Phục vụ cấp cứu phòng không – Kỷ niệm không thể nào quên

Dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Chúng điên cuồng đánh bom phá hoại cầu đường, doanh trại quân đội, bệnh viện, trường học, làng mạc…của nhân dân ta. Thực hiện chủ trương vừa công tác, học tập vừa tham gia chiến đấu, mùa hè năm 1966, cán bộ và sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đã góp phần “chia lửa” cùng quân và dân khu IV với nhiệm vụ cấp cứu phòng không.

Tốt nghiệp trường Đại học Y năm 1960, BS Dương Đình Thiện được giữ lại trường, công tác tại Bộ môn Dịch tễ. Năm 1966, ông hăng hái cùng đồng nghiệp tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ đang sục sôi.

Trước khi các đoàn vào Khu IV, nhà trường tổ chức trang bị cho tất cả đội ngũ bác sĩ  kiến thức về các loại thương tích thường gặp ở chiến trường. Nhiệm vụ của cán bộ cấp cứu phòng không là phải nhanh chóng phân loại vết thương theo tính chất, qua đó xử trí tại chỗ hoặc tiến hành sơ cứu người bị thương trước khi gửi về tuyến sau. Một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên khác là thực hiện “huấn luyện thành thạo” cho cán bộ y tế xã thôn và cả lực lượng dân quân về cách cấp cứu đối với tất cả loại vết thương, cách điều chuyển bệnh nhân…

Bác sĩ Dương Đình Thiện tham gia trong Đoàn cán bộ vào Thanh Hóa hoạt động từ Cầu Tào (cầu Tào Xuyên huyện Hoằng Hoá) – một huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam đến phà Ghép (bắc qua sông Yên, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia). Từ Hà Nội, tất cả đều đi vào Thanh Hóa bằng xe đạp, chia thành từng nhóm nhỏ để giúp đỡ nhau, và giảm thiểu thương vong vì bom đạn. Nhóm của BS Dương Đình Thiện gồm BS Ngô Bảo Khang (Bộ môn Ngoại khoa) – nhóm trưởng, BS Nguyễn Thị Minh Tâm (Bộ môn Ký sinh trùng), KS Trịnh Văn Bảo (Bộ môn Sinh học) và ông (Bộ môn Dịch tễ học). Hành trang mang theo chỉ là mấy bộ quần áo và…nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Trên hành trình vào Thanh Hóa, đoạn qua cầu Hàm Rồng, đoàn các ông được nghe kể lại mấy ngày trước Mỹ có đánh bom, cầu vẫn đảm bảo thông suốt nhờ được hàn vá  kịp thời, công nhân phải trực chiến bám cầu để thực hiện nhiệm vụ sửa chữa. Những tia lửa hàn hắt lên sáng cả một vùng trời. Từ những điều mắt thấy, tai nghe ấy cộng với ý chí sục sôi đánh Mỹ, nhóm của ông cố gắng đạp xe nhanh qua cầu. Nhưng thật không may, đến giữa cầu thì xảy ra sự cố.

Chưa đến giữa cầu thì Bác sĩ Tâm dừng lại nói: Các cậu ơi, xe tớ hỏng rồi không đạp đi được nữa. Thế là cả nhóm dừng lại. Nhóm trưởng Khang kiểm tra xe, cố chữa nhưng không được. Xe của Tâm để xích chùng quá nhẩy ra khỏi líp và kẹt lại quá chặt, không thể gỡ ra được ngay lúc đó. Không một chút ngần ngại, nhóm trưởng Khang quyết định: Các cậu cứ đạp xe qua cầu nhanh lên, tớ nhấc bánh sau dong xe chạy theo”- GS.TS Dương Đình Thiện hồi tưởng lại.

Sau sự cố bất ngờ và hú vía ấy, đến đoạn được nghỉ ngơi, Bác sĩ Tâm mới hỏi về quyết định của Bác sĩ Khang. Bác sĩ Khang vui vẻ trả lời: “Nếu nó đánh thì ít nhất cũng còn ba cậu làm cả phần của tớ phục vụ chiến tranh chứ”. Trong chiến tranh, hi sinh mất mát là điều không tránh khỏi, nhưng câu nói và hành động của Bác sĩ Khang ngày đó cứ đọng mãi trong ký ức Bác sĩ Thiện, ông bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại. Trong đạn bom, cùng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, những con người với tình cảm cao đẹp ấy, giờ khắc ấy thật đáng tự hào.

Vào đến Thanh Hoá, theo chỉ thị của địa phương, nhóm bốn người của Bác sĩ Thiện lại chia thành 2 nhóm nhỏ. Cùng với KS Bảo, ông được phân công về huyện Thọ Xuân để thực hiện nhiệm vụ. Ngày đó, không đêm nào là không nghe thấy tiếng bom Mỹ “gọi” các ông đến. Mỗi loạt bom của Mỹ dội xuống vừa dứt thì đội cấp cứu phòng không của ông lại có mặt lập tức để tiếp nhận và thực hiện cấp cứu chiến thương. Trong những tình huống ác liệt đó, các ông phải nhanh chóng phân loại thương binh, nhẹ thì cứu chữa tại chỗ, nặng thì cấp cứu rồi chuyển về tuyến sau. Trận đánh mà ông nhớ nhất, cũng là trận đánh lớn nhất diễn ra ở Nông trường Sao Vàng, ta bị thương khá nhiều. Trang thiết bị y tế thiếu thốn, buộc các ông phải có những cách “xử trí” kịp thời đối với những trường hợp chảy máu nhiều, nếu chậm sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ông nhớ có một trường hợp thương binh bị chảy máu chân, thông thường thì phải băng bó động mạch đùi, đứt mạch nào phải chèn mạch đó và phải có vật nặng gì đó để chèn. Ông đã phải dùng gạch để chèn vào mạch ngăn không cho chảy máu tiếp, sau đó mới quấn băng.

Sau mỗi trận đánh, các ông tranh thủ những giờ phút bình yên để tuyên truyền huấn luyện cho dân quân và y tế  địa phương về công tác cấp cứu phòng không, hết làng này sang làng khác. Thật vất vả và bận rộn. Nhưng cũng có hôm các ông có được một ngày yên bình, đó là vào ngày KS Bảo bị vấp ngã, chân bị sưng tấy thì đế quốc Mỹ  không đánh phá, các ông được nghỉ ngơi, thanh thản học tập, dưỡng sức. “Tôi nhớ hôm đó ở Trạm y tế xã Thọ Nguyên, sau khi ăn tối xong, anh Bảo được ưu tiên đi nghỉ cho đỡ đau chân. Đúng là từ ngày tốt nghiệp ở trường giảng dạy, hôm ấy tôi mới được học tập và hiểu rõ về công tác y tế của một trạm xã. Tôi được y sĩ N.T.V, một cán bộ lâu năm phục vụ ở đây thuyết minh lại tất cả những công việc chuyên môn và xã hội của trạm do một tay chị phục vụ tất cả, từ nội, ngoại, sản, lây…đến những tai nạn lao động nông nghiệp đều được chị chăm sóc có kết quả tốt. Chị kể cho chúng tôi những quan tâm của chính quyền đoàn thể, những tình cảm của nhân dân trong xã đối với trạm, những câu chuyện thực tế ở địa phương. Những bài học thực địa mới lạ làm cho tôi say mê đến yêu mến công tác y tế thôn xã mà đến mãi sau này khi điều hành nền Y tế công cộng Việt Nam, tôi vẫn nhớ rõ như in và càng thêm yêu mến công việc, công lao, công ơn của người cán bộ y tế xã” – Giáo sư Thiện kể lại.

Những ngày tháng chiến tranh đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm của đồng bào Khu IV rất dạt dào. Có buổi tối sau khi tập huấn xong, đội cấp cứu các ông về nhà một cụ trong làng, không có chiếu, nằm trên chiếc nong để ngủ, có khi lại nói chuyện đến gần sáng. Hay chỉ uống một bát nước chè xanh do người dân mời, cũng đủ khiến ông thấy ấm lòng, tiếp cho ông động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Sau ba tháng hè tham gia phục vụ “cấp cứu phòng không”, đoàn các ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về trường  tiếp tục công tác và học tập, cũng may mà không ai “việc gì”. Có được cái “may mắn” đó, các ông thường nói vui với nhau đấy là nhờ phúc của cụ Di (cụ Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y lúc bấy giờ).

Cả bốn người trong đoàn cấp cứu phòng không ngày ấy nay đã trở thành những Giáo sư, Bác sĩ công tác ở các lĩnh vực khác nhau. Họ cùng góp công sức và trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Và mỗi khi nhớ về những tháng ngày cùng đồng đội chia lửa ở Thanh Hoá, GS Dương Đình Thiện không giấu được sự xúc động  tự hào.

 

Hoàng Thị Liêm-Nguyễn Thị Hiên

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam