“Tết này con sẽ không về…”

Trong suốt ba năm học đại học (1956-1959), sinh viên Trần Tuấn Điệp không một lần về nhà ăn Tết. Nhớ lại ký ức gần 60 năm trước, ông chia sẻ: “Buồn lắm nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải thế”. Khác với các bạn học cùng lớp Vô tuyến điện khóa I của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Tuấn Điệp (sinh năm 1937) có kí ức tuổi thơ đượm buồn. Như ông kể: Cha của ông làm nghề dạy học, còn mẹ ở nhà làm ruộng. Cuộc sống của hai cụ gặp nhiều khó khăn khi phải nuôi 9 người con ăn học. Trần Tuấn Điệp học lớp 4 nhưng chỉ nặng 19kg và thường chân đất đi học . Mãi đến khi học lớp 8, ông mới có một đôi dép cao su. Còn quần áo cũng thiếu thốn, mùa đông cũng như mùa hè. Những hôm trời mưa phùn gió bấc, đi học cách nhà 7-8 cây số, băng qua nhiều quãng đồng gió hun hút, nhưng trên người cũng chỉ phong phanh manh áo nâu.

Sau Sắc lệnh giảm tô của nhà nước năm 1953, nhiều địa chủ, nhà giàu bán ruộng. Cha của Trần Tuấn Điệp nghĩ đơn giản mình thuộc diện nhà nghèo, không lo ngại gì, bèn tích cóp tiền lương dạy học để mua thêm vài mẫu ruộng và thuê người làm mong cải thiện cuộc sống gia đình. Nào ngờ, khi cải cách ruộng đất, cụ ông đi dạy học xa nhà, cụ bà ở nhà bị quy thành phần địa chủ. Vốn là người hiền lành, chồng ở xa, các con lại còn nhỏ, khi bị đấu tố cụ bà không có ai chia sẻ, không chịu được sức ép nên đã ra đi, bỏ lại chồng con. Lúc đó, Trần Tuấn Điệp 15 tuổi, đang bắt đầu vào học lớp 9 ở Vinh, không kịp về gặp mẹ lần cuối. Nhớ lại hồi ức buồn này, PGS.TS Trần Tuấn Điệp tâm sự: “Hình ảnh tuổi thơ như vậy gây buồn phiền, trầm tư nhưng cũng là sức mạnh tinh thần cho tôi”.

Cũng may, cha vẫn bình yên. Sau cải cách, cụ vẫn làm nghề dạy học để nuôi các con. Trần Tuấn Điệp tiếp tục học ở Vinh. Khi bắt đầu đi đại học (năm 1956), cụ ông cho Trần Tuấn Điệp một ít tiền để ra Hà Nội. Rồi ông và mấy người bạn nhảy xe tải từ Vinh. Ra đến thủ đô, ông gặp một gia đình tốt bụng, làm nghề bán thịt bò, cho ở không lấy tiền. Trong mấy tháng (từ tháng 6 đến tháng 10-1956) chờ vào học, Trần Tuấn Điệp và mấy người bạn rủ nhau đi lao động để có tiền sinh sống. Ông tìm được việc làm phụ tá cho lái xe vận tải chở vật liệu xây dựng (gỗ, gạch…). Một ngày ông đi được 5-6 chuyến và được mấy đồng đủ tiền ăn.

Học được nửa tháng, nhà trường thông báo danh sách sinh viên được học bổng. Trần Tuấn Điệp thầm nghĩ chắc chắn mình có tên trong đó vì gia đình ông thuộc diện nghèo, lại ở khu IV ra. Nhưng nghe thầy ở Phòng Tổ chức đọc mãi, cuối cùng vẫn không thấy có tên, Trần Tuấn Điệp giật mình, nghĩ bụng: “Phen này thì chết thật” (vì nếu không có học bổng thì ông không có tiền để ăn học – TG). Ngay đêm hôm đó, Trần Tuấn Điệp viết một lá đơn gửi lên thầy Hiệu trưởng (lúc đó là GS Tạ Quang Bửu), nói rõ về lai lịch, hoàn cảnh gia đình và bản thân để xin học bổng. Sáng sớm hôm sau, ông đợi thầy ở cửa phòng để đưa đơn. Hai ngày sau, nhà trường ra thông báo mới: Nhà trường sẽ xét bổ sung cấp học bổng. Và trong số những người được xét đợt sau có Trần Tuấn Điệp. Ông được cấp học bổng toàn phần (22 đồng/tháng). Thế là nỗi lo lớn của ông được giải quyết. Trần Tuấn Điệp an tâm ăn học.  

