GS .TSKH. Đỗ Tất Lợi, người thầy của ngành dược Việt Nam, là người có công nhất trong việc nghiên cứu dược liệu Việt Nam đã nói: “Người Việt Nam phải dùng thuốc Nam. Cây thuốc có trong rừng vàng biển bạc, có trên khắp mọi miền”. Thầy cổ vũ các thầy thuốc phải dùng thuốc Nam chữa bệnh. Hầu như tất cả các bệnh thông thường, thầy thường khuyên bảo dùng loại thuốc gì, lấy ở đâu, thầy chấp nhận việc dùng các bài thuốc theo kinh nghiệm của đồng bào trong những năm tháng khó khăn của hai cuộc kháng chiến, nhưng khi có điều kiện, thầy yêu cầu phải nghiên cứu một cách cẩn trọng, vì liên quan đến sức khỏe của người sử dụng.
GS.TS. Phạm Thanh Kỳ với cây thuốc Việt Nam
Năm 1965, DS. Phạm Thanh Kỳ tốt nghiệp thủ khoa khóa 15 Trường đại học Dược Hà Nội, trở thành giảng viên Bộ môn Dược liệu của trường. Là học trò gần gũi và làm việc với GS. Đỗ Tất Lợi, thầy đã truyền cho ông niềm say mê với chuyên ngành từ những ngày khởi đầu, đã hướng cho ông sự khát khao cần tìm hiểu những tinh hoa của nguồn tài nguyên vô tận trên đất nước Việt Nam. Những năm 60 đó, nhân dân cả nước bước vào công cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, kinh tế nước nhà trong bao cấp, cung cấp thuốc vô cùng khó khăn, Bộ Y tế có Cục Dược liệu để lo toan về thuốc. Dược sĩ trẻ Phạm Thanh Kỳ đã nhiều lần đưa sinh viên dược đi sưu tầm điều tra dược liệu trên núi rừng tỉnh Lào Cai và tỉnh Hòa Bình. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1974, TS. Phạm Thanh Kỳ đã có nhiều đóng góp xây dựng Bộ môn Dược liệu của trường về giảng dạy và nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển của Trường đại học Dược Hà Nội khi ông là Hiệu trưởng (1994 – 1999).
Một quyết tâm lớn và quan điểm đúng
Là cán bộ được đào tào hoàn chỉnh, GS. Phạm Thanh Kỳ suy nghĩ: “Nước ta có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú và đa dạng; nhân dân ta có kinh nghiệm dùng cây cỏ làm thuốc để phòng bệnh và chữa bệnh từ lâu đời, do đó việc nghiên cứu tạo ra thuốc từ dược liệu là cấp thiết và rất khả thi, còn việc chế tạo ra thuốc theo con đường tổng hợp hóa học ở nước ta có nhiều khó khăn. Ông thường nói với đồng nghiệp, với các cán bộ khoa học trẻ: “Khi nghiên cứu một cây thuốc, cần thực hiện đầy đủ và hoàn chỉnh các bước: nghiên cứu về thực vật, xác định tên khoa học, nghiên cứu thành phần hóa học, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và các tác dụng sinh học. Tiếp theo là tìm dạng bào chế thích hợp, xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng, trải qua thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới bàn giao cho doanh nghiệp sản xuất thuốc để đưa ra thị trường. Chúng ta không nên nóng vội đưa ra sử dụng sớm ở dạng thực phẩm chức năng”.
NGND.GS.TS. Phạm Thanh Kỳ và ông Bùi Đắc Quang
tìm thấy cây giảo cổ lam ở Hòa Bình.
Hoàn cảnh nước ta, cũng như các ngành khoa học khác, để thực hiện các công trình nghiên cứu tạo ra thuốc từ dược liệu, GS. Phạm Thanh Kỳ và cộng sự đã trải qua một quá trình phấn đấu làm nhiều việc, trong nhiều năm, với muôn vàn khó khăn. Đó là sự đầu tư của Nhà nước có mức độ, kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất hạn hẹp. Ông đã động viên các cộng sự, các sinh viên, học viên sự tự tin và niềm say mê để kiên trì triển khai các hoạt động học thuật đòi hỏi cao về tuân thủ quy trình, làm thật để có kết quả trung thực, viết thật trong báo cáo kết quả. Bằng uy tín của mình, ông dành nhiều thời gian để kết nối sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài ngành của các viện, của trường và các bệnh viện để thực hiện các thí nghiệm liên quan đến đề tài. Với sức khỏe tốt, với lòng nhiệt huyết, có hướng đi đúng, đầy đủ tài liệu và nhiều kinh nghiệm, giáo sư đã có nhiều đóng góp trong việc đưa các dược liệu trở thành thuốc tốt phục vụ người bệnh.
Từ cây chè dây đến thuốc ampelop
Trên vùng núi cao phía Bắc, đồng bào dân tộc thường dùng một loại cây leo mọc hoang, tiếng Nùng gọi là Thau rả, tiếng Tày gọi là Khau rả, tiếng Kinh là cây chè dây. Theo y học cổ truyền, cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, được dùng chữa các bệnh liên quan tới dạ dày và còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.
Trong một chuyến công tác, GS. Hoàng Tích Huyền và GS. Hoàng Bảo Châu chứng kiến tại Bệnh viện Đông y tỉnh Cao Bằng, các thầy thuốc đã dùng cao thuốc cây chè dây chữa cho bệnh nhân. Các vị đề nghị GS. Phạm Thanh Kỳ phối hợp giúp đỡ một NCS làm nghiên cứu về tác dụng trên lâm sàng.
GS. Phạm Thanh Kỳ đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thực hiện công trình nghiên cứu cấp Bộ về cây chè dây (1990 – 1995). Ông đã giao cho một sinh viên người Cao Bằng theo dõi cây tới khi lấy được mẫu cây có hoa, có quả, hạt để xác định được tên khoa học là Ampelopsis cantonesis Planch họ Vitaceae. Nhóm nghiên cứu đã xác định thành phần hóa học chính trong cây chè dây là flavonoid có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm axit dịch vị, làm liền vết loét và có tác dụng diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori gây ra bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng và xây dựng quy trình bào chế ra thuốc ampelop. Bằng nhiều thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định thuốc ampelop có độ an toàn cao.
GS. Hoàng Bảo Châu đã hướng dẫn một bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nghiên cứu về tác dụng lâm sàng của cây chè dây và đã tiến hành thực hiện trên các bệnh nhân tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Với sự giúp đỡ của GS. Nguyễn Khánh Trạch, GS. Tạ Long thực hiện trên một nhóm bệnh nhân dùng ampelop, với nhóm đối chứng là bệnh nhân dùng thuốc đau dạ dày thông dụng là alusi. Kết quả, thuốc ampelop có tác dụng cắt cơn đau do loét hành tá tràng, làm lành các ổ loét và diệt trừ khuẩn Helicobacter pylori với tỷ lệ cao. Một đặc tính hơn hẳn là thành phần flavonoid trong chè dây còn có tác dụng giải độc gan theo cơ chế chống ôxy hóa khử gốc tự do và an thần. Các chi phí điều trị bằng thuốc ampelop thấp hơn nhiều loại thuốc tân dược điều trị loét dạ dày – tá tràng đang có trên thị trường hiện nay.
Thuốc ampelop đã được sản xuất và tiếp tục thực hiện điều trị cho nhiều bệnh nhân loét dạ dày – hành tá tràng ở Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, BV đa khoa Hà Tây có kết quả tốt. GS. Kỳ tiếp tục chủ trì Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC.10 (mã số KC.10.DA11) “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ampelop làm thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng”. Công trình nghiên cứu được đánh giá xuất sắc và được giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2006.
Kết quả nghiên cứu về cây chè dây đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc “Lấy Nam dược trị Nam nhân”. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ và các cộng sự đã kết hợp với Công ty Dược phẩm Traphaco hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang ampelop quy mô công nghiệp và đã sản xuất hàng chục triệu viên phục vụ nhu cầu trong nước.
Việc dùng cây chè dây làm thuốc đã góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng núi Sa Pa (Lào Cai) và Hà Giang, nơi có cây mọc hoang, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng cao. Để đảm bảo khai thác lâu dài và bền vững nguồn dược liệu chè dây, giáo sư đã tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng cao bảo tồn nguồn nguyên liệu bằng cách chỉ thu hái lá, không chặt cành để giúp cây chè dây tái sinh.
Đồng thời, GS. Phạm Thanh Kỳ đã phối hợp cùng Công ty Traphaco nghiên cứu trồng và thu hái cây chè dây ở vùng núi cao theo Tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Việc trồng và thu hái chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã góp phần đảm bảo nguồn dược liệu ổn định, chất lượng tốt để sản xuất thuốc ampelop hiệu quả, an toàn. Thuốc ampelop đã được Hội đồng Thuốc Bộ Y tế bình chọn là “Ngôi sao thuốc Việt” – giải thưởng danh giá của ngành dược dành cho thuốc sản xuất trong nước.
