GS.TSKH Nguyễn Tài, nguyên Chủ nhiệm Khoa Công trình thủy, trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện đang là Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Công trình, trường Đại học Phương Đông (từ năm 2002). Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Tài là kết quả từ một nền tảng vững chắc về mặt lý thuyết được ông phát triển trong luận án Phó Tiến sĩ trước đó.
Năm 1969 khi đang là giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Tài được cử đi thực tập sinh tại trường Đại học Xây dựng Mátxcơva, Liên Xô. Trong những năm tháng học tập, nghiên cứu (1969-1972), dưới sự hướng dẫn của GS.TS Altsul Adoph Davưdovich – một người thầy nghiêm khắc và tận tình giúp đỡ các thực tập sinh Việt Nam, Nguyễn Tài đã tập trung nghiên cứu, phát triển luận án “Lý thuyết dòng chảy trong lòng dẫn có sức cản lớn (có thực vật, cây cối và cỏ mọc ngăn cản dòng chảy)”.
Trong thời gian thực hiện luận án nghiên cứu sinh, Nguyễn Tài nhận thấy Liên Xô rất chú ý đến vùng đất Belarus vì nơi đây có nhiều nơi còn hoang sơ, cỏ mọc um tùm. Hàng năm, chính quyền phải cử một đội máy móc nạo vét và cắt cỏ ở các lòng sông và 2 bên bờ trong khu vực này để không làm cản trở lưu lượng, tốc độ dòng chảy. Chính vì vậy, Nguyễn Tài đã tập hợp những tư liệu về một số vùng thuộc Belarus, đặc biệt là những tư liệu về con sông Dnepr (bắt nguồn từ miền Trung của Liên Xô) làm cơ sở để thực hiện luận án. Ông đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ năm 1972, được Hội đồng nhất trí thông qua, mang ý nghĩa quan trọng, là nền tảng lý thuyết về thủy lực, để ông áp dụng vào thực tế nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam. Sau khi Nguyễn Tài bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, GS.TS Altsul Adoph Davưdovich có ý định đề xuất với Khoa Thủy lợi, trường Đại học Xây dựng Mátxcơva để ông có thể tiếp tục thực hiện luận án Tiến sĩ.Tuy nhiên, do yêu cầu công tác trong nước ông đã về nước và công tác tại Bộ môn Thủy lực – Thủy văn.
Luận án Tiến sĩ (kèm phụ lục) của GS.TSKH Nguyễn Tài
Sau khi về nước, Nguyễn Tài vẫn tiếp tục tìm hướng phát triển luận án Phó Tiến sĩ của mình, áp dụng vào thực tế điều kiện lúc bấy giờ của Việt Nam. Thông qua những đề tài chỉnh trị từng đoạn sông Hồng, ông có điều kiện thực tế khảo sát các bãi sông và nhận thấy, trong điều kiện bình thường, nước chảy đều và thoáng, nhưng đến mùa lũ, nước lên ngập các bãi sông. Trong khi đó, các bãi sông ở nước ta thường được tận dụng để canh tác trồng trọt hoa màu, mía, dâu và đôi khi là lau sậy mọc um tùm…, vì vậy phải có biện pháp tính toán dòng chảy hợp lý để thoát lũ tốt, giảm thiệt hại và tránh tình trạng phải di dân khi lũ về. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong lý thuyết chung về thủy lợi có đề cập lưu lượng và tốc độ dòng chảy, nhưng các số liệu chỉ mang tính chất chung chung, áp dụng cho một điều kiện nhất định, do đó thường không sát với thực tế áp dụng trong từng môi trường cụ thể. Và ông sớm nhận ra luận án Phó Tiến sĩ mới chỉ là nền tảng lý thuyết cho một hướng nghiên cứu cụ thể hơn và phù hợp hơn với thực tế môi trường nước ở Việt Nam.
Song song với việc đi thực tế, Nguyễn Tài còn thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại trường Đại học Xây dựng, chế tạo dụng cụ đo dòng chảy và tính toán chính xác chế độ thủy lực trong môi trường có những vật cản khác nhau. Ông đã phát triển từ lý thuyết đến thực tế đo đạc, từ áp dụng trong môi trường có thực vật, mở rộng sang cả những môi trường có nhiều vật cản khác như chất thải công nghiệp, động vật… gọi là các mối nhám[1], Từ đó, ông đã tìm ra hướng đi cụ thể cho đề tài luận án Tiến sĩ sau này với đề tài “Chế độ dòng chảy trong lòng dẫn có nhám lớn”, thông qua các thí nghiệm và đo đạc để thu thập số liệu.
Đầu năm 1981, PTS Nguyễn Tài được cử đi thực tập sinh cao cấp tại trường Đại học Xây dựng Mátxcơva và được GS Altsul Adoph Davưdovich làm cố vấn chuyên môn. Với hướng nghiên cứu đã định sẵn, ông dành thời gian thực tập để so sánh, đối chiếu và kiểm tra lại độ chính xác của những số liệu đã tập hợp thông qua việc nghiên cứu bổ sung các tài liệu tham khảo ở Thư viện Lênin. Mỗi khi đến thư viện đọc sách, ông có thói quen ghi chép lại cẩn thận những thông tin liên quan đến luận án và xin góp ý của thầy cố vấn.
Giữa năm 1982, Nguyễn Tài đã hoàn thành tập bản thảo của luận án Tiến sĩ và gửi xin ý kiến thầy cố vấn, trong khi nhiều thực tập sinh khác vẫn loay hoay tìm hướng đi và phát triển đề tài. Đề tài của ông được đánh giá cao, và được chấp nhận bảo vệ. Ông cũng tự mua máy đánh chữ để đánh máy, hoàn thiện toàn bộ luận án trong vòng 6 tháng.
Tháng 6-1984, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ trước Hội đồng phản biện cấp Nhà nước gồm 18 Giáo sư (trong đó có 5 người có học vị Tiến sĩ khoa học) và đạt kết quả với 16/18 phiếu tán thành (2 phiếu trống). Bản luận án được đánh máy bằng tiếng Nga trên giấy trắng, kèm phụ lục số liệu. Trải qua thời gian, mặc dù luận án đã cũ, ố vàng, nhưng GS.TSKH Nguyễn Tài luôn rất trân trọng, bởi đối với ông: “Đó là công trình đầu tiên, nghiêm túc và tâm đắc nhất của tôi”. Những số liệu, dụng cụ đo thủy lực đã chế tạo được trong quá trình làm Luận án Tiến sĩ vẫn được ông tiếp tục áp dụng vào các công trình nghiên cứu và giảng dạy về sau. Ngày 6-3-2014, ông đã trao tặng lại Luận án Tiến sĩ (có phụ lục số liệu đính kèm) cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.
Phạm Ngọc Hải
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam