Dù vắng ngôi sao giữa trời…

Tôi rất nhớ nụ cười của ông, một nụ cười cũng lặng lẽ như chính con người ông. Mọi người đều tìm đến ông từ các nhà khoa học nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, những học trò mà giờ đây nhiều người đã thành danh, đến những người bình dân, một bác sửa xe, một chị hàng nước, chị bán rau…Tất cả đều được ông tiếp đón trân trọng, ân cần và yêu quý như nhau. Đúng như viện sĩ Nhiculin đã nhận xét, giáo sư – viện sĩ Hoàng trinh có cuộc sống của một triết nhân phương Đông giản dị và khiêm nhường.

9626.jpg

GS.Viện sĩ Hoàng Trinh và phu nhân- bà Nguyễn Thị Trinh

Mọi người xung quanh ông chắc chắn nhiều người không biết ông là một con người tầm vóc như vậy, chắc chắn nhiều người không hề biết ông là một giáo sư – viện sĩ nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam, không biết rằng ông là người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá, người được tặng rất nhiều huân chương cao quý…

Không, họ không hề biết điều đó và nhiều người tìm đến ông không phải chỉ để tìm đến một nhà khoa học tầm cỡ mà tìm đến một con người. Và ông không chỉ tiếp đón họ đầy ân tình mà còn lặng lẽ học họ.

Tôi còn nhớ một lần ông nói với tôi một cách đầy phấn khởi: “Hôm nay bác nghe thấy một chị bán rau nói một câu thành ngữ hay quá. Về đến nhà, bác phải ghi lại ngay”. Chắc chính chị bán rau không biết rằng những câu thành ngữ dân gian mà suốt ngày chị nói ra, đã được ông Viện sĩ lặng lẽ nhớ, lặng lẽ ghi lại và đưa vào trong cuốn sách về Ký hiệu học nổi tiếng của mình như chính ông đã viết: “Tôi rất quý tục ngữ, ca dao”, “Tục ngữ ca dao lại trở thành một vốn sống của người Việt Nam”. (Đối thoại Văn học).

Phải nói rằng những công trình khoa học của ông là những cầu nối cho độc giả và giới khoa học Việt Nam đến với thế giới. Những công trình nghiên cứu về khoa học văn học hiện đại thế giới thì hôm nay đã có nhiều, nhưng phải nói rằng những công trình nối giữa văn học thế giới và Việt Nam thì còn ít, mà đó mới là cái quan trọng nhất của việc nghiên cứu văn học khi ta muốn hội nhập với thế giới.

Viện sĩ Hoàng Trinh đã cố gắng nối văn học ta với thế giới và nối văn học thế giới với ta như ông đã cố gắng nối những thể loại kịch hát dân gian tuồng, chèo với ký hiệu học, và phải nói thêm rằng, cho đến hôm nay còn ít nhà nghiên cứu làm được như ông. Có thể nói rằng, với những điều này giáo sư – viện sĩ Hoàng Trinh đã đi những bước đi Đổi mới từ rất sớm trong văn học.

Những đóng góp to lớn của ông trong việc khai phá và mở những con đường mới trong nghiên cứu văn học đã được khẳng định trong giới khoa học trong và ngoài nước.

Ông đã được phong học vị giáo sư năm 1982, được bầu là Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Hunggari năm 1979. Ông là tác giả của 14 công trình, trong đó có 4 công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là Bàn về văn học viết về “thân phận con người”, Tiểu thuyết và thời gian, Đối thoại văn học, Từ ký hiệu học đến thi pháp học. Ông đã được Nhà hước tặng thưởng nhiều huân chương và huy chương cao quý, được nhiều quốc gia mời đi thỉnh giảng: Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc…

Với một sự nghiệp khoa học to lớn ấy, vậy mà ông lại là một con người rất khiêm tốn. Trong cuốn sách tổng kết 40 năm nghiên cứu của mình (40 năm trên một chặng đường khoa học – NXB Khoa học Xã hội 1999), ông đã viết rất giản dị về mình: “Trong 40 năm đó chúng tôi vừa làm, vừa học, làm đến đâu, học đến đấy, học đến đâu làm đến đấy”.

Vì thế, điều chúng tôi, những học trò của ông, tâm đắc nhất về ông chính là tấm gương khiêm tốn, giản dị, lao động không biết mệt mỏi và học hỏi không ngừng nghỉ của ông. Phải nói rằng, tôi có may mắn vinh dự được chính ông đào tạo từ khi mới chập chững đi trên con đường nghiên cứu, và ngay cả sau khi đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học ở Liên xô về, tôi vẫn được ông coi là học trò nhỏ để bồi dưỡng kèm cặp thêm; vì thế nên tôi rất hiểu những gian khổ vất vả của người làm khoa học như ông.

Những hy sinh của họ, những hy sinh không thể kể với ai, những hy sinh âm thầm để làm nên những công trình nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu văn học, luôn được lịch sử đánh giá công bằng, được đồng nghiệp kính trọng. Với ông, một trong những người đã lao động miệt mài, dũng cảm mở một con đường mới trong nghiên cứu văn học cũng như vậy.

Làm khoa học không phải chỉ đòi hỏi hy sinh mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm nữa. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, vào những năm tháng rất xa thời kỳ Đổi mới hôm nay, ông đã rất dũng cảm đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường tiếp nhận văn học phương Tây vào văn học Việt Nam.

9631.jpg

Chúc mừng GS-Viện sĩ Hoàng Trinh trong dịp ông tròn 80 tuổi.

Hãy nhớ lại những năm tháng hào hùng nhưng cũng rất đỗi ngây thơ ấy, khi mọi người đều nghĩ rằng “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” (Thơ Việt Phương), thì nghiên cứu văn học phương Tây khó khăn dường nào. Khó khăn gian khổ về tư liệu, (khi mà chúng ta hôm nay chỉ ngồi trước máy tính, nhấp chuột là bước ra thế giới, khi hôm nay chúng ta đi ra thế giới như đi ở trong nước, thì chúng ta sẽ thấy những năm tháng đó, để có một cuốn sách của “thế giới bên kia” khó khăn biết dường nào?). Nhưng khó khăn lớn nhất không phải dừng ở chỗ đó, mà lại là vấn đề quan điểm chính trị.

Ngay cả sau này, khi mà những cuốn sách của ông đã ra đời (Phương Tây văn học và con người, NXB Khoa học Xã hội, 1969), tôi vẫn nghe trong giới khoa học xì xào bàn tán về những luận điểm và những vấn đề trong đó mà họ cho là nghiêng về cực tả, (những vấn đề mà hôm nay chúng ta thấy là quá đỗi bình thường). Và với lòng dũng cảm đó, ông đã đi hết con đường nghiên cứu vinh quang và nhọc nhằn của mình. Nhưng tôi chắc rằng, dư vị vinh quang ông sẽ ít cảm nhận hơn là sự gian khổ, nhọc nhằn. Tôi hình dung con đường ông đi như con đường xuyên qua sa mạc, con đường phải tự mình mở đường (vì khoa học là thế), và đi với niềm tin Đường ở trong ta như người xưa đã nói, đi với một nghị lực và một lòng dũng cảm phi thường dù con đường ấy có như Bài ca thanh niên Kômxômôn mà ông rất thích và đôi khi còn hát khe khẽ cho tôi nghe, (Ông còn là một người mê nhạc và đã viết nhạc): Dù sương gió tuyết rơi, Dù vắng ngôi sao giữa trời…  

Có lẽ với những câu hát ấy ở trong tim, ông đã đi trọn vẹn con đường của mình. Sự ra đi của ông lặng lẽ như lá rụng về cội. Nhưng như một triết gia lớn đã nói: Trong cuộc đời một con người nếu làm được một trong ba điều sau đây thì đã là xứng đáng với một cuộc đời, đó là để lại một tư tưởng, có những đứa con tốt hoặc trồng một cái cây lấy bóng mát cho người qua đường. Ông đã làm trọn ven được cả ba điều. Ngoài tư tưởng, những người con thành đạt, ông đã trồng được một cái cây, mà chúng tôi, những học trò của ông là kết trái trên cái cây đó. Đến lượt chúng tôi, tiếp bước theo ông, lại gieo trồng vun bón cho cái cây mà ông đã dày công gieo mầm xanh tốt hơn.

GS-Viện sĩ Hoàng Trinh (tên thật là Hồ Tôn Trinh) sinh ngày 28 tháng 9 năm 1920, mất ngày 19 tháng 3 năm 2011. Ông là nhà nghiên cứu văn học phương Tây, nhà lý thuyết và lịch sử văn học, nhà kí hiệu học Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1968.

Ông sinh ra và lớn lên tại xã Đại Nài, huyện Thạch Hà, nay thuộc TP. Hà Tĩnh. Ông từng giữ các chức vụ: Trưởng Ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh. Từ 1954 đến 1959 ông lần lượt công tác tại Bộ tuyên truyền, Ban Tuyên huấn, Ban Văn giáo Trung ương và Ban Văn xã Phủ Thủ tướng. Từ 1959 ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Thư ký khoa học Viện Văn học (1960-1967), Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội miền Nam (1968-1982); Phó Tổng biên tập tạp chí Vietnam Sciens Sociàles (1982-1985); Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học (1985-1988); Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học (1985-1988, 1996-2000). Ngoài ra ông còn là Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hiệp hội Kí hiệu học Quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Khoa học xã hội Châu Á và Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO.

Nguồn: www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/chan-dung/du-v-ng-ngoi-sao-gi-a-tr-i-1.290256#5Lbxh988y8Cc