Nghĩa tình với ngôi trường xứ Nghệ

Bắt đầu từ "3 không"

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm khoa học năm 1957, Đặng Trần Phách được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Hóa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1961, trong khi các bạn đồng trang lứa như Nguyễn Tinh Dung, Trần Quốc Sơn, Đặng Như Tại nhận quyết định sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh thì theo phân công của Bộ Giáo dục, giảng viên Đặng Trần Phách lên đường vào Vinh nhận công tác mới với lời động viên của Thứ trưởng Bộ Đại học Lê Văn Giạng: Đồng chí cố gắng đi, năm năm sau thì về!.

Giữa tháng 6-1961, trong tâm trạng buồn, ông tiễn các bạn đồng nghiệp lên tàu đi học ở Liên Xô, còn mình ông từ Hà Nội vào Vinh, với hành trang trên người vẻn vẹn chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo. Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh lúc đó có trụ sở trong một tu viện tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đón ông là Giáo sư, Hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Chí Linh và ông Trưởng phòng giáo vụ – tên Lựu. Giảng viên Đặng Trần Phách được thông báo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng ý cử ông vào công tác tại Vinh với điều kiện, trong năm học 1961-1962, thầy Phách vẫn đảm bảo những giờ dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tức ông sẽ phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy song song cho cả hai trường.

Tại phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh, ông Phách được giao nhiệm vụ trưởng ban Hóa, nằm trong Khoa Lý Hóa Sinh, chuẩn bị về nhân lực, hóa chất, tài liệu để chuẩn bị mở khoa vào năm 1962[1]. Trong bối cảnh ba không: không giảng viên, không một gram hóa chất, không giáo trình[2], giảng viên Đặng Trần Phách đã từng bước "tích cóp" nguyên liệu, bồi dưỡng cán bộ, tạo dựng cơ sở vật chất, thiết bị.

Để chuẩn bị cho việc tuyển sinh khóa I vào năm học 1962, tại ban Hóa, về nhân lực, ông Nguyễn Thúc Hào đã đề xuất với Bộ Giáo dục và được Bộ đồng ý bổ sung cho một cán bộ giảng dạy đang công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là ông Trần Minh Chính. Đồng thời, Đặng Trần Phách được phép tìm hiểu, giới thiệu các sinh viên giỏi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đề xuất với trường, với Bộ tuyển dụng. Sau khi cân nhắc, ông Phách chọn hai người là ông Nguyễn Đình Thuông[3], và ông Nguyễn Điểu mới tốt nghiệp. Ngoài 4 cán bộ giảng dạy của khoa Hóa, theo yêu cầu của nhà trường, tỉnh Nghệ An điều động một cán bộ chánh văn phòng của một huyện là ông Nguyễn Trọng Phúc sang làm phụ tá, phụ trách phòng thí nghiệm và xử lý công việc hành chính. 

Trong năm học 1961-1962, Nguyễn Đình Thuông được cử về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội học năm cuối theo chương trình đào tạo 4 năm, Nguyễn Điểu làm công tác trợ giảng, vừa học, vừa giảng dạy, trực tiếp phụ trách một tổ sinh viên. Thầy Trần Minh Chính giảng dạy sinh viên năm thứ hai về Hóa hữu cơ, do vậy ông Phách đề nghị ông Chính tạm dừng việc học nâng cao trình độ chuyên môn trong lúc này, để cùng ông đảm nhận việc chuẩn bị thiết bị giảng dạy. Trong năm 1961-1962, Đặng Trần Phách đi đi về về giữa Hà Nội và Vinh, vừa xin, vừa mua được một số thùng hóa chất tại cơ sở trên phố Hàng Gà. Số hóa chất này được đựng trong các lọ thủy tinh có dán nhãn chú thích bên ngoài, được ông Phách gửi nhờ tại nhà kho của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, nhà kho ẩm, mốc, mối dễ xông ăn nhãn dán của các lọ hóa chất này. Nhờ sự giúp đỡ của Giáo sư Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị ông Trưởng phòng hành chính của trường cấp xe chở ngay số hóa chất này vào trong Vinh. Sau một năm, số hóa chất vừa mua, vừa xin được đủ để cho cán bộ trường Vinh giảng dạy các nội dung tương đương với chương trình giảng dạy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài ra, GS Hoàng Ngọc Cang, Chủ nhiệm khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội giúp cho bộ môn Hóa trường Đại học Sư phạm Vinh một số tài liệu và thiết bị.

Đến năm 1962, khi mọi việc đã chuẩn bị xong, trường thực hiện các thủ tục hành chính và tiến hành tuyển sinh khóa I. Bốn cán bộ đầu tiên về dạy đúng theo kế hoạch. Đội ngũ giảng viên của trường tiếp tục được bổ sung theo từng năm. Đến năm 1963, trường tách Khoa Lý Hóa Sinh thành hai khoa: Khoa Lý và Khoa Hóa Sinh và hết năm học 1964-1965, Khoa Hóa được tách riêng do thầy giáo Đặng Trần Phách làm Chủ nhiệm khoa.

Khoa Hóa phải đi "lang thang" để học

Công tác giảng dạy đi vào ổn định chưa được bao lâu thì Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, trường Đại học Sư phạm Vinh phải sơ tán rất nhiều nơi. Từ năm 1964, Khoa Hóa sơ tán từ Vinh sang Nghi Lộc (Nghệ An), rồi Hà Trung (Thanh Hóa, cuối năm 1965). Sau một thời gian ở đây, tháng 9-1966, tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định rời trường lên khu vực miền núi Thạch Thành để tránh bom. Ba năm yên bình trong vùng rừng núi không có bom đạn nhưng ăn uống và sinh hoạt của cả thầy và trò khoa Hóa rất kham khổ. Núi rừng khắc nghiệt đã làm những mái tóc dài đen nhánh của nhiều nữ sinh viên bị khô rụng, họ ứa nước mắt khi được Chủ nhiệm khoa Đặng Trần Phách thăm hỏi. Trong thời gian sơ tán tại miền núi Thạch Thành, hàng tháng, các sinh viên nữ phải đi gánh gạo và ông không thể nào quên được hình ảnh một nữ sinh viên, với tinh thần của một Đảng viên trẻ, dù đang bị ốm nhưng vẫn xung phong đi gánh gạo khi trời mưa nên bệnh nặng hơn và phải nằm điều trị tại bệnh xá. Tìm hiểu nguyên nhân, thầy Chủ nhiệm khoa phê bình trưởng lớp đã để xảy ra sự việc như vậy. Sau khi tốt nghiệp và nhận công tác ở Thạch Thành, cô sinh viên này đã nhiều lần vượt đường xá xa xôi đến thăm hỏi sức khỏe thầy Đặng Trần Phách khiến ông rất cảm động.

PGS Đặng Trần Phách phát biểu tại Hội nghị 20 năm thành lập khoa Hóa, 1981

Gian khó nhất đối với thầy trò Khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Vinh có lẽ là những tháng ngày khoa sơ tán ở Quỳnh Liên, sau chuyển về gần cầu Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1969. Nơi đây, thầy và trò luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng di chuyển tránh bom Mỹ. Có hôm, 12 giờ đêm, Chủ nhiệm khoa Đặng Trần Phách mới nhận được công văn của bộ đội: "Sáng mai, có khả năng Mỹ sẽ ném bom B52 khu vực này, lệnh cho đồng chí trong một giờ phải chuyển hết cơ quan ra khỏi vùng này, nếu có thương vong về người, đồng chí chịu trách nhiệm"[4]. Ngay lập tức, ông tổ chức họp khoa để xin ý kiến. Có ý kiến cho rằng: Ngoài biển có cái lèn đá, nên tổ chức đưa cán bộ và sinh viên ra đó trú để tránh bom. Ý kiến khác đề nghị vượt qua "túi bom"- cầu Hoàng Mai để lên rừng. Giữa hai ý kiến, ông không đồng tình với ý kiến ra lèn vì nếu Mỹ đổ bộ từ biển lên, sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Ông chọn phương án đưa toàn bộ sinh viên, cơ sở vật chất vượt qua túi bom, ông là hoa tiêu chỉ đường cho cán bộ và sinh viên, "nếu chẳng may có chuyện gì, người chết trước là tôi và như thế tôi cũng bớt lỗi với anh em"[5]. Theo chủ trương của nhà trường, các khoa có giờ thực nghiệm chỉ mang một số vật dụng cần thiết, còn lại để tại chỗ, đồng thời cử một tổ sinh viên thay nhau trực bảo vệ. Giảng viên Đặng Trần Phách quyết định dọn tất cả mang theo, "nếu sinh viên có mệnh hệ gì, tôi biết nói với gia đình làm sao, phải đặc biệt đảm bảo an toàn cho sinh viên"[6]. Mỗi lần dọn đồ nghề học tập, sinh viên khoa Hóa vô cùng vất vả vì phải chuyển hết các thiết bị thí nghiệm và sinh viên, chỉ để lại một số dụng cụ tập thể dục hàng ngày để làm hầm chữ A thật chắc cho một cán bộ ở lại trực. Chính những quyết định của vị Chủ nhiệm khoa đã nhiều lần đảm bảo cho khoa Hóa thoát khỏi thương vong về người và vật chất sau những lần oanh tạc của Mỹ.

Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng không vì thế mà chất lượng giảng dạy, đào tạo của sinh viên và cán bộ khoa Hóa giảm sút. Cán bộ khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm Vinh những năm sơ tán khổ nhưng không được phép thua kém cán bộ các trường đại học về mặt tư cách, chuyên môn. Đội ngũ cán bộ giảng dạy không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, vừa học, vừa dạy, người trước, người có trình độ học vấn giúp đỡ, hướng dẫn người sau, người chưa chưa được đào tạo. Một số cán bộ được gửi đào tạo tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lực lượng Phó tiến sĩ của Khoa Hóa tăng lên đáng kể, bộ môn nào cũng có ít nhất một Phó tiến sĩ. Những người như PGS Hoàng Minh Châu, TS Trần Minh Chính, PGS.TS Nguyễn Điểu, PGS.TS Trần Hữu Nhụy, thầy giáo Uông Đình Mỹ là những cán bộ giỏi và tâm huyết. Thư viện khoa Hóa thường xuyên được cập nhật các sách mới và sách quý. Về mặt tổ chức dạy thí nghiệm, sinh viên Khoa Hóa chịu thiệt thòi về thí nghiệm nên được nâng cao hơn về mặt lý thuyết để khi có điều kiện, sinh viên chỉ cần bổ túc về mặt thí nghiệm.

Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ kết thúc, năm 1973, sau 8 năm "lang thang" qua 6 địa điểm sơ tán, Khoa Hóa và trường Đại học Sư phạm Vinh trở lại thành phố Vinh, tiếp tục gây dựng lại cơ sở vật chất và giảng dạy. Dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm khoa Đặng Trần Phách, sinh viên Khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Vinh tích cực học tập, tham gia phong trào xây dựng Tập thể sinh viên xã hội chủ nghĩa – một cuộc vận động sâu rộng trong ngành giáo dục và đào tạo thời bấy giờ.

***

Theo kế hoạch được Thứ trưởng Lê Văn Giạng cử đi công tác 5 năm rồi về, nhưng rồi 10 năm, 20 năm qua đi, thầy Đặng Trần Phách vẫn yên tâm công tác cùng cán bộ Khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Vinh. Con người nơi đây luôn trọn nghĩa, vẹn tình để rồi thầy giáo Đặng Trần Phách lưu luyến mãi chẳng muốn rời xa. Chặng đường 23 năm ở trường Đại học Sư phạm Vinh, mảnh đất Nghệ Tĩnh đã gắn với ông bao kỷ niệm vui buồn của tuổi trẻ, để rồi giờ đây khi về Hà Nội, ông vẫn mãi khắc khoải một nỗi nhớ không nguôi. Xin mượn lời của nhà thơ Chế Lan Viên để nói hộ tâm trạng của ông với đất và người xứ Nghệ:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.

Nguyễn Thị Hiên

[1] Ngày 16 tháng 7 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số: 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 28 tháng 8 năm 1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Quyết định số: 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh.

[2] Phỏng vấn PGS Đặng Trần Phách, ngày 6-1-2015. Tư liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Sau là Chủ nhiệm Khoa Hóa, Đại học Sư phạm Vinh.

[4] Phỏng vấn PGS Đặng Trần Phách, ngày 6-1-2015. Tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn PGS Đặng Trần Phách, ngày 6-1-2015. Tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn PGS Đặng Trần Phách ngày 4-2-2015. Tài liệu đã dẫn.