Trần Văn Thọ là giáo sư kinh tế học, Đại học Waseda (Tokyo); quê ở Quảng Nam, sang Nhật du học năm 1968, học vị Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo). Ông từng làm ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, thành viên trong Tổ Tư vấn Cải cách Kinh tế và Hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Ông đã cộng tác với nhiều báo và tạp chí tại Việt Nam. Cuốn sách Việt Nam từ năm 2011 là tập hợp các bài viết của ông về những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc Việt Nam (kinh tế, quan hệ giữa Việt Nam với các nước về kinh tế, giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu…), phần nhiều ở tầm chiến lược và với những kiến nghị cụ thể, suốt từ thời kỳ cuối thập niên 1990 cho đến, và chủ yếu là năm năm gần đây.
Theo ông “Việt Nam hiện nay đang trực diện hai cái bẫy, một là cái bẫy của trào lưu tự do thương mại, hai là cái bẫy của nước thu nhập trung bình”. Và “Những chiến lược, chính sách để vượt qua hai cái bẫy này cũng sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới”.
Cuốn sách này thể hiện một nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng, những chiến lược, chính sách để làm cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, với hy vọng Việt Nam sẽ lấy lại một phần những gì đã mất và rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước chung quanh.
Tại buổi nói chuyện này, GS Trần Văn Thọ bày tỏ 2 điều tâm sự:
– Một là, ông rất tiếc khi cuốn sách chứa đựng tất cả tâm huyết và trí tuệ của ông suốt nhiều năm đau đáu cho sự phát triển của nước nhà, đã không thể ra kịp trước Đại hội Đảng lần thứ XI . Mặc dù hầu hết các bài báo được tập hợp trong cuốn sách này đều đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam nhưng khi nó được tập hợp một cách đầy đủ thì có thể sẽ tạo nên một góc nhìn toàn diện hơn, và có thể hiệu ứng sẽ tốt hơn, đặc biệt là với những nhà lãnh đạo có chức năng hoạch định chính sách phát triển.
– Hai là, ông cảm thấy rất buồn khi mà những điều ông nói cách đây trên 10 năm, thậm chí đến 15 năm mà hầu như cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Mặc dù nặng lòng với 2 tâm sự đó, nhưng GS Trần Văn Thọ vẫn giữ một niềm tin trong sáng và lạc quan về tương lai của đất nước mình, và mong muốn tiếng nói của mình sẽ không phải là một viên đá nhỏ ném xuống mặt ao bèo phẳng lặng nhưng đầy sóng ở đáy. Niềm tin ấy thể hiện ngay ở tên gọi của cuốn sách.
Một trí thức Việt ở nước ngoài đã hơn 40 năm, vẫn mang quốc tịch Việt và luôn đau đáu nỗi niềm cố quốc với những sự dấn thân không mệt mỏi cho đất mẹ như ông – GS Trần Văn Thọ – thật là đáng trân trọng.
Độc giả sẽ hiểu hơn tấm lòng của người trí thức đáng trân trọng đó, sau khi đọc cuốn “Việt Nam từ năm 2011 – Vượt lên thách thức của thời gian” của ông.
Nguyễn Thị Trâm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam