Người thầy say mê nghiên cứu

Cơ duyên trên con đường sự nghiệp

 

GS.TS Chu Văn Đạt

 

 

 

Sau nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện, tôi được biết, GS, TS Chu Văn Đạt sinh năm 1962, tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học. Tiêu biểu có cụ Chu Văn Nghị đỗ tiến sĩ ở thời nhà Nguyễn.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông đã thi vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), đây cũng là lúc đất nước đang vào thời điểm tổng động viên. Trong thời gian chờ kết quả, ông đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau một tuần nhập ngũ, ông nhận được thông báo từ Học viện Kỹ thuật Quân sự về nhập học, ông thi đạt điểm cao nên được cử sang Liên Xô học chuyên ngành kỹ thuật quân sự.

Năm 1986, ông về nước với tấm bằng xuất sắc nên được Nhà nước cử về Học viện Kỹ thuật Quân sự tham gia vào công tác đào tạo và cũng từ đây niềm đam mê nghiên cứu khoa học của ông được chắp cánh.

Ông tiếp tục học Thạc sĩ Cơ học ứng dụng, theo chương trình cao học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau hai năm theo học, ông đã bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ, tiếp đó năm 2001, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đây là một bước ngoặt trên con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy của ông.

Thành công từ sự nỗ lực và đam mê

Từ những kiến thức lĩnh hội được, ông chủ yếu nghiên cứu những thiết bị, máy móc để phục vụ cho quân đội và cho đời sống của xã hội. Khi nói về động lực giúp ông nghiên cứu về những vấn đề này, ông chia sẻ: “Mọi vấn đề nghiên cứu đặt ra đều phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, phải làm sao để kết quả nghiên cứu của mình đem lại hiệu quả thiết thực. Có lần tôi tham quan  một đơn vị thi công đường hầm khâu độ nhỏ trong núi, thấy họ làm việc vất vả lắm. Hầu hết các công đoạn thi công đều làm thủ công, những người lính  bịt kín mặt, xúc từng xẻng đất đá chở ra ngoài trong điều kiện yếm khí, bụi bay mịt mù. Chứng kiến những người lính bụi phủ kín người, mệt mỏi sau mỗi ca làm việc đã thôi thúc tôi ngày đêm nghiên cứu với mong muốn cơ giới hóa các công đoạn thi công vất vả, nặng nhọc, nhằm giảm bớt sức lao động của con người. Thế là chúng tôi bắt đầu nghiên cứu làm ra “thiết bị bốc xúc cho đường hầm, thiết bị khoan cỡ nhỏ,  bộ giàn giáo di động… và đến bây giờ một điều may mắn là những gì chúng tôi nghiên cứu đã góp phần nâng cao hiệu quả thi công, giảm bớt mồ hôi, công sức của người lính. Đó chính là những thành quả, cũng là niềm vui trong nghiên cứu khoa học của tôi”.

Nhiều năm miệt mài với những công trình nghiên cứu và giảng dạy cho đến nay, ông đã chủ trì hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, một đề tài nhánh cấp Nhà nước, một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở. Tham gia hàng chục đề tài, đề án cấp Ngành, cấp Bộ, cấp Nhà nước (thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng) tất cả đã được nghiệm thu và đánh giá cao và đã nhiều lần được Bộ tặng bằng khen do thành tích nghiên cứu khoa học. Trong  số các đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao mà ông đã thực hiện có kết quả, ông tâm đắc nhất đề tài “Thiết kế, chế tạo phao nổi kiểu PMP phục vụ v­ượt sông;  nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy xúc thủy lực bánh xích có dung tích gầu lớn hơn hoặc bằng 0,7m3… ”.  Ông đã công bố 52 công trình và bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Đồng thời, ông còn là tác giả của 7 bộ giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học và có nhiều ý tưởng mới, táo bạo do luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi trong quá trình học tập, nghiên cứu.

GS, TS Chu Văn Đạt (đứng thứ hai từ bên trái), cùng đồng nghiệp trong nước và nước ngoài nghiên cứu khiên đào hầm

Ông chia sẻ, có những thời điểm khó khăn, sản phẩm phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Và có những lúc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và áp lực vô cùng nhưng không vì thế mà làm ông nhụt chí. Hơn nữa, được sự động viên, ủng hộ của những người thân trong gia đình, mà đặc biệt là người vợ luôn là hậu phương vững chắc của ông thì niềm quyết tâm và đam mê lại càng trở nên thôi thúc và là động lực để ông cố gắng hơn.

Bên cạnh công việc nghiên cứu, ông còn không quên nhiệm vụ là một người thầy hướng dẫn, chỉ bảo cho biết bao nhiêu lớp thế hệ học trò. Ông đã hướng dẫn rất nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Nhiều người đã thành đạt và trở thành những cán bộ cấp cao, đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Ông được Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước bằng các tấm bằng, huân huy chương: Huân chương chiến công hạng nhất,  Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; 3 Bằng khen Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khoa học Công nghệ góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Bộ vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc…

Đặc biệt, năm 2013, ông đã vinh dự được nhận quyết định công nhận đạt chuẩn giáo sư nhà nước tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Có thể nói, đây là vị giáo sư đầu tiên của Việt Nam trong ngành Xe máy Công binh, Máy xây dựng.

Trước những gì mà ông đã đạt được, tôi không khỏi trầm trồ thán phục. Được thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải đánh đổi bằng cả một quá trình dài cống hiến sức lực, trí tuệ và cả thời gian của mình. Trong suốt 30 năm qua, GS, TS Chu Văn Đạt không chỉ hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ của một người thầy mà còn là một nhà nghiên cứu khoa học với nhiều cống hiến, đồng thời dẫn dắt và truyền thêm ngọn lửa đam mê cho biết bao nhiêu thế hệ học trò.

Bài, ảnh: Thu Hương
Nguồn: www.qdnd.vn