Từ niềm đam mê học….
Trao đổi về vấn đề tự học, GS.TS Trần Đỗ Trinh hồi tưởng về thời trẻ của mình. Gương mặt của vị Giáo sư đã ở độ tuổi xưa nay hiếm bỗng tươi tỉnh hẳn, đôi mắt trở nên sáng và nhanh nhẹn lạ lùng. Cái việc tự học của ông bắt đầu từ thời phổ thông, đó là những ngày còn học tiểu học ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, rồi lên Trường Bưởi Hà Nội, trường Trung học Chuyên khoa kháng chiến tại Thanh Ba, Phú Thọ. Mặc dù thời loạn lạc, nay đây mai đó nhưng việc học với ông luôn là một niềm vui. Ông tâm sự rằng: Chỉ có thích thú học thì mới có động lực để học chăm chỉ. Niềm vui của ông là những điểm số cao mà thầy giáo cho, là sự kiêu hãnh của một cậu bé học trò là có thể hơn bạn hơn bè.Ông kể: lúc đó thang điểm là 20, ông thường được 13 trên 20 điểm, còn các bạn bè ông chỉ được 10. Nói đến đây ông chợt cười rất thoải mái: “Tôi rất tự hào về điều đó, cái niềm kiêu hãnh trẻ thơ ấy là thật tình chứ không hề xáo rỗng”.
GS.TS Trần Đỗ Trinh tại phòng làm việc ở nhà riêng
Câu chuyện lại tiếp tục: Tôi thích học tất cả các môn, từ địa lý, văn học, toán học. Tự khám phá, tự tìm tòi các sách để đọc và nghiên cứu, về địa lý thì có thể biết tất cả các nước với tình hình kinh tế xã hội, vị trí địa lý tự nhiên, đặc điểm mạnh yếu của những nước đó ra sao; về văn học thì tìm đọc những tác phẩm kinh điển như: Cuốn theo chiều gió, Chiến tranh và hòa bình,… tôi mê mẩn những tác phẩm đó nên sưu tầm cả sách tiếng Việt lẫn sách tiếng Anh mà đọc. Còn về toán học thì thật sự niềm đam mê đã ngấm vào trong máu, mỗi khi giải xong bài toán thì cảm giác “sướng lắm”. “Sướng” vì coi như mình đã sáng tạo, đặc biệt là trong hình học, để giải được mỗi bài hình học, nhất là hình học không gian, thì trí tưởng tượng phải thật phong phú, phải vẽ được những đường thật chuẩn xác, vẽ được hình rồi thì coi như bài toán đã được giải quyết. Chính cái khó của việc làm toán không hề làm nản chí mà ngược lại càng khó càng cuốn hút, nó đòi hỏi sự ham mê, sự mày mò tìm tòi từ người học. Tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc là không giải xong bài toán trước thì không bao giờ làm đến bài toán sau. Bởi vậy, tôi đã giải tất cả các bài toán trong các cuốn sách bài tập mà mình có trong tay.
Nối tiếp sự đam mê học hành của mình, cuối năm 1950 Trần Đỗ Trinh đã ghi tên đăng ký học tại Trường Đại học Y ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ký ức về lớp học trong rừng, những “buổi thực hành” ngay tại mặt trận không bao giờ nhạt phai trong ông và bạn bè đồng lớp. Đó là hình ảnh lớp học được dựng lên bằng những cây tre, hòn đá mà chính tay các ông chặt từ rừng ra, khuân từ dưới suối lên.Đó là cái cảm giác được biết thế nào là đại học của một sinh viên mới vào trường Y. Ngày đó, sống kham khổ, ăn còn chẳng đủ, trong rừng thì còn nghĩ gì tới ăn mặc tử tế – GS.TS Trần Đỗ Trinh nói như vậy. Nhưng hình ảnh của GS Đặng Văn Ngữ trong buổi lên lớp đầu tiên với complê, cà vạt, quần Tây rất lịch sự đã khiến ông và các bạn thấy sự khác biệt kỳ lạ khi bước vào giảng đường đại học: đó là sự nghiêm túc, trang nghiêm cho dù trong môi trường thật nghèo nàn, đơn sơ của thời chiến. Buổi học đó thật nghiêm trang và ai cũng xúc động. Ông cho rằng đó là một dấu ấn đặc biệt khi bước chân vào đại học, là một điểm nhấn đậm để từ đó ông có thể cố gắng học tập và phấn đấu nhiều hơn nữa.
Ngày ấy, GS.TS Trần Đỗ Trinh và những người bạn của ông vừa học vừa phải đi chiến dịch, học rồi đi, đi về rồi lại học tiếp. Ông nhớ một buổi được thầy Tôn Thất Tùng cho phụ mổ để học hỏi thêm. Ông đứng xem chăm chú đến nỗi đầu ông cứ chúi dần vào vết mổ, khiến thầy Tùng vừa cười vừa nhắc ông rằng: “Thằng này nó tìm thấy kho vàng trong vết mổ này”. Khi đó ông mới giật mình và đứng lùi ra cho thầy mổ.
Một kỷ niệm nữa ông cũng không bao giờ quên. Ngày đó trên chiến khu, thiếu thốn đủ thứ, tài liệu không có,, thư viện thì cũng chỉ có vài đầu sách tham khảo, ông và các bạn phải thay nhau mượn chép về nhà đọc. Một hôm, thấy một anh sinh viên khóa trên để một giỏ sách trong nhà cậu ruột của mình là Bác sĩ Đỗ Đào Tiềm (khi đó ông ở với cậu mình), ông đã rút trộm một cuốn mà đọc. Vì chuyện này mà ông bị kiểm điểm, mãi về sau ông mới trả sách cho họ, nhưng khi trả xong sách thì ông cũng đã chép được ra một cuốn sổ khác rồi. Ông bồi hồi: “Tự học nó gian khổ là như vậy, nhiều khi mình phải ăn cắp sách vở của người khác để mà đọc”.
Những ngày ra trận, trong ba lô của người sinh viên quân y ấy lúc nào cũng có ba cuốn sách để có thể học bất cứ lúc nào. “Có ba cuốn sách tôi luôn mang theo người: một cuốn về Bệnh học, một cuốn sách tiếng Anh và một cuốn sách Toán. Là sinh viên Y khoa, mang sách y đi để đọc là đúng rồi. Học ngoại ngữ thì cũng có thể hiểu được là cần tham khảo các tài liệu khác. Nhưng học toán thì tôi vẫn bị cho là điên rồ. Các bạn đồng đội tôi đều cười chế nhạo tôi như thế – thế nhưng tôi không cưỡng lại được việc thích thú giải các bài toán khó. Tôi mải mê làm toán như khi còn ở trường Trung học kháng chiến, có cảm giác hạnh phúc như đang được đi trên một con đường rất thẳng và giải trí một cách sung sướng. Dần dần, tôi cảm thấy “một việc đại vô ích” ấy lại là rất có ích. Nó có ích cho cả cuộc đời làm thầy thuốc của tôi sau này…”
…đến niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học
Hứng thú với việc học và tự học từ nhỏ đã khơi nguồn cho những tìm tòi, phát hiện khoa học sau này của GS.TS Trần Đỗ Trinh. Năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông được về Hà Nội học tiếp chương trình của Đại học Y từ thời còn ở Chiêm Hóa. Như để khỏa lấp những thiếu thốn về sách vở lúc còn ở chiến khu, ông đã tranh thủ thời gian để đi các thư viện đọc sách, nghiên cứu, chỗ nào có sách là ông đến tìm và đọc, đó là các thư viện Bệnh viện Bạch Mai, thư viện Đại học Y, đặc biệt là thư viện của Bệnh viện Xanh Pôn có nhiều sách quý do người Pháp đầu tư.
Yêu thích bộ môn Tim mạch, ông đã tìm mọi cách đi sâu tìm hiểu về những kiến thức này. Một vấn đề làm ông say mê và cố gắng tự tìm ra cách giải quyết đó là về Điện tâm đồ, lúc đó không ai ở nước ta hiểu nhiều về vấn đề này. Biết có một vị Giáo sư người Pháp sang Việt Nam làm việc, có mang một cái máy Điện tâm đồ và để ở Viện ung thư, ông đã tìm đến học cách sử dụng, tìm những sách hướng dẫn chức năng của máy, cách đọc điện tâm đồ như thế nào, cách đọc các sóng P, Q, R, S, T,… và ý nghĩa của nó về bệnh lý, dấu hiệu, nặng nhẹ ra sao? Sau này có thêm những máy Điện tâm đồ của Liên Xô và Đức, ông đã đem nó ra sử dụng và bắt đầu áp dụng trên những bệnh nhân trong Khoa Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai. Những miệt mài tìm hiểu của ông được viết thành công trình nghiên cứu đầu tiên là “Các sóng điện tâm đồ bình thường ở người Việt Nam”. Nghiên cứu được đúc rút từ hàng trăm ca thực nghiệm trên người bình thường. Từ cơ sở nghiên cứu trên người bình thường đó ông đi đến nghiên cứu và thực nghiệm kết quả trên người bệnh, nó được tổng kết bằng một công trình khác với tên “Các sóng điện tâm đồ bệnh lý ở người Việt Nam”. Những kết quả nghiên cứu được phổ biến rộng rãi, trước hết là cho sinh viên, rồi sau đến các bác sĩ trên toàn quốc. Nó cũng chính là những cơ sở nền tảng đầu tiên để sau này ông cho ra đời các cuốn sách về các vấn đề: “Chẩn đoán điện tâm đồ”; “Hướng dẫn đọc điện tim”; “Điện tâm đồ trong lâm sàng”, và làm các nghiên cứu sâu sắc về “Các rối loạn nhịm tim” sau này của ông
Tự mày mò, tự nghiên cứu là chính, ông cho rằng chính bản thân mình mà không nỗ lực thì không ai giúp được mình cả. Ngay cả việc đọc sách của bản thân, ông cũng cho là một việc hết sức quan trọng, đọc là phải đọc hết cuốn sách, không được bỏ sót chỗ nào, đọc phải cho kỹ càng vì ngành y, sơ xẩy là có thể gây ra những tai hại khó lường.
Quả thật, làm điều gì cũng cần phải có niềm đam mê, sự hăng say, hứng thú và tình yêu dành cho công việc mình làm. Để trở thành một nhà khoa học thì sự tự học, niềm đam mê như những tâm sự của GS.TS Trần Đỗ Trinh càng khiến cho lớp trẻ chúng ta phải suy nghĩ.
Nguyễn Thanh Hóa