Người đam mê khoa học và đào tạo

“Bạn của nhà nông” chưa từng biết nghỉ

Gắn bó với ngành nông nghiệp trong nhiều năm, “bạn của nhà nông” – GS.TS. Phạm Thị Thùy đã từng chứng kiến nỗi khó khăn vất vả của người dân trong sản xuất cứ mỗi khi dịch hại phát sinh đã làm thiệt hại đáng kể đến năng suất và sản lượng cây trồng, vì vậy GS luôn hứa với mình là sẽ giúp đỡ nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất một cách sáng tạo, vừa để nâng cao hiệu quả sản xuất, cụ thể nâng cao năng suất cây trồng, vừa bảo vệ được môi trường và chính là giúp cho họ thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí nông thôn.

Giữ lời hứa ấy nên sau khi nhận sổ hưu cuối năm 2009, bà vẫn dành hết thời gian làm việc ở Viện, đi tới các địa phương hoàn thành nốt đề tài Nghị định thư hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước với kết quả tốt vào tháng 11 năm 2010. Thời gian đó bà đã nhận hàm Giáo sư. Đầu tháng 12/2010, lãnh đạo Khoa Sinh học và trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mời bà đến trường làm giảng viên cao cấp ở bộ môn Công nghệ sinh học – vi sinh, Ủy viên Hội đồng Khoa học của Trường, bà đã vui vẻ nhận lời.

Đến nay, tuy bước sang tuổi 58, nhưng GS.TS Phạm Thị Thùy vẫn chưa từng được nghỉ ngơi, trái lại bà vẫn ngày ngày đến trường làm việc như một cán bộ viên chức thực thụ. Một ngày của GS.TS. Phạm Thị Thùy bắt đầu từ sáng sớm trên xe bus hoặc xe ôm đi từ nhà đến trường, nhiều người quen gặp bà thắc mắc hỏi : “Về hưu rồi mà bà ấy vẫn làm việc sao?”, có người thì nói vui “Tiền lương của cô chỉ đủ chi cho xe cộ đưa đến trường”… Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, GS.TS. Thùy vẫn say mê làm việc, chỉ bởi sự trân trọng của Lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội và khoa Sinh học. Chính sự trân trọng ấy đã kích thích niềm đam mê, cho bà thêm nghị lực để cống hiến tiếp tục cho sự nghiệp trồng người.

 

Nghiêm khắc với chính mình

Nói đến nghiên cứu khoa học, GS.TS. Phạm Thị Thùy luôn tự nhận  mình là người nghiêm khắc, không chỉ với đồng nghiệp, học sinh mà còn với chính cả bản thân mình. Theo bà, chính sự nghiêm khắc ấy đã luôn giúp bà thành công trong từng giai đoạn nghiên cứu của mình.

Minh chứng cho sự nghiệp mà bà đã trải qua là những Giải thưởng, Bằng khen và sự trân trọng, yêu quý của đồng nghiệp, cộng sự đã cùng bà vượt qua mọi khó khăn trong con đường làm khoa học… Giờ đây nhìn lại chặng đường đã đi qua, bà rất tự hào và thấy rằng sự nghiêm túc, trung thực trong công việc còn giúp cho bà có được uy tín trong công tác giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ. Đến nay hàng trăm cán bộ do bà hướng dẫn, giúp đỡ, hầu hết đã trưởng thành, hiện họ đảm đương nhiều vị trí quan trọng và đang làm việc một cách nghiêm túc, say mê và có rất nhiều đóng góp tốt cho xã hội.

Cũng vì sự nghiêm túc trong công việc vẫn mong được cống hiến nên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu tại Viện nghiên cứu Bảo vệ thực vật, GS.TS. Phạm Thị Thùy đã không nhận lời về làm việc ở trường đại học khác mà đồng ý nhận lời mời của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo Bà thì trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường hàng đầu về đào tạo cán bộ giảng dậy cho các cấp phổ thông, có kỹ năng sư phạm tốt, đây là trường thật sự mô phạm. Với tính cách thẳng thắn, cương trực, bà chỉ muốn được đóng góp ý kiến, những kinh nghiệm của mình vào sự nghiệp phát triển vì lợi ích chung cho cộng đồng ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như cho nền khoa học nói chung và ngành khoa học công nghệ sinh học – vi sinh nói riêng. Bà chia sẻ: “Niềm say mê trong khoa học và đào tạo một cách nghiêm túc và trung thực là điều hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm nhà giáo và làm khoa học của tôi, đến nay tôi không ân hận gì về sự nghiêm túc này”.

 

Kỳ vọng vào thế hệ kế cận

Hiện tại bà làm việc ở Bộ môn Công nghệ sinh học – vi sinh, đây là bộ môn trẻ của khoa Sinh có trình độ khá cao, với 10 cán bộ thì có 5 Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 3 cao học và 2 cử nhân sinh học, giữ nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành vi sinh vật với đầy đủ trang thiết bị. Làm việc ở đây bà như được trẻ ra, chính các cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết đã khích lệ bà trỗi dậy sự say mê với nghiên cứu khoa học và đào tạo. Bà cho biết: “Năm 2012 này, ngoài công tác giảng dậy và đào tạo thì bộ môn đã được phê duyệt 6 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 đề tài do Quỹ Nafosted cấp kinh phí, 1 đề tài do Quỹ IFS tài trợ và 1 đề tài cấp trường”. Tuy khối công việc đồ sộ như vậy, nhưng cả bộ môn đoàn kết thực hiện tốt. Riêng bà rất vui bởi bà tin và hy vọng rất nhiều ở các cán bộ trẻ của bộ môn. Bà kỳ vọng về họ và khẳng định sau này họ sẽ là lực lượng kế cận đáng tin cậy của Khoa Sinh, những đồng nghiệp của Bà trong tương lai không xa.

Ngoài bộ môn Công nghệ sinh học – vi sinh, bà còn có ý thức giúp đỡ cho nữ trí thức toàn khoa Sinh học, bởi theo bà phụ nữ làm việc rất khó khăn, ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ra, họ còn thiên chức làm mẹ. Đầu năm 2012 trong việc chuyển giao thế hệ, tất cả các cán bộ kỳ cựu, nòng cốt của khoa đã bồi dưỡng và giúp đỡ cho cán bộ nữ, hiện khoa Sinh có 8 bộ môn thì 5 bộ môn do phụ nữ làm trưởng. Để khích lệ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tài năng và trí tuệ của mình trong công tác, mới đây khoa Sinh học đã tổ chức đại hội thành lập Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh, trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam. Bản thân GS. Thùy rất tự hào vì điều này và bà luôn mong tập thể nữ trí thức khoa Sinh sẽ trở nên xinh đẹp hơn, đoàn kết và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khoa Sinh học, để thời gian tới họ xứng đáng được nhận những Giải thưởng cao quý mà Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Bên cạnh công việc chính ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS. Phạm Thị Thùy còn đảm nhận cương vị Giám đốc Trung tâm Sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đồng thời bà cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kovalevskaia Hà Nội (CLB các nhà khoa học nữ đã từng nhận Giải thưởng Kovalevskaia). Bằng sự cống hiến của cả đời mình trong đào tạo và khoa học, bà Thùy cho biết, nếu trong mọi công việc, người nào mà say mê nghiêm túc và biết vì mọi người thì đời sẽ không phụ lòng bất cứ ai.

“Càng khó khăn tôi càng cố gắng, có lẽ vì lòng tự trọng cao, nếu trong cuộc sống ai đó hiểu không đúng về mình, tôi thường minh chứng bằng công việc làm của mình để khẳng định chính mình, điều đó sẽ làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, GS.TS. Phạm Thị Thùy chia sẻ.


Là chủ nhân của Giải thưởng Kovalevskaia năm 2008, GS.TS. Phạm Thị Thùy đã chủ trì 25 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh, với hơn 100 bài báo công bố về kết quả nghiên cứu sản xuất ra các chế phẩm sinh học như Bt, Virus (NVP.Ha, NPV.SI, NPV.Dp- PV), vi nấm Beauveria và Metarhizium  phòng trừ dịch sâu hại cây trồng, cây rừng theo hướng bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn và bền vững. Bà đã đoạt Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC (hai Giải Nhì, một Giải Ba) về thành tích sản xuất và ứng dụng các thuốc sinh học virus và vi nấm trừ sâu hại cây trồng ở các địa phương trong cả nước. Năm 2011, Bà được nhận Giải thưởng sơn KOVA, nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

GS.TS. Phạm Thị Thùy xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho các nhà khoa học nữ và nhà Giáo trẻ noi theo bởi niềm say mê trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là công tác khoa học đào tạo con người.

 

Lan Khanh

Nguồn: www.tainguyenmoitruong.com.vn/khoa-hoc-giao-duc/nguoi-dam-me-khoa-hoc-va-dao-tao-.html