Giáo sư Vũ Thị Phan với giải thưởng Kovalepxkaia.

Giới thiệu đôi nét về giải thưởng Kovalevskaia

Hội nghị tổng kết 25 năm Giải thưởng Kovalevskaia đã diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (TW Hội LHPNVN). Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Bình và các tập thể, cá nhân các nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng dự hội nghị. Giải thưởng Kovalepskaia mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 – Sophia Kovalepskaia, được thành lập năm 1985 do sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của vợ chồng giáo sư tiến sĩ Ann và Neal Koblitz nhằm biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển, dưới hình thưc trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tính đến nay đã có trên 80 nhà khoa học nữ của các nước: Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba,Nam Phi, Mozambic và Việt Nam nhận được giải thưởng này. Tại Việt Nam, trong gần30 năm qua, Uỷ ban Giải thưởng Việt Nam đã xét chọn và trao giải cho hơn 15 tập thể và hơn 31 cá nhân các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng. Hầu hết những đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đều tiếp cận các vấn đề, các hướng nghiên cứu khoa học hiện đại mà cộng đồng khoa học thế giới đang quan tâm. Bên cạnh việc trao giải thưởng cho các nhà khoa học hàng năm, cứ 2 năm một lần, Uỷ ban giải thưởng tổ chức gặp mặt những sinh viên xuất sắc trong các ngành khoa học tự nhiên của các trường đại học trong cả nước với mục đích giới thiệu rộng rãi về giải thưởng và khích lệ các em phấn đấu vươn lên.

Tại Hội nghị, Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá cao những kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn của các tập thể, các cá nhân nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng. Đồng chí cũng mong rằng, thời gian tới, Uỷ ban sẽ làm việc nghiêm túc hơn, phát hiện ra được những tập thể và cá nhân thực sự xuất sắc để đưa những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của họ vào cuộc sống, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các đại biểu trong việc đề ra phương hướng tổ chức, hoạt động của Uỷ ban giải thưởng thời gian tới cùng những giải pháp để động viên, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ tích cực tham gia vào nghiên cứu khoa học. 

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chụp ảnh
kỷ niệm với các nhà nữ khoa học được giải thưởng

Giáo sư Vũ Thị Phan và giải thưởng Kovalevskaia

Tốt nghiệp đại học năm 1956, chị trở thành bác sỹ chuyên khoa Ký sinh trùng đầu tiên của Trường Đại học y khoa cách mạng (sau năm 1945), làm trợ giảng cho Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Đến năm 1958 chị chuyển về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng – nay là Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương để gửi gắm cả cuộc đời cho khoa học. Đến nay, giáo sư Vũ Thị Phan đã gần 80 tuổi, nhận được giải thưởng Kovalevskaia cách nay trên 20 năm. Giáo sư Vũ Thị Phan vì sự nghiệp khoa học đã đi khắp các vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ các nẻo đường Khu 4 đến công trường 12A. Hai cuộc chiến tranh đã đi qua bà đều có mặt. Cũng có thể nói một cách khiêm tốn, thắng lợi của cuộc chiến tranh có phần đóng góp nhỏ bé của người phụ nữ bình dị này. Đó là kết quả phòng chống bệnh sốt rét.

Là phụ nữ nhưng giáo sư Vũ Thị Phan đã xông xáo đi đến mọi miền đất nước, nơi bom đạn ác liệt thời chống Mỹ, nơi vùng sâu, vùng xa phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dấu chân và lòng nhiệt thành của giáo sư Phan còn in trên các nẻo đường và trong tâm trí của bao chiến sỹ thanh niên xung phong đồng bào tại nhiều bản làng, nhiều binh trạm thuộc các tỉnh khu 4 cũ và ở hầu hết trên các tỉnh thành của đất nước ta. Là học trò xuất sắc của Anh hùng, liệt sỹ, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, sau khi Giáo Sư Đặng Văn Ngữ hy sinh, chị Phan và các cộng sự của mình đã thừa kế xứng đáng, giữ vững truyền thống của Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ, đẩy mạnh sự nghiệp tiêu diệt sốt rét và nghiên cứu các biện pháp phòng chống các bệnh ký sinh trùng và các bệnh do côn trùng truyền. Một trong những nguyên nhân thắng lợi của công cuộc phòng chống sốt rét trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ khi miền Nam giải phóng là thắng lợi của sự quan tâm chỉ đạo và trực tiếp nghiên cứu của giáo sư về muỗi An.balabacensis (An.dirus). Giáo sư Vũ Thị Phan đã trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nhiều đề tài cấp Bộ và một đề tài cấp Nhà nước 64B – 02 (1985-1990). Các hướng nghiên cứu tập trung vào sốt rét và các biện pháp phòng chống, một số về côn trùng học (muỗi sốt xuất huyết, muỗi truyền viêm não Nhật Bản B, muỗi truyền bệnh giun chỉ).

Chương trình tiêu diệt sốt rét ở các tỉnh phía Bắc đã được giáo sư Đặng Văn Ngữ xây dựng từ năm 1958, những năm đầu đạt kết quả rõ rệt. Đến năm 1965 khi miền Bắc có chiến tranh phá hoại, nhiều vấn đề khó khăn về kỹ thuật cũng như về tổ chức, sốt rét quay trở lại ở một số nơi, dịch sốt rét xuất hiện nhiều. Kế thừa kết quả nghiên cứu của người thầy kính yêu, giáo sư Vũ Thị Phan đã xây dựng chiến lược thanh toán sốt rét, bước đệm từ từ để chuyển từ chiến lược tiêu diệt sốt rét sang phòng chống sốt rét. Đây là chiến lược quan trọng vừa khoa học vừa khôn khéo, phù hợp với tình hình Việt Nam. Khoa học ở chỗ, chuyển từ chương trình tiêu diệt sốt rét sang phòng chống sốt rét cần có một chương trình nghiên cứu và phân vùng dịch tễ thực hành và các biện pháp khắc phục những khó khăn trong chương trình thanh toán sốt rét. Khôn khéo ở chỗ, nếu chuyển sang chương trình PCSR ngay thì mạng lưới sốt rét sẽ “không còn ổn định” và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến chương trình Phòng chống sốt rét. Nhờ vậy không những Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ phát triển mà còn xây dựng thêm được hai Phân viện khu vực là Phân viện sốt rét KST-CT Quy Nhơn và Phân viện Sốt rét KST-CT thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách tại các tỉnh trọng điểm sốt rét trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ – Lâm Đồng và giữ vững mạng lưới chuyên khoa trong cả nước.

Hơn 40 năm công tác, giáo sư Vũ Thị Phan đã chủ trì và tham gia biên soạn nhiều sách có giá trị, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vừa là tài liệu tham khảo vừa là sách “gối đầu giường” của nhiều cán bộ trong ngành. Giáo sư đã có hơn 67 công trình nghiên cứu về sốt rét, về các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền, được nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương chiến thắng hạng ba, Huy chương chiến sỹ Điện Biên; Huy chương “Vì sức khỏe của mọi người năm 2000” nhân dịp 40 mươi năm ngày Tổ chức Y tế thế giới, Huy chương “Lao động xuất sắc” của Xô Viết tối cao, Liên Xô cũ và nhiều Huy chương, Bằng khen khác và được mời làm chuyên viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là đại biểu quốc hội. Giáo sư là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng khoa học Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ, Chủ tịch phân hội côn trùng, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Vệ sinh phòng dịch,…

Bên cạnh đó, giáo sư Vũ Thị Phan rất quan tâm đến vấn đề quan hệ quốc tế. Giáo sư luôn coi đó là một công tác của Viện với các bạn Lào, Campuchia hợp tác giúp đỡ bạn trong công tác phòng chống sốt rét, đào tạo cán bộ, cử chuyên gia, một phần về vật tư thuốc men phòng chống sốt rét và bản thân nhiều lần sang công tác ở các nước bạn với Liên Xô, Hà Lan.

Nhằm khắc phục những khó khăn về mặt kỹ thuật trong thanh toán sốt rét, Giáo sư Vũ Thị Phan góp công lớn trong việc nắm bắt và thúc đẩy chương trình nghiên cứu về thuốc sốt rét Artemissinin từ cây cỏ ngọt hay thanh hao hoa vàng – một nguồn dược liệu có thể trồng trong nước để chữa loài ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc và đa kháng thuốc. Đề tài này đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho Viện Sốt rét – KST-CT TƯ, Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn và Viện Sốt rét KST-CTthành phố Hồ Chí Minh- là 3 đơn vị trong 16 đơn vị được nhận giải.

Vừa là một là Viện trưởng, thầy thuốc nhân dân vừa là đại biểu Quốc hội, đại biểu đại hội Đảng nhưng giáo sư vẫn luôn gần gũi và cởi mở với mọi người xung quanh, với anh chị em đồng nghiệp. Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng với tấm lòng nhiệt thành, Giáo sư Vũ Thị Phan vẫn tích cực tham gia các hoạt động cống hiến cho ngành y tế nói chung và ngành sốt rét nói riêng. Giáo sư vừa là cố vấn của chương trình phòng chống sốt rét quốc gia vừa giảng dạy sau đại học bộ môn Ký sinh trùng ở trường Đại học y Hà Nội, đã hướng dẫn được hơn 24 Phó tiến sỹ và tiến sỹ. Giáo sư Vũ Thị Phan là một trong những tấm gương sáng của lớp trí thức cách mạng và những người phụ nữ Việt Nam được đào tạo, rèn luyện, không ngừng cống hiến cho sự nghiệp khoa học bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

                                                                                                                  Ts. Triệu Nguyên Trung và Ths.Huỳnh Hồng Quang

                                                                                                                                  Viện sốt rét KST- CT Quy Nhơn

                Nguồn: http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1176&ID=3478