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Trong một trăm năm phát triển, trường Đại học Y luôn gắn bó và đóng góp cho đất nước, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực mà còn có cả những nghiên cứu khoa học và phục vụ. Một trong những đóng góp quan trọng của nghiên cứu khoa học được thể hiện trong các bản luận văn tốt nghiệp. Nếu như trước đây những luận văn tốt nghiệp của các bậc lão thành như Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu làm nền tảng cho những phẫu thuật hiện đại cắt gan, cát lách bán phần thì những thể hệ trẻ ngày hôm nay cũng noi gương các thầy đi trước cố gắng tìm tòi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người”[1]. Đi sâu giới thiệu các kết quả đáng chú ý trong luận văn của sinh viên Mai Anh về phân tích tình hình giao thông, trong đó đưa ra 4 yếu tố chủ yếu gây tai nạn như: đào tạo và cấp bằng lái chưa chuẩn; chất lượng đường sá; thời gian tai nạn xảy ra (vào ban đêm có nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong cao hơn ban ngày) và những yếu tố chủ quan khác: về giới tính, về địa bàn cư trú, về tỷ lệ người không có bằng lái, đội mũ bảo hiểm…, PGS Tôn Thất Bách đã lý giải về những nguyên nhân của thực trạng đó.
Về phương tiện tham gia giao thông ở Việt Nam, ông viết: “Trong nghiên cứu cho thấy phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe máy, chiếm 74% trong đó xe có dung tích trên 50 phân khối là 93.3% …”[2]. Từ số liệu đó ông phân tích: “Về đối tác gây tai nạn, điều ngạc nhiên của chúng tôi là lẽ ra nếu tính theo số lượng xe máy là đầu bảng rồi tiếp đến ô tô và sau đó mới đến phương tiện khác nhưng thực tế cho thấy xe máy là đầu bảng (41.8%), thứ hai là xe công nông (20.9%), thứ ba mới là xe ô tô (15.6%)”[3]. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề đào tạo và cấp bằng lái xe là đối tác quan trọng gây nên tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay. Theo PGS Tôn Thất Bách, đường sá và thời điểm gây ra tai nạn là yếu tố gây nên tai nạn rất cần quan tâm. Qua thống kê, các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường quốc lộ chiếm 37%, tỉnh lộ chiếm 32% và nội thị chiếm 25%. Như vậy, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu ở các quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt tỷ lệ tử vong ở quốc lộ và tỉnh lộ cao gấp 1.8 lần so với nội thị. Một số liệu đáng lưu tâm là tai nạn xảy ra ở đường nhựa chiếm đại đa số, nhưng số tai nạn xảy ra ở đường đất đá tuy ít hơn nhiều nhưng hậu quả chấn thương sọ não lại cao gấp 4.6 lần và tử vong gấp 16 lần đường trải nhựa. PGS Tôn Thất Bách coi thời gian là yếu tố thứ ba gây ra tai nạn giao thông: “Thời điểm gây ra tai nạn trong ngày chiếm 69.8% và trong đêm chỉ có 30.2%"”[4] nhưng hậu quả để lại thật nặng nề bởi "các ca chấn thương sọ não ở các vụ tai nạn trong đêm cao gấp 1.4 lần so với ban ngày và tỷ lệ tử vong cao gấp 2.5 lần"[5]. Ông nhận định, do ban đêm đường vắng nên các chủ thể tham gia giao thông thường chủ quan, chạy với tốc độ cao nên nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong cao hơn hẳn ban ngày.
Biểu đồ minh họa tỷ lệ tai nạn xảy ra theo loại đường
trong bản Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa của Bùi Mai Anh
Và những yếu tố chủ quan gây ra tai nạn giao thông phải kể đến: giới tính nam và nữ, địa bàn cư trú, nghề nghiệp, tỷ lệ người có bằng lái và không có bằng lái… PGS Tôn Thất Bách nhận thấy: "Tình hình giao thông hiện nay có hai vấn đề lớn: chung cho cả nước và là sự gia tăng báo động về tai nạn giao thông và riêng cho các thành phố lớn là sự tắc nghẽn giao thông”[6]. Từ đó, ông lý giải rằng: “Hạn chế xe máy chỉ làm giảm bớt ùn tắc giao thông nhưng kiểm tra việc học và cấp bằng cũng như chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của những người đi xe máy và điều khiển xe công nông có lẽ là biện pháp hữu hiệu cần làm sớm để hạn chế tai nạn giao thông cùng với việc phân chia làn đường, quy định tốc độ một cách hợp lý”[7].
Đồng thời, qua những số liệu điều tra nghiên cứu trong luận văn, ông phân tích: tai nạn xảy ra đối với những người sử dụng rượu bia chiếm 25% nhưng tổn thương sọ não cao gấp 2.5 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 1.24 lần. Người đội mũ bảo hiểm bị tai nạn chiếm 24.3%, nhưng những người không đội mũ bảo hiểm bị tổn thương sọ não cao gấp 5 lần và tỷ lệ tử vong cao gấp 2.08 lần. Như vậy, việc đội mũ bảo hiểm đã làm giảm nguy cơ thương tổn sọ não đi 5 lần và 2 lần nguy cơ tử vong và vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm cũng là một trong các yếu tố giảm bớt chấn thương khi gặp tai nạn giao thông. Từ những số liệu đó, ông đưa ra những khuyến cáo cho chủ thể tham gia giao thông, nên giữ tốc độ vừa phải trên đường quốc lộ và tỉnh lộ, thận trọng vào những thời điểm hay xảy ra tai nạn, khi đi xe trên những đoạn đường đất đá…
Hậu quả của các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam để lại nhiều vấn đề nghiêm trọng, đi liền với nó là những hệ lụy về tính mạng, sức khỏe con người và những tổn hại vô cùng lớn về vật chất, đồng thời gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế: “Các cơ sở ngoại khoa đều quá tải và thiếu kinh phí do phải điều trị tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, ngân sách y tế còn thấp, kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo rất thiếu trong khi Nhà nước bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ cho những người bị tai nạn giao thông.”[8].
Chỉ riêng năm 2013, cả nước xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người (Theo Báo Hà Nội mới, ngày 31-12-2013), mặc dù đã có chiều hướng giảm so với những năm trước, nhưng số liệu nói trên đã gây mối quan ngại sâu sắc cho các cấp lãnh đạo và toàn xã hội trước hiểm họa của tai nạn giao thông. Nhiều vấn đề được phân tích, cảnh báo trong Bài viết, như tình trạng dùng bia rượu khi cầm lái, việc đội mũ bảo hiểm, ý thức của người tham gia giao thông… đến nay đã được Nhà nước luật hóa.
Kết thúc bài viết của mình, PGS Tôn Thất Bách nhấn mạnh: “Tai nạn giao thông là một tai nạn có thể phòng tránh được nếu như có những hành động cụ thể của mỗi người dân cũng như các giải pháp thật cứng rắn của Nhà nước”[9].
Đã hơn một thập kỷ qua đi, bài viết của thầy hướng dẫn – PGS Tôn Thất Bách – phân tích những nội dung được trình bày trong luận văn tốt nghiệp của sinh viên Bùi Mai Anh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những vấn đề được lý giải trong bài báo với cái nhìn thấu đáo, toàn diện cả về mặt chuyên môn y học cũng như về mặt xã hội đã thể hiện cái tâm và tầm nhìn của một thầy thuốc tài năng, tâm huyết với nghề và của một nhà công tác xã hội luôn vì sự sống, sự an lành và hạnh phúc của con người. Và cũng thông qua bài báo có thể thấy rõ sự quan tâm, trân trọng những nỗ lực của các thế hệ học trò và sự định hướng trong đào tạo của PGS Tôn Thất Bách: Nghiên cứu khoa học phải gắn liền với thực tiễn; phải phục vụ, lý giải được những vấn đề của xã hội đang đặt ra.
Bích Phương
_________________