Ở một quốc gia có nền khoa học chưa thật sự phát triển như ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn lại là việc phổ biến khoa học, giáo dục khoa học. Vốn yêu thích và nhiều năm quan tâm tới giáo dục khoa học, tôi cho rằng ở Việt Nam ta những người làm công tác nghiên cứu khoa học rất vinh quang, nhưng cũng rất vất vả. Tuy vậy, nếu chỉ là nghiên cứu thôi thì vẫn chưa đủ. Nhà khoa học trong bối cảnh nước ta hôm nay còn cần là người phổ biến khoa học, đưa kiến thức tới mỗi người dân, nhất là những thế hệ tương lai của đất nước.
Trong bài viết này tôi muốn nhắc tới một trong những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong việc phổ biến khoa học ở Việt Nam, hơn thế nữa lại ở những lĩnh vực khoa học còn rất mới mẻ với nước ta là Vật lý hạt và Thiên văn học. Thông qua hoạt động phổ biến khoa học của mình, ông đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển nhận thức của nhiều thế hệ người trẻ ở Việt Nam. Đó là Giáo sư – Nhà vật lý Đinh Ngọc Lân.
Giáo sư – Nhà vật lý Đinh Ngọc Lân
Giáo sư Đinh Ngọc Lân sinh ngày 11 tháng 7 năm 1929 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thời nhỏ, ông học ở trường tiểu học Pháp – Việt huyện Quỳnh Lưu, rồi sau đó vào Trường quốc học Vinh. Những năm tháng là học sinh Tiểu học và Trung học, ông luôn thể hiện trí tuệ và tinh thần học tập xuất sắc, được nhận nhiều khen thưởng trong quá trình học tập. Năm 1951 ông được cử đi học Trường khoa học cơ bản tại Chiến khu Việt Bắc, học chuyên về Toán, Lý, Hóa.
Sau một thời gian ở Trường khoa học cơ bản, ông được chuyển sang học ở Nam Ninh, Trung Quốc. Thầy dạy Toán của ông ở đây chính là giáo sư Lê Văn Thiêm. Được hai năm ở đây thì ông chuyển tới học ở Đại học Thanh Hoa – Trung Quốc và sau đó hoàn tất chương trình Vật lý hạt nhân tại đây vào năm 1960.
Khi trở về nước, nhà giáo Đinh Ngọc Lân giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam. Ngoài ra ông còn tiếp tục học chương trình sau đại học tại Trung Quốc, nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn khác tại Liên Xô (cũ) và một số quốc gia khác. Đối với khoa học, GS Đinh Ngọc Lân không đóng vai trò chính như một nhà nghiên cứu, mà dành phần lớn tâm huyết cho giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học ra rộng rãi quần chúng, đặc biệt là lớp trẻ.
Những năm 1960 của thế kỷ XX là thời kỳ xảy ra cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe XHCN và TBCN, trong đó có hai mặt trận lớn về khoa học công nghệ. Thứ nhất là cuộc chạy đua hạt nhân, mà cụ thể là nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân, đã khởi đầu ngay từ năm 1945 khi Mỹ sử dụng bom nguyên tử để kết thúc Thế chiến lần thứ hai. Thứ hai là cuộc chạy đua không gian được chính thức khởi đầu bằng việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik 1 năm 1957 – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới. Các cường quốc trên thế giới đều đổ xô vào hai cuộc chạy đua này cả trong nghiên cứu khoa học cũng như năm bắt các công nghệ chế tạo, vận hành,… Ở Việt Nam ta giai đoạn đó, chiến tranh vẫn còn, kinh tế nhiều khó khăn và hơn thế nữa nền tảng khoa học vốn thiếu hụt so với các nền văn minh lớn của thế giới khiến cho mối quan tâm của nhân dân nói chung và lớp trẻ nói riêng tới khoa học còn chưa nhiều. Có lẽ với không ít người dân khi đó, khoa học có vẻ như điều gì đó cao xa, thậm chí có người còn cho điều này là thiếu thực tế đối với hoàn cảnh đất nước… Nhưng, nhà vật lý Đinh Ngọc Lân hiểu và nhìn nhận rõ tầm quan trọng của khoa học và ông là một trong những người đi đầu trong phong trào phổ biến kiến thức khoa học, mà cụ thể chính là vật lý hạt và thiên văn học – hai lĩnh vực gắn liền với những cuộc chạy đua khoa học công nghệ thời kỳ đó.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, thực tế lịch sử đã chứng minh rằng vật lý hạt và thiên văn học không chỉ đóng vai trò không thể thiếu trong tiến trình phát triển khoa học công nghệ mà thậm chí ngày càng thể hiện được vai trò mũi nhọn của chúng trong thế giới hiện đại.
Nhờ kiến thức sâu sắc về khoa học, đặc biệt là Vật lý cộng với vốn ngoại ngữ phong phú: Anh, Pháp, Nga, Trung; GS Đinh Ngọc Lân đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình cho việc tìm hiểu tài liệu, tiếp thu kiến thức khoa học thường xuyên của nhân loại và mang chúng tới với người đọc, đặc biệt là lớp trẻ, một cách gần gũi, dễ hiểu. Ở lĩnh vực phổ biến kiến thức này, ông thể hiện rõ tài năng của mình không chỉ là một nhà khoa học mà còn là một nhà sư phạm và một cây bút xuất sắc. Ông đã có những ấn phẩm về vật lý hạt được rất nhiều độc giả đón nhận như “Năng lượng thế kỷ 20” (Đinh Ngọc Lân, NXB Khoa học và kỹ thuật, 1977), “Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 20” (Đinh Ngọc Lân, NXB Phổ thông, 1976), …
Lĩnh vực phổ biến khoa học mà GS. Đinh Ngọc Lân tham gia nhiều nhất, xuất sắc nhất là Thiên văn học. Ông say mê với những kiến thức về bầu trời và vũ trụ, đặc biệt là lĩnh vực hàng không không gian. Năm 1961, khi Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian rên tàu Vostok 1, ông đã tổ chức và tham gia rất nhiều buổi thuyết trình, thảo luận về du hành không gian. Sau này ông viết nhiều tác phẩm về lĩnh vực này dành cho thanh thiếu niên như “Con người bay vào vũ trụ” hay “Kể chuyện du hành trong vũ trụ“….
Điều đặc biệt trong các tác phẩm của GS Đinh Ngọc Lân là văn phong, cách trình bày, cách chọn lọc nội dung. Tất cả đều gần gũi, dễ hiểu, không hàn lâm và cầu kì. Chính vì thế, các nội dung mà ông mang tới đều dễ dàng được người đọc nhiều thế hệ chấp nhận và giữ lấy làm giàu thêm tri thức cho mình.
Năm 1997 nhân Hội nghị thưởng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội, GS Đinh Ngọc Lân có đề xuất nhờ Chính phủ Pháp hỗ trợ để xây một Nhà chiếu hình vũ trụ với mục đích phổ biến kiến thức thiên văn học ở Việt Nam được dễ dàng và sinh động hơn. Tới năm 2001, thỏa thuận đã được kí nhưng rất tiếc vì nhiều lí do khách quan mà đến nay công trình này vẫn chưa được thi công. Đó là một điều mà ông vẫn luôn lấy làm tiếc nuối vì đã lỡ mất cơ hội để đưa kiến thức và đam mê của mình tới với lớp trẻ được nhiều như mong muốn. Dù vậy, ông vẫn luôn hăng say với sự nghiệp viết lách, vừa truyền bá kiến thức vừa khơi gợi lên trong mỗi người đọc sách của ông một tình yêu với tri thức và khoa học.
Nay đã hơn 80 tuổi, GS. Đinh Ngọc Lân vẫn miệt mài với việc nghiên cứu và viết lách. Dường như ngọn lửa đam mê với khoa học của ông sẽ chẳng bao giờ nguôi cạn. Có thể nói, ông không chỉ là một nhà khoa học lớn, ông còn là một nhà giáo dục xuất sắc của Việt Nam ta.
Tinh Quang
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn