Cách mạng
– Cháu có muốn tham gia Cách mạng không?
– Cách mạng là gì hả bác?
– Cách mạng là để không phải khổ, được tự do, được sung sướng.
Lời giải thích ngắn gọn nhưng chứa đựng niềm tin đầy quả quyết của người phu xe tay ngõ Trạm đã xoáy sâu vào tâm hồn cậu bé Hốt[1], bừng lên trong cậu một niềm khao khát đổi thay, kể từ khi cậu ý thức được cái nghèo đói, nhếch nhác của mình.
Làng Đa Sĩ, tỉnh Hà Đông[2] là nơi cậu bé Hốt cất tiếng khóc chào đời. Chẳng hiểu sao, cái vùng đất tứ linh, mưa gió thuận hòa và nổi tiếng nhiều tiến sĩ trong sử sách ấy lại xuất hiện một gia đình nghèo khó đến độ “cùng đinh” như vậy. Từ thời ông nội, cho đến cha mẹ Hốt luôn phải sống trong cảnh đi ở nhờ vì gia sản không có lấy một mảnh đất cắm dùi. Bốn người con lần lượt ra đời khiến cho gánh nặng áo cơm trên đôi vai họ càng thêm chồng chất. Trong cơn bí bách, bố mẹ đã phải xót xa đem Hốt – đứa con ham ăn, háu đói nhất nhà, tới ở nhờ và giúp việc trong gia đình người chú họ, trên phố Hàng Ngang. Đó là vào năm 1944, khi Hốt mới 11 tuổi. Nhiều lúc, giữa phố phường phồn hoa, buôn bán tấp nập, Hốt nhớ nhà ghê gớm. Nhưng rồi hình ảnh đĩa cơm nắm chia đều 6 miệng ăn, cảnh chính mình ngấu nghiến ăn luôn phần của mẹ nhường cho, bất chợt ùa về trong tâm trí Hốt như một nỗi ám ảnh buồn đến nao lòng…
Cuộc gặp gỡ tình cờ với người kéo xe tay vào cuối năm 1945 đã đưa Hốt đến với Cách mạng, kéo cậu bé ra khỏi những tháng ngày sống phờ phạc, ngơ ngác giữa lòng Hà Nội. Cậu đã nằng nặc đòi người phu xe đưa ngay đến nơi có “Cách mạng”, mà không hề có ý thức là chính trong con người cậu đang diễn ra một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi cả cuộc đời. Sau khi được đưa đến gặp ông Nguyễn Tiến Lợi[3] – Trung đội trưởng của một Trung đội tự vệ có trụ sở trên phố Hàng Bạc, Hốt được kết nạp trở thành liên lạc viên đội Tự vệ thành Hoàng Diệu. Cũng từ khi đó, Hốt mang tên Lê Ngọc Canh.
Ngoài những lúc rảnh rang việc nhà, Lê Ngọc Canh lại hăng hái chuyển giao thư từ, tin tức đến các địa điểm theo chỉ dẫn. Cậu lờ mờ nhận ra những hối hả, lo lắng hiển hiện trên từng bước chân, từng gương mặt của những người mà mình gặp ngoài phố, và nghe loáng thoáng đâu đó xảy ra những sự kiện lớn đe dọa vận nước.
Đêm 19-12-1946, tiếng súng nổ rền, càng lúc càng gần và ác liệt khiến cho Lê Ngọc Canh vô cùng sợ hãi. Sáng hôm đó, Lê Ngọc Canh đến trụ sở của đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu để nắm bắt tình hình. Lúc này, đội tự vệ đã sát nhập với Vệ quốc đoàn trở thành đơn vị bộ đội chính quy, tiến hành kháng chiến chống Pháp trong địa bàn Hà Nội. Lê Ngọc Canh tình nguyện gia nhập Thiếu sinh quân quyết tử Thủ đô, làm nhiệm vụ liên lạc chiến đấu cho Trung đoàn Thủ đô.
Giữa vòng vây của địch, bên những ngổn ngang, điêu tàn của Hà Nội vào mùa đông năm 1946, cậu bé thiếu sinh quân Lê Ngọc Canh đã được anh Đỗ Trí[4] truyền dạy những động tác múa đầu tiên để cho nhập vào đội Tuyên văn (Tuyên truyền bằng văn nghệ – TG). Không thể ngờ những động tác múa đơn giản của hướng đạo sinh, kết hợp với những bài hát cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần quả cảm “Thề sống chết với Thủ đô” ấy lại như một cái duyên đưa Lê Ngọc Canh gắn bó với nghệ thuật múa sau này.
Hẹn ước “ngày về”
Đêm 17-2-1947, trời Hà Nội tối đen như mực. Cơn mưa phùn kéo dài từ mấy ngày trước đó càng làm cho không khí trở nên lạnh buốt. Từng nhóm người thuộc Trung đoàn Thủ đô bí mật liên hệ với nhau bằng mật khẩu rồi đi về phía đền Phất Lộc. Mãi tới lúc ấy, Lê Ngọc Canh mới biết rằng mình đang chuẩn bị cùng với các “vệ út”, “vệ gộc” của Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây địch, trở ra vùng tự do.
Đoàn người bám sát nhau không một tiếng động, len qua những rặng dâu dọc bờ sông Hồng để tới bến Chèm. Ở đây, có một đoàn thuyền nan đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tiếng gió rít bên sông không sao át được tiếng súng nổ vang một góc nội thành. Một đội cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô đang bền bỉ chiến đấu để đánh lạc hướng địch, trước khi đốt vật dụng tạo khói lửa, dựng chướng ngại vật để cản bước quân thù.
Sang bên kia sông, cả Trung đoàn Thủ đô lặng đi hướng nhìn về Hà Nội. Khói lửa đô thành cháy sáng ngút trời. Những dòng nước mắt nhòe trên gương mặt bởi tiếc nhớ Thủ đô yêu dấu. Ai nấy đều mang trong tim lời hẹn ước ngày về.
Cuộc hành trình lên “thủ đô gió ngàn” khiến cho nhiều em thiếu sinh quân, trong đó có Lê Ngọc Canh bị phồng rộp chân. Tới Thái Nguyên, Lê Ngọc Canh được gia nhập Đội Thiếu sinh quân tuyên truyền vũ trang quân đội – hoạt động tuyên truyền bằng văn hóa, nghệ thuật trong nhân dân và bộ đội. Các thành viên trong đội đều phải biết hát, múa, diễn kịch… Vốn nhỏ người, Lê Ngọc Canh được phân công học múa bên cạnh việc học văn hóa.
Sống giữa núi rừng Việt Bắc, Lê Ngọc Canh dành cho mảnh đất, con người nơi đây một tình yêu bền chặt. Những điệu múa của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Thái, Nùng… khiến ông càng thêm say đắm. Thao tác múa của ông ngày càng thuần thục, điêu luyện. Dù yêu thích múa nhưng trong thâm tâm Lê Ngọc Canh vẫn luôn ước mơ được trở thành chiến sĩ, được ra trận để chiến đấu.
Năm 1951, Lê Ngọc Canh thi đỗ vào khoa Pháo binh của trường Sỹ quan lục quân. Nhưng một lần nữa, ông phải trở về với nghiệp múa vốn đã dành cho mình. Sau một lần biểu diễn văn nghệ, Lê Ngọc Canh được một cán bộ của trường gọi tới và điều về công tác ở đoàn văn công trường Sỹ quan lục quân.
Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Tháng 10 năm ấy, Hà Nội rực rỡ cờ hoa, bừng tiếng quân ca, đón chào Trung đoàn Thủ đô trở về tiếp quản như lời hẹn ước năm xưa.
Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, một thời gian sau Lê Ngọc Canh tham gia lớp bổ túc văn hóa công nông, rồi ông thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hệ tại chức. Cùng với đó, Lê Ngọc Canh tiếp tục học tập trau dồi nghiệp vụ và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa – con đường mình đã lựa chọn.
“Trên từng cây số”
Năm 1973, tác phẩm múa “Giã gạo dưới trăng” do Nhà hát ca múa nhạc dân gian Bulgaria biểu diễn dành Huy chương vàng quốc tế tại Berlin, CHDC Đức. Lê Ngọc Canh đã dàn dựng tác phẩm này như một món quà tri ân đối với đất nước Bulgaria, sau 4 năm ông làm nghiên cứu sinh tại đây (1969-1973). Bằng sự kết hợp khéo léo giữa trang phục, chất liệu múa dân gian Việt Nam với nhịp điệu, tiết tấu múa hiện đại, tác phẩm đã đem tới cho Ban giám khảo và đông đảo người xem một cảm xúc mãnh liệt.
Ba năm sau, điệu múa “Thiếu nữ Chăm” do ông biên đạo đã vinh dự được chọn biểu diễn trong Đại hội Đảng lần thứ IV (1976). Ít ai biết rằng, từ năm 1975 khi đất nước mới thống nhất, Lê Ngọc Canh đã lặn lội vào các làng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận để nghiên cứu – sưu tầm nghệ thuật múa đặc sắc của dân tộc này. Khi đó ông được hộ tống và bảo vệ bởi 2 dân quân tự vệ địa phương có vũ trang để đề phòng tổ chức Fulro. Ông cũng đã đến Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm pa (Đà Nẵng) hàng tuần lễ để nghiên cứu về các pho tượng vũ nữ Apsara. Những đường cong đầy sức sống trên cơ thể cùng với nét uyển chuyển kiêu sa mang đầy tính biểu cảm, được tạo tác trên chất liệu đá sa thạch từ ngàn năm trước đã tạo cảm hứng cho Lê Ngọc Canh sáng tác điệu múa “Thiếu nữ Chăm” đầy tiếng vang.
GS.TS Lê Ngọc Canh
Năm 1984, Lê Ngọc Canh bắt đầu công tác nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian[5]. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim của sự phục hồi trên nhiều lĩnh vực văn hóa, trong đó có các điệu múa dân gian ở Việt Nam. Có thể nói 54 dân tộc là 54 tinh hoa, sắc thái. Kho tàng ấy là quá lớn, trong khi sức người có hạn. Dẫu vậy, Lê Ngọc Canh vẫn cần cù góp nhặt, nghiên cứu – sưu tầm bằng thái độ nghiêm túc, bằng tình yêu thiết tha dành cho múa dân tộc đã được vun đắp trong ông từ những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc.
Việc sưu tầm – nghiên cứu các điệu múa cổ gắn liền với việc ghi và tập, tức là ghi chép và tập múa. Lê Ngọc Canh đã tìm gặp những nghệ nhân, người cao tuổi ở hầu khắp các dân tộc, vùng miền để ghi chép lại nguồn gốc, ý nghĩa các điệu múa và trực tiếp học múa. Cũng chính vì thế mà đồng nghiệp, bạn bè vẫn thường gọi ông là “người trên từng cây số” hay “chuyên gia đánh bắt xa bờ”.
Năm 2001, GS.TS Lê Ngọc Canh được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm công trình sách: “Khái luận nghệ thuật múa”, “Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam”, “Nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam”, “Nghệ thuật múa Chăm”.
Có thể nói, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa dân gian nói riêng luôn luôn dựa trên nền tảng văn hóa. Cho nên nghiên cứu nghệ thuật múa dân gian không thể tách rời việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ, dân tộc học… Lê Ngọc Canh đã kết hợp giữa thực tiễn và lý luận một cách uyển chuyển, nhuần nhuyễn dựa trên những làn điệu múa mà chính ông được thưởng thức, chiêm nghiệm cùng với vốn kiến thức về phong tục, tập quán, lễ nghi, luật tục… của từng dân tộc.
Giờ đây, nghệ thuật múa phát triển lên một tầm cao mới, mang tính dân tộc và đương đại đang nở rộ với nhiều thể loại múa…, đã tạo ra nhiều xu hướng sáng tác. Tuy nhiên, các sáng tác mang tiết tấu, nhịp điệu của múa hiện đại dựa trên cơ sở các điệu múa dân tộc vẫn mang những giá trị bền vững, phù hợp với thẩm mỹ của thời đại.
Từ khi nghỉ hưu (2000), trong chặng đường 15 năm đó GS.TS Lê Ngọc Canh vẫn liên tục hoạt động với vai trò: nhà sáng tác múa; nhà sư phạm; nhà nghiên cứu nghệ thuật múa dân gian. Toàn bộ hoạt động của ông được gói gọn trong: “5 bước nhỏ cho 1 bước dài”[6]. Các bước nhỏ ấy chính là: Sưu tầm – Nghiên cứu – Công trình sáng tác – Sách – Giáo trình. 18 cuốn sách về lý luận, lịch sử nghệ thuật múa và sách giới thiệu về các điệu múa cụ thể của nhiều dân tộc lần lượt ra đời là kết quả của tinh thần lao động không ngừng nghỉ đó.
Sau buổi lễ phong hàm Giáo sư 2014, Lê Ngọc Canh xuất hiện trên nhiều mặt báo với tư cách là Giáo sư… cao tuổi nhất. Có thể những nếp nhăn trên gương mặt và những sợi bạc trên mái đầu là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy dấu hiệu tuổi tác. Song, ở ông vẫn còn đó một sự dẻo dai, tinh tế, đầy nội lực trong từng động tác múa, còn đó sức lao động sáng tạo bền bỉ trong từng cuốn sách, và còn đó ý chí quả cảm của một thiếu sinh quân quyết tử cho Thủ đô mùa đông năm ấy.
Đỗ Minh Khôi
[1] Tên ngày nhỏ của GS.TS Lê Ngọc Canh.
[2] Nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
[3] Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, đồng thời là chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn thủ đô trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
[4] Sau này trở thành nhà văn, nhà báo quân đội.
[5] Nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
[6] Dẫn lời GS.TS Lê Ngọc Canh, trong buổi phỏng vấn ngày 7-2-2015.