Được biết, Giáo sư Đỗ Quốc Sam bị căn bệnh ác tính đã lâu, đã đi Singapore để chữa trị nhiều lần nhưng vẫn thấy anh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành báo cáo về tiêu chí của một nước Việt Nam “cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, viết sách về phát triển và đổi mới, xuất hiện tại các cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tôi vừa cảm phục sự chịu đựng bền bỉ và nghị lực phi thường của anh, và vẫn tin rằng anh đang vượt lên bệnh tật để làm việc và có sản phẩm nghiên cứu.
Khoảng hai tuần nay, nghe anh nhập viện tôi vẫn hy vọng anh sẽ qua khỏi và trở lại bàn làm việc với chiếc máy tính.
Được tin anh đã qua đời, tôi vẫn cảm thấy anh ra đi quá đột ngột và đau xót về sự mất mát to lớn đối với đất nước. Một nhân cách lớn, một nhà khoa học trung thực, tâm huyết, một tấm gương sáng về đạo đức đã vĩnh viễn ra đi.
Anh Đỗ Quốc Sam thuộc thế hệ những nhà khoa học đầu đàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng đất nước trong hòa bình. Sau khi học tập ở Khu học xá, Nam Ninh trong những năm 1950, anh Sam được cử đi học đại học ở Trung Quốc và sau đại học ở Liên Xô cũ.
Về nước, anh làm hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng. Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản nhà nước, Trưởng ban Công nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Trong hơn 30 năm họat động trên cương vị lãnh đạo ở cấp Ủy viên trung ương Đảng, bộ trưởng, anh Sam đã có những đóng góp cá nhân to lớn cho nhiều kế hoạch 5 năm, cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Anh Đỗ Quốc Sam là một “chung gia” (generalist) hàng đầu ở Việt Nam, là người có hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, xây dựng, đầu tư và chiến lược phát triển và có năng lực kết hợp nhuần nhuyễn các lĩnh vực khác nhau để vận dụng vào thực tế Việt Nam. Anh đã phát triển tư duy chiến lược ở tầm kinh tế quốc dân, là người đã trực tiếp thúc đẩy quá trình mở cửa, bình thường hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.
Anh Sam là người lãnh đạo có đóng góp hàng đầu về việc chuẩn bị các dự án đầu tư lớn, thực hiện các tư tưởng chiến lược về công nghiệp hóa, phát triển đất nước bằng những bước đi cụ thể, theo chiến thuật thích hợp. Anh Sam luôn chú ý phát huy sự đóng góp ý kiến dân chủ của anh em chuyên gia, của cán bộ. Anh Sam kiệm lời, không bao giờ nói dài, kết luận những vấn đề mấu chốt của cuộc thảo luận mà anh nhìn ra với sự sắc sảo của nhà chiến lược.
Anh Sam có sức làm việc phi thường, anh tự làm việc, tư đọc kỹ các dự thảo, báo cáo mà cấp dưới trình lên và đóng góp những ý kiến sắc sảo của một người thầy để anh em tiếp tục hoàn thiện. Anh đến cuộc họp với sự chuẩn bị và ý kiến đã được cân nhắc kỹ.
Anh Sam làm bộ trưởng với nhân cách và suy nghĩ của nhà khoa học, anh đóng góp ý kiến thẳng thắn có căn cứ, có lập luận, số liệu chứng minh. Khi thảo luận có ý kiến khác nhau, anh phát biểu ý kiến rõ ràng, biểu đạt thẳng thắn lập trường của mình nhưng không bao giờ gay gắt, to tiếng. Anh luôn vì công việc và không bận tâm về các mối quan hệ cá nhân. Anh luôn điềm tĩnh, không bao giờ tôi thấy anh to tiếng, nổi nóng với bất kỳ ai. Anh cũng không bao giờ làm chính trị bằng cách xây dựng các mối “quan hệ”, anh không đến nhà ông nọ, bà kia để tạo sự quen biết như không ít người khác đã và đang làm.
Là nhà khoa học, đọc tiếng Trung và nói tiếng Quan Hỏa, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tự đọc sách, tự viết bài, tự hình thành những chủ kiến của chính mình, anh nêu gương lớn cho chúng tôi về tinh thần trách nhiệm, về tình đồng chí có nguyên tắc, có lý, có tình. Anh đối xử rất thân tình, chân thành với anh em trẻ tuổi, tạo điều kiện, khuyến khích và đòi hỏi anh em nỗ lực vươn lên giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước.
Anh là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách. Khi đi công tác, anh rất chan hòa, không bao giờ đòi hỏi đưa, đón lễ tân hình thức, không đòi hỏi đãi ngộ, chế độ, chính sách. Là người có vốn văn hóa rộng và đời sống tâm hồn phong phú, có lúc thư thả, anh Sam còn mở lòng kể truyện, đọc thơ cho chúng tôi nghe, những bài thơ toát lên tình bạn chân thành, tấm lòng suy nghĩ về quê hương, đất nước.
Anh Sam đã vĩnh biệt chúng ta nhưng những hoài bão của anh sẽ tiếp tục thúc giục chúng tôi, thế hệ kế tiếp anh. Tấm gương sáng của anh sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và những học trò của anh. Cầu chúc anh an nghỉ giấc ngàn thu.
TS Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1982/201006/Do-Quoc-Sam-mot-chung-gia-hang-dau-da-ra-di-1757634/