GS.TS Hà Văn Mạo: Nghiên cứu khoa học là tâm nguyện trọn đời của tôi

GS.TS Hà Văn Mạo sinh ngày 01- 01- 1928 ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Gia tộc họ Hà của ông là một gia tộc hiếu học có tiếng. Nhiều người được ghi nhận là có công trạng với đất nước, là danh nhân văn hóa như Hà Công Trình (1434-1511), Hà Tông Mục (1653-1707). Hà Văn Mạo đỗ tú tài toàn phần ở Quốc học Huế với hai bằng Triết học và Toán dưới sự dạy dỗ của nhiều vị giáo sư nổi tiếng như: Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu. Năm 1946, ông ra Hà Nội thi Đại học Y khoa.

GS Hà Văn Mạo khi còn học ở trường Quốc học Huế ( người đứng thứ 6 từ trái qua phải hàng thứ 2),

hàng đầu là các giáo sư, thầy giáo của trường

  Những ngày theo kháng chiến

Cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ khi sinh viên Hà Văn Mạo mới đang học năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội. Không suy nghĩ đắn đo, ông khăn gói theo kháng chiến. Trong những năm 1948 – 1952 sinh viên Hà Văn Mạo vừa học tập vừa làm việc trong Đội phẫu thuật lưu động của GS Tôn Thất Tùng, đi phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hòa Bình. Năm 1952 –1955 ông ở chiến trường Tả Ngạn và làm Trưởng ban Quân y khu Tả Ngạn và kiêm Phó phòng Hậu cần của Quân khu. GS Hà Văn Mạo nhớ lại: “Đó là chiến trường ác liệt nhất của miền Bắc hồi ấy, từ Hữu Ngạn sang Tả Ngạn vào chiến trường rất vất vả vì địch phục kích nhiều, toàn phải đi vào ban đêm. Mấy năm ở Tả Ngạn, tôi vừa làm công tác xây dựng cơ sở y tế, vừa trực tiếp phẫu thuật cho các anh em  thương bệnh binh, lại lo chuyển vận thương bệnh binh ra Hữu Ngạn, ra hậu phương. Khó khăn nhất là làm thế nào để bảo vệ thương binh trong khi địch càn quét. Khi đó công tác dân vận là vô cùng quan trọng, chỉ có nhờ dân thì mình mới sống được.  Mình ở lẫn trong dân, ăn mặc như dân, thương bệnh binh cũng được giấu trong dân, trong hầm của dân. Nhờ dân mà chúng tôi luôn được an toàn kể cả trong những trận càn quét gắt gao của địch”.
Về công tác tại Bệnh viện 108 một thời gian, với tư thế sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc kêu gọi, Quân đội cần , năm 1965, bác sĩ Hà Văn Mạo lại lên đường vào chiến trường miền Nam theo sự điều động của cấp trên. Đoàn công tác của bệnh viện do ông là Bí thư chi bộ, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng là Trưởng đoàn hành quân gần ba tháng mới đến chiến trường B. Và mãi đến năm 1974, sau 9 năm chống trọi với bom đạn khốc liệt của Mỹ ngụy, vừa chăm sóc, chữa trị cho thương bệnh binh, vừa tổ chức xây dựng trạm xá, bệnh viện để kịp ứng phó trong thời chiến, ông cùng đồng đội đã xây dựng từ một bệnh xá thành một Bệnh viện đa ngành 17 ở Quân khu V (nay là Bệnh viện 17 Đà Nẵng). Năm 2004 Bệnh viện 17 đã được công nhận là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chủ yếu vì thành tích trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Hành trình trở thành nhà khoa học

Niềm đam mê khoa học, ý thức đi sâu nghiên cứu chuyên môn được hình thành trong GS Hà Văn Mạo ngay từ thời gian ông ở chiến trường Tả Ngạn những năm 1952-1954. Xuất phát từ thực tế cứu chữa thương bệnh binh tại chiến trường, ông đã tổng kết thành một kinh nghiệm và cũng là một đề tài khoa học “Bảo vệ thương bệnh binh trong hầm bí mật”. Cũng trong thời gian đó, ông đã hoàn thành nghiên cứu “Hội chứng bỏng buốt thần kinh và kết quả điều trị bằng Filatov” . Đề tài này được ông sử dụng để làm luận văn tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1950, và được GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng đánh giá cao.
Trong những năm 1965-1974 ở chiến trường B, từ việc khắc phục khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất, thuốc men… trong điều trị cho thương bệnh binh, ông đã sáng tạo ra những phương pháp chữa trị đem lại hiệu quả cao  như “Soi trực tràng bằng ống nứa tự tạo và dùng đèn pin để soi”. Phương pháp này của ông đã được ứng dụng rộng rãi ở chiến trường và ông được tuyên dương là một tấm gương sáng tạo khắc phục khó khăn trong dịp Tuyên dương chiến sĩ thi đua Quân khu V. Cũng từ thực tế áp dụng kinh nghiệm của người dân địa phương trong việc dùng lá cây lăng-tơ-uyn điều trị chống nhiễm trung cho vết thương phân mềm, ông đã tổng kết thành Đề tài khoa học “Nhận xét về tác dụng nước rễ cây lăng-tơ-uyn trong điều trị vết thương phần mềm” và “Kinh nghiệm chữa sốt rét bằng cây thường sơn”..
Những công trình nghiên cứu khoa học của GS.TS Hà Văn Mạo trong thời gian Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có tác dụng và hiệu quả lớn   trong điều trị thương bệnh binh ở hoàn cảnh chiến trường khó khăn, thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế lúc bấy giờ.
Năm 1974, sau 9 năm trong chiến trường B ông ra Bắc và được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức thực tập sinh. Trong hai năm (1974-1976) được tiếp cận và học tập với nhiều chuyên gia giỏi, đặc biệt là GS Renger, một giáo sư đầu ngành về Gan của Cộng Hòa Dân chủ Đức, Bác sĩ Hà Văn Mạo càng quyết tâm hơn trên con đường khoa học. Nhiều dự định nghiên cứu của ông ấp ủ từ chiến trường được cơ hội thực hiện. Nhiều đề tài khoa học của ông đã được công bố, trong đó phải kể đến những đề tài tiêu biểu như: “Phát hiện Bệnh ung thư dạ dày sớm bằng Nội soi dạ dày sợi mềm và sinh thiết” năm 1980; Đề tài cấp Nhà nước UB 10/80 và Bộ Y tế nghiệm thu năm 1990 :“Tác hại lâu dài của Dioxin đối với sức khỏe con người và biện pháp khắc phục”, ngoài ra còn có đề tài về các phương pháp rẻ tiền mà hiệu quả, an toàn như phương pháp Tiêm cồn vào khối u, một phương pháp của Nhật mà ông là người đầu tiên đem áp dụng ở Việt Nam tại Viện 108.
Trong các nghiên cứu của mình, GS Hà Văn Mạo đặc biệt tâm đắc với các nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị ung thư  gan nguyên phát. Ông chia sẻ: “Tôi thấy có nhiều bệnh nhân chết vì ung thư gan, nhiều trường hợp cấp cứu không được. GS Tôn Thất Tùng mổ rất giỏi nhưng nhiều khi cũng không cứu được. Có trường hợp bệnh nhân chết ngay trên bàn mổ vì bệnh đã nặng, căn bệnh này cũng đã  giết chết nhiều đồng đội của tôi, cho nên tôi   thấy mình cần phải nghiên cứu về bệnh gan, ung thư gan, để làm thế nào tìm ra cách phòng và hạn chế nó một cách tốt nhất.” Năm 1978, GS Hà Văn Mạo được nghe GS Nhật Bản OKuda, khi đó đang là Chủ tịch Hội gan mật thế giới giới thiệu về  ung thư gan, trong dịp ông sang thăm và làm việc với Bệnh viện 108. Sau đó GS Okuda đã nhiều lần trao đổi kinh nghiệm về gan mật trong những năm GS.TS Hà Văn Mạo là Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, bên cạnh đó ông cùng hợp tác với GS M.Classen, Chủ tịch Hội tiêu hóa thế giới (OMGE) và ông đã được bầu làm ủy viên trong Ban chấp hành, Ban giáo dục của OMGE. Năm 1997, GS.TS Hà Văn Mạo và GS Keith Henley người Mỹ là giáo sư chuyên về tiêu hóa, mở một lớp đòa tạo cho 200 bác sĩ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và cùng Khoa A3 Viện 108, và Bệnh viện Việt Xô trong những năm 1997 nghiên cứu về đề tài: “Điều trị vi khuẩn HP (Helicobacterpylori), một tác nhân gây ung thư dạ dày và vi rut viêm gan B , một tác nhân gây ung thư gan…”. Nghiên cứu đã được đánh giá cao và áp dụng vào thực tiễn, góp phần điều trị khỏi và cứu chữa nhiều bệnh nhân bị viêm gan B. Một số nghiên cứu khác về vấn đề này cũng đã được công bố như: “Bệnh ung thư  gan nguyên phát, phòng và chữa”; “Xây dựng dây chuyền sản xuất Gacavit”… Đặc biệt nghiên cứu về  Phương pháp sản xuất Gacavit – chế phẩm từ dầu gấc của GS Hà Văn Mạo cùng cố Dược sĩ Đinh Ngọc Lâm, được Cục Sáng chế Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 111 – 0017 ngày 24- 08-1990.

Từ trái qua phải: GS OKuda (thứ 3), GS Hà Văn Mạo (thứ 4)

cùng các y, bác sĩ Viện 108, năm 1978.

Bên cạnh những đóng góp khoa học, GS Hà Văn Mạo còn dành tâm huyết trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ y bác sĩ bậc cao trong ngành Y. Không ít những học trò xuất sắc của ông đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II giỏi, nhiều người hiện đang giữ những cương vị chủ chốt trong ngành và trong các Bệnh viện… Trong những năm tháng công tác,  ông còn đảm trách những cương vị quan trọng của các Hội chuyên ngành trong nước và quốc tế. Ông cũng viết nhiều sách chuyên đề về Tiêu hóa, gan mật tụy, để phổ biến kinh nghiệm chuyên khoa trong ngành, năm 2009 vừa qua ông là chủ biên cuốn sách gần ngàn trang về “Bệnh học gan mật tụy” do Nhà xuất bản Y học ban hành.
Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 83, GS.TS Hà Văn Mạo vẫn không ngừng đam mê nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ trẻ. Hiện tại ông đang hướng dẫn hai nghiên cứu sinh, sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ vào cuối năm 2010. Người chiến sĩ quân y, người thầy, nhà khoa học đã và đang dành trọn tâm huyết và tài năng cho nền khoa học nước nhà ấy đã được Nhà nước ghi nhận với Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và 12 Huân, Huy chương các loại . Ông thật sự là một tấm gương sáng trong việc khắc phục khó khăn để học tập và làm khoa học.

Trần Quang Huy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam