Bảo tồn di sản các nhà khoa học: Một việc làm cấp bách

Trong bối cảnh từ nhiều năm nay chúng ta có không ít tiến sĩ rởm, nên cái tên Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam của chúng tôi đã gây phản cảm, hiểu lầm trong dư luận xã hội về tôn chỉ mục đích hoạt động của Trung tâm. Nhiều nhà khoa học, văn hóa có uy tín lớn đã lên án, chỉ trích gay gắt tạo ra một lực cản lớn cho hoạt động của chúng tôi-một tổ chức mới hình thành. Vì vậy có thể nói thành quả lớn nhất trong năm vừa qua của Trung tâm là bằng việc làm và cái tâm của mình, chúng tôi đã vượt qua được những lực cản, dần dần lấy lại được lòng tin của các nhà khoa học và xã hội.

Ông có thể cho biết cái tâm và việc làm của Trung tâm đã được thể hiện như thế nào?
Trong bối cảnh từ nhiều năm nay chúng ta có không ít tiến sĩ rởm, nên cái tên Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam của chúng tôi đã gây phản cảm, hiểu lầm trong dư luận xã hội về tôn chỉ mục đích hoạt động của Trung tâm. Nhiều nhà khoa học, văn hóa có uy tín lớn đã lên án, chỉ trích gay gắt tạo ra một lực cản lớn cho hoạt động của chúng tôi-một tổ chức mới hình thành. Vì vậy có thể nói thành quả lớn nhất trong năm vừa qua của Trung tâm là bằng việc làm và cái tâm của mình, chúng tôi đã vượt qua được những lực cản, dần dần lấy lại được lòng tin của các nhà khoa học và xã hội.

Ông có thể cho biết cái tâm và việc làm của Trung tâm đã được thể hiện như thế nào?

Vì mới hình thành, mọi việc còn mang tính thí điểm, bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa điều chỉnh để tìm con đường đi cho đúng vì công việc như thế này chưa có tiền lệ ở nước ta, lại vừa quá ít người nên năm vừa qua chúng tôi chỉ mới tập trung được vào việc tìm hiểu cuộc đời của một số nhà khoa học. Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các nhà khoa học hiểu lầm về mục đích hoạt động của trung tâm nên chúng tôi thường bị từ chối khi xin được gặp gỡ, làm việc với họ. Bằng cái tâm của mình và sự trân trọng đối với các nhà khoa học, chúng tôi đã kiên trì gặp và thuyết phục họ nhiều lần, nói rõ tôn chỉ mục đích của mình để họ thấy được hoạt động của Trung tâm là hữu ích, có ý nghĩa đối với đời sống khoa học của đất nước. Từ đó, dần dần họ đã tin chúng tôi, không những đã trò chuyện cởi mở mà còn sẵn sàng trao cho Trung tâm những kinh nghiệm, những vấn đề người ta nung nấu, những di sản tích lũy trong cả một cuộc đời hoạt động khoa học. Như trường hợp của GS. Lê Thế Trung, ông đã dành cho Trung tâm 20 cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, tặng cho chúng tôi rất nhiều tài liệu, hiện vật liên quan tới cuộc đời hoạt động khoa học của ông trong đó có những hiện vật rất quý như cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ những kiến thức y học, những kinh nghiệm trong chữa trị thương binh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông nói, đó là một trong những cẩm nang để ông tra cứu, học tập và giải quyết các vấn đề chuyên môn khi ở chiến trường xa xôi không có thư viện. Hay như GS. Bùi Đại, GS. Nguyễn Văn Nhân đã tặng cho Trung tâm chúng tôi  hàng trăm bức thư hai ông viết cho vợ trong khi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Trong một bức thư, ông Nhân đã miêu tả sự hăm hở buổi ban đầu đi học, cùng với những gian khó của việc học hành như một người đã cưỡi lên lưng ngựa không thể xuống được thì chỉ còn một cách duy nhất là phi…


Thư của GS.TSKH Bùi Đại gửi về cho vợ

Trong quá trình tiếp cận, thu thập tư liệu của các nhà khoa học ông cảm nhận được những điều gì?

Qua những câu chuyện, tư liệu của một số nhà khoa học, trước hết tôi thấy họ đã kiên trì học tập và học suốt đời, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự đóng góp hết sức to lớn của họ đối với đất nước, nhất là trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Như GS. Nguyễn Văn Nhân, bác sĩ đầu ngành về phẫu thuật xương, đã thực hiện thành công hàng trăm ca mổ xương cho thương bệnh binh ở chiến trường chống Mỹ trong những điều kiện thiếu thốn về mọi mặt. Không những thế ông còn lưu trữ toàn bộ những hồ sơ, hiện vật liên quan những ca mổ đó để truyền dạy cho các học trò và đồng nghiệp. Hoặc như PGS. Lê Sỹ Toàn đã xây dựng cả một bệnh viện dã chiến trong hang đá rộng lớn, sắp đặt ngăn nắp, đủ tiện nghi để phục vụ, chữa trị thương binh đưa từ mặt trận ở chiến trường Lào về và ông có một mong ước thật lãng mạn được ghi lại trong một bức thư gửi về gia đình – muốn mời vợ con tới thăm bệnh viện trong hang đầy tự hào của mình. Và qua những chặng đường học tập, thành tựu, cống hiến của họ, chúng ta có thể thấy được chiến lược đào tạo, sử dụng người tài của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời với sự giúp đỡ hết sức quý báu của Liên Xô, Trung Quốc trong việc đào tạo những hạt nhân đầu tiên của nền khoa học Việt Nam.


GS.TSKH Lê Thế Trung và quyển sổ ghi chép từ thời chống Pháp

Điều thứ hai là nếu Trung tâm không tiến hành làm ngay, không làm một cách cấp bách, gấp gáp thì những di sản của các nhà khoa học đã cao tuổi sẽ mất đi theo thời gian. Kinh nghiệm nhãn tiền là GS. Nguyễn Văn Chiển đã nhận lời và hẹn cán bộ của Trung tâm đến làm việc với ông. Chúng tôi mới gặp ông một lần, nhưng chưa đến ngày hẹn lần thứ 2 để nghe ông kể về cuộc đời và những trăn trở khoa học của mình thì ông đã đột ngột qua đời. Người thứ hai là GS. Phạm Tử Dương, một chuyên gia đầu ngành về tim mạch trong quân đội. Chị Ngân – cán bộ của Trung tâm sau khi làm việc với ông 2 lần, ông rất nhiệt tình và tin tưởng vào hoạt động của Trung tâm, nên lần gặp thứ 3 ông bảo chưa làm việc vội để ông tự dẫn đi giới thiệu cho Trung tâm một vài nhà khoa học nữa mà theo ông  họ có những di sản cần được lưu giữ hơn, cấp bách hơn, sức khỏe yếu hơn ông. Nhưng sau lần đó GS Phạm Tử Dương cũng đã đột ngột qua đời.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện kể về nhà khoa học và nền khoa học Việt Nam.

Các nhà khoa học có hai luồng suy nghĩ về tư liệu, hiện vật liên quan tới cuộc đời hoạt động của họ. Một số thì cho rằng không có ý nghĩa, nên không có ý thức lưu trữ, thậm chí sẵn sàng vứt bỏ phần lớn những thứ không còn dùng nữa như bản thảo sau khi công trình đã được công bố, in ấn, sổ tay ghi chép, nhật ký, thư từ, các công cụ, dụng cụ gắn liền với công việc sáng tạo của mình… Trong khi đó, có một số người lại nhận thức được rằng đó là những tư liệu quý giá, được họ tích lũy giữ gìn cả đời. Nhưng điều họ trăn trở nhất là gìn giữ rồi không biết để làm gì, trao lại cho ai? Vì vậy, đang lâm bệnh nặng nhưng GS. Nguyễn Văn Nhân đã rất vui khi biết Trung tâm sẵn sàng bảo tồn các di sản khoa học của ông và đã tặng Trung tâm toàn bộ gia sản của mình được tích lũy suốt cuộc đời với hơn 4000 hạng mục gồm sách vở, tư liệu, hiện vật. Qua đó, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình là làm thế nào để có thêm nhiều nguồn lực để bảo quản, khai thác tốt nhất các di sản mà các nhà khoa học tin tưởng giao cho.

Theo ông, điều quan trọng nhất của việc bảo tồn di sản của các nhà khoa học là gì?


Các GS: Nguyễn Sĩ Quốc, Nguyễn Thúc Mậu, Bùi Đại, Hồ Văn Huê tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ

Nếu có thời gian, lực lượng để tổ chức nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách quy mô, hệ thống, chúng ta sẽ hình dung, thấy được lịch sử các ngành khoa học Việt Nam dưới nhiều giác độ khác nhau theo trục dọc phát triển, đồng thời cũng có thể cắt theo trục ngang để hiểu các tầng lớp, thế hệ trí thức ở các giai đoạn khác nhau đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào. Qua đó, chúng ta hiểu được bối cảnh lịch sử, chính sách, chiến lược đào tạo của Nhà nước. Từ cuộc đời của từng nhà khoa học mà như những sử liệu sống động ghép lại sẽ thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam hay của từng lĩnh vực chuyên ngành từ những bước đi chập chững ban đầu, nhiều khi ấu trĩ cho đến sự phát triển, cập nhật được với thế giới khoa học trong nhiều lĩnh vực như ngày nay.


Bản thảo báo cáo khoa học của PGS. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn

Nếu bảo tồn, khai thác được di sản vật chất và tinh thần của hàng trăm, nghìn nhà khoa học thì Trung tâm sẽ là một địa chỉ hết sức giá trị cho các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu sinh đến tìm hiểu và làm đề tài nghiên cứu; đồng thời từ những di sản đó chúng ta có thể tổ chức những cuộc triển lãm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những tấm gương của các nhà khoa học và về vai trò của nền khoa học Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trong những thời kỳ rất khác nhau qua chính những con người và di sản cụ thể của họ..

Dựa vào tiêu chí nào để Trung tâm lựa chọn việc bảo tồn di sản của một nhà khoa học nào đó?

Mỗi bức thư, mỗi trang nhật ký đều là một di sản giúp thế hệ sau hiểu cuộc sống và suy nghĩ của nhà khoa học.

Tiêu chí quan trọng nhất để chúng tôi lựa chọn là những thành tựu khoa học, những đóng góp của họ đối với sự phát triển của đất nước. Các nhà khoa học dù lỗi lạc nhất cũng là con người, cũng có những khiếm khuyết, cũng có những dư luận thậm chí đàm tiếu về họ. Công việc của Trung tâm không phải là để đánh giá họ mà cung cấp cho xã hội nguồn tư liệu một cách khách quan, trung thực về họ. Nhà khoa học nào cũng có những đóng góp cho xã hội, dù ít hay nhiều, dù lớn hay nhỏ, trong đó có những điều mà mình tâm huyết nhất. Trung tâm muốn lưu giữ và kể những câu chuyện như vậy cho thế hệ tương lai.

Qua những việc làm của Trung tâm trong năm vừa qua, dường như Trung tâm chỉ sưu tầm  di sản của các nhà khoa học ngành y. Vì sao?

Cũng không hẳn là như vậy. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, sưu tầm di sản của một số nhà khoa học xã hội và  khoa học kỹ thuật nhưng hiện di sản của các nhà khoa học ngành y vẫn chiếm nhiều hơn. Lý do là vì nền y học của chúng ta có lớp lang, có truyền thống nhất trong số các ngành khoa học của Việt Nam từ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trinh Cơ cho đến thế hệ các nhà khoa học được đào tạo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ… mặt khác chúng tôi có mối thân quen với giới y học, nên dễ tiếp cận, dễ được sự cảm thông của các nhà khoa học ngành y hơn. Những thế hệ các nhà y học thứ 2, thứ 3 đã vượt qua tuổi xưa nay hiếm từ lâu rồi, họ cần được “cấp cứu” ngay. Từ kinh nghiệm làm với giới y học, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, mở rộng ra các ngành khoa học khác.

Trung tâm đã nhận ra tính cấp bách của việc tiến hành sưu tầm, gìn giữ di sản của các nhà khoa học. Nhưng làm thế nào để giải bài toán cấp bách này?

Mỗi bản luận án, mỗi bằng phát minh sáng chế, mỗi phản biện… là một minh chứng về sự phát triển của không chỉ một cá nhân mà còn là của một ngành và một nền khoa học Việt Nam và là tài sản vô giá của cả dân tộc.

Có hai việc quan trọng. Thứ nhất qua hoạt động của mình làm cho giới khoa học hiểu được vấn đề, hiểu được ý nghĩa của việc chúng tôi đang làm để hợp tác với Trung tâm. Để làm được điều này, các phương tiện truyền thông có vai trò rất quan trọng. Trước hết, các cơ quan truyền thông cần tránh những bài viết gây hiểu lầm trong xã hội đối với hoạt động của chúng tôi như bài viết của anh Nguyên Ngọc trên Tia Sáng thực sự đã là bước cản lớn đối với Trung tâm. Chúng tôi cũng muốn các nhà báo phối hợp làm việc với chúng tôi phổ biến những tấm gương, những câu chuyện bình thường nhưng lại đáng ghi nhận như những dữ liệu lịch sử, những bài học của các nhà khoa học trong cộng đồng, các nhà khoa học lớp trước và cả các nhà khoa học đương thời, các nhà khoa học trẻ tuổi.

Việc thứ hai cần làm là phải tổ chức đào tạo lực lượng nghiên cứu và phát triển đội ngũ cộng tác viên để giúp kết nối với các nhà khoa học, vì dù có tăng thêm cán bộ của Trung tâm thì cũng không thể nào tiếp cận được tất cả các nhà khoa học. Trong cộng tác viên, chúng tôi quan tâm tới sự hợp tác của các sinh viên (cái khó đối với sinh viên là thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống nên khó tiếp cận với các nhà khoa học, nhất là những “cây đa cây đề”), những nhà báo, cán bộ khoa học đã về hưu nhất là những người có kinh nghiệm nghiên cứu, kỹ năng phỏng vấn, những người làm công tác bảo tàng, lưu trữ.

Trung tâm có hình thức nào đó quảng bá công việc của mình?

Vừa rồi chúng tôi đã xây dựng website thử nghiệm như một trong những nội dung hoạt động chính của Trung tâm (http://www.cpd.vn/ cpd). Trên trang web này, chúng tôi đã bắt đầu đưa dữ liệu của một số nhà khoa học. Có nhiều hồ sơ khá đầy đủ như của Nguyễn Trinh Cơ, Lê Thế Trung, Bùi Đại, Lê Sỹ Toàn. Trong tương lai khi website có tính mở này hoàn chỉnh, được xã hội tin cậy, ủng hộ,chắc chắn sẽ có nhiều nhà khoa học có thể tự cập nhật đưa lý lịch khoa học với đầy đủ danh mục các công trình khoa học đã công bố, tư liệu, ảnh, video, thậm chí cả toàn văn các công trình  nghiên cứu của mình lên trang web của Trung tâm như một sự chia sẻ thông tin cho xã hội. Chúng tôi hy vọng trang web này sẽ trở thành một mạng xã hội tin cậy của các nhà khoa học Việt Nam.

Ngọc Tú

Nguồn:www.tiasang.com.vn/Default.aspx