Quả thực, tôi có ý định viết về Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Lê Kim Truyền từ lâu nhưng không thể gặp được ông để khai thác tư liệu. Gặp thầy Truyền để bàn công việc, trao đổi về khoa học hay chuyện vui thì dễ, nhưng để viết về ông thì khó. Ông thường bảo:” Nói về mình rất ngại, mà thật ra cả cuộc đời dạy học của mình chỉ là làm theo lương tâm và trách nhiệm, ai cũng có thể làm được.” Tôi không nghĩ ai cũng có thể làm được như ông. Bởi vậỵ, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người khiêm nhường, đôn hậu. Và, tôi đã gặp được con người âý vào một chiều đầu mùa hạ, sau nhiều lần lỡ hẹn.
Căn phòng làm việc của ông ở trong khu cao học, Trường Đại học Thuỷ lợi. Ông nguyên là hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi, đã nghỉ công tác quản lý từ mấy năm nay nhưng nhà trường vẫn dành cho ông một phòng làm việc tiện lợi. Mặc dù đã hẹn trước nhưng lúc tôi đến ông vẫn đang say sưa hướng dẫn mấy học viên cao học, có vẻ như quên cuộc hẹn với tôi. Ông bảo tôi chờ ông độ dăm phút, nhưng rồi hai mươi phút, nửa tiếng sau tôi mới gặp được ông. Ông cười xoà, nói tôi thông cảm cho thày trò ông. Dẫu vậy, tôi không hề tự ái mà vẫn vui, chợt hiểu thêm một góc nhỏ trong con người Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền…
Quê ông ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá). Đó là một làng nhỏ bên dòng sông
Vác gạo đi học (GS Lê Kim Truyền thứ hai từ phải sang)
Xuất thân từ một gia đình nông dân, Lê Kim Truyền may mắn có được một người mẹ hiền lành, tảo tần, hết mực thương chồng con và một người cha mẫu mực, có tư tưởng tiến bộ và chí tiến thủ từ rất sớm. Cả hai cụ đều được kết nạp vào Đảng CSVN từ trước năm 1950. Sống trong một gia đình nề nếp, có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ, chàng thiếu niên Lê Kim Truyền đã có ý thức vượt khó vươn lên. Ngay từ hồi học cấp 2, Lê Kim Truyền đã phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đi học. Buổi sáng thường phải dậy từ 4 giờ. Đường đến trường gập ghềnh, qua đò sông
Có một sự tình cờ đầy thú vị trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền là năm ông học lớp 10 (hệ 10/10). Lúc đó quê ông vừa hoàn thành trạm thuỷ điện Bàn Thạch trên Hệ thống thuỷ nông sông
Gắn bó với mái trường Đại học Thuỷ lợi, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền có thâm niên giảng dạy gần 40 năm. Gần bốn mươi năm qua, hầu như ông thường xuyên đứng trên bục giảng và chuyên giảng dạy các lớp ngành công trình. Ông tâm niệm: Đã đứng trên bục giảng thì phải hết lòng thương yêu sinh viên, làm hết trách nhiệm của người thày, làm tròn bổn phận của người đi trước với người đi sau. Và ông đã thực hiện trọn vẹn điều tâm niệm đó trong suốt quãng đời nhà giáo của mình. Từ năm 2005 đến nay ông luôn có số giờ lên lớp vượt quy định từ 150% – 170%, hướng dẫn tốt nghiẹp cho hơn 100 sinh viên, trong đó có 1 sinh viên đạt giải Loa Thành năm 2005. Ngoài ra, ông cũng hướng dẫn được 16 sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp trường. Về đào tạo bậc sau đại học, trong những năm qua, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền đã hướng dẫn được 6 nghiên cứu sinh và 18 học viên cao học. Nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học được ông hướng dẫn, giúp đỡ trở thành tién sỹ, thạc sỹ không dấu nổi xúc động trước lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề, thanh cao với đời của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền.
Cùng GS Vũ Trọng Hồng tham dự Hội thảo về phát triển vùng đồng bằng tại Hà Lan năm 1998
Cùng với công tác đào tạo, lấy đào tạo làm nhiệm vụ trọng tâm, làm “chân trụ”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền cũng là người rất say mê nghiên cứu khoa học. Ông đã tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở. Chỉ tính từ năm 2003 trở lại đây, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài có giá trị khoa học và tính thực tiễn cao như các đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn điều hành cấp nước mùa cạn cho đồng bằng sông Hồng”, “Nghiên cứu cơ sở thực tiễn quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba”, “Đánh giá thực trạng và lập bản đồ phân vùng hạn 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, “Nghiên cứu xác định khẩu độ thoát lũ hợp lý của các công trình giao thông, thuỷ lợi trên Quốc lộ 1A thuộc lưu vực sông Thu Bồn”.v.v.Ngoài ra, ông cũng đã làm chủ nhiệm và tham gia nhiều dự án đầu tư phục vụ sản xuất như: Lập Báo cáo cơ sở, Thiết kế kỹ thuật Hồ Suối Mỡ (Bắc Giang); lập Dự án đầu tư, TKKT Hệ thống tiêu úng Cầu Khải; nâng cấp trạm bơm Bắc sông Mã; dự án đê kè Thiệu Hoá ( Thanh Hoá).v.v. Đọc hàng loạt các đề tài khoa học, dự án mà ông đã thực hiện, tôi không thể hình dung ra sức làm việc bền bỉ, cần mẫn đến “phi thường” của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền. Tôi cứ nghĩ, nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà không có lòng say mê, tâm huyết với nghề, với đời thì làm sao có thể có được thành quả lao động sáng tạo lớn lao như thế! Lần giở lại thời gian hơn ba mươi năm về trước, năm 1972, trong một đợt đưa Đoàn sinh viên 10T đi thực tập ở công trường Đồng Mô – Ngải Sơn, thày giáo trẻ Lê Kim Truyền đã cùng với thầy Hồ Sỹ Minh “liều mạng” nhận thực hiện trọn gói thiết kế, thi công một cống luồn qua kênh để …lấy tiền liên hoan, được bên A và Ban chỉ huy công trường khen ngợi, đánh giá chất lượng và tiến độ tốt. Có lẽ lòng say mê nghiên cứu khoa học, thâm nhập vào tư vấn thiết kế, thi công của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền bắt đầu từ đó. Sau “điểm mốc” ấy, vừa say mê giảng dạy, Lê Kim Truyền vừa tích cực tham gia thiết kế, thi công hàng loạt các công trình khác, được các chủ đầu tư và đồng nghiệp đánh giá cao như: Thiết kế và tổ chức thi công nổ mìn buồng đào móng tràn Núi Cốc; tư vấn thiết kế Hồ Chiến Thắng, đập Đa Đờn…
Trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền, có một người luôn là “điểm tựa” của ông, được ông hết mực tin yêu – đó là vợ ông, bà Nguyễn Thị Bắc, nguyên là sinh viên lớp 11C ngành công trình. Tôi biết bà Bắc đã lâu, bởi tôi vẫn thường xuyên qua lại làm việc với Tổng công ty Tư vấn XDTL Việt Nam – nơi bà Bắc đã gắn bó cả đời công tác đến khi nghỉ hưu. Bà Bắc người làng Dịch Vọng, ngoại thành Hà Nội. Hồi còn học ở lớp 11C, Bắc có tiếng là cô gái Hà Nội dịu dàng, nết na, say mê học hành. Đặc biệt, Bắc có nước da trắng, mái tóc đen và rất dài như cô thiếu nữ trong tranh của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh. Có lẽ thày giáo trẻ xứ Thanh Lê Kim Truyền mê đắm cô sinh viên Hà Nội, trước hết ở mái tóc dài và dáng điệu thướt tha ấy. Tôi hỏi, thày Truyền mỉm cười ý nhị công nhận điều đó. Ông nói rằng, cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ mãi những buổi hoàng hôn thành phố đứng bên cửa sổ đầu hồi tầng 2 nhà số 6 nhìn xuống sân trường, ngắm người đẹp thướt tha đi qua mà lòng ngơ ngẩn. Ba mươi lăm năm qua, gắn bó sâu nặng với Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền, bà Bắc luôn là người vợ tảo tần, thuỷ chung, là chỗ dựa vững chắc cho ông trong cuộc đời và sự nghiệp.
Vợ chồng GS. Lê Kim Truyền thời trẻ
Gia đình GS Lê Kim Truyền 1985
Nhiều năm làm công tác quản lý xây dựng cơ bản ở Bộ Nông nghiệp và PTNT, tôi càng hiểu hơn một Lê Kim Truyền từ những năm ông vừa đi Nghiên cứu sinh ở Nga về, rồi làm Trưởng Ban Quản lý công trình của Trường Đại học Thuỷ lợi. Những năm 90 của thế kỷ trước, cơ sở vật chất của Nhà trường còn rất khó khăn, nếu không nói là tồi tệ. Lê Kim truyền rất day dứt, rất khổ tâm về điều đó. Tôi nhớ có lần ông tâm sự với tôi: ” Lúc này, mình băn khoăn nhất, cảm thấy day dứt nhất là điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên. Mình muốn làm một điều gì đó để cải thiện, để thay đổi điều kiện sống và làm việc của sinh viên và cán bộ, giáo viên trong trường”. Niềm day dứt đó đã giúp ông có thêm quyết tâm cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường xây dựng, cải tạo hệ thống điện nước, nhà ở , quy hoạch khu giảng đường, ký túc xá sinh viên, khu giáo dục thể chất.v.v. Từ cuối năm 1994, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền được bổ nhiệm chức Hiệu phó Trường Đại học Thuỷ lợi, đến năm 2000 ông được tín nhiều bầu làm Hiệu trưởng Nhà trường và giữ chức vụ đó cho đến năm 2005. Theo tôi biết, đó là quãng thời gian Trường Đại học Thuỷ lợi gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng vươn lên, tiếp tục bứt lên trên con đường đổi mới. Từ khi giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Nhà trường, đặc biệt trong 5 năm làm Hiệu trưởng, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền càng nhận rõ trọng trách lớn lao của mình đối với việc xây dựng Chiến lược phát triển của Nhà trường. Mong ước trong thời gian tới phấn đấu đưa Trường Đại học Thuỷ lợi trở thành một trong những truờng đại học hàng đầu của nước ta, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao…là nỗi trăn trở khôn nguôi đối với Thầy Truyền. Với cương vị là người đứng đầu Nhà trường, trong những năm đầu thế kỷ 21, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền có vai trò to lớn trong việc đề ra chủ trương và động viên, tập hợp lực lượng cán bộ, giáo viên trong Trường tiếp tục đẩy mạnh cải cách giáo dục, thiết kế lại hệ thống ngành học, tổ chức lại quá trình đào tạo theo xu hướng mới phù hợp với yêu cầu chung và thực tiễn. Bản thân ông đã đề ra cải cách chương trình đào tạo từ 287-289 trình xuống 270 trình, được dư luận hoan nghênh. Ông cũng rất tâm huyết, thường xuyên chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo trình, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Là một trong những đơn vị đầu tiên nhận khoán lương theo Nghị định 10, Thầy Lê Kim Truyền là người góp công sức lớn trong việc cải thiện đời sống của cán bộ, giáo viên, đặc biệt đối với những người lương thấp. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo xứ Thanh, ông càng hiểu hơn và cảm thông, quan tâm nhiều đến đời sống của sinh viên. Ông không nói nhiều nhưng tôi biết, trong những năm qua, đặc biệt là trong 5 năm làm Hiệu trưởng, thầy Lê Kim Truyền đã dành nhiều thời gian, công sức, có lúc quên ăn, nhiều đêm thiếu ngủ để chăm lo nơi ăn chốn ở, điều kiện học hành của sinh viên… Bây giờ, mỗi khi có dịp ghé thăm trường cũ, tôi không khỏi xúc động trước những cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, trước nếp nghĩ và cách làm mới của trường, trong lòng thầm cảm ơn các thế hệ lãnh đạo Nhà trường, trong đó có thầy Lê Kim Truyền – người đã góp phần không nhỏ để đem lại gương mặt mới, gắn thương hiệu cho Trường Đại học Thuỷ lợi.
Là một nhà giáo lâu năm, tâm huyết với nghề, với đời, mặc dù đã về hưu nhưng Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền vẫn say mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tham gia giảng dạy, hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, ông vẫn dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia tích cực trong Hội Thuỷ lợi Việt Nam, Hội Đập lớn Việt Nam. Ông bảo: Tuy đã nghỉ hưu nhưng sức vẫn còn khoẻ, trí óc còn minh mẫn lắm; hơn nữa công việc, nghề nghiệp đã gắn chặt vào cuộc đời, đã ngấm vào máu rồi nên vẫn muốn làm việc. Tôi hiểu điều đó. Nhưng giờ đây, ở cái tuổi ngoài sáu mươi thì sự bình an và hạnh phúc gia đình có lẽ là một điều rất đỗi thiêng liêng, hết sức ngọt ngào đối với ông ?
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Huy Ngọ trao Huy hiệu NGƯT cho GS Lê Kim Truyền
Ghi nhận quá trình phấn đấu, thành tích, sự cống hiến của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, trong những năm gần đây ông đã được Nhà nước phong Giáo sư (năm 2004), tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2004), phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 2006); Thủ tướng Chính phủ công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2005)…Đó là những phần thưởng vô cùng quý giá. Nhưng đối với ông, trong sâu thẳm trái tim mình, điều làm ông mãn nguyện nữa là được đóng góp tất cả sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”, cho mái trường Đại họcThuỷ lợi mà ông đã lựa chọn từ thời trai trẻ…
Thực tình, tôi không muốn nói thêm nhiều về thành tích, sự cống hiến của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền đối với Nhà trường, bởi chính những danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng cho ông đã nói nên tất cả; và cũng bởi chính những bậc tiền nhiệm, những đồng nghiệp luôn đi bên ông trong suốt chặng đường dài đầy khó khăn như GS.TS Nguyễn Xuân Bảo, GS.TS Phạm Hồng Giang, GS.TS Ngô Trí Viềng, GS.TS Vũ Trọng Hồng, GS.TS Đào Xuân Học, PGS.TS Nguyễn Phương Mậu v.v.đã giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp và đời thường. Họ cũng như ông, rất xứng đáng được ghi tên mình trong lịch sử 50 năm thành lập Trường Đại học Thuỷ lợi…Nhắc đến Giáo sư, Tiến sỹ Lê Kim Truyền, đọng lại trong tôi là hình ảnh một người thầy đã đi suốt cuộc đời, làm trọn sứ mệnh cao quý của một nhà giáo, nhà khoa học bằng chính đôi chân, khối óc, với cả trái tim và tấm lòng rộng mở của mình.
GS Lê Kim Truyền và tác giả bài viết
HÀ QUANG
(Hội Thủy lợi Việt Nam)