PGS.TS Phạm Thị Thuỳ: Nghiên cứu khoa học vì nông dân

Nghề đã chọn tôi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thùy, sinh năm 1954, nguyên là Trưởng phòng Thí nghiệm vi sinh vật côn trùng, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2009, chị nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học với tư cách là cán bộ hợp đồng của Viện Bảo vệ thực vật. Nói về cơ duyên đến với nghề, chị bảo: “Thời học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), tôi học rất giỏi các môn tự nhiên, nhất là toán. Tôi chưa bao giờ nghĩ vào ngành nông nghiệp. Nhưng nghề đã chọn tôi, và đến giờ, tôi không thấy hối tiếc vì đã theo nghề này”.

PGS.TS Phạm Thị Thùy là nhà khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Bảo vệ thực vật đã đi sâu nghiên cứu các biện pháp sinh học trong bảo vệ thực vật kể từ năm 1979. Năm 1985, chị học ở Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp Sophia, Bun-ga-ri về ngành vi sinh. Chị bảo vệ luận án Tiến sĩ sinh học Bảo vệ thực vật năm 1990 ngay tại Bun-ga-ri. Sau đó, chị về nước, tập trung nghiên cứu về các chế phẩm sinh học.  Đến nay, PGS.TS Phạm Thị Thuỳ đã chủ trì 21 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh, nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis, Virus đa diện nhân (NVP.Ha, NPV.SI, NPV.Dp), vi nấm Beauveria và Metarhizium phục vụ cho việc phòng trừ dịch sâu hại cây trồng, cây rừng theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo ra các sản phẩm trong nông nghiệp an toàn và bền vững. Với kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất nấm Metarhizium và vius NPV.Dp, năm 1995, PGS.TS Phạm Thị Thuỳ đã đoạt giải Ba, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC về thành tích ứng dụng rộng rãi thuốc trừ sâu sinh học virus và vi nấm Metarhazium trừ châu chấu hại ngô mía ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Năm 1999, khi dịch sâu róm thông bùng phát ở Sơn La và nhiều địa phương khác, chị Thùy đã nỗ lực sản xuất nấm Beauveria trong điều kiện còn khó khăn. Ngay trong năm đó, nhờ loại nấm này, nạn dịch sâu róm thông đã được dập tắt.

Vì nông dân

Mỗi năm, chị Thùy chỉ dành khoảng 3 tháng làm việc trong phòng thí nghiệm. Thời gian còn lại chị đi thực tế tại các địa phương. Chị giải thích: “Phải có thực tế mới làm được sản phẩm người nông dân mong muốn”. Khi đến với nông dân, một mặt chị học ở họ phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm sản xuất, mặt khác, chị tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân ở nhiều địa phương biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học mới vào sản xuất. Những việc chị làm đã giúp hạn chế được phần lớn thuốc trừ sâu hoá học, giảm thiểu rõ rệt về nạn ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra nhiều loại nông sản thực phẩm an toàn và bền vững như: Rau, đậu, chè, cà phê, dừa và cây lâm nghiệp như thông, keo tai tượng, quế… Trong những lần đến với nông dân, kỷ niệm chị nhớ nhất là lần trừ dịch bọ cánh cứng hại dừa năm 2000 phát sinh và gây hại ở Bến Tre và nhiều tỉnh khác trên diện tích hàng vạn héc ta. Chị Thùy mang nấm trừ bọ cánh cứng vào Bến Tre phun thử nghiệm. Chị kể, khi vào đến nơi, cả vùng trồng dừa xơ xác, sặc mùi thuốc trừ sâu hoá học. Để kiểm chứng chất lượng, hiệu quả, chị xuống huyện Châu Thành, Bến Tre, nơi mà dịch bọ cánh cứng nặng nhất thì chị gặp ngay thái độ bất hợp tác. Chị nhớ lại: “Mấy chủ hộ không cho tôi phun thuốc. Họ bảo sợ mùi thuốc trừ sâu lắm rồi. Tôi sang nhà khác, thuyết phục họ là tôi phun nấm sinh học để diệt sâu. Họ bán tín bán nghi cho phun thử. Một tuần sau, tôi quay trở lại, ở những cây đã được phun thuốc, bọ cánh cứng chết hết. Những nông dân trước đây không ủng hộ tôi đã tới vỗ vai, mời tôi vào nhà, xin lỗi và vui vẻ đề nghị cho ứng dụng loại chế phẩm diệt bọ cánh cứng”. Thế là chị Thùy cầm công văn đề nghị của nông dân gõ cửa Cục Khuyến nông xin tiền hỗ trợ mua nấm cho nông dân. Nể sự nhiệt tình, không vụ lợi của vị PGS.TS vì nông dân này, Cục trưởng Cục Khuyến nông lúc đó là ông Lê Hưng Quốc quyết định chi khẩn cấp số tiền 30 triệu đồng mua nấm diệt bọ cánh cứng hại dừa cung cấp cho tỉnh Bến Tre.

Trong 33 năm gắn bó với công việc nghiên cứu, sáng tạo các chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, không ít lần chị Thùy cảm thấy nản lòng, thất vọng và muốn chuyển nghề. Chị tâm sự: “Trước năm 2000, do phương tiện thiết bị thiếu thốn, chúng tôi đều phải làm thử nghiệm bằng dụng cụ nhỏ, quy mô bé, buồng cấy bằng gỗ hoặc nhôm kính, nồi khử trùng thì đun bằng củi… Thêm vào đó, không có kinh phí đi lại để thu mẫu vi sinh vật nên phải dùng mẫu cũ. Trong điều kiện như thế, tỉ lệ không thành công của mỗi lần sản xuất nấm lên tới 50%. Những lúc đó thấy nản lắm, vừa tiếc công vừa tiếc hoá chất, nguyên liệu. Đã nhiều lần tôi định chuyển nghề, nhưng rồi khi có nông dân hỏi về những sản phẩm tôi làm ra, hoặc các lâm trường gọi điện đặt hàng lại thôi thúc tôi tiếp tục làm”. Thực tế, đã có lần, chị Thùy cầm trong tay quyết định chuyển vị trí công tác mới nhưng đến nay chị vẫn ở lại với nghề. Chị bảo, điều giúp chị bền bỉ gắn bó với nghề là vì muốn người nông dân Việt Nam thoát khỏi nghèo khổ.

Những trăn trở với nghề

Cho đến nay, chị Thùy vẫn trăn trở tại sao ở Việt Nam rau vẫn chưa an toàn trong khi chị có kiến thức về lĩnh vực này mà vẫn chưa phát huy được. Chị mong muốn Nhà nước sớm đầu tư  nghiên cứu chế phẩm sinh học ứng dụng trong sản xuất rau an toàn, hạn chế việc sử dụng thuốc hoá học.

Nói về dự định trong tương lai, chị Thuỳ cho biết đang xúc tiến thành lập Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Chị hy vọng với tâm huyết và kiến thức mình có được sẽ tiếp tục được phát huy để phục vụ nông dân. Chị tự nhắc mình: “Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ nông dân. Giúp họ thay đổi nhận thức, ứng dụng sáng tạo khoa học, công nghệ mới vào sản xuất vừa để nâng cao hiệu quả, năng suất trồng trọt chăn nuôi vừa bảo vệ được môi trường. Phải làm cho người nông dân thoát nghèo, làm giàu được bằng chính nghề của họ”.

PGS.TS Phạm Thị Thùy luôn tự nguyện đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giúp cho phụ nữ nông dân nghèo, tặng cho họ giống đậu tương, đậu xanh mới và các loại thuốc sinh học để trừ sâu bệnh hại, đồng thời tập huấn cho họ cách phòng trừ dịch hại cây trồng, ứng dụng nấm sinh học trừ sâu hại.

Các chế phẩm nấm, đặc biệt là nấm Beauveria và Metarhizium không chỉ khống chế được nạn dịch sâu hại nguy hiểm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phòng trừ dịch hại bằng nấm đã tiết kiệm được chi phí trong sản xuất như không phải mua hoá chất bằng ngoại tệ, đặc biệt là giảm công lao động một cách đáng kể. Nếu phun thuốc hoá học thì phải phun 10-15 lần/vụ còn phun chế phẩm sinh học nấm chỉ 2-3 lần/vụ, đồng thời giúp bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Bích Nguyên

Nguồn: bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/382/382/6638/PGS.TS-Pham-Thi-Thuy-Nghien-cuu-khoa-hoc-vi-nong-dan/anbg.aspx