Niềm tin lúa sỏi

PGS – TS Võ Công Thành vui mừng nhìn “đứa con” mình sinh trưởng tốt khi khảo nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: THU HOÀI

Với mái tóc bạc gần hết và làn da rám nắng, PGS-TS Võ Công Thành chẳng khác nào một lão nông tri điền quê tôi, giản dị, mộc mạc đến bất ngờ. Bà con nông dân gọi ông thân mật là “nhà khoa học nông dân”. Anh Trần Hoàng Văn, ở ấp Lộ Xe A, huyện Hồng Dân, chia sẻ: “Là nhà khoa học nhưng PGS-TS Thành không hề có khoảng cách với nông dân. Gia đình tui đang mần thử nghiệm giống lúa CTUS1 của thầy. Đều boong, cứ cách một ngày thầy gọi điện hỏi thăm tình hình phát triển của cây lúa, hướng dẫn kỹ thuật rất cặn kẽ, thỉnh thoảng còn đem thuốc cho tui chăm sóc lúa!”.

Nhân duyên đến với cây lúa sỏi của PGS-TS Thành cũng thật tình cờ. “Nhà khoa học nông dân” này cười hiền hòa, kể: Năm 1998, tôi tham dự chương trình Đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ “Điện di protein SDS-PAGE của Nhật ứng dụng trên cây đậu nành”. Kỹ thuật “điện di protein” có thể phát hiện gạo mềm cơm hoặc cứng cơm, phân tích được hàm lượng sắt, protein và nhiều chất khác trong hạt gạo. Từ đó có thể tuyển lấy nguồn giống tốt nhất theo ý muốn. Thấy công nghệ này rất hay nên tôi nghiên cứu, ứng dụng trên cây lúa và đề xuất được chuyển hướng nghiên cứu hẳn qua cây lúa, nhưng lãnh đạo khoa không đồng thuận vì băn khoăn không đúng lĩnh vực sẽ gây lãng phí…“Vốn xuất thân từ nông dân, tôi hiểu nỗi khổ của họ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn làm không đủ ăn. Đây là động lực để tôi quyết tâm chuyển qua nghiên cứu cây lúa và ứng dụng phương pháp mới này”- PGS-TS Thành bộc bạch.

Như một điềm lành, tình cờ ông Võ Văn Út, Bí thư huyện ủy Hồng Dân, đến Trường Đại học Cần Thơ và gặp PGS-TS Võ Công Thành. Khi nghe lãnh đạo huyện Hồng Dân trình bày đang kiếm tìm giống lúa có khả năng chịu mặn cao để giải quyết nỗi lo của hàng ngàn nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập ngày càng sâu như hiện nay trên vùng đất này. PGS-TS Thành vui mừng vì có cơ hội “đánh thức” những giống lúa được ông sưu tầm và dày công nghiên cứu cùng các cộng sự. Nhắc lại quá trình nghiên cứu giống lúa, PGS-TS Thành cho biết: “Vào khoảng năm 1999 tôi đến các tỉnh ven biển sưu tầm những giống lúa có từ xa xưa (lúa mùa), để nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của nó. Trồng lúa trên vùng nước mặn là mục tiêu hun đúc tôi nghiên cứu. Sau thời gian sưu tầm lúa ở nhiều tỉnh thành, tôi đem về khoảng 150 mẫu lúa, nghiên cứu và bảo quản. Nhưng do điều kiện thời tiết không ổn định, chỉ còn 50 giống lúa trụ lại được. Trong đó có một số giống lúa chịu mặn rất giỏi. Năm 2005, tôi tiếp tục cùng sinh viên cao học nghiên cứu đề tài về giống lúa chịu mặn, đi sâu nghiên cứu khai thác nguồn gene và phát hiện nhiều điều mới mẻ về giống lúa chịu mặn”.

Năm 2010 khi lãnh đạo huyện Hồng Dân đang cần giống lúa chịu mặn cao đáp ứng nhu cầu bức thiết của nông dân, ông đã mang các giống lúa sưu tầm ra nhân giống lai tạo và cho ra đời bộ giống CTUS1, CTUS2, CTUS3. Trong đó, giống CTUS1 (lúa sỏi) có khả năng chống chịu từ 9-10%o độ mặn. Tháng 4 năm 2011, PGS-TS Thành đưa 4kg lúa CTUS1 đầu tiên gieo mạ trên 200m2 tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân trước sự tò mò và không mấy tin tưởng của người dân. Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng NN & PTNT huyện Hồng Dân, nói: “Tôi đã chứng kiến cây lúa CTUS1 sống trong phòng thí nghiệm của PGS-TS Thành, nhưng lúc gieo mạ ngoài thực địa thời tiết nắng nóng đo độ mặn trong nước rất cao, thấp nhất là 5,4%o, có lúc cao đến 9,6%o tôm còn nổi đầu và chết, nên chúng tôi không khỏi lo lắng sợ lúa không sống nổi”.

Hơn một tháng sau mạ lên xanh um trước sự thán phục của nhiều người. Sau đó, mạ được nhổ ra cấy nhân giống cấp siêu nguyên chủng trên diện tích gần 5.000m2. Hôm chúng tôi đến lúa đã nở bụi to xanh rờn. PGS-TS Võ Công Thành phấn khởi giải thích: “Chưa thể nói chính xác sản lượng lúa đạt bao nhiêu phải chờ đến cuối vụ mới biết, nhưng theo khảo sát quá trình sinh trưởng của cây lúa hiện nay rất lạc quan. Đặc tính của lúa chịu mặn là khó khăn trắc trở chủ yếu ở giai đoạn đầu, lúc nảy mầm tới 30 ngày tuổi, vượt qua được giai đoạn này thì không phải lo lắng, chắc ăn sinh trưởng tốt. Có thể tin tưởng cuối tháng 12 năm nay trên diện tích này sẽ cho thu hoạch khoảng 20 tấn (năng suất ước đạt từ 4 – 4,5 tấn/ha)”.

CTUS1 là giống lúa dài ngày, được thanh lọc – mặn chịu đựng được ở nồng độ muối 10%o và thực nghiệm tại Hồng Dân thể hiện đặc tính chịu mặn cao có thể sống trong nước có độ mặn dùng để nuôi tôm, kháng được bệnh đạo ôn, rầy nâu, hạt lúa có dạng tròn, dễ xuất khẩu. Dự kiến từ niên vụ năm 2012, CTUS1 sẽ lấp đầy diện tích đất mặn trước giờ chưa trồng lúa được tại Hồng Dân, đồng thời huyện sẽ tiếp tục nhân giống CTUS1 đáp ứng nhu cầu của bà con vùng đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Hạn chế của CTUS1 là dài ngày, phải trồng khoảng 6-7 tháng mới thu hoạch. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Hồng Dân cho biết, “cha đẻ” của giống CTUS1 vừa nghiên cứu phục tráng thành công và cho ra đời giống CTUS1 ngắn ngày (trồng khoảng 110-120 ngày sẽ thu hoạch) đang khảo nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ. Dự kiến PGS-TS Thành sẽ đưa CTUS1 ngắn ngày trồng thử nghiệm trong ruộng người dân vào năm 2012. Đây thật sự là tin vui cho những người nông dân nặng lòng với “hạt ngọc”.

Những năm qua, PGS-TS Thành còn có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà nói chung và ĐBSCL nói riêng. Đến nay, ông đã nghiên cứu nhân giống và lai tạo thành công khoảng 10 giống lúa: BN1, BN2, BN3, TP (Thơm phức), giống lúa một bụi đỏ địa phương lai tạo tách ra 3 dòng HD5, HD6 và một bụi hồng, bộ giống lúa CTUS1 (lúa sỏi), CTUS2, CTUS3. Trong đó, giống lúa TP đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Hiện tại, các giống lúa TP, BN1, BN2, BN3 được người dân các tỉnh ĐBSCL như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… trồng và rất ưa chuộng.

Tôi không sao quên câu nói đùa rất hài hước của anh Trần Hoàng Văn, người được lãnh đạo huyện Hồng Dân và PGS-TS Thành chọn trồng thử nghiệm lúa CTUS1: “Chắc sắp tới tui phải làm cái thùng để bán vé vào ruộng xem lúa sỏi trổ bông, lấy tiền này làm lại đường đi ra ruộng. Vì bà con trong xóm, người dân các tỉnh đến nườm nượp, thậm chí người ở miệt ngoài cũng xin vô xem lúa sỏi, bờ ruộng lở hết…”. Sự ra đời của giống lúa CTUS1 mang niềm tin mới cho người nông dân canh tác trên vùng đất nhiễm mặn. Với ưu thế cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt CTUS1 hoàn toàn có triển vọng xuất khẩu, góp phần khẳng định vai trò vị trí “hạt ngọc” Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Thu Hoài

Nguồn: www.baocantho.com.vn/