Vào Nam sau ngày giải phóng

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày giải phóng Sài Gòn (30-4-1975), một đoàn cán bộ của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam được cử vào làm công tác tư tưởng với trí thức miền Nam và tiếp quản các cơ quan khoa học, giáo dục tại đây. Thành phần chủ yếu của đoàn công tác là lãnh đạo Ủy ban như GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Phạm Huy Thông và lãnh đạo các viện nghiên cứu. Ông Văn Tạo là đại diện lãnh đạo Viện Sử học tham gia đoàn. Chuyến công tác đầu tiên vào miền Nam này kéo dài khoảng nửa tháng với mục tiêu chủ yếu là làm công tác tư tưởng và gặp trực tiếp một số trí thức lớn để trao đổi về các vấn đề văn hóa, khoa học sau khi thống nhất đất nước.

GS Văn Tạo nói chuyện về sử học với trí thức Sài Gòn năm 1975

Sau chuyến đi đầu tiên, tình hình chính trị, xã hội miền Nam bắt đầu ổn định dần thì các chuyến đi công tác miền Nam cũng dễ dàng hơn. Ông Văn Tạo được tham gia các đoàn đi tiếp quản Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt… Ông cũng có nhiều buổi trò chuyện về sử học với trí thức miền Nam tại Cung Trí thức Sài Gòn. Như ông nói: “Mình nghiên cứu lịch sử thì tập trung vào chuyện sử học từ trước đến nay, bởi khi nói về lịch sử Việt Nam các thời đại trước thì trí thức hai miền không quá xa cách nhau về quan điểm nhìn nhận. Khi nói chuyện, để dễ cảm thông và chia sẻ với nhau thì tôi không đề cập đến các vấn đề lịch sử hiện đại hay vấn đề tư tưởng”.

 

Đoàn cán bộ vào tiếp quản Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt năm 1975

(Từ trái: Văn Tạo, Vũ Khiêu, Nguyễn Ngọc Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,

Nguyễn Kim Thản, Phạm Thiều, Phạm Như Cương, Hồ Tôn Trinh, Lê Vinh).

Trong buổi phỏng vấn, GS Văn Tạo cũng tâm sự thêm rằng: “Thống nhất đất nước là một quá trình lâu dài và dựa vào cố gắng của hai phía. Nam – Bắc đều là một dân tộc Việt Nam nhưng chiến tranh đã chia cắt thành hai miền lâu dài khiến cho những suy nghĩ, quan điểm của trí thức hai bên đều có sự khác nhau. Để thống nhất và chia sẻ được quan điểm với nhau thì cần nhiều thời gian và sự cảm thông, ủng hộ từ hai phía. Và kết quả của quá trình đó là như ngày hôm nay, trí thức hai miền đã hòa hợp được với nhau”.

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam