PGS Nguyễn Thạch Giang: Kẻ bạch đinh với thú vui thanh nhã

Không nhật trình, TV

Cầm tờ báo tôi mang đến tặng, ông khen “đẹp đấy” rồi để qua một bên, ở tuổi 85, khuôn mặt ông vẫn còn nguyên nét tinh anh với đôi mắt nhanh nhẹn, chỉ có đôi bàn tay là tố cáo tuổi tác của chủ nhân, nó run run mỗi khi ông cầm ly nước. Ông bảo: “Cô thông cảm, đã nhiều năm nay tôi không đọc nhật trình, cũng không xem TV, để tránh cho mình những xúc động vô ích. Tôi sợ nghe những lời không thành thực, mà một khi tâm đã không thành thì chẳng việc gì đạt cả”.

Chuyện lan man đến văn hóa điện thoại thời nay, ông nhanh nhẹn đứng bật lên, tìm tặng tôi cuốn “Lời quê chắp nhặt” tập 5 dày 553 trang mà trong đó, PGS Nguyễn Thạch Giang tập hợp tất cả những lá thư đi, thư đến của ông và bạn bè từ nhiều chục năm trước. Ông bảo: “Cô phải đọc cái này, để xem văn hóa thư tín của giới trí thức ngày xưa thế nào, bao nhiêu là văn hay chữ tốt, còn bây giờ, từ khi sinh ra cái anh điện thoại, người ta đâm ra hỏng hết cả. Cứ bốc máy lên nói dăm câu ba lăng nhăng, xong rồi ô kê ô kiếc loạn xị ngậu, chẳng đọng lại điều gì”.

Trong công trình thư tín của ông, có 190 lá thư của những chính khách như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, các học giả, nhà văn, văn nghệ sĩ tên tuổi như GS Trần Văn Giàu, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Hoàng Đạo Thúy, Đào Duy Anh, Văn Cao, Vũ Ngọc Phan, Thanh Tịnh, Hoàng Như Mai… Lời lẽ khiêm cung, câu chữ đúng mực và trên hết là cái tình trân trọng dành cho nhau được thể hiện trong những lá thư khiến người đọc xúc động.

Trong thư gửi ngày 1.9.1966, GS Hoàng Như Mai viết: “Chúng ta là như thế đấy. Nghiên cứu, học thuật…việc làm thật là lớn lao nhưng thực chất cũng bao hàm vấn đề lo kiếm bữa cho con, tấm áo cho vợ nữa. Quả nhiên con người thật là nửa tiên, nửa quỷ”. Hay trong phần tái bút ở lá thư ngày 10.2.1976, GS Nguyễn Hiến Lê viết: “Cốc thủy tiên ông cho y hệt cốc của nhà tôi nửa thế kỷ trước. Tôi tưởng kiểu cốc đó không còn nữa chứ- sau bao nhiêu cuộc dâu biển!”. Trong lời giới thiệu tập sách, ông viết đại ý “thư tín còn nguyên vẻ tương đồng trắng trinh với thực tại, tôi không thêm bớt, gọt giũa vì hương giấy còn thơm nguyên vị không gian của một thời và sắc mực vẫn thắm đượm màu thời gian của một độ”.  PGS Giang bảo tôi: “Càng đọc lại những lá thư này, tôi càng thấy buồn, bởi nỗi nhiều ông giáo sư, tiến sĩ hôm nay viết câu còn không nên câu, nói gì tới chuyện nghiên cứu một cái gì đó độc lập”.

Để quá khứ không là điều mê tín

Hỏi  vì sao lại lựa chọn một cuộc đời với phần lớn thời gian đắm mình trong thư tịch cổ, ông trả lời bằng cách yêu cầu tôi đọc hết lời đề từ cuốn: “Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam” mà ông đã viết: “Tìm hiểu tiếng Việt trong thư tịch cổ cũng là một khía cạnh nhìn lại quá khứ. Nhìn lại quá khứ để định hướng đi cho tương lai- chân trời bao la của lòng tin, của tình thương và của tiến bộ không cùng. Không như vậy, quá khứ chỉ là những điều mê tín cho hiện tại”.

Căn nguyên kích thích công việc nghiên cứu văn chương trung cận đại VN, giới thiệu các điển cố văn học của PGS Giang thực sự riết ráo vào năm 1953, khi ông cùng với ông Trần Văn Giáp- một nhà thư mục học xuất sắc nhất VN tới Đông An thị trường ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để tìm mua sách cũ. Ở đó, ông mua được bộ “Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu” chứa “thiên kinh vạn quyển” chia thành 4 bộ “Kinh bộ”, “ Sử bộ” “Tử bộ” “Tập bộ”. Ông nghĩ, tại sao mình không làm được điều gì đó cho văn học cổ VN, để con cháu sau này nhìn vào di sản cha ông để lại như người nước ngoài xa lạ, chẳng có chút xúc cảm gì. Và từ đó, ông đã miệt mài làm hơn 20 công trình khảo cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…Riêng cuốn “Kiều” do ông biên soạn xuất bản năm 1972 tới nay đã tái bản 28 lần với 200.000 bản và “Từ ngữ văn chương Quốc âm” 10 cuốn với 10.000 trang in khổ lớn.

PGS Nguyễn Thạch Giang cũng là một trong những người am hiểu về “Kiều” nhất ở VN, bởi vậy mà khi nhận được lời mời nói về tác phẩm này trong chuyên mục “Tìm trong kho báu” trên Đài TNVN vào năm 2008, ông đã trả lời: “Dân tộc VN có nhiều kho báu thật quan yếu. Văn chương chưa phải là kho báu. Nhưng giả định, văn chương là kho báu thực, thì “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng chưa đến lượt. Nguyễn Du phải xếp sau nhiều các tác gia thời Lý Trần, Nguyễn Trãi, cả Nguyễn Đình Chiểu và các tác giả văn thơ yêu nước khác…Trong điều kiện hiện nay, ngâm nga “Kiều” trên Đài TNVN là một việc vô duyên, theo nghĩa của nhà Phật”.

PGS Giang đã nhiều lần tự bạch: “Việc bút nghiên bao giờ cũng đưa lại cho tôi văn hóa và hưng phấn- niềm vui thanh nhã mà chỉ riêng việc viết lách mới có. Suốt một đời tôi làm việc thầm lặng trong cô đơn, suốt một đời cô đơn để mua vui. Cũng may, Trời còn thương cho có chút chữ nghĩa để có cái mà trả nợ đời”. Ở tuổi 85, điều khiến ông tự hào nhất về mình: “Chỉ là hạng bạch đinh thôi, nhưng tôi vui khi có nhiều người có học hành “khoe” tôi là người tri kỷ của họ”.

Nặng lòng với sách

Ông nói: “Từ hồi bé đi học, một điều làm tôi không hiểu là tại sao người Pháp sang Việt Nam ta, bất kỳ họ làm nghề gì, thầy giáo, lục lộ, kiểm lâm, nhà đoan… họ đều có sách xuất bản lưu chiểu ở thư viện trên toàn xứ. Giáo dục của phương Tây quả thực tuyệt vời và đáng để chúng ta suốt đời học hỏi. Tôi lấy một thí dụ này, tôi là 1 trong 5 người Việt Nam đầu tiên có thẻ để vào đọc ở thư viện ở Trường Viễn Đông Bác Cổ. Người Pháp đào tạo con người của họ cực tốt, một ông thủ thư ở đó cũng nắm được toàn bộ số code (mã) sách, chỉ cần tôi viết sai mã một cuốn ông ấy cũng có thể sửa ngay. Vậy mà khi giao cho chúng ta tiếp quản, sách đã bị mất gần hết, cả một cái thư viện quý như thế bị xé nát hết, thực là khủng khiếp”.

Ông bảo trong gia đình các bạn bè của ông, ông chỉ trông cậy vào gia đình cố GS Nguyễn Văn Huyên để tặng lại toàn bộ kho sách quý hơn 1.000 quyển của mình nhưng nhiều lần đề cập rồi mà TS Nguyễn Văn Huy, con trai ông vẫn chưa có điều kiện xây dựng được thư viện gia đình. Thế nên, tới đây ông sẽ trao đổi với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh để chuyển toàn bộ thư viện cho họ trông giữ, ông nhất quyết không trao sách của mình cho thư viện công, bởi ông bảo, tôi biết là nếu tôi đưa cho họ thì sách của tôi sẽ mất hết.

Chia tay ông, tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể, mới đây đi bộ đến thăm bà Tạ Quang Bửu, bà chống gậy run run dẫn ông lên xem phòng làm việc gia đình làm cho giáo sư  vẫn nguyên như hồi ở 36 Hoàng Diệu. Bà Bửu bảo: “Anh xem, sách của anh Bửu tôi không bán đi quyển nào hết”. Chỉ có thế thôi mà ông cảm động đến rơi nước mắt.

Năm 2005, khi nhận được đề nghị làm đơn xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh, PGS Nguyễn Thạch Giang đã gửi thư cho trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ ý định cho xin rút lui với nhiều lý do, trong đó có lý do “thời của mình đã hết”. Nhưng ông bảo ngày 24.3 tới đây sẽ đến nhận giải Phan Châu Trinh “vì tôi đánh giá cao cách làm việc rất có văn hóa của các anh chị ở giải thưởng Phan Châu Trinh. Tôi phục tài năng của những người như ông Nguyên Ngọc, ông Chu Hảo…và cảm kích tấm thịnh tình của họ, cách làm của họ thực sự là muốn uốn nắn lại những gì chưa đúng đắn lắm về các giải thưởng văn hóa hiện nay”.

Mi An

Nguồn: phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201203/PGS-Nguyen-Thach-Giang-Ke-bach-dinh-voi-thu-vui-thanh-nha-2140475/