Vài cảm nhận về CD2 “Ca khúc Nguyễn Anh Trí”

Thật ra, rất nhiều nhà làm khoa học tài ba vẫn hết sức yêu mến đam mê và có tài năng sáng tác các loại hình nghệ thuật khác nhau. Niềm đam mê ấy, tự lúc nào đã trở thành máu thịt, giúp họ trở nên toàn diện hơn và góp phần hình thành một phong cách và nhân cách sống phong phú mang đậm tính nhân văn, đồng thời góp phần phục vụ đắc lực cho sứ mệnh chính trị mà họ đảm nhận trước cộng đồng và xã hội. Trường hợp Giáo sư – Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà thơ, Nhạc sỹ, Viện trưởng Viện huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí là một ví dụ sinh động.

Ai đã từng diện kiến Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí dù chỉ một lần đều có những cảm nhận chung. Đó là một con người bình dị và hết mực khiêm tốn, rất tình cảm và dễ gần. Nhưng đồng thời lại là một nhà khoa học lớn, hết sức nghiêm túc và nghiêm khắc trong chuyên môn, nghề nghiệp. Thật hiếm có cho một con người cùng lúc hội đủ nhiều tố chất quan trọng và mang nhiều những danh hiệu cáo quý nhất như vậy! Bởi ông đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền khoa học nói chung và nền y học nước nhà nói riêng, góp phần vào thành tựu chung của khoa học nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu. Những danh hiệu cao quý nhất mà ông được Nhà nước vinh danh, phong tặng đã minh chứng cho những cống hiến to lớn và bền bỉ của ông cho khoa học và đặc biệt là con người. Tuy nhiên, bên cạnh Nguyễn Anh Trí – Một nhà khoa học lớn còn có một Nguyễn Anh Trí khác. Đó là Nguyễn Anh Trí – Nghệ sỹ (Nhà thơ, Nhạc sỹ) tài hoa.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin mạo muội được khai thác một chút về một Nguyễn Anh Trí – Nghệ sỹ đó qua CD chùm “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” do Hồ Gươm Audio thực hiện.

Hẳn chúng ta đều biết, trong album đầu tay mang tựa đề “Mẹ và Những miền quê Mẹ” với chủ đề xuyên suốt là Mẹ, tác giả đã dành toàn bộ tâm huyết, tình cảm máu thịt gắn bó sâu nặng của một người con nặng tình hiếu đễ cho người mẹ kính yêu đã sinh thành, nuôi nấng dạy dỗ tác giả nên người, mà giờ đây Mẹ đã thành người thiên cổ. Những ca khúc viết về người mẹ kính yêu đó như một dấu lặng thẳm sâu trong tâm hồn Nguyễn Anh Trí mà người nghe như luôn đồng hành, đồng điệu đồng ý và đồng tình với tâm hồn tác giả. Và đâu đó, người nghe như tìm thấy bóng dáng người mẹ kính yêu của chính mình. Chính điều đó đã để lại một dấu ấn đẹp, những tình cảm đẹp và đầy ý nghĩa cho những ai đã một lần nghe anbum nhạc này. Tôi cũng đã có những bài viết rải rác về thơ và nhạc của ông và đặc biệt là về anbum số 1 nên trong bài viết này tôi không dành nhắc lại nữa, mặc dù còn nhiều điều đang thúc dục tôi muốn viết ra. Chỉ biết rằng ở album nhạc số 2, “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” này, ta sẽ tìm thấy một sự “nâng cấp”, “nâng tầm” vượt xa những tình cảm thiết tha mà tác giả chỉ dành riêng cho Mẹ để vươn tới những tình cảm cao rộng hơn, lớn lao hơn, trách nhiệm hơn về con người, về quê hương, đất nước cùng những trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời, nhân thế… “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” là sự thăng hoa cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nghe âm nhạc của Nguyễn Anh Trí ta có thể cảm nhận ẩn sâu bên trong chân dung một nhà khoa học, một bác sỹ là một trái tim, một tâm hồn, một bầu nhiệt huyết, của một nhà thơ, một nhạc sỹ, một nghệ sỹ chân chính – Nghệ sỹ Nguyễn Anh Trí” (Hồ Gươm Audio).

Với 12 ca khúc ngắn gọn (đoản ca) nhưng tất cả đã toát lên một âm hưởng đa sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc về con người, đất nước, quê hương và cuộc sống xung quanh chúng ta. Hiện thực đó đã đánh thức các giác quan và trái tim nóng bỏng của ông để dệt nên những ca khúc thật trữ tình mà rộn rã, da diết mà lắng sâu, dâng trào mà luyến nhớ.

1. Mở đầu anbum là ca khúc “Cờ đỏ Sao vàng” (Hoàng Thái và tốp ca nam nữ). Với âm hưởng đậm đà âm sắc dân ca Bình – Trị -Thiên, tiết tấu mang tính tự sự sâu lắng, giai điệu tự hào tha thiết sâu đằm, làm thức dậy trong tâm thức người nghe niềm kiêu hãnh về lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đã thắm bao máu đào của các thế hệ cha ông để có ngày hôm nay đất nước vẹn toàn:

Cờ đỏ sao vàng,
Thăng hoa hồn trong xôn xao nắng hạ
Sưởi ấm lòng trong buốt giá mùa đông
Vàng sắc lúa chín trên đồng
Đẹp như màu da, tươi màu máu Việt
Niềm tự hào được nhân lên khi nốt nhạc được đẩy lên cao trào:
Tổ quốc, Cờ đỏ sao vàng, tự hào hai tiếng Việt Nam.

Và:

Thiêng liêng quá tình yêu Tổ quốc…
Muôn muôn năm, đất nước Việt vững bền!

Tác giả đã gửi gắm niềm tin và niềm tự hào cũng như lòng biết ơn về sự hy sinh vô bờ đối với các thế hệ tiền nhân cho đất nước này luôn vững bền, dù cho bão táp thời gian và tố lốc của lịch sử.

2. Cũng như “Cờ đỏ sao vàng”, “Sống mãi với Thu vàng” (Tố Nga) là một ca khúc cũng thể hiện lòng tri ân, nhưng là lời tri ân ở một góc độ khác. Đó là đối với một con người cụ thể, một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – sau sự kiện người vĩnh viễn ra đi để lại bao tiếc thương, kính trọng và khâm phục cho không chỉ 90 triệu con dân nước Việt mà là cả nhân loại tiến bộ trên hành tinh này. Bày tỏ cảm xúc với vị Đại tướng kính yêu, người Anh Cả quân đội nhân dân, ngoài tình cảm chung của đồng bào, đồng chí cả nước thì tác giả còn có tình cảm đặc biệt riêng với Đại tướng. Đó là niềm tự hào và thương tiếc người ông, người cha chung mà tác giả là đồng hương Lệ Thủy với Đại tướng. Bởi vậy mà lời ca lắng sâu, trầm ấm có khi như nấc nghẹn. Ca từ chắp cánh cho giai điệu trầm buồn như nhạc “Hồn tử sỹ”:

Hàng triệu người tim thắt, lệ rơi
Thương tiếc lắm! Một con người huyền thoại
Đức, Dũng, Trí, Nhân… Ông thành vĩ đại
Võ tướng một đời (mà) đậm những chân Văn

Từ hoài niệm về một vĩ nhân tài, đức vẹn toàn và công lao trời bể của Đại tướng, tác giả trở về với thực tại của hàng muôn vạn người diễu qua trên đường Hoàng Diệu và khắp các ngả đường xe đưa rước thi hài Đại tướng đi qua để thể hiện lòng tiếc thương vô hạn với giai điệu trầm buồn, nghiêm trang, như một bè trầm trong ca khúc.

Nối nhau,
Nối nhau
Thành muôn, thành triệu
Bao tiếc thương cứ rực nén hương nồng

Lòng thành kính tiếc thương vị Đại tướng của nhân dân đã biến đau thương thành sức mạnh gắn kết 90 trệu người dân nước Việt thành một khối vững bền. Và tác giả tự hào;

Dân tộc tôn vinh Ông là anh hùng
Thế giới ngợi ca Ông là kiệt xuất
Ông đã thành Tiên
Không bao giờ mất
Những vinh quang sống mãi với Thu vàng…

3. Nếu “Cờ đỏ sao vàng” và “Sống mãi với Thu vàng” là cặp ca khúc ca ngợi lá cờ Tổ quốc và vị Đại tướng kính yêu bằng âm hưởng trầm hùng, tha thiết, lắng sâu, đầy kiêu hãnh tự hào và thiêng liêng pha nét bi tráng của sự mất mát, hy sinh thì đến ca khúc “Hành trình đỏ” (cùng tên với một hoạt động của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương kết hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) (Nhóm Belcanto), tác giả sử dụng nhịp 2/4 (nhịp đi hay nhịp quân hành) để thể hiện tinh thần tự nguyện và nhiệt huyết cống hiến của sức trẻ cho một nhiệm vụ hay có thể gọi là một nghĩa cử cao đẹp của những người tham gia hiến máu nhân đạo, cứu người.

Điệp ngữ “hành trình đỏ” mở đầu ca khúc được lặp đi lặp lại như lời thôi thúc, động viên, kêu gọi tuổi trẻ lên đường thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy:

Hành trình đỏ – kết nối dòng máu Việt
Hành trình đỏ – kết nối những yêu thương
Nào bạn ơi! Chúng ta cùng lên đường
Theo Hành trình Đỏ đến những miền quê hương …
… Hành trình đỏ – hành trình của yêu thương

Tiết tấu nhanh mạnh, dứt khoát, biểu thị sự quyết tâm “nhập cuộc” của tuổi trẻ được tác giả xử lý linh hoạt nhưng cũng không kém phần trữ tình, lay thức người nghe. Là người đứng đầu ngành Huyết học – Truyền máu Việt Nam, Nguyễn Anh Trí hiểu rất rõ vai trò tối quan trọng của những giọt máu cứu người và nhu cầu máu ngày càng cao để tiếp cứu cho rất nhiều những bệnh nhân đang rất cần đến máu để duy trì sự sống, nên ca từ tha thiết, khơi gợi tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào của thế hệ trẻ được làm nhiệm vụ cao cả đầy tính nhân văn này. Ca khúc kết thúc trong tiết tấu cao trào phá cách với lời ca “Hành trình đỏ, hành trình của tình thương” như gửi gắm niềm tin vào phong trào đầy ý nghĩa này!

4. Ca khúc “Xin cứ tựa vào” (Huyền Trang) là một tiếng nói khác bằng ca từ mang tính chiêm nghiệm về bản thân, về cuộc đời, về con người và cuộc sống. Chính vì vậy mà lời ca cứ nỉ non như lời tự sự của tác giả, mang dấu ấn của âm sắc dân ca xứ Quảng:

Tựa vào Mẹ
Nhận mãi tình thương
Tựa vào Cha
Có thêm lòng dũng cảm…
Xin cứ tựa vào những lúc đơn côi
Sẽ thấm thía hơn nghĩa tình đồng đội…

Đó chính là sự trải nghệm để đúc rút ra những điều cốt lõi để cuối cùng dẫn vào lời kết là một sự chiêm nghiệm đầy tự tin:

Tựa vào tình yêu
Để thêm hạnh phúc
Tựa vào chính mình
Xin tựa vào chính mình
Để được chính mình hơn.

5. “Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông” (Thái Quảng và tốp ca nam nữ) là một ca khúc giàu tính trữ tình và đặc biệt là chất liệu dân ca miền Trung thấm đẫm trong mỗi ca từ, trong mỗi giai điệu và tiết tấu của bài ca. Đây là ca khúc mang tính thời sự có thể được viết trong bối cảnh khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép gian khoan Hải Dương 981 trên thềm lúc địa nước ta. Khai ngôn là một giai điệu mở, khoáng đạt với âm vực rộng bao la, rất tha thiết và tự hào cùng với sự mô phỏng tiếng sóng vỗ dạt dào như thay lời thỉnh cầu của biến:

Những năm tháng này
Mỗi người dân Việt
Đều nghe lời thỉnh cầu tha thiết
Của Mẹ Biển Đông…
Tiếng đảo chìm, đảo nổi vang vang
Với lời thỉnh cầu phải là đất Việt
Trường Sa, Hoàng Sa đều là máu thịt
Không được phụ lòng với Tổ tiên
Lời thỉnh cầu từ đáy biển thẳm sâu
Những than, những dầu thỉnh cầu dâng hiến
Lời thỉnh cầu chan chứa ước mong…

Tất cả nội dung lời thỉnh cẩu của Mẹ Biển Đông là muốn đất nước và biển đảo được thái hòa:

Để được hòa bình, để ngừng máu chảy.

Đó chính là khát vọng ngàn đời của mỗi người dân nước Việt muốn được hòa bình để dựng xây đất nước mạnh giàu. Tuy nhiên, nếu những thế lực ngoại bang muốn ăn cướp thì Mẹ Biển Đông sẽ nổi sóng nhận chìm chúng xuống đáy đại dương. Ngoài chất liệu dân ca, ca khúc còn mang âm hưởng trữ tình chính trị, thể hiện tinh thần hướng về biển đảo Tổ quốc thiêng liêng.

6. “Canh rau tập tàng” (Lương Thùy Linh) là tình cảm của người con hướng về người mẹ kính yêu. Ca khúc này được xem như món quà tặng mẹ kính yêu của Nguyễn Anh Trí. Bởi vì trong mỗi ca từ, mỗi tiết tấu và âm hưởng, tình cảm mẹ – con và con – mẹ được bật lên như những nốt trầm sâu lắng. Chỉ những canh rau “tập tàng” (rau góp, rau vặt) thôi cùng với những con tép, con tôm bắt nơi đồng quê nghèo Lệ Thủy, mẹ đã nuôi tác giả lớn lên để thành nhà khoa học lớn với những chức danh mà hiếm người có được. Dù có đi bốn phương trời và dù có trở thành “ông Cử”, “ông Nghè” gì đi nữa thì tác giả luôn vẫn là đứa con ngoan bé bỏng của mẹ, luôn nghĩ về mẹ với hình ảnh mà như ai đó đã viết:

Bát cơm đầy tay mẹ xới cho con
Rau con trồng mẹ luộc những mầm non
Trong mắt mẹ, con vẫn còn bé nhỏ
Lòng mong mỏi bế bồng con mãi đó

Bằng nghệ thuật sử dụng chất liệu dân ca và thể thơ dân tộc quen thuộc (lục bát) kết hợp tính tự sự (kể) và trữ tình (bộc lộ tình cảm) rất sâu lắng cùng với sự phối khí của hai nhạc cụ chủ đạo là cây sáo trúc và cây độc huyền cầm (đàn bầu), tác giả đã đưa người nghe đến với một tình khúc ngọt ngào, da diết, đằm thắm mà dâng trào của tình mẫu tử cùng sự tri ân qua giọng ca ngọt ngào tròn vành, rõ chữ của nữ ca sỹ Lương Thùy Linh:

Rau tươi mẹ kiếm trong vườn
Tép tôm cùng với tình thương cộng vào

Chỉ giản đơn và sơ sài vậy thôi nhưng với nhạc sỹ thì:

Thế mà ngọt lắm mẹ ơi
Thế mà mát ruột nắng nôi trưa hè
Thế mà nồng thắm hồn quê
Đói no đắp đổi sum suê nghĩa tình

Và ông đã nêu lên một triết lý cuộc đời:

Rau xanh nấu chín còn xanh
Ân tình chìm nổi ba sinh còn tình

Điệp ngữ “thế mà” được nhắc đi nhắc lại đến ba lần trong một khổ thơ ngắn như một sự luyến láy âm ba không dứt, để đi đến khẳng định:

Mát lòng, đâu cứ cao sang
Ẩn sâu trong nỗi tập tàng bát canh
Trong gian khó vẫn ngọt lành
Chắt chiu nên nặng nghĩa tình quê hương

Phải nói rằng, bên cạnh tình yêu dành cho Mẹ và những người ruột thịt thì Nguyễn Anh Trí là một người thủy chung son sắt, nặng lòng với quê hương.

Vượt lên trên “Canh rau tập tàng” là sự ơn nghĩa, sự tri ân của tác giả với quê hương và người mẹ yêu kính của mình “một năng hai sương” trong nghèo khó vẫn vượt lên để yêu thương, chắt chiu, nuôi dạy ông và các anh em ông nên người. Ẩn dấu đằng sau tình mẹ con cụ thể là một tình Mẹ bao la rộng lớn hơn với đức hy sinh cao cả: Mẹ Việt Nam. Đó chính là tầm khái quát của tình khúc này:

Ôi Việt Nam đất nước thương yêu
Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng
Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời…

(Tố Hữu)

7. Tuy có vẻ lạ lẫm hơn một chút về tiêu đề nhưng “Tiếng gà gáy sáng”, cũng nằm trong cụm chủ đề về tình yêu quê hương, lòng thủy chung, sự tri ân của tác giả đến những con người, sự vật gần gũi quen thuộc mà chính nó đã góp phần bồi đắp tình cảm, và góp phần hình thành tài năng và nhân cách lớn của Nhạc sỹ; Giáo sư Tiến sỹ; Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng lao động, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TW Nguyễn Anh Trí.

Ca khúc được mở đầu bằng tiếng gà gáy sáng thông qua thính giác của tác giả:

Xôn xao miền quê
Tiếng gà gáy sáng
Khi vầng dương rạng
Mà lòng nao nao

Từ tiếng gà gáy sáng, tác giả hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ của mình, cổ quàng khăn đỏ, cắp sách tới trường:

Nhớ một thuở nào
Khăn quàng đi học
Tiếng gà đánh thức
Một thời ước mơ.

Tiếng gà không chỉ báo hiệu trời gần sáng mà còn là sự là báo hiệu một tương lai tươi sáng mà trước mắt hãy còn bao thử thách gian nan. Ca từ ở đây như một ẩn dụ dự cảm về một tương lai tốt đẹp đang đến trong niềm tin của tác giả.

Có những ngày xưa,
Sang canh gà gáy
Ngọn đèn vẫn cháy
Xiêu bóng mẹ già
Đường đời mờ xa
Tiếng gà gáy dục
Cha nhanh chân bước
Tháng ngày mênh mông
Tiếng gà sang sông
Gọi bình minh dậy
Cả miền quê ấy
Bình yên tiếng gà

Và rồi những năm tháng xa nhà, xa quê đi học, mỗi khi nghe tiếng gà xứ lạ quê người gáy lên báo sáng thì nỗi nhớ quê với tiếng gà quen thuộc dào lên trong tâm thức của tác giả như những gì thân quen, tha thiết và gần gũi nhất:

Năm tháng đi xa
Gặp tiếng gà gáy
Nhớ thương vời vợi
Nỗi niềm ban mai

Với tiết tấu đều đều, gấp gấp như bước chân của tác giả đi học mỗi ngày đến trường cho kịp (thuở ấy nhà nghèo, tác giả và bao bạn bè trang lứa làm gì có được chiếc xe đạp dù cà tàng để mà đi học) bài hát như dẫn chúng ta về một thời đất nước có chiến tranh đầy khốn khó gian nan, thiếu thốn, vậy mà con người bằng ý chí của mình vẫn vượt lên hoàn cảnh để phấn đấu đi tới và vững tin ở tương lai. Tiếng gà gáy ở đây cũng mang tính ẩn dụ và biểu tượng cho thời gian cũng như dự báo về một ngày mai tươi sáng. Mà như chúng ta đều biết dự báo là một trong những chức năng quan trọng của Nghệ thuật. Đúng là một Nguyễn Anh Trí của Thơ và Nhạc. Của nghệ thuật chân chính!

8. Ngày xưa Bá Nha và Tử Kỳ vốn hai người xa lạ đã trở thành bạn tri âm và tri kỷ bởi khi tiếng đàn Bá Nha cất lên thì Tử Kỳ hiểu ngay được Bá Nha muốn nói điều gì. Tích xưa của Trung Quốc có thể áp dụng cho tinh thần của ca khúc “Lung linh đêm nhạc Trịnh” (Tố Nga) ngày nay của nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí. Ở đây ta bắt gặp một sự đồng điệu tâm hồn và cảm xúc giữa hai con người: một đã tạ thế và một đang tại thế. Tác giả như đọc được nỗi niềm của người nhạc sỹ lớn họ Trịnh:

Mỗi bài ca là một khúc tâm tình
Về kiếp người, về quê hương, về mẹ
Đậm tâm tư nỗi vơi đầy giằng xé
Của một đời người Nghệ sỹ… Trịnh ơi
Trịnh ơi! Bài hát Trịnh cứ còn vang vọng mãi
Như tiếng ca ru cho người sống thật Người
Bởi lắm yêu thương nên bão nổi một đời
Người nghe Trịnh lặng thầm hoài niệm
Người nghe Trịnh lòng dạt dào sóng biển
Sông Hương lững lờ mây chầm chậm trôi

Lời ca như nỉ non, như hoài niệm, như kể lể sự tình của cuộc đời lắm trái ngang, đầy giông bão mà vẫn son sắt thủy chung. Âm sắc đậm đặc chất liệu dân ca Bình Trị Thiên và ca Huế quê ông như một sự hoài niệm, chiêm nghiệm cuộc đời, như nhạc Trịnh luôn “Một cõi đi về” với Trịnh và với cuộc đời. Nguyễn Anh Trí đã kết nối được sợi dây tình cảm giăng mắc trong hai tâm hồn đồng điệu giữa một người làm khoa học yêu nghệ thuật và một người làm nghệ thuật thuần túy. Cả hai gặp nhau trong cùng một biên độ và sự thẩm âm đồng vọng, chứng tỏ Nghệ sỹ Nguyễn Anh Trí là một con người hết sức tài hoa, nhạy cảm và tinh tế trong mọi lĩnh vực. Đúng là:

Dẫu cuộc đời có lúc say lúc tỉnh
Nhạc Trịnh mãi luôn “một cõi đi về”.

Với chất giọng mượt mà sâu lắng, luyến láy như tỏ tình, như mời gọi, như níu kéo người nghe của ca sỹ Tố Nga cộng với âm ba của hai loại nhạc khí dân tộc là sáo trúc và đàn bầu đã đánh thức trong lòng người nghe hồn cốt của ca khúc “Lung linh đêm nhạc Trịnh” của nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí. Đó như món quà và nén tâm nhang của người bạn tri âm “Tử Kỳ”-Nguyễn Anh Trí gửi đến tri kỷ “Bá Nha”-Trịnh Công Sơn của thời đại ngày nay.

9. “Nhớ mùa hoa cải” (Huyền Trang) lại là một trạng thái cảm xúc khác của nhạc sỹ trong cảm xúc đa chiều về tình yêu quê hương. Đó là ký ức về những mùa hoa cải. Hoa của mùa Xuân vàng óng bên sông. Và cũng chính đó là tình yêu và gắn bó tha thiết với quê hương trong những ngày thơ ấu. Nếu như Trịnh công Sơn có ca khúc “Một cõi đi về” thì trong thơ và nhạc Nguyễn Anh Trí, hình bóng quê nhà với những sự vật bình dị cũng luôn trở đi trở lại và cũng luôn “một cõi đi về” như vậy. Đó là biểu hiện của lòng thủy chung như nhất của tác giả đối với quê hương mặc dù giờ dây tác giả sống trên đất Tràng An ngàn năm văn vật với lối sống hiện đại ở thế kỷ XXI, nhưng quê hương với ông luôn “là chùm khế ngọt” để ông “trèo hái mỗi ngày”. Và một trong những “chùm khế ngọt” đó chính là những ca khúc chúng ta đã và đang nghe hôm nay…

Thời gian dẫu xa bao nhiêu
Nhớ về những mùa hoa cải
Sắc quê, tình yêu… còn mãi
Nhớ thương vời vợi Cải ơi

Ở đây ta gặp một ẩn dụ thật tinh tế, thông qua “nhớ thương vời vợi Cải ơi”, tác giả gửi tấc lòng mình về nơi cố hương yêu dấu. Với chất giọng đặc sắc của ca sỹ Huyền Trang (giải nhất Sao Mai – 2013), “Nhớ mùa hoa cải” đã có một giai điệu đẹp, êm đềm sâu lắng, tỷ tê nhẹ nhàng như nhắc người nghe nhớ về một thời kỷ niệm tuổi thơ mà trong đời ai cũng lưu giữ phải không các bạn?

10. Trở lại với đề tài “Máu cứu người và hiến máu nhân đạo”, Nguyễn Anh Trí đã có thêm ca khúc “Lễ hội Xuân Hồng” (Thái Quảng). Đây là ca khúc cùng tên với một chương trình do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khởi xướng và tổ chức. Trong những năm qua “Lễ hội Xuân Hồng” đã gặt hái được nhiều thành công trong việc tổ chức vận động hiến máu nhân đạo mà lực lượng nòng cốt là thanh niên, học sinh sinh viên trong cả nước tham gia. Đã có hàng trăm ngàn đơn vị máu đã được thu gom. Lấy cảm hứng từ chương trình đầy ý nghĩa ấy, Nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí đã sáng tác ca khúc này nhằm cổ xúy, biểu dương và nêu ý nghĩa thiết thực của chương trình hiến máu nhân đạo cứu người của Viện. Nhạc phẩm do ca sỹ Thái Quảng thể hiện.

Với nhịp điệu tươi vui, mở đầu của hợp ca nữ làm nền để ca sỹ Thái Quảng thể hiện, ca khúc “ Lễ hội Xuân Hồng” như một lời tự sự:

Đất nước đầu xuân xôn xao sắc đỏ
Đẹp biết bao những khuôn mặt rạng rỡ
Của bạn của tôi
Của vạn con người
Những trái tim nhiệt huyết sục sôi
Trong mỗi con người dù quen dù lạ
Hiến máu cứu người nghĩa tình cao cả
Niềm vui hồng dào dạt giữa trời xuân
Lễ hội này lễ hội của lòng dân
Tình thương này, tình thương của người Việt
Nghĩa cử này trời xanh ghi nhận hết
Hạnh phúc hồng tươi thắm mãi cuộc đời…
Xuân hồng! Ơi, Xuân hồng ơi
Lòng nhân ái thắm cả đất trời
Máu là cuộc đời, máu là sinh mệnh
Tiếng trống hội sẽ còn vang mãi
Việt Nam ơi, đẹp lắm những Xuân hồng!
Việt Nam ơi, đẹp mãi những Xuân hồng!

Kết thúc ca khúc là điệp câu như một lời khẳng định cho chủ trương và sáng kiến đúng đắn cũng như những thành quả to lớn đã đạt được qua chương trình.

11. Trở lại với chủ để quê hương, Nguyễn Anh Trí cho ra đời thêm ca khúc “Miền quê tuổi thơ tôi” do ca sỹ Tố Nga thể hiện.

Mở đầu là hình ảnh tác giả mừng vui náo nức khi được trở lại cố hương:

Tôi lại trở về một miền quê

Và rồi như cùng một lúc, kỷ niệm tuổi thơ ùa về như chen lấn, như đùn đẩy:

Nhớ biết bao những ngày xưa ấy
Kỷ niệm xôn xao như là sóng dậy
Ngẩn ngơ lòng về một miền quê

Rồi ông say đắm với những kỷ niệm:

Miền quê tuổi thơ tôi
Có người dân sống bao tình nghĩa…
…Điệu dô hò, dô huậy mến thương
Câu ca vít cong con sào đò ngược
Đêm kéo mật xóm làng vui không sao ngủ được
Năm tháng ngọt ngào dù cơm độn ngô bung
…Lũ bạn chăn bò nô đùa trên bãi
Tiếng sáo diều, cánh đồng chiều gặt hái
Ơi tuổi thơ ơi! bao kỷ niệm vẫn rất gần…

Và cuối cùng là ông khẳng định giá trị của những kỷ niệm, những tình cảm nơi miền quê ấy đối với cuộc đời mình, đối với sự trở về của mình:

…Mang hồn quê hương chúng tôi khôn lớn
Dẫu sống nơi đâu dẫu đời xế muộn
Tình nghĩa quê hương muốn lại trở về!

Ta bắt gặp trong các sáng tác của Nguyễn Anh Trí hình bóng quê hương cứ trở đi trở lại như “một cõi đi về” trong tâm thức tác giả. Đó là duyên cớ vì sao các tác phẩm âm nhạc cũng như các thi phẩm của ông lúc nào cũng lắng sâu, da diết. Và hình ảnh những người dân quê bình dị, lũ bạn chăn bò, cánh diều tiếng sáo với bên nước, cây đa, bãi ngô và dòng Kiến Giang với con đò, câu hò, điệu ví cùng những món ăn dân dã, đơn sơ như rau tập tàng, con tôm, con tép cứ trở đi trở lại trong các sáng tác của ông. Có lẽ chưa và không có lúc nào trong tâm hồn tác giả lại nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Bởi nơi ấy không chỉ là chốn “cắt rốn chôn rau” mà còn là nơi nuôi dưỡng và lưu giữ bao kỷ niệm đẹp của tác giả từ thuở thiếu thời. Và cũng bởi tác giả nhận thức:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không nhớ nổi thành người

(Quê Hương: thơ Giáp Văn Thạch, nhạc Đỗ Trung Quân)

Giọng ca luyến láy, dặt dìu như tỉ tê, như rủ rỉ, ru hồn người nghe của ca sỹ Tố Nga, chắp cánh cho nhạc phẩm thêm thăng hoa cảm xúc, diễn tả một tình cảm rất thật của người con quê hương Lệ Thủy, vùng đất có dòng Kiến Giang thơ mộng, nuôi dưỡng bao nhân tài cái thế, những những bậc hào kiệt đại nhân dù dưới triều đại nào như Lễ Thành Hầu – Nguyễn Hữu Cảnh, nhà khai canh Hoàng Kế Viêm, quan đại thần triều Nguyễn – Ngô Đình Khả (thân sinh Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm) ngày xưa và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ngày nay!

Và cũng vì nhận thức rằng “Quê hương mỗi người chỉ một” nên ông luôn lấy quê hương làm điểm tựa, luôn gắn bó với quê hương. Và dù có đi xa và làm gì ở đâu thì cậu bé Nguyễn Anh Trí lam lũ ngày xưa, nay cũng đã “lớn thành người”!

Ca khúc kết thúc bằng ước vọng “Tình nghĩa quê hương, muốn lại trở về” như lời thầm nhắc chính mình cũng như đối với mọi người xa quê!

12. Như trên đã nói ở anbum nhạc số 2, “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” này, ta sẽ tìm thấy một sự “nâng cấp”, “nâng tầm” vượt xa những tình cảm thiết tha, gần gũi mà tác giả chỉ dành riêng cho Mẹ để vươn tới những tình cảm cao rộng hơn, lớn lao hơn, trách nhiệm hơn, thiêng liêng hơn về con người, về quê hương, Tổ quốc cùng những trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời, nhân thế của tác giả. Ca khúc “Bản trường ca trên mặt Trống đồng” (Vũ Thắng Lợi – Hồng Chinh và tốp ca nam nữ) là một trong những sáng tác như vậy. Đây là ca khúc cuối cùng trong seri âm nhạc 12 bài của CD “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” cũng là ca khúc khép lại chùm các sáng tác về các đề tài quen thuộc thông qua lăng kính riêng với cách nhìn riêng, phối âm riêng của Nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí.

“Bản trường ca trên mặt Trống đồng” được mở đầu bằng âm hưởng vang vọng của giọng nam cao Vũ Thắng Lợi trên nền nhạc phụ họa có âm vang của tiếng tiêu, tiếng trúc cùng tiếng trống đồng vang vọng gợi nhắc một quá khứ hùng tráng từ ngàn xưa. Một sự kết hợp âm sắc của tuồng, chèo cổ kết hợp với âm hưởng sân khấu tạo nên một không khí thiêng liêng trầm hùng của tiếng trống đồng, một khí cụ biểu trưng cho khí phách, hồn thiêng dân tộc, gợi nhắc về một thuở hồng hoang tổ tiên ta mang gươm đi mở cõi, đi khai thiên lập địa, dựng xây xã tắc, sơn hà cho đến ngày nay:

Tôi nhìn trên mặt Trống Đồng
Thấy miên man chiều sâu Đất nước
Những là con Hồng
Những là cháu Lạc
Tề tựu bên nhau
Chung sống kết đoàn

Một sự suy ngẫm về chiều dài của thời gian và chiều sâu lịch sử từ thuở cha ông dựng nước được tái hiện cách điệu trên mặt trống đồng đã gợi nên cảm xúc đa chiều trong tâm tưởng người nghệ sỹ nặng lòng yêu Tổ quốc;

Tôi thấy từ trong xa thẳm hồng hoang
Con gà cất tiếng gáy,
Dục bình minh sáng dậy
Con Hươu ăn đêm
Dưới bầu trời trăng
Lấp lánh ánh vàng
Những mái nhà sàn
Che chở dân làng qua mùa mùa mưa nắng
Trong mênh mông tĩnh lặng
Tôi thấy vòng quay của những tinh cầu
Hạ chí, mưa ngâu…

Giai điệu và tiết tấu toàn bài cuồn cuộn, âm vang nhờ sự phối hợp của bè nổi với giọng ca réo rắt mang âm hưởng sử thi của ca sỹ Thắng Lợi và tốp ca nam nữ phụ họa như những lớp sóng trào liên tiếp nối nhau càng về sau càng dồn dập nhanh và mạnh và dâng cao, tạo nên âm ba trầm hùng, bi tráng, sôi động về các thời kỳ dựng nước và giữ nước oanh liệt của tổ tiên:

Linh thiêng muôn đời
Dòng giống Tiên – Rồng
Những quyền lực của Lạc Hầu, Lạc Tướng
Dẫn dắt dân tộc
Muôn đời thịnh vượng
Trống Đồng hằn in
Bao dấu ấn
Uy quyền

Một sự quan sát tinh tế, tỷ mỷ những hình ảnh cách điệu đã cho thấy hồn thiêng dân tộc được kết tinh và thể hiện trên mặt trống đồng như những chủ thể đồng thời là chứng nhân qua cá thời kỳ lịch sử:

Tôi thấy đây sức mạnh của Tổ tiên
Cuồn cuộn bắp cơ người trai tiền sử
Mềm mại thướt tha dáng hình sơn nữ
Ánh mặt trời
Bừng muôn tia lửa
Chiếu hào quang tới khắp thế gian

Cuối cùng là cảm thức của nhạc sỹ khi nghĩ về sự trường tồn của dân tộc qua mấy ngàn năm với bao công sức và máu xương chất chồng để đất nước mãi trường tồn như bản trường ca trên mặt trống đồng bất hủ:

Trống Đồng! Ơi, Trống Đồng!
Báu vật thiêng chứa bao hồn Việt
Dân tộc mình mãi trường tồn bất diệt
Như bản trường ca trên mặt Trống Đồng!

Với ca khúc “Bản trường ca trên mặt Trống đồng” mang đậm dấu ấn sử thi, một lần nữa đã chứng minh tài năng thẩm thấu và sáng tác âm nhạc của Nguyễn Anh Trí trên mọi đề tài và chất liệu âm nhạc. Ông xứng đáng là một Nghệ sỹ đa năng rất mực tinh tế và nhạy cảm trong lao động nghệ thuật. Ca khúc đã khép lại một chùm sáng tác của ông với nhiều thể loại và sắc màu âm nhạc khác nhau.

Có thể đếm trên đầu ngón tay những tài năng như Nguyễn Anh Trí về mặt khoa học chứ chưa kể đến sự “lấn sân” của ông sang địa hạt nghệ thuật mà cụ thể là Thơ và Nhạc. Và nếu vậy thì sẽ không ngoa mà nói rằng sẽ không có người thứ hai có được tố chất toàn năng như Nhạc sỹ; Thi sỹ; Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, một Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Cảm ơn Bà Mẹ của ông đã sinh hạ cho đời một nhân tài cái thế. Một con người vẹn toàn tài đức.

Tôi có thể thể nhắc lại nhận xét của Phương Thảo (Hồ Gươm Audio) thay cho lời kết: “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” là sự thăng hoa cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nghe âm nhạc của Nguyễn Anh Trí ta có thể cảm nhận ẩn sâu bên trong chân dung một nhà khoa học, một bác sỹ là một trái tim, một tâm hồn, một bầu nhiệt huyết, của một nhà thơ, một nhạc sỹ, một nghệ sỹ chân chính – Nghệ sỹ Nguyễn Anh Trí”.

Hà Tĩnh, 11/4/2015
Vương Khả Sơn