Người đưa cây thuốc quý giảo cổ lam phục vụ cộng đồng
Trong một lần đi công tác ở Trung Quốc, GS. Phạm Thanh Kỳ chú ý tới một cây thuốc được nghiên cứu đầu tiên tại Nhật Bản với tên gọi amachazuzu – phúc âm thảo, còn ở Trung Quốc là jaogulan. Từ xa xưa, cây thuốc đã được sử dụng cho vua chúa để tăng sức khỏe, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Khi về Việt Nam, ông dành nhiều quan tâm kiếm tìm dược liệu quý hiếm này.
Năm 1996, GS. Kỳ có dịp gặp ông Nguyễn Văn Nhân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, là cha của một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp Đại học Dược. Giáo sư nhờ ông quan tâm tìm cây thuốc ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Ít ngày sau, ông Nhân thông báo, đồng bào dân tộc ở địa phương thường thu hái cây dần toòng bán sang Trung Quốc và gửi mẫu cây tới GS. Kỳ. Nhìn cây khô, GS. Kỳ thấy rất giống cây cần tìm. Năm sau, ông thực hiện một chuyến đi dài ngày, lên vùng Cao Bằng tìm kiếm và có chuyến đi tới vùng núi Phan-xi-păng thuộc tỉnh Lào Cai. Giáo sư đã tìm thấy cây có hoa có quả tại rừng nguyên thủy ở độ cao 2.000m. Mẫu cây đưa về Hà Nội đã được GS. Vũ Văn Chuyên, Chủ nhiệm Bộ môn Thực vật của Trường đại học Dược xác định có tên khoa học chính xác là Gynostemma Pentaphyllum. Đúng là cây có cùng họ với cây jaogulan Trung Quốc, hay cây amachazuzu Nhật Bản, gọi là giảo cổ lam Việt Nam. Ông đã triển khai nghiên cứu dược liệu này từ năm 1997 cho tới nay với nhiều sinh viên làm luậnvăn tốt nghiệp dược sĩ đại học, nhiều học viên cao học làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ dược học, thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa cấp II và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ.
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh giảo cổ lam thu hái ở Việt Nam có tác dụng tăng lực, làm giảm cholesterol cao trong máu, chống xơ vữa động mạch, làm giảm đường huyết, có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ gan, chống lão hóa, tăng cường đáp ứng miễn dịch, hạn chế sự phát triển khối u trên chuột thực nghiệm. Dịch chiết giảo cổ lam bằng đường uống không có độc tính cấp, không có độc tính bán trường diễn, không ảnh hưởng tới sinh sản và cấu trúc nhiễm sắc thể của chuột thí nghiệm. Giảo cổ lam Việt Nam có thành phần chính là saponin, ngoài ra còn có flavonoid, axit amin, vitamin và có tới 35 nguyên tố vi lượng, trong đó có Se, Zn, Fe, Mg, Mn với hàm lượng khá cao. Nhóm nghiên cứu của ông đã chiết xuất, phân lập được 7 saponin mới có cấu trúc Damaran giống cấu trúc saponin trong nhân sâm. Những saponin này có tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư trên thực nghiệm in vitro. Các kết quả đã cho thấy chất lượng giảo cổ lam Việt Nam rất tốt.
Bên cạnh chè thuốc, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng công thức bào chế dạng viên nén giảo cổ lam, viên nang cứng gylopsin (phối hợp giảo cổ lam với Polyphenol của chè dây) viên nang cứng curpenin (phối hợp giảo cổ lam với nghệ). Các thuốc trên đã được đánh giá tốt trên lâm sàng.
Sau hơn 10 năm kiên trì miệt mài nghiên cứu, GS. Phạm Thanh Kỳ đã chuyển giao công nghệ các quy trình sản xuất cho các công ty dược phẩm.
Giảo cổ lam được tiếp tục phát hiện ở vùng núi Ba Chi, Hòa Bình
Tại tỉnh Hòa Bình, cựu chiến binh Bùi Đắc Quang, mắc nhiều bệnh, sức khỏe kém, sau khi dùng sản phẩm giảo cổ lam một thời gian, thấy bệnh tật thuyên giảm, sức khỏe hồi phục. Từ đó anh có niềm say mê với cây giảo cổ lam. Anh Quang nghĩ rằng, núi rừng Đà Bắc của Hòa Bình có khí hậu mát, cũng có thể có giảo cổ lam nên đã đi kiếm tìm nhiều ngày, anh đã lặn lội đi khắp núi rừng Đà Bắc. Sau nhiều ngày, cuối cùng anh đã tìm thấy được mẫu cây giống cây giảo cổ lam, anh phóng xe máy về Hà Nội, đến gặp GS. Phạm Thanh Kỳ đưa mẫu nhờ thẩm định. Giáo sư đã 70 tuổi, nhưng ông vẫn quyết định đi lên Hòa Bình để cùng anh Quang đi bộ, lần theo các dãy núi đá Ba Chi thuộc huyện Đà Bắc để trực tiếp khảo sát tại chỗ vùng có cây giảo cổ lam mọc. Ông đã xác nhận, đó là cây giảo cổ lam. Anh Quang đã mạnh dạn thành lập công ty để thu hái chế biến và kinh doanh chè thảo dược quý này tại Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Tâm huyết của GS. Phạm Thanh Kỳ là muốn giữ giảo cổ lam sống mãi với người Việt. Từ khi công trình nghiên cứu về giảo cổ lam được GS. Kỳ công bố, người dân vùng cao đã tận thu khai thác để bán, không nghĩ đến các lần thu hoạch sau. Giáo sư luôn nhắc nhở các đơn vị thu mua phải phổ biến rộng rãi, phổ biến nhiều lần cho người dân, khi thu hái phải để lại gốc của cây với một đoạn khoảng ba gang tay, để cây tiếp tục tồn tại, phát triển, để có nguồn thu cho các lần thu hái sau. GS. Kỳ và cộng sự cũng đã nghiên cứu tạo giống giảo cổ lam ở vườn nhà, rồi lại trả cây giống giảo cổ lam về với rừng. Từ những cây giống này sẽ phát triển với diện tích lớn trên vùng đất có khí hậu phù hợp, giáo sư cũng là người đầu tiên đưa giống giảo cổ lam đến trồng thành công đại trà ở Đà Lạt.
Cùng với việc phát hiện, nghiên cứu cây chè dây, cây giảo cổ lam, GS. Phạm Thanh Kỳ còn thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khác có giá trị.
Người thầy tận tụy
Tính đến nay, GS.TS. Phạm Thanh Kỳ đã có thâm niên 49 năm trong ngành dược liệu, trong đó 20 năm là giảng viên, 12 năm là Phó trưởng Bộ môn (1985 – 1997); 10 năm là Trưởng Bộ môn (1997-2007). Giáo sư đã hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy cho sinh viên đại học và học viên sau đại học.
Thành tích đào tạo của ông rất đáng khâm phục: GS. Kỳ đã hướng dẫn: 30 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, 41 học viên cao học làm luận văn thạc sĩ dược học, 14 dược sĩ CKI và 157 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp dược sĩ đại học. Giáo sư có 328 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài. Các NCS và học viên được tham gia các chuyên luận trong các đề tài NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp trường, có kinh phí để bớt khó khăn khi thực hiện nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực, mang lợi ích cho xã hội. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, GS. Phạm Thanh Kỳ đã hình thành cho mình như một bản năng, luôn có sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Ông luôn quan tâm hướng dẫn các học trò các đức tính của người dược sĩ: cẩn thận, tỉ mỉ và trách nhiệm, các đức tính của nghiên cứu viên: khoa học và trung thực, để tạo dựng cho các học trò có một tiềm năng vững vàng bước vào sự nghiệp mới. Nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của ông đã được nhiều giải thưởng trong các hội nghị khoa học kỹ thuật tuổi trẻ các trường đại học của ngành y tế.
Gần 50 năm làm thầy giáo, mang nhiều tâm huyết với chuyên ngành dược liệu, GSTS. Phạm Thanh Kỳ đã truyền cảm sự say mê nghề nghiệp cho các học trò và đồng nghiệp trẻ và rất đông học trò đã theo nghề của ông. Nhiều thế hệ dược sĩ đã học ông, hoặc đọc sách của ông. Tất cả đều kính trọng và cảm mến ông sự nghiêm túc trong giảng dạy, tính kỷ luật trong nghiên cứu, song lại thẳng thắn, vui vẻ, chan hòa, thân thiện, đầy tình thương yêu trong đời thường. Giáo sư đã được bổ nhiệm là thành viên nhiều hội đồng khoa học kỹ thuật. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001), hạng Nhì (2007), được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1992) và Nhà giáo Nhân dân (1998) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bài, ảnh: Trần Giữu
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn