* Tôi “chọn” sốt rét, ký sinh trùng!
– Cơ sở điều trị là sự lựa chọn số một của các bác sĩ mới ra trường, vì sao anh lại từ bỏ kế hoạch trở thành bác sĩ nội trú – con cưng của bệnh viện – để “đâm đầu” vào cơ sở dự phòng như Viện?
Đúng là bác sĩ mới ra trường thường hướng vào các cơ ở điều trị để được khám, điều trị bệnh nhân. Bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ, nhưng một lẽ tình cờ, hay nói đúng hơn là duyên. Thường là sau khi tốt nghiệp y khoa khoảng 3 tháng, các sinh viên có số điểm đủ điều kiện thi nội trú bệnh viện. Năm đó, tôi dự định thi nội trú chuyên khoa truyền nhiễm. Trong khi chờ đến thời gian thi nội trú, tôi làm hồ sơ xin việc rồi xin “thử sức” ở khoa Nghiên cứu lâm sàng và điều trị của Viện. 3 tháng sau, kỳ thi bác sĩ nội trú đã đến vào lúc tôi được lãnh đạo điều động đi công tác, đúng hơn là đi học việc tại Gia Lai cùng các anh chị trong khoa, nằm tại thực địa hơn 3 tháng. Cứ thế, công việc tại thực địa và tiếp cận cộng đồng cuốn tôi đi. Giờ ngẫm lại, tôi vẫn cho rằng ngành đã “chọn” tôi chứ không phải tôi “chọn” ngành.
Thạc sĩ – bác sĩ Huỳnh Hồng Quang cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực địa tại vùng
núi cao, trọng điểm sốt rét của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
– Hiện nay, các bệnh viện trong nước đều“chiêu hiền đãi sĩ”, đặc biệt là bác sĩ trình độ cao. Có lúc nào anh thấy chạnh lòng khi so sánh với các bạn đồng nghiệp?
Chưa bao giờ tôi phải hối hận với lựa chọn của mình. Nếu ai cũng nghĩ phải về hệ điều trị thì còn mấy ai dám đảm trách công việc ở hệ dự phòng. Mặt khác, tôi cho rằng một quốc gia càng phát triển, hiện đại chừng nào thì vai trò của hệ dự phòng sẽ càng được coi trọng, giúp giảm bớt gánh nặng rất đáng kể cho hệ điều trị.
– Bây giờ, nếu có cơ hội được chọn lại…
Câu hỏi thú vị đấy, nhưng tôi vẫn chọn sốt rét – ký sinh trùng thôi!
* Nghiên cứu khoa học- đam mê và trăn trở
Thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang vẫn luôn trăn trở với những nghiên cứu liên quan đến phân bố ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, một số bệnh nhiệt đới bị lãng quên, các bệnh ký sinh trùng đang nổi, hoặc tái nổi như bệnh sán lá gan lớn, bệnh ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, mèo… Anh đã có ít nhất 7 nghiên cứu hợp tác quốc tế. Anh tâm sự: “Kiến thức khoa học rất rộng lớn, lĩnh vực ký sinh trùng côn trùng cũng thế. Vì vậy, người thầy thuốc suốt đời vẫn là… sinh viên”.
– Với hơn 34 ấn phẩm, khi thì chủ nhiệm đề tài, khi thì tham gia nghiên cứu cùng đồng nghiệp, nhiều nghiên cứu hợp tác quốc tế, anh tâm đắc nhất với vấn đề nào?
Hiện, tôi có hơn 30 nghiên cứu khoa học (cả trong và ngoài lĩnh vực ký sinh trùng), khoảng 40 ấn phẩm chủ yếu là kết quả các công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp cơ sở và đề tài hợp tác quốc tế, 4 bài tham luận mang tính chuyên san, tổng hợp y văn và cập nhật thông tin thế giới. Mỗi đề tài, công trình hay khía cạnh nghiên cứu đều có tính cấp thiết, nét riêng, tính đặc biệt; điều quan trọng tất cả chúng đều là “đứa con tinh thần” mà tôi cùng với tập thể nghiên cứu đã dày công “nặn” ra. Đằng sau mỗi đề tài đều có mặt tồn tại và hạn chế, nhờ đó tôi tiếp tục định hướng, nghiên cứu để giải quyết các tồn tại mới nảy sinh trong y học chuyên ngành.
Thạc sĩ – bác sĩ Huỳnh Hồng Quang tại Hội thảo phòng chống sốt rét ở các quốc gia
châu Phi.
– Tiến sĩ Mike.D.Edstein, Trưởng đơn vị đánh giá thuốc của Viện Sốt rét Quân đội Australia đang hợp tác nghiên cứu thực địa với Viện đánh giá rất cao sự hợp tác, vai trò nghiên cứu, kỹ năng tổng quan kiến thức về nghiên cứu kháng thuốc sốt rét và đặt ra vấn đề nghiên cứu khác biệt của anh…
Hợp tác nghiên cứu giữa Viện Sốt rét quân đội Úc và Viện SR-KST-CT Quy Nhơn cùng với Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, Việt
Năm 2009, anh là bác sĩ Việt Nam duy nhất, đồng thời là 1 trong 2 bác sĩ châu Á (Trung Quốc, Việt Nam) và là 1 trong 7 bác sĩ trên toàn thế giới vượt qua 100 ứng cử viên toàn cầu cùng tham gia cuộc tuyển chọn vinh dự được nhận suất học bổng Nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới dành cho các nhà nghiên cứu trên thế giới sau khi vượt qua những vòng thi tuyển chọn rất khắt khe.
– Nhưng hình như anh từ chối cơ hội hiếm hoi này?
Học bổng nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới từ Chương trình đào tạo đặc biệt của Tổ chức Y tế thế giới được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và Chương trình đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới trên thế giới yêu cầu tuyển trạch một số ít ứng viên với nhiều tiêu chuẩn lựa chọn “nghiêm ngặt”…Sau gần 9 tháng xét tuyển, thi tuyển với 4 vòng cả gián tiếp và trực tiếp, tháng 3.2010, tôi được chính thức cấp học bổng nghiên cứu và thư chấp thuận của 2 Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp và Singapore.
Tôi nghĩ đây là một sự vinh dự của Viện, vừa là cơ hội quan trọng cho bản thân và gia đình tôi. Nhưng, vì nhiệm vụ của Viện cũng như những khó khăn thiếu nhân lực chuyên trách và tình hình thực tế bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng đang diễn biến phức tạp nên tôi quyết định xin tạm dừng suất học bổng này. Trong tương lai, nếu có cơ hội, tôi sẽ xin phép lãnh đạo Viện tiếp tục.
ThS. BS. Huỳnh Hồng Quang (x) trong Hội thảo phòng chống sốt rét tại Thượng Hải-Trung Quốc
năm 2008
* Tôi “nhận” được nhiều đấy chứ!
– Lương bổng theo chế độ của một cán bộ viên chức nhà nước, mỗi năm mất 6-7 tháng lăn lộn rừng rú, điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, đối tượng tiếp xúc nhiều là những loại côn trùng, ký sinh trùng truyền bệnh, anh “nhận” được gì trong công việc?
Tôi và đồng nghiệp đã “nhận” được nhiều, nhiều nữa là đằng khác! Đó là những điều lý thú được làm rõ trong nghiên cứu khoa học, các kết quả mang lại của chúng tôi góp phần không nhỏ vào xây dựng chính sách thuốc của quốc gia, giải thích phần nào về nhiều khía cạnh còn bỏ ngỏ của bệnh ký sinh trùng nói chung và sốt rét nói riêng lâu nay còn ẩn chứa. Sự hồi phục sức khỏe của hàng ngàn ca bệnh mà chúng tôi đã điều trị thành công, lời cảm ơn chân thành từ phía bệnh nhân và thân nhân cũng làm ấm lòng những người làm công tác dự phòng.
– Không có ngày nghỉ, hơn 3/4 thời gian nằm ngoài đường, hẳn anh được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình?
Với công việc nghiên cứu và điều trị, hiện tại tôi có nhiều niềm vui. May mắn, khi lập gia đình vợ tôi đã hiểu rõ và chia sẻ với công việc của chồng rất nhiều. Vợ đang làm kế toán cho một công ty du lịch trong nước, công việc cũng không hề nhẹ chút nào, songcô ấy đã dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình và các con để tôi an tâm nghiên cứu ở Viện. Bất cứ khi nào, ở đâu, thậm chí trong thời gian giấc trưa hoặc đêm khuya có ai cần giúp đỡ về cấp cứu y tế, tôi cứ thế vội vàng ra đi…vợ chưa bao giờ ca thán mà ngược lại thường ủng hộ việc mình làm.
– Cảm ơn anh rất nhiều!
Thạc sĩ – bác sĩ Huỳnh Hồng Quang sinh ngày 5.6.1974, nguyên quán tại xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1998, anh tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế, về làm việc tại Viện SR-KST-CT Quy Nhơn. Năm 2003, anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khám chuyên khoa và Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng và điều trị năm 2008.
Anh liên tục nhận được Bằng khen Bộ Y tế, Bằng khen của Chương trình quốc gia Phòng chống sốt rét giai đoạn 2001-2006, danh hiệu lao động giỏi từ năm 1999 đến nay. Là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của Viện giai đoạn 2006-2010. Giấy khen đột xuất do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Thu Hiền
(Báo Bình Định thực hiện)
http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1176&ID=3868