GS Dương Học Hải và những “bước nhảy” trên con đường học hành

GS.TS Dương Học Hải sinh ngày 5-7-1937 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha ông là cụ Dương Tụ Quán, người đã sáng lập tờ Văn học tạp chí những năm 1932 – 1934 và Tạp chí Tri tân những năm 1941-1945 có trụ sở tại số nhà 195 Hàng Bông, Hà Nội. Em ruột GS Dương Học Hải là nữ Nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Nói rộng về dòng họ của GS Dương Học Hải, chắc chắn không thể quên những nhân vật kiệt xuất của đất nước như ông nội của GS là nhà chí sĩ Dương Trọng Phổ – thành viên của Đông Kinh nghĩa thục bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Bác ruột là nhà văn Dương Bá Trạc – một trí thức Duy Tân yêu nước cũng bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo trước cả cụ Dương Trọng Phổ. Và học giả nổi tiếng- GS Dương Quảng Hàm – tác giả cuốn Việt Nam Văn học sử yếu, là bác ruột  của GS Dương Học Hải.


GS.TS Dương Học Hải  trầm ngâm bên những sách   

về người em ruột – nữ Nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý 

 Sinh trưởng trong một cái nôi văn hóa lớn như vậy nên Dương Học Hải ngày từ nhỏ đã thể hiện được “phong thái” của con nhà nòi hiếu học. Tuy nhiên, điều mà GS.TS Dương Học Hải tự hào nhất là việc ông chưa hề có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng vẫn có được thành công trên con đường làm khoa học như ngày hôm nay. Ông nói: “Tôi đã trưởng thành từ cuộc Kkháng chiến chống Pháp, trải qua nhiêu biến cố lịch sử, cho đến nay tôi đã là Giáo sư mà chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông”.

GS.TS Dương Học Hải kể rằng, thời gian học phổ thông của ông rất ngắn, ông chỉ được học Tiểu học trong 2 năm còn lại là học ở nhà. “Lúc bé, bố tôi dạy ngay tại nhà chỉ học 2 môn chính là tiếng Hán và tiếng Pháp nên tôi có ít thời gian đến trường học” – ông nói. Lúc đó Dương Học Hải học tại trường Sinh Từ (nay là trường Lý Thường Kiệt nằm trên đường Nguyễn Khuyến, Hà Nội) chỉ trong 2 năm 1944-1946. Chưa hết Tiểu học thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Dương Học Hải đành phải bỏ dở việc học hành theo gia đình tản cư lên Vĩnh Yên. Tại đây, Dương Học Hải được cha ôn luyện để thi tốt nghiệp và đến năm 1948  ông thi đỗ Tiểu học tại thị trấn Thứa, Vĩnh Yên.

Năm 1949, giặc Pháp đánh chiếm Vĩnh Yên, gia đình Dương Học Hải lại vượt Tam Đảo tản cư sang Thái Nguyên, đây là vùng kháng chiến nên khá yên bình. Lúc này Dương Học Hải mới tiếp tục được đến trường, ông theo học ở trường Lương Ngọc Quyến, đây là ngôi trường gộp chung cả cấp II và cấp III. Năm 1953, Dương Học Hải vừa mới học xong lớp 8, chỉ còn một năm nữa ông sẽ hoàn thành cấp học Phổ thông trung học, tuy nhiên lúc này ông chỉ muốn đi làm để có cơ hội phục vụ cho kháng chiến nên ông không theo học nữa. Ngẫu nhiên, vào thời điểm này, trường Cao đẳng Giao thông công chính[1] đóng tại Tuyên Quang tuyển sinh và Dương Học Hải đã thi đỗ vào trường, ngành Cầu đường, lúc này ông mới 16 tuổi. “Để có điều kiện thi vào trường, tôi phải khai tăng thêm 3 tuổi, chính vì điều này mà hiện nay thẻ Đảng của tôi vẫn ghi sinh năm 1934” – GS Dương Học Hải nhớ lại.

