Mùa hè năm 2013, trong chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm gặp gia đình cố GS.TS Trương Công Trung. Trong buổi gặp gỡ ấy, bà Trương Thị Hoàng Minh, con gái duy nhất của Giáo sư nhắc nhiều tới cha mình, tới bác Ba Thành[1] và tình bạn thân thiết giữa hai người. Bà Trương Thị Hoàng Minh đã tặng Trung tâm những tài liệu, kỷ vật của cha, trong đó có một tấm thiếp nhỏ (khổ 10cm x 7,5cm) đã rách và ố vàng, được bà nâng niu, trân trọng. Đó là tấm thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng GS Trương Công Trung năm 1952, vì ông có thành tích trong việc áp dụng phương pháp Filatov để cứu chữa thương binh và mở các lớp đào tạo y tá phục vụ chiến trường. Câu chuyện về phương pháp Filatov và những ngày gian khó ở chiến trường Nam bộ hiện ra trước mắt chúng tôi xoay quanh tấm thiếp này.
Khi đang học năm thứ 5 ở trường Đại học Y Hà Nội, chàng sinh viên Trương Công Trung tham gia giành chính quyền ở Hà Nội trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, rồi sau đó lên đường Nam tiến. Năm 1947, y sĩ Trương Công Trung được giao giữ chức Viện trưởng Quân y viện khu IX. Tại đây, ông đã tổ chức đào tạo nhiều khóa cán bộ y tế về các chuyên khoa ngoại, nội, sản, dược… Ông cũng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn ở các chiến trường Long Châu Hà I, II, Sóc Trăng I, II, Tân Hưng, Cà Mau, tham gia các trận đánh của tiểu đoàn 307…
Y sĩ Trương Công Trung nghiên cứu phương pháp Filatov, 1951
Nhắc đến việc áp dụng thành công phương pháp Filatov ở Quân y viện khu IX, không thể không nhắc đến vai trò của y sĩ Nguyễn Thiện Thành và y sĩ Trương Công Trung, hai người bạn gắn bó thân thiết với nhau trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Sau này, khi đất nước đã thống nhất, hai ông vẫn tiếp tục là bạn tri kỷ và có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cả chuyên môn và quản lý.
Người đầu tiên đưa ra ý tưởng áp dụng phương pháp Filatov ở Quân y viện khu IX là y sĩ Nguyễn Thiện Thành. Trong thời gian ông Thành bị giam giữ ở nhà giam Virgile, Sài Gòn (từ đầu năm 1950 đến cuối 1950)[2], do cảm mến tính cách của ông nên có người lính Pháp – vốn là sinh viên y khoa đã cho ông mượn một số sách báo, tạp chí về y học, trong đó có cuốn sách tiếng Pháp Thuyết đấu tranh với nghịch cảnh của tác giả H. Vachon. Phương pháp chữa bệnh bằng Filatov mà ông đọc được trong cuốn sách này đã gợi ra một niềm hy vọng mới trong việc tăng cường hiệu quả điều trị bệnh và ông nghĩ đến việc áp dụng vào thực tế chiến trường Nam bộ. Sau khi ra tù vào cuối năm 1950, ông tìm cách thực hiện ý tưởng đó. Sau một thời gian nghiên cứu, y sĩ Thành bàn bạc với Viện trưởng Trương Công Trung và ngay lập tức được tán thành, rồi cả hai bắt tay vào tìm hiểu để đưa ra thử nghiệm.
Phương pháp Filatov lấy tên của một nhà khoa học người Anh, người đã tìm ra phương pháp cấy tế bào vào cơ thể con người nhằm kích thích cơ thể tăng trưởng khả năng hoạt động trong môi trường mới, giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và chống lại một số bệnh. Phương pháp này không quá phức tạp, chỉ cần sử dụng một chút tế bào vật chất bổ dưỡng như nhau thai để cấy vào cơ thể người bệnh. Phương pháp nguyên thủy là dùng dao mổ, rạch một đường dài 6cm trên da của bệnh nhân, đặt miếng nhau vào rồi khâu khín lại, sau một thời gian các tế bào mới và cũ thích ứng với nhau, sự tác động của tế bào mới sẽ làm cho cơ thể phát huy khả năng đề kháng, đồng thời vết thương ở chỗ đã cấy Filatov sẽ mau chóng lành lặn.
Một trong những điều kiện quan trọng để áp dụng phương pháp Filatov là phải có dụng cụ làm lạnh để bảo quản nhau thai. Trong hoàn cảnh ở chiến khu Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để có một chiếc tủ lạnh quả thực rất khó khăn. Nhưng trong một lần đi công tác ở Long Châu Hà[3], ông Tư – trợ lý chính trị của Viện trưởng Trương Công Trung đã làm quen được với linh mục Võ Thành Trinh và ngỏ ý xin chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu hôi. Tháng 10-1951, linh mục Võ Thành Trinh gửi chiếc tủ lạnh của mình cho Quân y viện. Có được chiếc tủ lạnh vào thời điểm năm 1951 là một điều vô cùng mới lạ, nó đã giúp bảo quản nhau thai tốt hơn, phục vụ cứu chữa nhiều thương binh và bệnh binh.
Tháng 5-1951, sau một thời gian nghiên cứu, hai y sĩ Nguyễn Thiện Thành và Trương Công Trung chính thức giới thiệu phương pháp Filatov trước tập thể cán bộ chuyên môn của Quân y viện và được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Đến tháng 11 năm ấy, lá nhau đầu tiên do Viện trưởng Trương Công Trung trực tiếp lấy và khử trùng được đưa vào tủ lạnh bảo quản, mở đầu cho việc sử dụng một phương pháp mới để chữa bệnh.
Bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm phương pháp mới này chính là y sĩ Nguyễn Thiện. Tiếp theo, nhiều cán bộ trong Quân y viện đã tham gia thử cấy Filatov vào cơ thể. Tất cả đều nhận thấy sức khỏe của mình được cải thiện, đúng như những gì trong sách đã viết.
Sau đó, Y sĩ Trương Công Trung đưa ra sáng kiến thay đổi phương pháp cấy Filatov: Thay vì phải rạch 6cm, ông chỉ dùng mũi dao rạch vào da 0,5cm để đặt miếng nhau vào. Vì đó là một vết mổ nhỏ nên không cần khâu, chỉ cần băng là đủ cho vết thương sẽ lành lại. Kỹ thuật này đơn giản, dễ dàng thực hiện ở mọi nơi và từ y tá đến cứu thương đều có thể thực hiện được.
Đến năm 1980, khi đã giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, trong một buổi nói chuyện với các cán bộ của trường, GS Trương Công Trung mới lý giải lý do sử dụng phương pháp Filatov: Từ thực tiễn qua báo chí của Pháp giới thiệu về thành tựu y học tiên tiến với vận dụng trước tình hình bệnh tật đến khám và điều trị ở Quân y viện khu IX, từ nguyên lý bánh nhau của sản phụ là một tổ chức sống bị đặt trong “nghịch cảnh” (nhiệt độ lạnh), các mô tế bào nhau đã huy động sức tự vệ chiến đấu, sản xuất ra một chất mà tác giả – nhà bác học Filatov gọi là sinh động tố, góp phần giúp cho cơ thể chống lại bệnh tật[4]. Ông mô tả về cách bảo quản nhau thai và sử dụng phương pháp này vào việc chữa bệnh: Ở giai đoạn đầu, phương pháp Filatov áp dụng miếng nhau sấy khô sau khi để 6 ngày trong tủ lạnh với nhiệt độ từ 0o‑4oC. Miếng nhau khô được cấy dưới da ở vùng chi gần chỗ đau hay vùng bụng gần rốn với quan điểm tác động toàn thân, vừa tác động tại chỗ (vùng đau ở khớp hay ở chỗ bị vết thương)[5].
Việc vận dụng phương pháp Filatov vào thực tế đã góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng và giảm tỉ lệ tử vong cho thương bệnh binh, đảm bảo quân số cho chiến trường trong giai đoạn cuộc chiến ngày càng ác liệt.
Qua theo dõi trên hàng ngàn bệnh nhân, y sĩ Trương Công Trung cùng với y sĩ Nguyễn Thiện Thành và tập thể cán bộ ở Viện nhận thấy rằng: áp dụng phương pháp Filatov đem lại kết quả tốt đối với các bệnh nhân có vết mổ ở bụng, Eczema, viêm loét giác mạc, viêm xoang, viêm dây thần kinh, viêm thấp khớp cấp, viêm đại tràng, các vết thương lâu lành và các chứng bệnh tâm thần[6]. Ngoài các thương bệnh binh, phương pháp Filatov còn được áp dụng cho cả nhân dân trong vùng kháng chiến và đồng bào ở vùng địch tạm chiếm.
Tấm thiếp được gia đình GS.TS Trương Công Trung giữ gìn qua 62 năm
Hiệu quả áp dụng phương pháp Filatov gây tiếng vang lớn và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong các chiến khu Nam bộ. Sau những kết quả đạt được, y sĩ Nguyễn Thiện Thành – khi ấy là Vụ trưởng Vụ Quân y phân khu miền Tây đã báo cáo thành tích với Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam; tập thể cán bộ Quân y viện khu IX được tặng thưởng một chiếc radio bán dẫn hiệu Phillip. Riêng y sĩ Trương Công Trung, sau những nỗ lực áp dụng, phổ biến phương pháp Filatov ở khu IX và các vùng chiến khu Nam bộ, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biết đến và gửi quà động viên là một xấp lụa Hà Đông kèm theo tấm thiếp nhỏ (xem ảnh).
Sau hiệp định Genève (1954), y sĩ Trương Công Trung được tổ chức cử ra Hà Nội học chương trình bác sĩ, rồi đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Sau này, ông trở thành một nhà khoa học danh tiếng, giữ nhiều trọng trách quan trọng và có nhiều đóng góp cho công tác y tế ở miền Nam. Tấm thiếp của Bác Hồ gửi tặng năm 1952 ấy là một trong số kỷ vật vô giá, có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời hoạt động và nghiên cứu khoa học của GS.TS Trương Công Trung.
Nguyễn Thanh Hóa
_____________________
[1]– GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành (1919-2014), nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Đầu năm 1950, khi ấy Y sĩ Nguyễn Thiện Thành là Vụ trưởng Vụ Quân y Phân khu miền Tây, bị bắt trong chuyến đi công tác ở Trà Vinh. Sau chiến dịch Biên Giới, ông được Pháp phóng thích vì phía ta thả Đại tá bác sĩ quân y Duris.
[3]– Khi ấy là một tỉnh ở miền Tây của Nam bộ.
[4]– Bản ghi chép: Những đóng góp thiết thực của phương pháp Filatov trong điều trị qua áp dụng ở chiến trường khu 9 Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5]– Bản ghi chép: Những đóng góp thiết thực của phương pháp Filatov…, đã dẫn.
[6]– Bản ghi chép: Những đóng góp thiết thực của phương pháp Filatov…, đã dẫn.