Ký ức về những ngày sơ tán

Thời kỳ từ 1965-1972, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, một bộ phận người dân nội đô cùng các học sinh, sinh viên, học sinh chuyên nghiệp rời trung tâm Hà Nội sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch sơ tán rải rác về một số huyện thuộc tỉnh Hà Bắc. Với tư cách là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Nông nghiệp (1965-1970), rồi Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (1970-1982), thầy Mai Hữu Khuê đã cùng Ban Giám hiệu tổ chức chỉ đạo nhằm đảm bảo mọi hoạt động cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong thời gian sơ tán. Ngoài nhiệm vụ duy trì công tác học tập, giảng dạy, trường còn tăng gia sản xuất phục vụ nhu cầu cuộc sống và giúp đỡ các hợp tác xã tại huyện Yên Dũng trong suốt thời gian này.

Đến làng Luông vào một chiều hè năm 1965, Mai Hữu Khuê còn nhớ như in “cái nắng vàng oi ả trải khắp cánh đồng, bờ tre, ngọn núi. Làng Luông nằm thoai thoải trên một quả đồi, dưới chân núi có đường đi và một con kênh dài quanh năm có nước trong xanh. Người dân nơi đây có tinh thần yêu nước, giác ngộ chính trị cao, phong trào thi đua sản xuất mạnh”[1]. Ông rất ấn tượng, bởi làng tổ chức thành một hợp tác xã, nhà nào cũng có một chiếc loa do hợp tác xã lắp cho để nghe tin tức, ca nhạc. Do vậy, người dân ở đây rất “nhạy” với thời sự.

Sau gần một ngày đạp xe, qua các trọng điểm bắn phá của địch như sân bay Đa Phúc, ga Kim Anh, Phù Lỗ, đường xá khó khăn, nắng gắt nhưng thầy trò ai nấy vẫn vui vẻ. Hình ảnh những chiếc xe đạp được chằng buộc lỉnh kỉnh, đỗ tản mạn xung quanh khu vực sân kho; những cán bộ ngồi tụm lại nghỉ ngơi sau một chặng đường dài; các cán bộ phòng hành chính quản trị ký túc xá bận rộn vì phải trả lời các câu hỏi đại loại như “chiều nay ăn gì?”, “tôi ở nhà nào, cùng ai, mấy người, đường đi ra sao?”… Một cuộc sống khó khăn trong hoàn cảnh mới được bắt đầu.

Ổn định nơi ăn, chốn ở cho cán bộ và sinh viên, đến tháng 8-1965 nhà trường bắt đầu chuẩn bị cho một năm học mới. Ngoài công tác tuyển sinh của Phòng Tổ chức, Phòng Y tế thì tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên ở Cầu Trắng – cách làng Luông khoảng chừng 5km… Dù điều kiện khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động của trường đã đi vào guồng quay trở lại. Mỗi lớp học có khoảng 50 sinh viên, được phân về ở một xóm, thường thì lớp được tổ chức học tập tại một bãi rộng dưới chân một ngọn đồi. Chiến tranh ác liệt, đã có lúc một lớp học phải chia nhỏ thành 4-5 nhóm, các nhóm được thầy hướng dẫn chia nhau học dưới các khóm tre. Có những lúc, thầy trò phải học dưới lán hầm được đào sâu dưới lòng đất khoảng 50cm để chủ động phòng tránh khi máy bay Mỹ ném bom. Lớp học được thiết kế nối liền với hào thông lên núi để có đường thoát khi gặp nguy hiểm.

Giáo viên của trường những năm đó không nhiều, Khoa Nông nghiệp chỉ có khoảng chục thầy. Do các lớp học cách nhau từ 3-7km, nên mỗi lần đi dạy Mai Hữu Khuê cũng như các thầy cô khác phải đi xe đạp từ làng này sang làng kia. Có lớp còn chạy sang tận huyện Phú Bình (thuộc tỉnh Thái Nguyên) giáp ranh với Hà Bắc lúc bấy giờ. Có một câu chuyện gắn với thầy Trần Xuân (một giảng viên trong khoa) mà GS Mai Hữu Khuê nhớ mãi. Đó là việc thầy Trần Xuân không biết đi xe đạp nên không tự đến các lớp được phân bố khá xa nhau, để khắc phục được việc đó, Chi bộ nhà trường đã cử một cán bộ hướng dẫn thầy Trần Xuân tập xeHocjCaanf mâọc vài ngày, rồi thầy Trần Xuân cũng tự mình đạp xe mang kiến thức đến được với sinh viên.

Ngoài công việc chính duy trì hoạt động của trường, thầy trò Mai Hữu Khuê phải tăng gia sản xuất nuôi lợn, gà để cải thiện đời sống. Có hôm, 12h đêm ông vẫn hì hục cùng học trò đi tát nước cho lúa ngoài đồng. Dù gian khổ, nhưng những khoảnh khắc ấy khiến ông cảm nhận được sự gần gũi, gắn kết giữa tình thầy và trò.

Đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường Đại học Kinh tế Kế hoạch tại Hà Nội(sau thời kỳ sơ tán). Hiệu trưởng Mai Hữu Khuê (thứ 3, từ trái).

Vào cuối năm 1970, hàng trăm cán bộ, nhân viên, sinh viên sơ tán ở huyện Yên Dũng chung sức hỗ trợ địa phương đắp đê phòng lụt. “Tình hình chiến sự căng thẳng, đã có lúc tôi không khỏi lo lắng về sự an toàn của cán bộ, sinh viên và hoạt động của trường. Nhưng sự lo lắng ấy dần xóa đi khi tôi tận mắt chứng kiến nhiều giáo viên trông rất thư sinh, mắt đeo kính cận nhưng gánh đất rất khỏe, rất dẻo dai cả tháng trời. Hay những cô giáo dáng người mảnh khảnh, cả đời không biết đến lao động chân tay nhưng cũng tham gia gánh đất nhiệt tình, mồ hôi nhễ nhại như những người nông dân thực thụ” [2].

 Trong thời gian sơ tán, theo sáng kiến của ông Lê Hữu Tại, Thứ trưởng Bộ Nông trường , Khoa Kinh tế Nông nghiệp đã kết nghĩa với Bộ Nông trường. Khi trở về Hà Nội, Khoa đã tổ chức đào tạo đào tạo hơn 7.000 cán bộ trong vòng 2 năm (1980-1982) cho Bộ Nông trường. Các cán bộ được học chương trình đại học nhưng rút ngắn thành hệ tại chức 6 tháng. Bộ Nông trường giúp cung cấp các trang thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy và thực hành cho Khoa.

Để có tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập trong thời kỳ sơ tán, Mai Hữu Khuê tranh thủ thời gian quý giá để viết cuốn Mac-Anghen-Lenin-Stalin và vấn đề tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp xã hội chủ nghĩa. Đây là cuốn sách tổng hợp và phát triển thêm từ cuốn Tổ chức sản xuất xã hội chủ nghĩa do trường Đại học Kinh tế Kế hoạch xuất bản năm 1964.

Nhưng cuốn giáo trình để lại cho GS Mai Hữu Khuê nhiều ký ức hơn cả là cuốn Tổ chức sản xuất công nghiệp ở miền Bắc nước ta. Năm 1971, cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho ra mắt bạn đọc với số lượng 600 cuốn. Sách được sử dụng làm giáo trình chính cho sinh viên khoa Kinh tế các trường đại học.

Mùa đông năm 1972, là một mùa đông đáng nhớ với Mai Hữu Khuê, nhớ bởi cái rét cắt da thịt, nhưng cũng nhớ bởi sự ác liệt về chiến sự giữa ta và địch. Máy bay địch bắn phá và hoạt động từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Đường về Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn do cầu Long Biên, cầu Đuống, rồi Đáp Cầu liên tiếp bị bắn sập… “Ở Hà Nội, có ngày báo động tới 13 lần, có khi vừa kéo còi báo yên xong lại kéo còi báo động ngay. Đội tự vệ trung kiên của trường Đại học Kinh tế Kế hoạch ở lại bảo vệ trường cũng có nhiều lần nổ súng bắn trực tiếp máy bay Mỹ” [3].

Nơi sơ tán, đã xảy ra những trận không chiến, máy bay Mỹ bị trúng đạn pháo, cháy như những bó đuốc khổng lồ trên trời. Các đơn vị tên lửa cơ động đóng quân xen kẽ với nhiều địa điểm của trường, các trận địa pháo cao xạ xuất hiện ngày càng nhiều, không khí chiến tranh tràn ngập. Trong bối cảnh đó, sinh viên không thể học tập trung nên Hiệu trưởng Mai Hữu Khuê đã phân công các lớp về hơn 20 hợp tác xã của các huyện Tân Yên, huyện Phú Bình, huyện Hiệp Hòa vừa để sinh viên phục vụ sản xuất, vừa để nâng cao kiến thức thực tiễn. Theo ông, đó là một kiểu học đặc biệt mà có lẽ chỉ ở Việt Nam thời kỳ chiến tranh mới có. Nhưng điều đáng mừng là hàng nghìn giáo viên và học sinh hoạt động phân tán trong phạm vi rộng, nhưng tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ, không có trường hợp nào vi phạm nội quy hay bị kỷ luật.

Ở Hà Nội, bom đã rơi xuống cả địa phận của trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, may mà trường sơ tán hoàn toàn không còn bộ phận nào ở Hà Nội, kể cả xưởng giấy. Trước tình hình đó, Hiệu trưởng Mai Hữu Khuê rất sốt ruột đã rời làng Luông trở về Hà Nội. Ông chủ nhà còn dặn với theo “chuyến này ông đi cẩn thận”. Chuyến đi khá vất vả vì đường xá bị hỏng nhiều, ga Sen Hồ bị bắn phá, ô tô ùn tắc ở bến phà Đáp Cầu, ông phải chờ cả tiếng mới qua được phà. Qua Yên Viên, ông vẫn nhìn thấy nhiều nhà kho còn nghi ngút khói bom, không có dân mà chỉ thấy những thanh niên hối hả chuyển hàng. “Về gần đến trường, suýt nữa tôi không còn nhận ra khu tập thể Đài tiếng nói Việt Nam. Bức tường cao bị đổ, gạch ngói ngổn ngang, từ ngoài có thể nhìn thống vào trong. Về trường, tuy không bị thiệt hại người nhưng mọi thứ ngổn ngang, vụn vữa trắng xóa trong đêm. Một quả bom đã xuyên suốt ba tầng hành lang của giảng đường B,C,D của trường.”[4]. Ông vội vàng chỉ đạo cho các cán bộ khắc phục hậu quả, sau một ngày ông lại quay về Luông với sự chào đón của mọi người.

Đầu năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vậy là dòng người từ những vùng sơ tán lại khăn gói trở về Hà Nội vào đúng dịp đón mùa xuân mới. Không khí năm mới tưng bừng nhộn nhịp, tiêu chuẩn phân phối tết năm đó cho người dân cũng được nhích hơn. Nhà ăn của trường chăng đèn, kết hoa trang hoàng, thực phẩm được dự trữ để đón một cái tết tươm tất cho các cán bộ và sinh viên xa gia đình. Sau tết, nhà trường ổn định lại mọi hoạt động tại Hà Nội và bắt đầu cho những dự định, thành công mới.

Tuy đã trở về Hà Nội nhưng nhà trường vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với địa phương từng đến sơ tán. Hàng năm cứ vào dịp lễ tết trường lại cử một đoàn đại biểu về chúc tết các cơ quan, hợp tác xã và bà con nơi đã giúp đỡ, cưu mang các cán bộ, giáo viên, sinh viên thời khí lửa. Riêng với GS.NGND Mai Hữu Khuê, cho đến những giây phút cuối đời ông vẫn đầy ắp nỗi nhớ và tình cảm dành cho làng Luông – ngôi làng trung du nhỏ bé, nơi có những người dân đôn hậu và có một dòng kênh bốn mùa nước trong xanh ấy…

Tâm Loan

[1] Trích từ hồi ký “Những ngày ở Luông” của GS Mai Hữu Khuê in trong tập văn “Điểm sáng” của trường Đại học Kinh tế kế hoạch, Hà Nội, 1978.

[2] Trích từ hồi ký “Những ngày ở Luông” của GS Mai Hữu Khuê in trong tập văn “Điểm sáng” của trường Đại học Kinh tế kế hoạch, Hà Nội, 1978.

[3] Trích từ hồi ký “Những ngày ở Luông” của GS Mai Hữu Khuê in trong tập văn “Điểm sáng” của trường Đại học Kinh tế kế hoạch, Hà Nội, 1978.

[4] Trích lời GS.NGND Mai Hữu Khuê trong buổi phỏng vấn, ghi hình tại nhà riêng, Hà Nội ngày 11-3-2013.