PGS.TS Trần Tuấn Điệp

Trong suốt ba năm học ở trường Đại học Bách khoa (1956-1959), dù Tết hay nghỉ hè, Trần Tuấn Điệp chưa một lần về thăm nhà. Mặc dù sau cải cách ruộng đất, nhà cửa ở quê đã được sửa sang, nhưng cha của ông phải nuôi 7 đứa con ăn học. Đồng lương dạy học của cụ chỉ đủ cho các em của Trần Tuấn Điệp, còn ông phải tự túc. Nếu về quê, cha sẽ phải lo cho ông chi phí đi về, rồi ông cũng cần có quà cho các em (mà với khoản học bổng ông cũng chỉ vừa đủ sống cho chính mình-TG). Do đó, Trần Tuấn Điệp nghĩ: “Mình hi sinh một chút, ở lại để khỏi tốn tiền của cha, về nhà ăn Tết, ở lại trường cũng ăn Tết”.

Cuối những năm 50 của thế kỉ XX, trường Đại học Bách khoa còn nhiều nhà tranh lụp xụp. Ngoài phố Bạch Mai lác đác chỉ có một vài nhà, từ Ô Cầu Dền trở về phía Trung tâm Hà Nội mới có phố. Còn từ đó trở về phía Bách khoa chỉ toàn bụi chuối, ao chuôm. Cả khu Đại Cồ Việt cũng đều là những bãi đất trồng rau và mồ mả, rất thưa dân. Kí túc xá của trường Bách khoa là các dãy phòng tường phên trát đất. Một dãy nhà khoảng 8-9 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 24-30m2, kê được 12 chiếc giường cá nhân. Trong những ngày Tết, lác đác mỗi dãy phòng có một vài người ở lại, Trần Tuấn Điệp trong số những người ở lại đó.“Lúc ấy, thanh vắng vô cùng, buổi tối không một tiếng động. Nhiều khi cảm thấy cô đơn, nhớ nhà lắm, nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải thế” – PGS.TS Trần Tuấn Điệp nhớ lại ngày ấy.

Cả trường chỉ có độ mươi người ở lại ăn Tết nên các cô cấp dưỡng thương, ưu tiên cho ăn uống rất đầy đủ. Buổi sáng Trần Tuấn Điệp dậy sớm tập thể dục, đi dạo loanh quanh hoặc về đọc sách và học tiếng Nga. Học ở trường Đại học Bách khoa là lần đầu tiên ông được học tiếng Nga một cách nghiêm chỉnh, nên ông chăm chỉ học. Bất cứ thời gian rảnh là đều học tiếng Nga. Có lẽ, chính vì biết tranh thủ thời gian và cần cù, chịu khó nên Trần Tuấn Điệp đã dẫn đầu trong số các sinh viên lớp Vô tuyến về trình độ tiếng Nga. Trong kết quả này có nguyên nhân từ những cái Tết xa nhà.

Tốt nghiệp, ra công tác (năm 1959) với đồng lương vẻn vẹn 60 đồng nhưng hàng tháng Trần Tuấn Điệp đều dành dụm 10 đồng gửi về cho bố để nuôi các em. Những kí ức tuổi thơ buồn trong ông vẫn nằm sâu trong tâm trí, dù có gặp phải đôi chút khó khăn trong quá trình học tập và công tác nhưng ông vẫn nỗ lực vươn lên. PGS.TS Trần Tuấn Điệp chia sẻ động lực của mình: “Mỗi con người có thể trầm xuống hay vút lên, phụ thuộc vào năng lực chính bản thân mình. Có nhiều người, ở vào hoàn cảnh như tôi gần như bị suy sụp, không vào được đại học. Nhưng trong tôi, lúc nào cũng như có sức mạnh tiềm ẩn nào đó thúc giục và nỗ lực”. Chính nhờ quyết tâm, động lực ấy mà ông đã vượt qua số phận, đóng góp nhất định cho sự nghiệp trồng người của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tốt nghiệp ra trường (năm 1959), sinh viên Trần Tuấn Điệp được giữ lại trường giảng dạy tại Khoa Toán.  

PGS.TS Trần Tuấn Điệp là một trong những người đóng góp đáng kể vào Tủ sách giáo trình đại học. Ông có hai cuốn sách “Lý thuyết xác suất và thống kê Toán học” và “Bài giảng đại số cao cấp” được sử dụng phổ biến trong các trường đại học.

Năm 1992, ông được phong Phó Giáo sư. Năm 2002, ông nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên cao cấp của trường.

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.