Những người đứng đầu của một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực giữ thói quen gọi ông bằng thầy.
Cái duyên với ngành điện
Từ ấn tượng ban đầu về ông, tôi tìm đến ngôi nhà nằm sâu trong ngõ khu Bách Khoa. Tuy đã 73 tuổi nhưng thầy Long không mấy khi có nhà, tất cả cũng vì công việc. Trước khi tìm gặp, tôi cũng đã tìm hiểu một số thông tin về ông và được biết, GSVS TSKH. NGND Trần Đình Long từng là Chủ nhiệm bộ môn hệ thống điện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN). Trong số vô vàn những công trình, cống hiến của GS có hai công trình luôn được ông và những thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện nhắc đến đó là đường dây 500kV với vai trò là Kiến trúc sư trưởng và Luật Điện lực với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác soạn thảo.
Ý tưởng xây dựng công trình đường dây 500kV được hình thành khi ông nghiên cứu về công trình thủy điện Hòa Bình, để chuẩn bị cho luận án Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô (1974). Đến năm 1992, trước thực tế thiếu điện nghiêm trọng ở miền Nam và miền Trung, gây những ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế, đời sống, trong khi đó thủy điện Hòa Bình lại thừa điện năng, phải xả nước để giảm công suất. Tình thế đã trở nên cấp bách, ý tưởng về hệ thống đường dây 500kV để chuyển điện vào phía Nam được đưa ra. Tuy nhiên, có bao nhiêu ý kiến tán thành đề án này, cũng có bằng ấy, thậm chí nhiều hơn những ý kiến phản bác. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ làm cố vấn kỹ thuật cho Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) thực hiện dự án.
Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long.
Về mặt kỹ thuật, đường dây 500kV rất khó triển khai vì chiều dài đường dây lên đến 1.500km, trải dài theo nhiều dạng địa hình khác nhau, rất phức tạp mà trên thế giới, chưa quốc gia nào có! Kinh phí lại quá lớn, 500 triệu USD sẽ khiến Nhà nước phải dốc gần như toàn bộ ngân khố quốc gia. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của nó như thế nào chưa ai dám chắc. Điều này cho thấy đây thực sự là một quyết định rất khó khăn, nếu không phải là những chuyên gia am tường ngành điện sẽ không thể có những suy nghĩ mạnh dạn để ủng hộ.
Sau 2 năm vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như kinh tế, ngày 27/5/1994, hệ thống đường dây 500kV chính thức đưa vào sử dụng. Đến nay, thực tế chứng minh dự án là đúng. Không những thế, từ công trình này, Việt Nam đã có một lớp kỹ sư vận hành ngành Điện vững vàng, được đào tạo cả ở trong và ngoài nước. Sau gần 20 năm vận hành, hiệu quả của công trình còn được khẳng định hơn, bởi sau đó, Chính phủ đã phê duyệt dự án làm thêm nhiều đường dây tải điện tương tự.
Những viên gạch đầu tiên
Có thể nói, Luật Điện lực ra đời đã mang đến cho ngành điện và xã hội một tư duy mới, cách nhìn nhận mới về kinh doanh điện, từ độc quyền chuyển sang cạnh tranh, kèm theo đó là rất nhiều khái niệm mới như thị trường điện lực, rồi điều tiết điện lực… ra đời. Giáo sư Long tâm sự: "Cục Điều tiết Điện lực đã ra đời được mấy năm và đã thể hiện vai trò của mình. Nhưng ít ai biết rằng, hồi soạn thảo Luật, người ta đã năm lần bảy lượt không chấp nhận đề xuất thành lập Cục vì cho rằng chưa cần thiết. Trong vòng 8 năm trời bền bỉ sau đó, vấp phải khá nhiều trở ngại, trải qua 24 lần dự thảo, nhiều lúc thấy mệt mỏi nhưng nản lòng thì không".
Chắc rằng, đó là những tháng ngày không thể nào quên của riêng cá nhân GS Long và nhiều người đã gắn bó với ngành điện!
Tuy còn rất nhiều việc phải làm để có một thị trường điện lực cạnh tranh, nhưng những viên gạch đầu tiên đã giúp mọi người hình dung được con đường đi đến đó. Và ông, GS.VS Trần Đình Long, một trong những người xây những viên gạch đầu tiên ấy.
Thế Dương
Nguồn: www.baomoi.com/Home/KinhTe/www.ktdt.com.vn/Mot-doi-gan-bo-voi-nganh-dien/8362612.epi