Anh hùng Lao động, GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Người làm “hồng thêm xuân mới”

9 năm biết bấy nhiêu ngày…

Kể từ ngày ông được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (HH&TMTW) đến nay đã gần 9 năm. 9 năm biết bấy nhiêu ngày thì cũng là chừng ấy thời gian, trên cương vị là người đứng đầu của cơ quan, GS.TS. Nguyễn Anh Trí trăn trở, vật lộn với những khó khăn chất ngất mà có lúc ông tưởng chừng không thể vượt qua.

Căng thẳng nhất là những năm 2003-2004 khi Viện mới tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai. Trong khi nhu cầu chẩn đoán, điều trị bệnh nhân tăng cao, áp lực đòi hỏi phải có đủ máu phục vụ cho các bệnh viện càng lớn, trong khi các chương trình, dự án mới bắt đầu, chưa xin được đất để xây dựng Viện, cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ có hơn 150 người thì 1/3 ở lại Bệnh viện Bạch Mai, mà phần lớn trong số đó là cán bộ nòng cốt, giàu kinh nghiệm. Lúc khó khăn như thế mới cần đến những người lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn, vừa có tầm nhìn xa, rộng. “Làm từng việc nhỏ và làm đến cùng. Đừng sợ khó, bạn sẽ thấy không có gì khó!”. Với ông, triết lý ấy đã thấm vào tim óc.

 GS.TS. Nguyễn Anh Trí.

Những kiến thức tích lũy từ khi ông theo học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đại học Luật Hà Nội và cả ở nhiều nước trên thế giới giờ đây mới phát huy tác dụng.

Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các chuyên gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Dự án xây dựng Viện do GS.TS. Nguyễn Anh Trí là đại diện chủ đầu tư đã hoàn thành xuất sắc, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Công trình bề thế trên diện tích 10.000m2 đất với 3 toà nhà hiện đại: 2 tầng, 8 tầng và 13 tầng có 1 sân bay trực thăng.

Viện được trang bị hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến cho phép chẩn đoán, điều trị các bệnh về máu, cơ quan tạo máu với số bệnh nhân hằng ngày trên 650 người. Trong Viện có Trung tâm Truyền máu Hà Nội, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn, chất lượng cho hơn 100 bệnh viện thuộc 16 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Xây dựng cơ sở vật chất đã khó, xây dựng đội ngũ cán bộ còn khó khăn hơn nhiều. Ông mạnh dạn đặt niềm tin vào tuổi trẻ. Ông nheo mắt cười: “Thắp từng ngọn lửa nhỏ để ngày mai bừng ánh thái dương”. Hàng trăm bác sĩ trẻ được tuyển chọn, tham gia đào tạo các khóa ngắn hạn, dài hạn tại những nước có nền y học tiên tiến như châu Âu, Bắc Mỹ. Hiện nay Viện có gần 650 cán bộ, nhân viên; trong đó nhiều cán bộ trẻ có học hàm, học vị cao nắm giữ những trọng trách của Viện như PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, TS. Nguyễn Triệu Vân, ThS. Bạch Quốc Khánh…

Dựa vào lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo chính quy, bài bản nên nhiều kĩ thuật cao đã ứng dụng thành công tại Viện. Điển hình như thực hiện thành công ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và tự thân để điều trị các bệnh máu ác tính như lơ-xê-mi, đa u tủy xương, u lympho ác tính… Trong tương lai gần Viện sẽ mở rộng cho nhiều nhóm bệnh lý khác nữa.

“Kiến trúc sư trưởng” của hệ thống huyết học – truyền máu Việt Nam

Là Viện trưởng Viện HH&TMTW, GS.TS. Nguyễn Anh Trí chính là “kiến trúc sư trưởng” của mạng lưới chuyên ngành huyết học và truyền máu trên toàn quốc. Để tăng cường năng lực cán bộ cho hệ thống, chỉ tính trong 3 năm (2007-2009) GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã kí quyết định cho hơn 350 cán bộ chuyên khoa trong cả nước đi học tập về chuyên môn và quản lý ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ… Đã có thời điểm, có đến 40 cán bộ trẻ trong cả nước học tập tại Trung tâm Truyền máu Singapore. Lăn lộn, quyết liệt, chú ý lắng nghe, tích cực tháo gỡ khó khăn… với vai trò là Giám đốc Dự án Trung tâm truyền máu khu vực, GS. Nguyễn Anh Trí  đã góp phần quan trọng xây dựng nên mạng lưới chuyên ngành huyết học và truyền máu trên khắp cả nước.

 

Ban đầu là 4 trung tâm truyền máu khu vực tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Cần Thơ… bao phủ 21 tỉnh, thành phố và gần 30 triệu dân. Tiếp đến nhiều vùng như Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắc, Khánh Hoà, Bình Định, Kiên Giang… Viện giống như một trái tim, và hệ thống huyết mạch đã và đang dần lan tỏa khắp vùng, miền tạo nên một mạng lưới mà hiện nay được Bộ Y tế đánh giá là một trong những mạng lưới chuyên ngành hoàn chỉnh và hiệu quả nhất trong các mạng lưới chuyên ngành.

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS.TS. Nguyễn Anh Trí.

Hồng thêm xuân mới

Mấy chục năm lăn lộn trong ngành, ông đã chứng kiến biết bao chuyện buồn, vui liên quan đến nguồn máu. Cung cấp máu kịp thời, cứu sống được người bệnh. Thiếu máu, bác sĩ chờ, bệnh nhân chờ. Thiếu máu, tất cả đành bất lực ngồi nhìn cơ hội sống của người bệnh trôi qua. Ông kể: Những năm trước đây có 2 mùa thiếu máu trầm trọng là dịp sau Tết Nguyên đán và mùa hè. Vào những dịp ấy, lượng người đi hiến máu giảm hẳn, trong khi nhu cầu máu thậm chí còn tăng lên làm cơn “hạn hán” càng nghiêm trọng. Lực lượng hiến máu chủ đạo là thanh niên, sinh viên.

 

Khi họ nghỉ tết, nghỉ hè đồng nghĩa số người hiến máu giảm mạnh. Thêm nữa, vào dịp đầu xuân mới mọi người thường quan niệm hiến máu sẽ bị xui xẻo, nên trong mấy tháng đầu năm rất ít người đi hiến máu. “Viện họp đi họp lại, rồi đưa quyết tâm phải xóa mùa thiếu máu. Nhưng xóa bằng cách nào? Câu hỏi ấy làm mái tóc tôi bạc thêm” GS.TS. Nguyễn Anh Trí cười xòa. Ý tưởng làm một lễ hội hiến máu vào mùa xuân bắt đầu từ đó. Ông hồ hởi kể về ý tưởng: “Mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, sức sống mãnh liệt, màu hồng tượng trưng cho những giọt máu tình nguyện cứu người. Vì thế mới có tên “Lễ hội Xuân Hồng”. Cả Viện bắt tay vào công việc, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo TP. Hà Nội, Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo Hà Nội quyết tâm làm “hồng thêm xuân mới”.

Năm 2008, Lễ hội Xuân Hồng đầu tiên thu hút 5.000 người tham gia, tiếp nhận 2.500 đơn vị máu. Chưa đúng với kì vọng, nhưng cũng đáp ứng phần nào lượng máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân sau dịp tết. Nhưng theo dòng thời gian, thêm nhiều sáng kiến khiến Lễ hội Xuân Hồng ngày càng phong phú, sức lan tỏa ngày càng lớn. Đến Lễ hội năm 2012 đã thu hút tới 25.000 người tham gia, lượng máu thu được là trên 7.500 đơn vị. Chứng kiến không khí của Lễ hội Xuân Hồng 2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rất cảm động trước hiệu quả và đặc biệt các hoạt động mang đậm tính nhân văn hướng đến cộng đồng. Phó Chủ tịch cũng gợi ý rằng: “Cần nhân rộng Lễ hội Xuân Hồng trên phạm vi cả nước và ở nhiều đối tượng khác ngoài học sinh, sinh viên”. Hơn thế, dưới góc độ chuyên môn, Lễ hội Xuân Hồng còn là cơ hội quý báu để những cán bộ các Trung tâm truyền máu tập dượt nhằm ứng phó trong trường hợp thảm họa lớn xảy ra để có thể tiếp nhận và phân phối một lượng máu lớn trong thời gian ngắn nhất.

Lễ hội Xuân Hồng – một nét sáng tạo rất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, nó sẽ tồn tại với phong trào hiến máu nhân đạo trong cả nước và thực sự là thương hiệu của Viện HH&TMTW và gắn liền với tên tuổi của GS.TS. Nguyễn Anh Trí.

Văn minh bệnh viện

Với 18 năm công tác tại Bệnh viện Hữu nghị, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã học được nhiều điều từ các thầy đi trước như GS. Phạm Song, TS. Nguyễn Xuân Lương, BS. Nguyễn Xuân Hướng, GS. Hoàng Đức Kiệt… Thời kỳ đó, bệnh viện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ y tế tận tâm vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Sau này, trong thời gian học tập tại Nhật Bản, ông càng tâm đắc hơn.

 

Ông cho rằng tinh thần võ sĩ đạo, cách đối nhân xử thế của người Nhật rất gần với truyền thống cần cù, giàu lòng nhân ái của người Việt Nam. Ông nhớ lại một câu chuyện. Có một đồng nghiệp người Nhật làm việc tại phòng xét nghiệm ở Viện Nghiên cứu khoa học sức khỏe (Yokohama) – nơi ông học tập, đã mắc sai sót khi làm xét nghiệm cho một bệnh viện ở Osaka, cách đó khoảng 200km. Mặc dù chỉ là một sai sót nhỏ nhưng khi biết, ông này đã tự xin xuống làm lao công quét dọn bệnh viện trong 2 tháng. Sau khi làm lại xét nghiệm, toàn bộ Ban lãnh đạo của Viện đã đi xe đến tận nơi xin lỗi khách hàng.

 

Họ quan niệm, khách hàng nuôi sống bệnh viện, nếu một lần bất tín sẽ mất một khách hàng, nếu mất một khách hàng sẽ mất nhiều khách hàng và bệnh viện sẽ phải đóng cửa. Những bài học đó rất quý giá và bổ ích cho ông trong công việc chuyên môn hằng ngày cũng như trong công tác quản lý, điều hành đơn vị. Ông là người đưa triết lý ấy vào Viện: “Bệnh nhân là khách hàng, chúng ta là người phục vụ”. Giờ đây, Viện HH&TMTW đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân trên phạm vi cả nước.

 GS.TS. Nguyễn Anh Trí (áo trắng) động viên bạn trẻ hiến máu trong Lễ hội Xuân Hồng.

Người may mắn

GS.TS. Nguyễn Anh Trí cho rằng mình là người may mắn. Ông gặp những điều may mắn ấy trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Ông sinh năm 1957 ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lớn lên đúng vào giai đoạn mảnh đất quê hương gánh chịu những thử thách khốc liệt nhất của chiến tranh. Đói nghèo – khốc liệt mà ông cho đấy là may mắn, kể cũng lạ! Ông bảo: “Điều ấy đã tôi luyện làm nên tính cách quyết tâm và không ngại khó của mình”.

Từ khi học ở trường làng, cho đến sau này vào Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Quân y, Trường ĐH Luật Hà Nội… và đi tu nghiệp ở nước ngoài, ông đã được các thầy cô giáo yêu quý và hết lòng dạy dỗ, chỉ bảo. Ông cho rằng đó thực sự là một may mắn của cuộc đời ông! Nếu như thế thì trên đời này nhiều người may mắn có kém gì, nhưng sao mọi thứ cứ trôi đi mà chẳng có gì đọng lại. Hay họ không quan tâm đến cơ may trời cho ấy? Ông cười: “Cả đời mình, học là học thật. Học thật để làm thật”.

Giờ đây khi có trong tay những danh hiệu cao quý nhất của người thầy thuốc: Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS.TS. Nguyễn Anh Trí vẫn giữ cho mình thói quen từ thời sinh viên – ông vẫn nán lại cơ quan sau giờ làm việc để đọc sách, để suy ngẫm. Ông bảo: “Mình còn nhiều việc phải làm để Viện và ngành huyết học – truyền máu Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới”. Những đồng nghiệp và những người đã từng biết GS.TS. Nguyễn Anh Trí luôn tin rằng khát vọng ấy không xa vời đối với một đơn vị đoàn kết, năng động và quyết tâm như Viện HH&TMTW.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Nguồn: www.baomoi.com/Home/SucKhoe/suckhoedoisong.vn/Nguoi-lam-hong-them-xuan-moi/8841355.epi