Từ bỏ giàu sang đi theo lý tưởng
Ông Hoàng Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí – Luyện kim, kiêm Tổng Giám đốc Khu gang thép Thái Nguyên sinh ngày 1/9/1923 tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình đại địa chủ. Đất đai của nhà ông Hoàng Bình, theo như bà Đoàn Thị Uyển (vợ ông) kể lại thì bà “chạy mãi không hết”.
Cha mẹ ông Hoàng Bình là cụ Hoàng Sỹ và cụ Nguyễn Thị Na. Cụ Hoàng Sỹ gọi theo tên có chức sắc thời phong kiến là Hàn Sợi, ông là một trong những địa chủ giàu có bậc nhất vùng Thanh Chương (Nghệ An) lúc bấy giờ. Mặc dù giàu có vậy nhưng cụ Hoàng Sỹ không bao giờ có tư tưởng hưởng thụ mà ngược lại ông rất siêng năng. Ông thường thức dậy khoảng 4 giờ sáng lúc trời còn tờ mờ sương, ông đi chân trần vào các điểm hàng để buôn gỗ hoặc ra thăm ruộng đồng.
Ông Hoàng Bình là người con thứ thứ tư trong gia đình 6 anh em, tuy nhiên ông và cha mình không hợp nhau, thường xuyên bất đồng quan điểm không giống như cậu em trai là Hoàng Khang luôn đứng về phía bố. Chính vì sự bất đồng này mà trong những năm học cấp III tại trường Khải Định (Huế), ông Hoàng Bình không được cha cấp kinh phí. Tuy nhiên ông Hoàng Bình vẫn quyết tâm đi học và tự mình lao động để có tiền trang trải các chi phí ăn ở, học tập và ông đã đỗ tú tài trường Khải Định năm 1944. Sau đó ông trở về làm việc cho một đơn vị ở quê nhà Thanh Chương. Trong thời gian công tác tại đây, ông thường xuyên tham gia các phong trào, các sự kiện yêu nước của địa phương như việc dụ dỗ Nhật để lấy súng cho quân cách mạng,… Chính vì lòng yêu nước, trước năm 1949, có lần ông Hoàng Bình đã nói với bố rằng “Bố nên hiến điền cho cách mạng đi” nhưng ông Hoàng Sỹ không nghe mà còn quát, do đó ông Hoàng Bình đã quyết định đi theo cách mạng.
Làm cách mạng bằng khoa học
Năm 1951 ông Hoàng Bình là một thành viên trong đoàn được Đảng và Bác Hồ cử sang Liên Xô học tập, mục đích của chuyến đi này nhằm đào tạo lớp cán bộ mới để sau này phục vụ phát triển đất nước. Trong khoảng thời gian đi học ở Liên Xô từ năm 1951-1957, để đảm bảo chuyên tâm học hành không sa ngã thì luôn luôn có nhóm 3 người đi với nhau, bảo ban, quản lý lẫn nhau và rất kỷ luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội năm 1964 trò chuyện
với các đại biểu giới trí thức.
Ông Hoàng Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật Khu gang thép Thái Nguyên (người ngoài cùng bên trái)
Được sống và học tập trong môi trường hòa bình, ông không bao giờ quên nhiệm vụ của mình vì vậy luôn sống chuẩn mực. Ngoài việc được đi học, được nước bạn chăm lo chu đáo, thời đó ông còn được hưởng lương 150 rúp mỗi tháng. Tuy nhiên, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, số tiền được hưởng ông gửi về nước 100 rúp ủng hộ Quỹ kháng chiến và chỉ để lại cho mình 50 rúp chi tiêu.
Chính vì thấy rõ trách nhiệm đối với đất nước, ông ý thức rằng “Mình không thể trực tiếp làm cách mạng trên chiến trường thì mình làm cách mạng bằng khoa học”. Ông Hoàng Bình chỉ lo học, đi đâu cũng học. Tác phong đó đã thấm vào máu ông, đến khi về nhà ông cũng không quên dạy con như vậy, ông viết thư về thường xuyên nhắc nhở bà Uyển phải học hành tử tế, tiếp tục trau dồi bản thân “Phải học, mình còn dốt lắm em à”, bà Đoàn Thị Uyển, kể lại.
Hết lòng vì công việc, vì anh em công nhân
Năm 1960 Khu gang thép Thái Nguyên bắt đầu xây dựng thì ông được Bộ trưởng Nguyễn Minh Loan cử lên làm việc tại tại đây với chức vụ Tổng Giám đốc và đến năm 1975 bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Cơ khí – Luyện kim, kiêm Tổng Giám đốc khu Gang thép Thái Nguyên.
Trong giai đoạn từ năm 1974 do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tưởng chừng phải ngừng hoạt động. Nếu quả thực điều này xảy ra thì tất cả anh em công nhân làm việc tại đây sẽ thất nghiệp, người thì về quê cày ruộng, người thì phải đi nuôi lợn nuôi gà, người thì đi chỗ này chỗ khác,… Ông Hoàng Bình đã tập trung các anh em lại với khẩu hiệu “Lôi kỹ sư ra khỏi chuồng lợn” với kế hoạch làm nhỏ nuôi lớn, lấy ngắn nuôi dài như làm phôi thép, làm que hàn,…
Ông Hoàng Bình giới thiệu với Đại tướng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp
về sản phẩm của lò cốc gầy tại Xí nghiệp Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên, 11-1982
Ông quyết tâm dốc toàn lực để hoàn thành đề án Lấy thép nuôi thép chống bao cấp. Có những lúc, nửa đêm trời Hà Nội rét căm căm vậy nhưng một mình ông vẫn thức để hoàn thành đề án đó. Có những đêm ông còn kéo cả bà Uyển dậy để đọc cho bà nghe bản thảo phương án Lấy thép nuôi thép. Sau đó ông đưa bản đề án này đứng lên trình bày ý tưởng của mình tại Hội đồng Chính phủ.
Trong khi còn đương nhiệm là vậy, thế nhưng đến lúc đã nghỉ hưu rồi ông vẫn không thôi đau đáu về sự phát triển của Khu Gang thép Thái Nguyên… Mỗi lần kể chuyện với chúng tôi, bà Uyển nhắc đi nhắc lại “Trước lúc qua đời, ông ấy vẫn không thôi nghĩ về sự nghiệp phát triển Khu Gang thép Thái Nguyên và cả cuộc sống của anh em công nhân nơi đây”.
Trình Sỹ Anh Dũng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam