Đào tạo sau đại học trong nước – những bước đi ban đầu

Trước năm 1970, các trường đại học ở nước ta chưa tổ chức đào tạo trên đại học, mà hàng năm thường chọn cử một số cán bộ đã có trình độ đại học đi làm nghiên cứu sinh ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, CHDC Đức… Lúc này, tiêu chí để phòng tổ chức của các cơ quan xét duyệt là cán bộ đảng viên tích cực học tập, công tác, lý lịch gia đình tốt…rồi mới xét về trình độ chuyên môn. Việc xét duyệt dựa trên những tiêu chí đó dẫn đến một số bất cập: trình độ ngoại ngữ không tốt (học viên được tập trung học ngoại ngữ khoảng 1 năm trước khi đi học), thay đổi chuyên ngành, kiến thức không vững nên không đảm bảo được nghiên cứu, và có trường hợp phải trở về nước. Từ đó, đầu năm 1970 dưới sự chỉ đạo của GS Tạ Quang Bửu, ông Lê Thạc Cán – chuyên viên Vụ nghiên cứu khoa học, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời kỳ đó, là người được phân công trực tiếp thực hiện chủ trương của Bộ trưởng và triển khai ở các trường đại học miền Bắc nước ta như: Đại học Tổng hợp, Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng, Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân), Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp)… Hồi đó mỗi năm ở miền Bắc thường có khoảng 400 đến 500 ứng viên được các bộ, các ngành và các tỉnh chọn cử làm nghiên cứu sinh ở các nước Xã hội chủ nghĩa và được nước bạn cấp học bổng[1]. Bước đầu, các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức được tổ chức cho các cán bộ do các cơ quan giới thiệu để chọn đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Ông đã mời các cán bộ khoa học có trình độ cao là các phó tiến sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp ở các nước xã hội chủ nghĩa, giáo sư và cán bộ đã giảng dạy lâu năm tại các trường đại học ở Hà Nội như GS Lê Văn Thiêm, GS Nguy Như Kon Tum, GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di …để thành lập các ban bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ trước khi đi làm nghiên cứu sinh theo các ngành khoa học khác nhau. Lớp học được kéo dài khoảng 3-4 tháng và các cán bộ được nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn về ngành học tương lai của mình. Kết thúc khóa học các học viên phải có thu hoạch, kiểm tra kiến thức. Những thí sinh đáp ứng được yêu cầu về kiến thức chuyên môn sẽ được chọn cử đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh.

Từ thực tế qua các lớp bồi dưỡng kiến thức đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã có chủ trương nâng tầm thêm một bước phát triển mới, đó là: đào tạo nghiên cứu sinh trong nước.

TS Lê Thạc Cán (hàng 1, thứ 2 từ phải sang) trong chuyến đi khảo sát về cải cách giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp, CHDC Đức, tháng 7- 1970

Bên cạnh đó, được sự khuyến khích của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội II đã "nổ phát súng" đầu tiên trong việc đào tạo Phó Tiến sĩ trong nước. Ba luận án thuộc khoa Sinh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II bao gồm: Lê Quang Long với đề tài về nuôi cá rô phi, Phan Nguyên Hồng với đề tài về rừng ngập mặn, Phan Cự Nhân với đề tài nuôi bò sữa. Buổi bảo vệ các luận án Phó Tiến sĩ này diễn ra thành công và không có ai so sánh luận án nội với luận án ngoại. Sau đó các khoa khác trong trường và một số trường đại học khác cũng rộn ràng không khí tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh trong nước[2]Sau thành công bước đầu đó, GS Tạ Quang Bửu đã báo cáo trình Chính phủ về chủ trương, các điều kiện cần và đủ để đào tạo nghiên cứu sinh trong nước và đề nghị được chính thức mở hệ đào tạo trên Đại học.

Được sự ủng hộ tích cực của các cán bộ lãnh đạo, năm 1975 GS Tạ Quang Bửu đã giao cho Vụ Khoa học và Đào tạo Sau đại học, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lúc này ông Lê Thạc Cán là Vụ trưởng, chuẩn bị phương án đào tạo nghiên cứu sinh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Vụ Khoa học và Đào tạo Sau đại học, của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp là cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt đông nghiên cứu, thu thập tài liệu trong và ngoài nước, trao đổi ý kiến với các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ để xây dựng chủ trương và biện pháp thực hiện việc tự lực đào tạo sau đại học ở trong nước[3].

Các trường đại học ở miền Bắc Việt Nam, các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước đã tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng văn bản dự thảo về đào tạo Sau đại học. Có nhiều ý kiến khen, chê về sự phù hợp và không phù hợp của các môn học bắt buộc khi làm Phó Tiến sĩ, như: Triết học, Chính trị và một môn học cơ bản của chuyên ngành[4]…. Tổng hợp những ý kiến đó, ông Lê Thạc Cán cùng các cán bộ trong Vụ Khoa học… đã soạn thảo bản hoàn chỉnh. Và GS Tạ Quang Bửu đã có nhiều buổi làm việc với Hội đồng Bộ trưởng, một số lần làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với đồng chí Trường Chinh và với Ban Khoa giáo về văn bản này. Theo GS Lê Thạc Cán cho biết: đồng chí Trường Chinh đã đích thân trao cho tôi bản sửa chữa và nhận xét chi tiết của đồng chí trên tờ trình của GS Tạ Quang Bửu về chế độ đào tạo sau đại học ở nước ta[5]

Đến năm 1985 Chính phủ đã chính thức quyết định việc thực hiện chế độ đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước. Việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trên đại học ở nước ta đã chính thức bắt đầu từ đó.

Những luận án Phó Tiến sĩ thời kỳ này đạt chất lượng tốt, có thể áp dụng vào thực tế, góp phần xây dựng và phát triển khoa học, kinh tế… của Việt Nam. Không những thế khi “hội nhập” với các nước bạn thì những luận án đó cũng được đánh giá cao[6]. GS.TS Lê Thạc Cán nhớ lại.

GS.TS Lê Thạc Cán sinh năm 1931 tại Hà Tĩnh.

1953-1957: Học tập tại Học viện Thủy lợi Điện lực Vũ Hán, Trung Quốc.

1957 – 1961: Cán bộ giảng dạy môn Thủy văn công trình, trường Đại học Bách khoa Hà Nội

1961-1964: Nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Thuỷ lợi Moskva

1964: Cán bộ giảng dạy môn Thuỷ văn công trình, Khoa Thuỷ lợi, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

1966-1996: Cán bộ, sau là Phó Vụ trưởng (1973-1975), Vụ trưởng Vụ Khoa học và Sau đại đại học (1975-1996), Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

 Nguyễn Thị Phương Thúy

__________________________________

[1] Lý lịch khoa học do GS.TS Lê Thạc Cán tự khai, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[2] Hồi ký "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở đầu cho đào tạo trên đại học như thế nào" của GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[3] Lý lịch khoa học do GS.TS Lê Thạc Cán tự khai, tài liệu đã dẫn.

[4] Lý lịch khoa học do GS.TS Lê Thạc Cán tự khai, tài liệu đã dẫn. 

[5] Lý lịch khoa học do GS.TS Lê Thạc Cán tự khai, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn GS.TS Lê Thạc Cán, 19-3-2015. tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà học Việt Nam.