Tên gọi Savannakhet có nguồn gốc từ hai chữ “Savanh Nakhone”, có nghĩa là "Thành phố thiên đường”. Người Việt ở nơi đây thường gọi tắt Savannakhet1 là Sa-vản. Hồi mới sinh tôi (con thứ hai), bố mẹ tôi sống ở phía Bắc của Savannakhet, gần với sân vận động và vườn thú. Nhà có khuôn viên rộng rãi và trồng rất nhiều dừa. Mẹ tôi một thân một mình cùng các con nhỏ nên trông nom không xuể, kẻ trộm cứ ngang nhiên trèo vào vườn trẩy dừa. Bà ngoại và mẹ tôi thường kể, khi sinh tôi, mẹ quằn quại đau đớn hàng giờ, tưởng chừng chết mất. Nhờ trời, sinh con dạ nên cuối cùng được mẹ tròn con vuông. Nhớ tới những điều kể này tôi thương mẹ tôi nhiều.
Bà ngoại tôi là một bà lang nên bắt mẹ tôi kiêng khem rất kỹ sau khi sinh. Mẹ tôi phải nằm trên giường, dưới gầm có đặt chậu than hồng để sưởi. Thức ăn chủ yếu là thịt nạc rim nước mắm có rắc nhiều tiêu. Cách một vài ngày, bà dùng đũa cả hơ nóng trên than rồi ép vào mi mắt mẹ. Bà bảo làm như thế sau này đến mùa Đông hoặc lúc thay đổi thời tiết sẽ không bị chảy nước mắt. Nhờ thế sau này về già mắt mẹ tôi vẫn đọc được báo mà không phải đeo kính lão, tay chân khoẻ mạnh không đau xương khớp. Bà còn bảo phụ nữ sinh xong phải uống nước tiểu của bé trai dưới 8 tuổi để thanh lọc chất độc trong máu. Sau này khi mẹ tôi sinh các em tôi, bà thường bắt tôi đi tiểu vào bát sứ, loại bỏ những giọt nước đầu, rồi đưa cho mẹ tôi uống.
Lớn hơn, tôi hay leo trèo nghịch ngợm và có một lần do leo lên chiếc tủ kính ở góc tường nhà, chẳng may tủ nghiêng đổ, kính vỡ tan, tai trái tôi bị kính cắt phải, máu chảy ròng ròng làm mẹ tôi hết hồn, khóc hết nước mắt. Cái sẹo này theo tôi suốt đời. Sau sự kiện này, mẹ tôi bán nhà dọn đến ngôi nhà mới ở góc ngã ba đường, một hướng về phía Đông đi ra sân bay, còn phía Tây hướng đi về con đường chạy ven sông Mê Kông. Sông Mê Kông là đường thuỷ quan trọng trong hệ thống giao thông của Lào. Tàu thuỷ thường ngược dòng chở hành khách và hàng hoá từ Sanvannakhet đi Thakhek và Viêng Chăn.
Ở Savannakhet đến năm 1942, khi tôi lên 4 tuổi, mẹ đưa tôi, anh trai lên ông bà ngoại ở Thakhek để mẹ có thêm thời gian chăm sóc hai em gái nhỏ dưới tôi. Lần đầu xa mẹ, nhớ mẹ, tôi khóc rất nhiều, khản cả tiếng, dì Tám – em mẹ tôi phải dỗ mãi. Tôi lủi thủi chơi một mình ở nhà ông bà, nhiều khi tủi thân ngồi khóc. Có thể vì thế sau này tôi nhút nhát, e dè và ngượng nghịu khi làm quen và tiếp xúc với người lạ.
Ở với ông bà ngoại được hơn nửa năm tôi trở lại Savannakhet và được cậu Ánh – em của mẹ tôi dạy học đánh vần chữ quốc ngữ. Nhiều khi mải chơi không chăm chú vào việc học chữ, tôi thường bị cậu vụt cho một vài thước kẻ vào các ngón tay hoặc quất vào mông rất đau. Bị đánh như vậy trong lòng tôi ấm ức, giận cậu và nghĩ sao cậu lại ác thế. Nhưng thật ra, cách ấy cũng có tác dụng, đốc thúc tôi chú ý học và khi đến trường không còn bỡ ngỡ với việc đánh vần và ghép câu.
Nhà mới rất rộng, có hàng rào bằng gỗ và gồm ba gian, lợp tranh nứa, chiều rộng khoảng hơn 6 mét. Gian giữa làm phòng khách, kê bộ bàn có ghế tựa và có thêm một giường nằm trong góc sát tường. Một gian chia đôi thành hai phòng nhỏ có hành lang ở giữa, một phòng để cho mẹ tôi và các em gái, một phòng dành cho con trai và khách. Gian còn lại, một nửa tiếp xúc với mặt đường, dành để bán hàng tạp hoá kiếm thêm đồng ra đồng vào; nửa gian còn lại thông với nhà bếp ở phía sau. Trước nhà có 2 cây xoài rất to cao, cứ đến mùa hè, tôi thường trèo lên, mang theo một con dao díp và một gói muối ớt. Tôi ung dung trên cây, trẩy những quả xoài ương, gọt vỏ, chấm muối ớt miệng xuýt xoa ngon. Ở ngã ba đường sát nhà tôi, phía bên kia đường có cột đèn điện. Mùa hè có rất nhiều ve sầu tìm đến bậu vào. Trẻ con chúng tôi lấy vợt lưới bắt được rất nhiều ve sầu, đem về vặt cánh, đầu và râu rồi rang với mỡ hoặc chao dầu, thêm tý nước mắm ăn rất bùi và ngon.
Con đường dẫn ra bờ sông Mê Kông trồng nhiều cây phượng vỹ, mùa hè hoa nở đỏ rực. Phía bên phải con đường có ngôi trường Tiểu học là nơi tôi từng theo học. Tiến xa hơn chút nữa là kho đạn và trại lính. Con đường này phân chia Savannakhet thành 2 nửa: Phần phía Bắc bao gồm các công sở thuộc chính quyền cai trị của Pháp và chỗ ở của một số người Việt; phía Nam là các biệt thự của quan chức người Lào, xa hơn chút nữa đã là bìa rừng.
Lào có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường vào tháng tư và có Hội té nước. Đến ngày hội, mọi người dùng gáo nước nhỏ té lên người đi đường. Ai cũng thích được té nước để lấy may. Mùa mưa đến mọi người thường vào rừng gần đó để hái măng và hái nấm đem về phơi khô, gác bếp ăn dần. Nguồn lương thực chính của người Lào là lúa nếp trên nương rẫy. Gặt hái xong, người Lào đem lúa giã trong cối bằng gỗ, khi gạo trắng họ đem ngâm và hấp trong các chõ xôi bằng tre. Xôi lúa nương thường được ăn kèm với thịt bò hoặc thịt trâu, thịt thú rừng phơi khô và nướng. Người Lào thích ăn thịt bò hoặc thịt lợn rừng sống. Họ chọn thịt bò hoặc lợn rừng nạc, thái mỏng và vắt nhiều chanh cho chín thịt, thêm nhiều ớt tươi, khô và thính tạo thành món gọi là lạp. Ăn không quen thì ghê ghê và sợ bị sán. Nhưng người Lào bảo đã dùng chanh và nhiều ớt như thế thì không còn sợ gì nữa. Nhiều người còn nói ớt được tính theo tuổi để nêm vào thức ăn, bao nhiêu tuổi thì bấy nhiêu quả ớt. Tôi thì không tin như vậy nhưng quả thật món ăn của người Lào rất cay.
Khi đã biết đọc biết viết, tôi lại được gửi lên ông bà ngoại để anh trai tôi đang ở đó kèm cặp cho hết chương trình lớp tư. Trước năm 1945, trường tiểu học của Pháp ở Lào dành cho người Việt cũng gồm 5 lớp như ở Việt Nam: Đồng ấu (lớp 1); lớp tư (lớp 2), lớp ba, lớp nhì (lớp 4) và lớp nhất (lớp 5). Thời gian ở Thakhek này, vào thứ bảy và chủ nhật tôi thường được ông ngoại cho đi cùng đến trụ sở Hội Ái hữu người Việt Nam tại Lào, xem ông tham gia đánh tổ tôm điếm. Ngôi nhà Hội Ái hữu được xây dựng trong những năm Mặt trận bình dân để che giấu hoạt động của các nhà yêu nước Việt Nam tại Lào. Tổ tôm điếm giống như đánh tổ tôm của Việt Nam, chỉ khác quân bài làm bằng tre hoặc gỗ và người chơi có một bàn, một bảng để dựng quân của mình. Bên cạnh người chơi có một chiếc trống con. Khi có ai ăn quân hoặc phỗng tay trên của người khác thì gõ 3 tiếng, khi có ván ù thì đánh một hồi trống kéo dài. Tôi xem rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy ông ngoại tôi ù được ván nào.
Tháng 3 năm 1945, những tiếng nổ đùng, đoàng trong đêm khiến tất cả bừng tỉnh nhưng không ai dám mở cửa, ra khỏi nhà. Trước đó vài hôm, thấy quan chức Pháp rục rịch di chuyển, mọi người còn đoán mò sắp có sự kiện lớn xảy ra. Quả không sai, sáng sớm hôm sau đã thấy lính Nhật đi đầy đường trên phố. Sĩ quan Nhật đeo chiếc kiếm dài ngang hông, luôn trong tâm thế sẵn sàng rút kiếm. Mỗi khi kiếm được rút ra là đầu một người lìa khỏi cổ. Những người Pháp không kịp chạy ra rừng đều bị hành quyết ngay tại chỗ.
Ngoài số công sở, trại lính, quân Nhật đã chiếm để đóng quân, quân đội Nhật còn trưng dụng một số nhà dân để cho các sĩ quan Nhật ở, trong số đó có nhà của ông ngoại tôi. Thật khó chịu khi phải chung đụng với những người bạn không mời mà đến. Sĩ quan Nhật ở nhà ông ngoại là đại tá đứng tuổi. Ông ta chinh chiến xa nhà đã lâu, nhìn thấy tôi làm ông nhớ đến đứa con bằng tuổi đang khắc khoải chờ bố nên ông ta không khỏi chạnh lòng. Ông thường lân la làm quen với tôi và còn xin phép ông ngoại tôi đưa đi chụp một số phong cảnh ở Thakhek để kỷ niệm. Nhiều lúc có điều gì đó ông ta cảm thấy hài lòng hay không hài lòng ông ta đã thốt ra những từ tiếng Nhật "dô-tô" (tốt), "dô tô nay" (không tốt). Ngày nay người Nhật không dùng các từ này. Không hiểu lý do gì mà cậu ruột tôi bị lính Nhật đánh nhừ tử, thừa sống thiếu chết. Cậu phải dùng mật gấu xoa bóp mới tiêu máu tụ và các chỗ sưng. Sau trận đòn này, cậu tôi về Sài gòn, rồi sau đó ra Hà Nội. Cũng sau sự việc này, để đảm bảo an toàn, ông ngoại tôi quyết định đưa anh tôi và tôi về với mẹ ở Savannakhet. Về đến Savannakhet, mẹ liền xin cho tôi học trường tiểu học gần nhà. Đây là ngôi trường dành cho người Việt ở Lào. Thầy giáo người Việt mà tôi có thiện cảm rất tận tâm chỉ bảo cho các con em người Việt học tập.
Ở trường, ngoài việc học văn hoá chúng tôi còn được nhà trường tổ chức cho đi dã ngoại cắm trại ở bìa rừng phía Nam Savannakhet. Chúng tôi thường hay chơi trốn tìm. Một lần tôi tìm được chỗ trốn rất kín trong một bụi cây rậm. Các bạn tìm mãi không được nên nản lòng tìm trò chơi khác. Ngồi trốn đã lâu, tôi thấy bốn bề im ắng, tưởng cô giáo đã cho các bạn ra về, tôi hoảng hồn, liền chạy ra khỏi bụi cây về phía trại, người vẫn còn lấm lem. May quá mọi người vẫn chưa rời khỏi mà đang chuẩn bị ăn trưa.
Rồi ông ngoại để bà ngoại về ở với mẹ con tôi. Bà ngoại rất yêu tôi và chăm sóc chu đáo. Sáng ra mẹ tôi thường mua bánh cuốn và thịt quay cho bà và chúng tôi ăn. Bà thường dành những miếng thịt quay nhiều nạc và có da bì giòn cho tôi. Nhiều lúc, bà còn ru tôi ngủ với những bài thơ lục bát như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tuy nhiên bà bảo: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều" vì cho là có ảnh hưởng đến tính nết con người sau này. Bà còn dạy tôi học thuộc “Tam Tự Kinh” – sách dạy chữ Hán cho người mới học. Đến nay tôi vẫn còn nhớ được: "Thiên trời, địa đất, tử mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau…". Bà còn dạy tôi những câu đố và cách nói lái. Câu đố có 3 loại: đố thanh giảng thanh; đố thanh giảng tục và đố tục giảng thanh. Tôi rất thích một câu đố, nhất là được bà ngoại tôi ngâm nga với chất giọng Quảng Bình: "Cây cao vòi vọi, lá tựa đuôi công; chặt đầu cấy nghiệp tổ tông, lấy nước đãi lòng thiên hạ"2.
Ở Savannakhet, lính Nhật đóng tại khu kho vật tư của quân đội Pháp trước đây, cách không xa nhà của tôi trên đường ra phía sông Mê Kông. Lạ một cái, cứ gần đến buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn về hướng Tây là lúc lính Nhật bồng súng xếp hàng bước đều có lính thổi kèn đi trước tiến về phía bờ sông. Toàn đội lính Nhật sau đó đứng hướng về phía bờ sông nhìn sang hướng bên bờ bên kia là Thái Lan và hát quốc ca của Nhật (bài Quốc ca này chỉ dùng thời đó, bởi lẽ sau này tôi làm việc với chuyên gia Nhật Bản, trong lúc vui tôi hát những lời ca của bài hát này thì vị chuyên gia Nhật bảo là bài Quốc ca cũ tồn tại trong Thế chiến thứ 2). Đám lính Nhật hát xong lời bài ca thì mặt trời loé sáng bùng lên cho đến khi tia sáng vụt tắt hẳn. Bầu trời tối đen. Lúc bấy giờ tôi không hiểu nổi vì sao lính Nhật có thể làm được như thế, sau này mới biết đó là hiện tượng quang học lúc mặt trời khuất bóng về hướng Tây, trùng hợp với lúc kết thúc lời bài hát của lính Nhật.
Thời gian này (năm 1945), lính Nhật và hiến binh lùng sục các cán bộ cách mạng Lào Issara và cán bộ Việt Minh của Việt Nam rất gay gắt. Người cậu họ, con của em bà nội tôi bị hiến binh bắt và tra khảo tàn nhẫn, nhưng cậu không khai. Chúng bẻ hết cả hàm răng và sau khi không khai thác được gì chúng đành thả ra. Ông cậu sau về nước làm cán bộ nghiên cứu trong Ban nghiên cứu lịch sử Đảng. Còn bố tôi sau khi chính quyền cai trị của Pháp ở Lào sụp đổ do sự chiếm đóng của quân đội Nhật, cũng bỏ công sở ở Pakxe và theo Việt Minh hoạt động.
Tin về việc quân đội Thiên Hoàng Nhật đầu hàng vô điều kiện và cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công đã lan nhanh đến các tỉnh của Lào. Cán bộ cách mạng Lào Issara phối hợp với cán bộ Việt Minh lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền từ tay quân đội Nhật và nhanh chóng thiết lập chính quyền cách mạng. Trẻ con chúng tôi là vui nhất. Trước hàng rào của nhà tôi đã dựng lên một cột cờ treo hai cờ của cách mạng Lào và cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Sáng sáng bọn trẻ con chúng tôi bồng súng gỗ và hát quốc ca của cả hai nước Lào – Việt. Nhưng rồi một đêm chúng tôi nghe tiếng xe tải chở binh lính của quân Tưởng kéo đến rầm rập. Đây là dân binh được Tưởng Giới Thạch huy động vội, cho mặc quần áo lính màu ka ki vàng, chân quấn xà cạp, không giày dép chở vội sang Lào thay mặt quân đồng minh để giải giáp quân đội Nhật Bản. Một đoàn quân ô hợp, vào chợ của Việt kiều và Lào cướp bóc mọi thứ. Có lính còn tưởng xà phòng là bánh, ăn vào sùi bọt mép ngã lăn ra chết. Thật hãi hùng. Lúc này mọi người đều ở trong nhà, không dám ra đường vì sợ cướp bóc. Cũng may tình trạng này không lâu vì toán lính này sớm được thay thế bởi quân chính quy của Tưởng Giới Thạch do tướng Lữ Hán cầm đầu. Lính mới mặc quân phục xanh đại cán, đi giày ba ta cũng màu xanh và được trang bị đầy đủ súng ống chứ không như toán lính dân binh địa phương mặc quân phục vàng trang bị súng hoả mai.
Khi lính Nhật tràn vào, tàn binh của quân đội Pháp bỏ chạy vào bìa rừng lẩn trốn. Giờ đây, chúng nhăm nhe chiếm lại các thành phố của Lào. Tình hình rất căng thẳng. Tiếng súng đã nổ đâu đó rất gần. Trong tình hình này ông ngoại tôi quyết định cho gia đình hồi hương về Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, mẹ tôi đã giết lợn, ướp thịt muối, làm lạp xưởng và mua gạo nếp để chuẩn bị cho các bữa ăn dọc đường khi trở về quê hương. Nhưng đến phút cuối cùng mẹ tôi không thể về nước được vì cô em gái thứ năm đổ bệnh và cô em gái thứ ba phải ở lại cùng mẹ chăm sóc em ốm. Chỉ có bà ngoại, dì Tám, anh trai, tôi và em gái thứ tư chuẩn bị hành trang về nước.
Lúc này ở cửa ngõ ra vào của Savannakhet do tàn binh của Pháp kiểm soát chỉ cho quân đồng minh đi lại. Việc đi lại của người Lào và người Việt bị cấm hoàn toàn. Ông ngoại tôi phải thuê một sỹ quan, quân của tướng Lữ Hán đóng giả, nhận bà ngoại tôi và chúng tôi là gia đình để đưa về nước. Chúng tôi phải ăn mặc quần áo giả người Hoa Kiều. Khi qua trạm kiểm soát của người Pháp, sỹ quan này trưng giấy tờ của quân đội đồng minh đưa gia đình về nước, lính Pháp không hề khám xét và cho qua. Chúng tôi bắt xe khách về Việt Nam. Về Hà Nội, mọi người nán lại chờ ông ngoại để cùng về quê ngoại. Cả gia đình thuê xe ngựa từ Hà Nội theo đường Quốc lộ 32 qua cầu Phùng, rồi rẽ về đường quai Chè, qua Hiệp, Phúc Đức, Chùa Thầy, Thụy Khuê về đến Đa Phúc thuộc Tổng Lật Sài, phủ Quốc Oai (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Từ đó, cuộc đời tôi bước sang một trang mới, những ngày ấu thơ ở Savannakhet đã trở thành kỷ niệm khó quên trong tôi.
Nguyễn Điệp (ghi)
_________________________
* PGS.TS Ngô Thu Thanh là nhà khoa học ngành Kiến trúc, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
[1] Nay là thành phố Kaysone Phomvihane.
[2] Đáp án là cây mía.