Một góc đời thường của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu

    Nguyễn Hữu Thấu (1916-2002) là con của một thầy đồ dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp tú tài Tây học. Ngoài 20 tuổi, khoảng năm 1938, chàng trai xứ Thanh đã rời quê hương vào dạy học cho đồng bào Ê-đê ở Đắc Lắc. Tại đây, ông đã học tiếng Ê-đê và văn hóa Ê-đê từ những người học trò cùng gia đình họ.

Năm 1942, ông gặp Nguyễn Thị Chinh – một cô gái gốc Hà Nội đang theo cha là bác sĩ thú y vào đó làm việc. Cuộc gặp này đã tạo nên một mối tình nồng thắm. “Lần đó, ông cùng đoàn hướng đạo sinh xuống Phan Thiết học Erobic và biểu diễn”, bà Chinh nhớ lại: “nhận ra giọng miền Bắc nên chúng tôi nói chuyện nhiều rồi yêu nhau. Từ đó, ông xuống thăm tôi thường xuyên hơn và chúng tôi đi đến hôn nhân sau hơn 1 năm yêu nhau”.

Năm 1943, ông bà cưới nhau và lên Đắc Lắc sinh sống. Năm 1944, bà mang thai đứa con đầu lòng và ông bà về Thanh Hóa. Thời gian này, ông từ chối lời mời vào Huế làm việc của Chính phủ Trần Trọng Kim để ở lại làm giám thị ở Trường Đào Duy Từ.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Hữu Thấu quay lại Đắc Lắc làm việc tại Ban Quốc dân Thiểu số.

Năm 1949, ông về quê đón vợ vào Liên khu V. Hai ông bà đã thực hiện một chuyến đi dọc Trường Sơn: “Đó là một cuộc hành trình đầy gian khổ”, bà Chinh kể lại: “Hai vợ chồng tôi, cùng một số người nữa phải đi bộ theo dãy Trường Sơn. Chúng tôi khởi hành từ phía Tây Thanh Hóa và đi bộ dọc đường rừng. Trong đoàn chỉ có một mình tôi là phụ nữ nên để theo kịp mọi người rất là khổ. Tôi cũng làm cho đoàn phải đi chậm hơn. Trong lần đi xuyên Trường Sơn này, tôi bị sốt rét hai lần. Cũng may mắn qua khỏi do biết một chút ít về y học. Giờ tôi mới thấy, có thể tôi là một trong những người phụ nữ đầu tiên đi dọc Trường Sơn vào Nam”.

Cuộc sống vợ chồng của ông bà cũng tràn đầy kỷ niệm. Ông hơn bà gần một giáp nên suy nghĩ và tính cách cũng khác nhau. Hai ông bà thường có những cuộc tranh luận về cuộc sống, về gia đình. Và trong những cuộc “đấu tranh” này, bà thường giành phần thắng.

Sau khi đón tôi vào Liên khu V, ông không muốn cho tôi đi làm vì sợ tôi vất vả. Còn tôi nhất quyết xin đi làm vì ông ấy đi công tác suốt, ở nhà ngồi không thì chán nên tôi xin đi làm hộ lý cho một trạm ý tế. Thế là hai vợ chồng lại tranh cãi nhau. Tôi bảo là tôi còn trẻ, lại khỏe mạnh mà bắt tôi ngồi không thì tôi không chịu. Cuối cùng, ông ấy cũng đồng ý để tôi đi làm hộ lý”.

Thời điểm này, ông làm việc bên cơ quan tín phiếu phục vụ kháng chiến. “Ông ấy vì công việc nên thường xuyên đi xa. Tôi làm việc ở trạm y tế. Lâu lâu hai vợ chồng mới gặp nhau được một vài ngày”. .. “Có một lần, ông ấy bị viêm tủy sống nên phải điều trị lâu dài ở trạm y tế tôi làm việc. Hơn một tháng điều trị bệnh cũng là thời gian mà hai vợ chồng được ở bên nhau lâu nhất”.

Sau 1954, gia đình ông bà chuyển ra Hà Nội sinh sống. Ông về Ban Dân tộc công tác còn bà làm hộ lý trong bệnh viện. Chuyện đi học trở thành vấn đề quan trọng và trở thành chủ đề “đấu tranh” của hai ông bà:

Năm 1959, ông ấy làm hồ sơ xin đi học ở Trung Quốc, còn tôi thì xin đi học Y sĩ. Ông ấy thì muốn tôi ở nhà lo việc gia đình để ông đi học. Tôi bảo rằng ông đi học thì tôi cũng có quyền đi học. Vậy nên ai có quyết định đi học trước thì người đó sẽ đi học… Và sau đó, tôi có quyết định cho đi học Y sĩ. Ông ấy cũng không phản đối gì về việc học của tôi. Cả khi tôi đi học Bác sĩ năm 1962, ông ấy cũng giúp đỡ nhiều”.

Khoảng cách tuổi tác cũng thể hiện rõ trong vui chơi giải trí: “Thỉnh thoảng, cơ quan cho một số vé đi xem phim, tôi rủ ông ấy đi cùng. Nhưng ông bảo không đi và cũng không muốn cho tôi đi. Tôi bảo ông không đi thì thôi. Tôi còn trẻ nên phải đi chơi với bạn bè chứ. .. Thế là có lúc ông ấy không đi nhưng cũng không cấm tôi đi”.

Thường ngày, ông rất say mê công việc: “Ở nhà chật chội, con còn nhỏ nên hay quậy phá và ồn ào. Ông ấy thường trốn ở lại cơ quan để làm việc đến cuối tuần mới về vơi vợ con. Tôi phải gánh vác hết mọi việc trong nhà. Nhiều khi công việc, rồi gia đình làm cho tôi mệt mỏi nên hay cáu gắt lên với ông cho đỡ bực. Những lúc đó, ông biết mình không phải nên không nói gì. Chờ khi tôi hết giận ông mới động viên, chia sẻ. Thế là tôi lại chẳng giận dỗi gì được”.

Cuộc sống ngày thường của ông rất đỗi giản dị. Từ ăn mặc đến nói năng cư xử, ông đều suồng sã và dân dã.

Có một lần hai vợ chồng đi ăn cỗ cưới của một người anh em họ. Tôi thấy chiếc quần ông mặc có vết rách nên gọi ông bảo đi thay đồ. Cứ nghĩ là ông không phát hiện ra vết rách đó. Thế mà ông bảo thay làm gì, mặc áo măng-tô dài đã che hết vết rách rồi. Tôi không chịu nên nhờ người chị gái của ông đang ở đó góp ý giúp. Thế là ông mới chịu đi thay đồ”.

Không quan tâm đến xu thế thời trang ăn mặc, nhưng ông cũng rất để tâm đến sự thoải mái trong ăn mặc. “Có một lần tôi mua cho ông ấy một bộ áo quần mới vì thầy bộ ông ấy hay mặc đã rách và cũ. Thế mà ông ấy cứ chê. Tự ái tôi đưa tiền bảo ông tự đi mua lấy, bộ này tôi đem cất đi và bảo với ông là đã bán rồi… Sau khi đi gần một buổi chẳng chọn được cái nào ưng ý, ông quay về nói nhẹ nhàng với tôi là mua đồ khó quá nên có ý bảo tôi lấy lại bộ đồ đã mua cho ông mặc…”. Bà Chinh chia sẻ.

Một trong những khó khăn lớn nhất của gia đình là kinh tế.

Hai vợ chồng chỉ làm chuyên môn nên chỉ được tem phiếu loại D. Hàng tháng gia đình thiếu thốn nhiều thứ. Tôi phải làm thêm nhiều việc khác ngoài công việc để hỗ trợ đời sống gia đình”… “Ông ấy suốt ngày làm khoa học, không quan tâm đến đời sống kinh tế. Về nhà, có gì thì ông ăn nấy chứ cũng chẳng khi nào đòi hỏi, yêu cầu gì cả. Và cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc gia đình thiếu hay thừa cái gì…”

Không giúp vợ nhiều về mặt kinh tế, nhiều khi còn “cản trở”, như lời bà nói: “Gia đình ở tập thể, để chăn nuôi và có thêm chút không gian, tôi muốn cơi nới thêm chút ban công. Nhưng hỏi ý kiến ông thì ông gạt phắt đi. Ông bảo của nhà nước thì mình chỉ được ở chứ không được can thiệp làm ảnh hưởng đến tài sản nhà nước. Có thiếu thốn thì chúng ta chịu khổ chứ không được làm sai nguyên tắc. Tôi bảo ông muốn chịu khỏ cứ chịu một mình, chứ tôi phải làm sao để cho con cái không phải khổ quá. Thế là nhiều việc, tôi cứ làm chứ không hỏi ý kiến của ông nữa vì biết ông sẽ không đồng ý”.

Là một nhà nghiên cứu lão thành, làm việc ở một cơ quan nghiên cứu nhà nước, nhưng nhiều khi không những không chăm lo được cho gia đình đầy đủ, ông lại còn mang thêm gánh nặng cho vợ con. Một trong những gánh nặng ông mang cho bà mà bà nhớ nhất là đãi cơm bạn bè. Ngày nay, việc mời cơm bạn bè, đồng nghiệp ở nhà đã quá bình thường, giờ phải mời đến các nhà hành sang trọng mới gọi là quý khách. Nhưng những năm 1970, 1980, trong khi bữa ăn gia đình còn phải lo lắng vô vàn thì việc đãi cơm tiếp khách là một vấn đề khó.

  Sống chân thành cùng với bạn bè và đồng nghiệp

 (Trái qua phải: GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Nguyễn Từ Chi, NNC Nguyễn Hữu Thấu)

So với những nhà khoa học như Nguyễn Từ Chi thì Nguyễn Hữu Thấu cũng “có” hơn một tí. “Tính tình ông ấy rộng rãi và quý khách. Với bạn bè thì ông ấy không tiếc gì cả. Ông ấy thường mời các bạn bè về nhà nói chuyện khoa học rồi mời lại ăn cơm. Lúc đầu, thầy ông ấy vui vẻ thì tôi cũng chiều lòng, cố gắng tạo tần thêm để ông vừa ý, vì đó cũng là những người bạn thân của ông ấy và của gia đình. Nhưng nhiều khi gia đình còn khó khăn, vợ con còn lo chưa có cái ăn thì lấy gì để tiếp khách. Nhưng ông ấy không để ý đến chuyện trong nhà thiếu hay thừa, cứ mời khách đến chơi và dùng cơm. Thành ra nhiều khi tôi cũng thấy rất khó chịu vì vấn đề này. Nhiều lần, biết hôm sau là ngày nghỉ ông ấy mời bạn bè về nhà, tôi liên đưa các con đi chơi rồi về bên ngoại ăn cơm, kệ ông với bạn bè…

Với con cái, Nguyễn Hữu Thấu là một người cha rất mực thương yêu con. “Ông ấy rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Dù không có nhiều thời gian dành cho con. Khi các con còn nhỏ hay quáy phá mỗi khi ông làm việc. Bực mình ông ấy lại đánh hay mắng con. Khi chúng nó giận, ông lại đi động viên, xin lỗi chúng. Có một lần đánh con khóc làm nó giận không nói chuyện với ông. Ngay tối hôm đó, ông vào nằm cùng con xin lỗi nó rồi khóc như trẻ con. Vì tình cảm đó nên các con rất kính trọng cha”.

Rất thương con nhưng ông cũng rất nghiêm khắc. Anh Nguyễn Anh Nam, con trai của ông kể lại: “Ngày tôi đi học ở Liên Xô về, cấp trên phân công tôi lên Thái Nguyên công tác. Tôi không muốn đi vì không muốn xa nhà, lên miền núi. Biết chuyện ông bắt tôi chấp hành sự phân công của cấp trên. Ông có nói với tôi một câu rất gay gắt: “Nếu mày không đi lên Thái Nguyên làm việc, tao sẽ từ mày”. “Sau này tôi mới hiểu hết là ông muốn chúng tôi được rèn luyện trong khó khăn để trưởng thành hơn. Ông vẫn thường động viên tôi “giữ được đạo đức, giữu được bản thân thì sẽ có tất cả”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu mất năm 2002. Toàn bộ di cảo của ông để lại là một kho bản thảo về sử thi Tây Nguyên và về bản dịch cuốn Xã hội cổ đại của Morgan cùng vô số tư liệu dân tộc học về Tây Nguyên. Có những công trình đã được công bố, và nhiều công trình chưa đến được với người đọc. Cõ lẽ vì vậy mà xã hội và giới khoa học cũng không biết nhiều về tên tuổi của ông. Những câu chuyện đời thường của ông có lẽ cũng là đồng cảnh với giới khoa học Việt Nam thế kỷ XX. Nó góp phần cho chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của giới trí thức khoa học Việt Nam. 

Bùi Minh Hào

Trung tâm DSCNKHVN