Thầy Tùng là con người vĩ đại

Kính thưa các vị Lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Kính thưa các thầy, thưa toàn thể các vị đại biểu.

Hôm nay tôi rất hân hạnh được thay mặt cho cán bộ Bộ môn Ngoại của trường Đại học Y Hà Nội nơi mà GS Tùng là Chủ nhiệm Bộ môn từ xưa và nơi đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển ngành Phẫu thuật Việt Nam. Trước hết tôi xin cảm ơn sự có mặt và chúc các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

GS.TS Hà Văn Quyết

Chúng tôi là lớp học trò kế tiếp rất xa của thầy Tôn Thất Tùng, tuy rằng trong thời gian học nội trú chúng tôi rất vinh dự được thầy giảng dạy nhiều buổi lâm sàng và hàng ngày được học tập trên Giao ban của Bệnh viện, nơi có nhiều thế hệ các thầy đã dạy dỗ chúng tôi. Đối với thầy Tùng, rất nhiều kỉ vật được gia đình gửi cho Trung tâm bảo quản, lưu giữ. Chúng tôi rất cảm ơn và lấy làm hãnh diện bởi vì những kỉ vật này sẽ trường tồn và để lại cho các thế hệ, mỗi khi nhắc đến thầy Tùng người ta có thể xem lại những kỉ vật thiêng liêng của người thầy đáng kính.

Tôi cũng lần đầu tiên được đến đây và được xem tất cả các kỉ vật được lưu giữ trong Trung tâm, những kỉ vật này được bảo quản rất cẩn thận chứng tỏ sự trân trọng kỉ vật mà Trung tâm thể hiện không chỉ đối với thầy Tùng mà còn cả với các thầy, điều này chúng tôi rất cảm kích về sự cố gắng của cán bộ Trung tâm dành cho kỉ vật của các nhà khoa học.

Ở thầy Tùng, chúng tôi được học tập rất nhiều, những năm cuối của thầy Tùng chúng tôi vinh dự được học tập lâm sàng cũng như lên lớp, lí thuyết cũng như thực hành. Học thầy Tùng rất nhiều, không phải bản thân nhận thấy mà tất cả mọi người cũng như các học trò nhận thấy thầy Tùng là con người vĩ đại, đáng kính. Rất nhiều cái đáng học, chúng tôi chỉ nêu ra ba đức tính chúng tôi nhận thấy:

Thứ nhất, là sự hăng hái học hỏi, vươn lên, khiêm nhường trong công tác của mình. Nhất là những buổi chúng tôi lên lớp, thầy  thường trao đổi với chúng tôi về lí thuyết và dẫn ra các kinh nghiệm của các nhà phẫu thuật trên thế giới. Thầy tổng kết lại: “Chúng ta cần phải học họ, bởi vì những gì chúng ta nghĩ là người ta đã làm rồi”. Chúng tôi mãi mãi nhớ câu nói của thầy.

Thứ hai, là tình cảm thầy dành cho học trò rất sâu đậm. Chúng tôi là lớp sinh viên nội trú sống trong Bệnh viện, chính thầy là người đã chú ý đến đời sống của chúng tôi, trong những buổi trực thầy thường cho ăn phở… Đặc biệt, mỗi lần chúng tôi làm việc gì vất vả hoặc  thành công, thầy đều thưởng phở và 70.000. Tôi còn nhớ một ca, thầy Đệ, thầy Tôn Thất Lang, anh Bách mổ tim cứu một cậu thanh niên 19 tuổi. Bệnh nhân đã ngừng tim, có thể không làm được gì nữa. Ngay sau đó thầy Lang giao cho chúng tôi bóp tim, chính tôi là người bóp tim hơn ba tiếng đồng hồ trên bàn mổ và cho đến khi tự nhiên bệnh nhân co cứng, tôi hét to lên, các thầy ngay lập tức tiếp tục ca mổ, cứu được cậu thanh niên. Hôm sau thầy Tùng hỏi vất vả thế nào và thưởng ngay. Cho đến nay chàng thanh niên năm đó đã 50 tuổi, anh vẫn sống bình thường và chúng tôi vẫn liên lạc.

Thứ ba, là tính trung thực và thẳng thắn của thầy. Tôi nhớ một lần tôi mổ một ca làm hậu môn nhân tạo, thầy đứng bên cạnh thầy truy: làm thế nào, có phải baget deve không. Lúc ấy không thể biết baget deve là gì. Thầy hỏi làm thế nào? Tôi nói: “Làm khâu xong cho một ống Melaton vòng quai ruột đưa ra ngoài”. Thầy mắng, bảo: “Làm thế không được, ai dạy”. Tôi bảo các thầy dạy. Thầy nói: ngay lập tức xuống xem ngay không nó tụt vào trong thì nguy hiểm. Hôm sau thầy gọi lên bảo: “Em làm gì phải nhớ kĩ, phải nói thật, đừng như hôm qua em bảo baget deve là yên tâm không tụt, còn em nói dùng belaton thì chắc chắn tụt, về sau em nên rút kinh nghiệm”.

Nhân dịp này chúng tôi nhớ lại vài câu chuyện, thầy Đệ, thầy Sơn thì rất nhiều kỷ niệm. Chúng tôi nghĩ rằng những kỉ vật khoa học của thầy Tùng là những kỉ vật rất thiêng liêng, trường tồn mãi mãi. Chúng tôi hi vọng những kỉ vật này sẽ được Trung tâm phát huy, kể những câu chuyện về nó. Chính những kỉ vật ấy, những câu chuyện là di sản phi vật thể trường tồn mãi cùng với những câu chuyện mà chúng tôi vẫn nhớ mãi trong thời gian sau này.

Một lần nữa rất cảm ơn sự lắng nghe của các đại biểu. Chúc hội nghị thành công rực rỡ.

 

GS.TS Hà Văn Quyết

Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội