Giáo sư Đặng Hanh Đệ: Chẳng lẽ lại trách mấy ông nhà điện

 

Ông là một trong những học trò được yêu quý nhất của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng. Giống như bao thanh niên thế hệ những năm 50 của thế kỷ trước, ông đến với nghề y và chuyên ngành phẫu thuật tim hoàn toàn theo sự phân công. Nhưng ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy quả tim đập, cái cảm giác vừa hồi hộp vừa tò mò đã thúc đẩy chàng trai ngày ấy theo đuổi cái nghiệp mổ tim cho tới tận bây giờ.

Trò cưng của GS Tôn Thất Tùng – cũng không ít lần muốn bỏ nghề!

Gặp Giáo sư, bác sĩ Đặng Hanh Đệ tại căn nhà ấm cúng của ông trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), một ngày đông se lạnh. Có cái cảm giác lòng thật nhẹ và thật yên bình. Ngoài đời, ít ai nghĩ được rằng ông bác sĩ già đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi này vẫn còn chắc tay cầm dao mổ, nhiệt huyết và lương y dành cho nghề vẫn còn nóng hổi để giành giật lại những trái tim bệnh tật từ tay của tử thần.

Công việc của một bác sĩ vốn dĩ đã không đơn giản nhẹ nhàng, đối với các bác sĩ phẫu thuật lại càng nhiều áp lực hơn. Nhất là khi họ nắm giữ trong tay mình quả tim, tính mạng của những con người không ngừng hy vọng được sống.

Cũng chính bởi trọng trách nặng nề như vậy, mà mỗi khi gặp thất bại trong quá trình phẫu thuật – một điều khó tránh ngay cả với những bác sĩ giỏi nhất, bệnh nhân không may tử vong, không chỉ là nỗi buồn lớn cho gia đình người bệnh mà còn là sự thất vọng cực kỳ lớn với người bác sĩ cầm dao mổ.

Là một bác sĩ đã có gần 50 năm gắn bó với ngành, nhưng Giáo sư Đệ cũng đã không ít lần có ý nghĩ từ bỏ và chuyển sang một nghề nghiệp khác. Làm sao mà không buồn khi chứng kiến những sự sống ra đi trên tay mình. Cái cảm giác đau lòng, mất mát cứ xoáy sâu và thắt chặt lấy trái tim của người thầy thuốc. Nhất là những khi người nhà bệnh nhân không hiểu, không thông cảm và oán trách bác sĩ thì nỗi đau lại nhân lên gấp bội.

Chính trong những thời điểm tưởng chừng như tuyệt vọng nhất ấy, Giáo sư, người thầy, người đồng nghiệp đáng kính Tôn Thất Tùng, người cũng đã trải qua hết các cung bậc cảm xúc nghề nghiệp nên thấu hiểu rất rõ tâm lý của các bác sĩ trẻ đã ở bên cạnh, động viên kịp thời.

Nhớ lại những giây phút ấy, Giáo sư Đệ vẫn còn nguyên vẹn sự xúc động, với ông đó là những lời động viên cực kỳ quý giá giúp ông và các đồng nghiệp khác tiếp tục vững bước trên con đường lương y.

Đối với gia đình bác sĩ Đặng Hanh Đệ thì ấn tượng sâu đậm về Giáo sư Tôn Thất Tùng không chỉ là tình cảm của người thầy đáng kính có tính tình vui vẻ, nhạy cảm, đôn hậu đó còn là tình cảm mà bác sĩ Đệ đã chia sẻ rằng “đó là những tình cảm khó có thể tìm lại được trong thời hiện đại này”.

Ông lý giải rằng có lẽ chính trong thời điểm chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhưng con người ta sống với nhau rất chân thành, tình nghĩa và thật lòng hơn cuộc sống no đủ bây giờ nhiều.

Hơn nửa đời người làm nghề, cho đến bây giờ, bác sĩ Đệ cũng không thể nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ, đã cứu sống bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng những người đã được bàn tay tài hoa, khéo léo như một nghệ nhân của ông cứu sống thì không bao giờ có thể quên. Có những gia đình, từ cha mẹ đến con cái đều được bác sĩ Đệ mổ tim.

Nhiều khi đi ra đường, bác sĩ Đệ không khỏi ngỡ ngàng khi có những bệnh nhân sau mấy chục năm vẫn nhớ mặt mình, vẫn nhớ ơn mình. Và với bản thân ông, có những kỷ niệm ông cũng không thể nào quên.

“Khi tôi xuống Hải Phòng để mổ cho một cháu bé 5 tuổi bị hẹp van động mạch trong tình trạng khó thở nặng. Tôi ra ngoài hành lang đón cháu từ mẹ cháu, tôi có nói với mẹ cháu rằng, chị cứ ở ngoài này đợi, khoảng 1 tiếng nữa tôi sẽ gửi lại cháu. Ánh mắt của người mẹ lúc ấy đã đặt trọn niềm tin nơi tôi.

Trước tiên mình phải làm quả tim nó không có máu, nên phải kẹp các mạch máu trở về tim và rạch chỗ van bị hẹp. Trong thời gian ấy não không có gì nuôi, tất cả các thao tác phải xong trong 5 phút, nếu không não sẽ chết, não chết mà quả tim có sống thì người sống cũng thành thực vật. Đúng lúc tôi mở quả tim ra, khoảng hơn 1 phút thì mất điện, cả phòng tối um.

Trong bóng tối, xâm chiếm tôi là một cảm giác hết sức sợ hãi và hoang mang, mình vừa nhận cháu bé từ bà mẹ mà bây giờ chắc chắn nó sẽ chết trên tay mình. Rất may người gây mê cùng tôi khi ấy lại mang theo cái đèn soi họng bé đúng bằng con đom đóm, anh ấy đặt sát vào nơi tôi mổ, tôi nhìn hơi lờ mờ vùng lập tức tôi khâu ngay lại van bị hẹp vừa được rạch ra.

Khâu xong tôi hỏi, bao nhiêu rồi, 4 phút 30 giây và lập tức thả tất cả các ống cặp ra. Quả tim lúc này đã đập lại, cháu bé đã được cứu sống. Những trường hợp vừa sợ hãi, vừa vui mừng như thế này những bác sĩ trong nghề như chúng tôi đã trải qua nhiều. Đôi khi không biết phải oán trách ai, chẳng lẽ lúc ấy lại oán trách mấy ông nhà điện cắt điện đột ngột!

Ngày trước, khi các bác sĩ nước ngoài đến thăm cơ sở của chúng ta, họ đã rất kinh ngạc bởi không hiểu tại sao mình lại đồng ý mổ cho bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm như vậy. Nhưng nếu không mổ thì bệnh nhân sẽ chết. Và lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi làm như vậy!”.

Anh yêu em không sáp ong

Hè thúc giục phượng khoe tươi sắc nở.

Đỏ non song thắm đỏ đất trời.

31/5 thêm 1 tuổi rồi, đời đẹp lắm anh ơi đời đẹp lắm.

Hãy cứu lấy trái tim gần nguội lạnh,

Nối lại dòng máu nóng chảy qua tim.

14/3 em nhớ mãi không quên, anh đã mổ được tim từ đấy.

Anh ơi gió hồ Tây song nổi, ánh trăng vàng sóng sánh chơi vơi.

Nhưng trăng không tách làm đôi.

Dễ gì ai tách được đời chúng ta.

Đây chính là những vần thơ mà bà… đã viết tặng cho người chồng, người đồng nghiệp của mình trong gần nửa thế kỷ qua. Bên tách trà sáng, thưởng thức vị nồng ấm, nghe bà đọc lại những vần thơ viết ấy. Có cái cảm giác lâu lắm rồi mới gặp được một tình yêu nồng nàn và bền vững đến vậy giữa thời buổi mà tình yêu đôi khi bị đặt lên bàn cân với quá nhiều tính toán, quá nhiều so đo và thật ít sự chân thành…

Thuật ngữ “Yêu không sáp ong” được xuất phát từ thời xưa, người La Mã thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, có lỗ, sứt mẻ, thì họ lấy sáp ong nhét vào những lỗ đó, rồi đánh cho thực trơn láng. Cũng giống như phụ nữ lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn.

Những cột cẩm thạch nào không có sáp ong, thì là dấu tuyền vẹn, và gọi là: Sine cera; Sine: không, cera: sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này dính lại thành một là “sincera”, và có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành thực, chân thành.

Ngày tôi đến phỏng vấn cũng chính là ngày hai vợ chồng bác sĩ Đệ kỷ niệm 47 năm ngày yêu nhau, đã cùng ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đã cùng nhau trải qua rất nhiều biến cố, vậy mà họ vẫn nhớ như in ngày đầu nói lời yêu, rồi cưới và dành ra một khoảng thời gian riêng tư bên nhau. Những lúc ông đi học hoặc đi làm xa, ông bà tuần nào cũng viết thư cho nhau. Bây giờ giở ra, gia tài tình yêu qua thư của ông bà là cả 1 valy đầy.

Mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng và khuôn mặt vẫn còn lại những nét hấp dẫn thời trai trẻ, bác sĩ Đệ cũng từng được rất nhiều thiếu nữ thầm yêu trộm nhớ, tôi đùa rằng chắc bác sĩ cũng phải đa tình lắm. Ông vừa cười vừa trả lời rằng: “Tôi bị một cô gây mê toàn phần rồi, nên không thể yêu ai ngoài cô ấy nữa” rồi quay sang âu yếm nhìn vợ.

Hóa ra là bà cũng là một bác sĩ gây mê. Ông bà cùng học tại Trường Đại học Y Hà Nội, rồi sinh hoạt văn nghệ chung và yêu nhau. Mọi buồn vui trong công việc ông bà đều chia sẻ, những khi ông gặp phải ca mổ khó, bệnh nhân tử vong, về nhà chẳng thiết ăn thiết uống, buồn bã chán nản, thậm chí xen lẫn cả cảm giác áy náy, hối hận vì không thể cứu được bệnh nhân. Bà lại bên ông, cùng trò chuyện chia sẻ, nấu cho ông một bữa ăn ngon, cùng ông đi dạo để giúp ông khuây khỏa, động viên ông tiếp tục công việc. Nếu như không có sự chân thành và trung thành của người vợ, người bạn tri kỷ ấy, có lẽ bác sĩ Đệ đã không còn chắc tay mổ như bây giờ.

Gia đình bác sĩ Đặnh Hanh Đệ là một gia đình có truyền thống về nghề y, cụ thân sinh của bác sĩ Đệ là bác sĩ Đặng Hanh Kiên cũng là một trong những bác sĩ rất giỏi trong khoá bác sĩ Đông Dương ngày trước, đồng thời có nhiều đóng góp trong kháng chiến.

Sau này, vợ chồng bác sĩ Đệ có được 2 người con, bác sĩ Đặng Hanh Sơn cũng nối nghiệp cha để trở thành một bác sĩ mổ tim có uy tín. Nhớ lại kỷ niệm về những ngày đầu cậu con trai đi học Y có ý định chuyển ngành, cả gia đình đã phải dành cả đêm để vận động, thậm chí “ép buộc” anh Sơn theo nghiệp của cha mẹ, cho dù đã lường được hết những khó khăn vất vả.

Ấn tượng theo tôi sau khi rời khỏi căn nhà ấm áp của vợ chồng Giáo sư, bác sĩ Đặng Hanh Đệ không chỉ là sự lỗi lạc, niềm tâm huyết và tấm lòng hết lòng vì người bệnh của vợ chồng bác sĩ mà còn ở tình yêu nồng nàn vượt thời gian của họ dành cho nhau.

Hình ảnh bàn tay ông đặt nhẹ lên bàn tay bà chứng tỏ tình cảm thuỷ chung không cần tô màu, một tình yêu “không sáp ong” như ông đã chia sẻ. Và bí quyết để họ giữ gìn được những tình cảm ấy là điều không có gì xa lạ với tất cả chúng ta, nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là lòng tin yêu và sự tôn trọng

 

Nguyễn Xuân Quỳnh

Nguồn: www.cand.com.vn/vi-VN/nguoinoitieng/2009/2/105265.cand