Sau một thời gian chịu đựng và vượt qua hậu quả của tai biến mạch máu não, rất mừng là GS Vũ Thị Phan đã hồi phục dần trở lại. Trong buổi làm việc mới đây với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà đã hồi tưởng lại và kể cho chúng tôi nghe về truyền thống gia đình mình.
Sinh ra và lớn lên tại làng Vân Bòng thuộc huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình trong một gia đình có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước, ngay từ nhỏ Vũ Thị Phan đã thừa hưởng từ cha một tinh thần bất khuất, ham học hỏi, và từ mẹ ý chí kiên cường, vượt qua mọi gian khó. Bà kể: Cha tôi hoạt động cách mạng từ cuối những năm 1929, mới lập gia đình được vài tháng do có kẻ khai báo nên cha nhận án 10 năm tù đày ở Côn Đảo. Năm 1936, được sự giúp đỡ của các Đảng viên tù chính trị, cùng sự sáng tạo lấy nhựa cây dính các thân tre làm bè, ông cụ đã vượt ngục thành công và đưa đồng chí Xứ ủy Nam Kỳ là Tống Văn Trân vào đất liền an toàn. Sau đó, cha tiếp tục tham gia cách mạng tại Bến Tre và bị bắt lại tại Sài Gòn, đến năm 1941 mới được thả”.
Thời điểm cha bị bắt đi đầy, cũng là lúc Vũ Thị Phan mới là mầm sống quý giá trong bụng mẹ. Lúc này, dù sắp được làm mẹ, bà vẫn tham gia cách mạng, rồi bị bắt ở Thái Bình. Đối với GS Vũ Thị Phan, mẹ là niềm tự hào, người đã chịu không ít cực hình nhưng vẫn giữ và nuôi bà ăn học nên người.
Vũ Thị Phan và mẹ, năm 1936
Trải qua nhiều khó khăn do chiến tranh, loạn lạc; gia đình ly tán do cha mẹ tham gia cách mạng, nhưng Vũ Thị Phan vẫn được mẹ cho đi học với mong muốn con mình sẽ trở thành một phi công tài ba hoặc một bác sĩ. Để thực hiện nguyện vọng của cha mẹ, ngay từ thời học phổ thông ở Ninh Bình bà đã phấn đấu để có được thành tích học tập tốt, sau bà theo mẹ chuyển lên vùng Tây Bắc, rồi Hà Nội học tập. Năm 1950, bà trở thành sinh viên trường Đại học Y Dược. Đến năm 1956, sau khi ra trường bà được phân công về công tác tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng và gắn cả đời mình với chuyên ngành Ký sinh trùng. Trong quá trình công tác, ngoài nghiên cứu khoa học, giảng dạy bà còn đi sâu nghiên cứu về phòng chống sốt rét và tham gia chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ trong cuộc Kháng chiến chống Pháp. Với những đóng góp của mình, năm 1990, bà đã vinh dự nhận Giải thưởng khoa học cao quý dành cho các nhà khoa học nữ – Giải thưởng Kovalepxkaia.
Trong buổi làm việc, GS Vũ Thị Phan xúc động chia sẻ: những thành công của tôi được bắt nguồn từ truyền thống của gia đình, từ nguyện vọng của cha mẹ. Và sau này, nó còn được vun đắp lên bởi người chồng cùng nghiên cứu về Ký sinh trùng với tôi là Thiếu tướng, GS Nguyễn Sỹ Quốc. Còn TS Nguyễn Thị Minh Phương – con gái GS Phan thì vẫn luôn ngưỡng mộ mẹ, vì trải qua bao biến động của cuộc sống, tuy sức khỏe đã yếu dần nhưng sự tận tụy cho khoa học vẫn luôn cháy trong bà.
Chúng tôi xin được ghi lại những chia sẻ mà GS Vũ Thị Phan ấp ủ từ lâu, cùng những đóng góp và hi sinh thầm lặng của bà – một nhà khoa học nữ đã gắn bó cả cuộc đời với chuyên ngành Ký sinh trùng, với sự nghiệp phòng chống sốt rét cho nhân dân, chiến sĩ, làm tấm gương về nghị lực sống và cống hiến cho thế hệ mai sau.
Lưu Thị Thúy – Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam