Nhớ Giáo sư Trần Văn Giàu

Tôi biếu ông cuốn sách “Hoa râm bụt”, có bài “Một nhân cách, một tình yêu” của nhà văn Sơn Tùng viết về mối tình đằm thắm của ông bà. Ông mừng lắm, giở quyển sách ra xem, ngắm sách, rồi lại nhìn tôi, ý muốn biết nội dung. Tôi xin phép thong thả đọc chậm, để ông nghe. Hồi lâu ngẩng lên, thấy hai khóe mắt ông ướt đầm, tôi kêu lên: “Chị ơi, ông khóc!”. Chị Trần Thị Tiếm (cháu nội của anh trai ông) nói: “Ông nhớ bà đấy! Ông nhà văn Sơn Tùng viết hay quá đi!”.

Tôi đến thăm ông thường xuyên hơn. Ông đau. Nằm nghiêng. Hai cánh tay nhợt nhạt bíu chặt lấy thành giường cứng ngắc, chịu đựng cơn ho đặc quánh nơi cuống phổi.

Nhờ ý kiến nhiều người, cuối cùng bác sĩ phục hồi chức năng Nguyễn Thị Lam cũng được phép hằng ngày đến trị liệu cho ông. Tấm lòng và đôi bàn tay khéo léo của bác sĩ Lam làm ông như vui hơn. Ông hồn nhiên cười, nghe chúng tôi chuyện trò ríu rít. Mấy người phòng bên cạnh, thấp thoáng ngoài ô cửa kính, lạ lẫm nhìn không khí vui vẻ ấy. Đỡ ông nằm trên giường, trong phòng chỉ còn tôi, chị Trần Thị Tiếm đứng bên giường, nhẹ nhàng thưa: “Ông ơi! Ông có nhận cô Minh Thu này làm con gái của ông không?”. Ông lắng nghe, đôi mắt nhíu lại nhìn chăm chăm lên trần nhà. Thời gian như ngưng lại, chợt Giáo sư Trần Văn Giàu nói: “Có!”.

Giáo sư Trần Văn Giàu từ từ nhấc hai cánh tay lên. Tôi cứ ngây ra nhìn. Chị Trần Thị Tiếm nhắc khẽ: “Kìa, Minh Thu nắm lấy tay ông đi!”. Tôi vội vàng đỡ lấy hai bàn tay của Giáo sư nắm chặt, như có luồng điện của sợi dây tình cảm rất thiêng liêng gắn kết, rưng rưng: “Thưa ông! Con xin gọi ông là Cha. Cha ơi! Cha!”.

Ông mệt, nằm nhắm mắt, tôi khẽ chào ông, về. Chợt, ông mở mắt nhìn tôi: “Thế lại về hả?”. Thật lòng tôi

Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu.

không muốn bước đi. Ra thang máy, gặp bác sĩ Trưởng khoa, chị cho biết: “Giáo sư chỉ còn sống ngày, sống giờ thôi”. Tôi thắt ruột, không muốn tin sự thật. Hôm sau, tôi đến, thấy ông đang truyền máu, da dẻ đẹp hồng hào, nằm ngủ, không ho nữa. Tôi tưởng có phép màu khiến ông khỏe lại, ngủ ngon thế. Đâu biết đờm đặc quánh bám trong phổi, khiến ông không còn sức mà ho… Ngày sau, tôi đến, ông nằm im nghe tôi và chị Trần Thị Tiếm trò chuyện. Khi tôi xin phép về, ông mở mắt ra, nhìn tôi, rộng miệng cười… Tôi đâu biết, ông gắng hết sức, dành cho người con gái tinh thần, nụ cười cuối cùng…

Chiều ngày 16 tháng 12 năm 2010, lúc 17 giờ 18 phút, khi nhà điêu khắc Trần Tuy đang điện đàm với chị Trần Thị Tiếm về bức tượng chân dung của ông, thì nghe chị kêu: “Chú ơi! Không hiểu sao mặt ông con xanh lét!”. “Ừ, thế chị tắt máy, lại xem ông thế nào?”, nhà điêu khắc Trần Tuy nói.

Ông mất, Ban lãnh đạo Bệnh viện đồng ý rước ông về thăm nhà, làm một cái lễ đầy đủ theo phong tục tập quán, rồi mới đưa vào nhà lạnh… Những ngày sau, anh Ba Đua sốt sắng lo toan thật chu đáo mọi bề, trông anh gầy xọp… Tôi thấy ông thật hạnh phúc, vì có được lớp người kế cận như anh Nguyễn Văn Đua (Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh). Chu tất từ bữa ăn sáng, trưa, chiều, đêm cho người thân, bạn bè xa gần của ông đến viếng; cả lộ trình rước ông về đất mẹ.

Nghi lễ tiễn đưa “nhà cách mạng, nhà khoa học, Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, cựu Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, cựu Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, thành kính trong niềm đau thương, xúc động nghẹn ngào… Đoàn xe tang kéo dài hơn một cây số, chầm chậm lăn bánh từ Thành ủy, vòng ra trước Dinh Độc Lập, Ủy ban nhân dân thành phố, chợ Bến Thành, đường Nam Bình Chánh, Bắc Nhà Bè, lên đường cao tốc, đi ngang Bến Lức, thị trấn Tầm Vu, rồi mới về tới quê.

Thắp nén nhang thơm, đặt vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên mộ phần Cha, tôi cúi đầu chắp tay bái biệt. Trời oi ả, không một ngọn gió. Cùng cháu Kim Khánh (gọi ông bằng cố) ra về, tôi thấy Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm tóc bạc trắng, học trò cao tuổi nhất của ông, vừa ngồi lên sau xe máy, lại bước xuống, trèo lên xe ô-tô 16 chỗ, màu trắng. Chiếc xe tiêu binh cuối cùng quay đầu xong, thì một cơn lốc nhỏ lướt dưới mặt đất hút cát bụi xoay tròn lên hình phễu, ngay trước mặt người kiểm soát quân sự đeo băng đỏ đang làm nhiệm vụ. Tôi chỉ tay, kêu lên: – Ông kìa! Ông kìa!… Hồn Cha thiêng đang lưu luyến.

Lễ tang Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu được Đảng và Nhà nước tổ chức chu đáo, nghĩa tình, đã đáp ứng tình cảm sâu nặng của đồng bào, đồng chí Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung!

 

Trần Minh Thu

Nguồn: This entry was posted in Ký ức nhà khoa học. Bookmark the permalink.