Trong hơn một năm làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu về các nhà khoa học, chúng tôi-những nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ và các Nhà khoa học Việt Nam – đã được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực y học. Những câu chuyện ký ức về quá trình học tập và công tác của các ông đã thực sự lôi cuốn chúng tôi: ở đó chúng tôi luôn cảm nhận được niềm đam mê học tập, sáng tạo, khát vọng cứu người, tất cả vì người bệnh trong bất hoàn cảnh nào, dù trên chiến trường khói lửa hay giữa thời bình.
1. Chúng tôi được đào tạo như thế nào?
“Lớp sinh viên y khoa khóa 1950 được chiêu sinh vào giữa thời kỳ kháng chiến đang diễn ra khốc liệt, không áp dụng mô hình đào tạo đại học liên tục mà vận dụng uyển chuyển theo yêu cầu của kháng chiến: lúc có điều kiện thì tập trung nỗ lực học tập không nghỉ, lúc cần mở chiến dịch thì tất cả ra chiến trường. Nội dung chương trình đào tạo vẫn theo chương trình cơ bản của Đại học Y Hà Nội có cải tiến hướng vào chủ đích đảm bảo phục vụ tốt cho yêu cầu chiến đấu trước mắt của quân đội và kháng chiến toàn dân, để dành thắng lợi hoàn toàn. Vừa học, vừa làm, nỗ lực trong giảng dạy và tự học, tự rèn luyện bản thân của mỗi sinh viên là điều cốt yếu.”- GS.TSKH, bác sĩ Nguyễn Cảnh Cầu, nguyên Hội trưởng Hội Da liễu Việt Nam, lớp trưởng lớp Y50 kể.
“Lớp chúng tôi được học tập khá cơ bản: giải phẫu học theo sách của GS. Đỗ Xuân Hợp, bệnh học nội khoa do GS. Hồ Đắc Di, bệnh học ngoại khoa do GS. Tôn Thất Tùng phụ trách, vi trùng học, ký sinh trùng học do GS. Đặng Văn Ngữ giảng dạy. Chính những người thầy đó đã rèn luyện chúng tôi ý chí “phải học thật giỏi, thành thạo nghề nghiệp để phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội. Chúng tôi không bao giờ quên lời căn dặn của GS. Tôn Thất Tùng năm 1951 khi tiễn chúng tôi vào quân đội: “Ngày mai, các em sẽ là quân nhân, các em sẽ chung sống trong quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội lấy gian khổ làm thầy, lấy hy sinh làm phương châm…” (Trích hồi ức của GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên, chủ nhiệm Bộ môn Y học môi trường và lao động học, Học viện Quân y, trong cuốn:” Lớp sinh viên Đại học Y khoa niên khóa 1950 trong kháng chiến chống Pháp”)
“Năm thứ 2 đã đi mổ, tôi phụ trách mấy trăm thương binh, nặng thì chuyển khu khác, trung thì mổ. Bây giờ, sinh viên năm thứ 2, thứ 3, thậm chí bác sĩ ra trường cho vào phòng mổ còn sợ. Nhưng lúc đó không có bác sĩ, ở mặt trận toàn sinh viên, nhập ngũ đầu tiên học băng bó, vận chuyển, để làm y tá, sau đó học 1 năm, học để mổ. Bệnh nhân nhiều lắm, từ cắt cụt chân, trừ vết thương quá nặng các anh chuyển lên tuyến trên. Chúng tôi bằng mọi cách phải làm được để cứu chữa các thương binh… Vừa làm vừa học, từ lúc được các anh lớp trên “giao phó công việc”, chỉ dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” kết hợp vốn liếng kiến thức ban đầu của nhà trường dạy bảo đã giúp chúng tôi trưởng thành mau chóng, tinh thần phấn chấn, càng hăng hái làm việc và học tập, hứng thú nghề nghiệp tạo nên hưng phấn, vượt qua mọi khó khăn, vất vả của cuộc chiến…” ( GS.TS Phạm Tử Dương, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108- một thành viên của lớp Y50).
GS Hoàng Bảo Châu những ngày học ở Việt Bắc, năm 1951
2. Tự học là chính, vừa làm vừa học
“Chiến trường đang rất cần cán bộ y nên trường có chương trình học gấp rút một số môn để kịp phục vụ. Biết mình còn non nớt, các sinh viên tự tìm tòi để trang bị một số kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại khoa cho chiến dịch. Anh nào cũng có cẩm nang ghi chép của mình. Thư viện của trường thì nghèo nàn, chỉ có một số sách tiếng Pháp, sách tiếng Việt về y học không có, cả sinh viên và thầy tham khảo. Chuẩn bị đi phục vụ chiến dịch, nếu có tài liệu mang theo thì sẽ yên tâm hơn. Tôi đã cặm cụi chép những phần trong quyển giải phẫu mà thư viện có, nhiều hôm thắp đèn dầu chép về đêm vì sợ không kịp thời gian, chữ phải cố viết thật nhỏ để được nhiều tài liệu. Các hình vẽ mình họa thì cố vẽ lớn, rõ để dễ tham khảo…”(Trích hồi ức của bác sĩ Lưu Văn Thắng, chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 17 TP HCM, trong cuốn:” Lớp sinh viên Đại học Y khoa niên khóa 1950 trong kháng chiến chống Pháp”)
“Trong ba lô của tôi lúc nào cũng có 3 cuốn sách: một cuốn bệnh học, một cuốn tiếng Anh và một cuốn Toán. Đi chiến dịch lúc nào có thời gian lại lôi sách ở đáy ba lô ra đọc. Các bạn đồng đội của tôi chế nhạo: vào ngành y thì việc tích cực học tập bệnh học để chữa bệnh thì đúng rồi. Việc rèn luyện thêm tiếng Anh để mở rộng kiến thức, đọc sách ngoại ngữ y học cũng là đúng. Nhưng đã kết thúc Trung học và theo Đại học y khoa mà còn mải mê làm toán thì thật là dở hơi, đại dở hơi. Nhưng tôi không thể bỏ toán được, và về sau tôi nhận thấy “một việc đại vô ích” ấy lại rất có ích. Sau này tôi học chuyên khoa Tim mạch, phương pháp luận toán học chặt chẽ, trình tự, giúp cho chẩn đoán tim mạch sâu sắc và chắc chắn hơn, nhất là với những ca khó chẩn đoán..” (GS.TSKH Trần Đỗ Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt
GS .TS Trần Đỗ Trinh những ngày đầu thành lập Viện Tim Mạch Việt Nam
“Hết năm thứ 2, tôi được điều về làm đội trưởng đội phẫu thuật lưu động trung đoàn 64 F320 hoạt động vùng địch tạm chiếm thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh, từ bố trí địa điểm, đội hình phục vụ chiến đấu, đến đón tiếp thương binh, phẫu thuật, pha chế thuốc men, cất dấu bảo vệ thương binh, tất cả phải làm việc trong hầm… Trang bị dụng cụ thuốc men lại thiếu, người đội trưởng phải tự lo. Ngày đó chuyên môn còn yếu, gặp trường hợp khó về kỹ thuật, hoặc những trường hợp chưa được nhìn bao giờ, thật nan giải. Tôi phải luôn mang theo người cuốn “Ngoại khoa thời chiến” để đọc và tham khảo. Sách in tipo, giấy đen nhưng lúc đó thật là quý. Tôi nhớ một lần, đội phẫu chúng tôi vừa từ vùng tự do vào, chưa kịp đào hầm, thương binh đã về trong trận quân ta công đồn. Một thương binh bị dập nát cánh tay do vướng mìn, vết thương đẫm máu, đầy bùn, không giải quyết kịp thời thì nguy hiểm, mà chuyển ra vùng tự do thì phải mở đường máu vì địch phong tỏa khắp nơi. Tiến thoái lưỡng nan. Tôi đã mổ, cắt chi dưới sự hướng dẫn của cuốn sách cẩm nang “Ngoại khoa thời chiến”. Ngoài trời gió bấc, mưa phùn, lạnh thấu xương mà trong này trán tôi lã chã mồ hôi. Ca mổ đã thành công, lúc đó chúng tôi nhìn nhau mà mừng rơi nước mắt…” (Trích hồi ức của bác sĩ Lê Minh, nguyên Viện trưởng Bệnh viện Phòng không Không quân Bộ Quốc phòng, trong cuốn:” Lớp sinh viên Đại học Y khoa niên khóa 1950 trong kháng chiến chống Pháp".)
3. Và thành công
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lớp bác sĩ được đào tạo trong chiến tranh ngày ấy giờ đây đều đã trở thành những cây đại thụ của ngành y. Những tên tuổi như: GS Hoàng Bảo Châu (nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam); GS Trần Đỗ Trinh (nguyên Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam); GS Phạm Tử Dương (Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện TW Quân đội 108); GS Vũ Thị Phan (nguyên Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng)… Họ đã cống hiện trọn vẹn tuổi thanh xuân và hầu hết cuộc đời cho kháng chiến, cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe quân và dân, cho nền khoa học nước nhà, tự hào sống và chiến đấu trong những chặng đường vô cùng oanh liệt, những giờ phút hào hùng của cách mạng Việt Nam. Những con người mà trước khi thành danh họ đã học để trở thành những bác sĩ, những nhà khoa học chân chính.
Các thành viên lớp Y50 trong một buổi họp mặt vào tháng 3/2006.
(Từ trái qua phải: GS.TTND Hoàng Bảo Châu (thứ nhất); GS.TS.TTND Trần Đỗ Trinh (thứ 5);
GS.TSKH.TTUT Nguyễn Cảnh Cầu (thứ 7)
Phạm Kim Ngân