Khóa học của GS Dương Học Hải lại là khóa đặc biệt của trường Cao đẳng Giao thông công chính, ông kể: “Lên đó tôi học được rất ít, chủ yếu là chỉnh huấn, tăng gia sản xuất, xây dựng trường sở để phục vụ cho chính trường, vì trường không có đủ điều kiện cơ sở vật chất”. Theo chương trình, Dương Học Hải phải học 3 năm nhưng ông chỉ học chuyên môn trong một thời gian ngắn 2 tháng và 6 tháng lao động sản xuất, sau đó được điều về Thái Nguyên tham gia khôi phục đường sắt; “Lúc này tôi mới chỉ 17 tuổi, cho tới bây giờ khi tôi kể lại thì ai cũng nói đây là quả thực là một thời gian rất đặc biệt. Không chỉ riêng tôi mà cả khóa cũng như vậy nhưng tôi là người ít tuổi nhất”.

“Tôi tự hào vì bản thân đã trưởng thành từ việc tự học,

phù hợp với truyền thống tự học của gia đình dòng họ đã có từ rất lâu”

Dương Học Hải tham gia khôi phục các tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan, Hà Nội – Lào Cai, khi làm việc tại đây ông trở thành lớp cán bộ đầu tiên của Tổng cục Đường sắt, Bộ Giáo thông. Cũng tại đây, ông vừa làm vừa tự học để bồi bổ kiến thức phổ thông. Sau đó, Dương Học Hải thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa khóa 2, niên khóa 1957-1961. Tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy từ năm 1961.

Sau khi Khoa Xây dựng tách ra khỏi trường Đại học Bách khoa và thành lập trường Đại học Xây dựng năm 1966, giảng viên trẻ Dương Học Hải được chuyển qua công tác tại đây. Năm 1976 trường Đại học Xây dựng chọn 15 người cho làm Luận văn Phó Tiến sĩ đặc cách[2], Dương Học Hải là một trong những người được tuyển chọn. Một lần nữa, cùng với sự nỗ lực của bản thân và được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Dương Học Hải đã hoàn thiện Luận văn Phó tiến sĩ chỉ trong một năm (từ tháng 12/11976 đến cuối năm 1977). Trong số 15 người bảo vệ đặc cách Phó Tiến sĩ  chỉ có 6 người bảo vệ thành công trong đợt đầu tiên gồm: Khoa Cầu đường là Dương Học Hải, Nguyễn Như Khải, Vũ Công Ngữ; Khoa Thủy lợi là  Hoàng Văn Quý; Khoa Xây dựng là  Phạm Khắc Hùng,  Hồ Anh Tuấn.

Với đề tài “Nghiên cứu sự phân bố ẩm và nhiệt trong nền đường ô tô với điều kiện vùng đồng bằng miền Bắc nước ta”, giảng viên Dương Học Hải đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Tổng cộng có 51 người ở các ngành khác nhau, trong đó có Dương Học Hải của trường Đại học Xây dựng được nhận bằng Phó Tiến sĩ trong đợt này và vinh dự được đích thân Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp trao Bằng tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 10/4/1978.

“Tôi rất tự hào, mặc dù từ thời thơ ấu và lớn lên trong giai đoạn gian khổ của đất nước nhưng tôi vẫn đạt được một số thành công. Tôi tự hào vì bản thân đã trưởng thành từ việc tự học, phù hợp với truyền thống tự học của gia đình dòng họ đã có từ rất lâu và cho đến giờ phút này tôi vẫn không ngừng học hỏi qua sách vở, đồng nghiệp và học qua thực tiễn xây dựng các công trình giao thông trên đất nước ta”, GS.TS Dương Học Hải đã chia sẻ như vậy khi ôn lại quãng thời gian phấn đấu học hành trong suốt những năm qua.

 

 

Trình Sỹ Anh Dũng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

[1] Theo như GS Dương Học Hải, chỉ cần tốt nghiệp cấp II là có điều kiện thi vào các trường Cao đẳng

[2] Làm Luận văn Tiến sĩ đặc cách là: Không phải thi đầu vào; Thời gian thực hiện Luận văn chỉ 1 năm; Tự nghiên cứu xây dựng đề tài, không có người hướng dẫn chính thức.