Những ngày ở Đội điều trị 952 trên đất Lào

Giữa năm 1965, Mỹ đưa lực lượng không quân tham chiến tại Lào, đẩy chiến tranh đặc biệt ở Lào lên cao độ, đồng thời tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ, vừa chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ” Mỹ – Ngụy đang tiến hành ở trong nước, vừa tăng cường đoàn kết với nước bạn Lào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định rõ hai dân tộc phải đoàn kết đứng lên kiên quyết đánh đuổi xâm lược. Ngày 3-7-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị khẳng định: “ra sức chi viện cách mạng miền Nam về mọi mặt, với mức cao nhất; và tích cực giúp đỡ cách mạng Lào”[1], trong đó tập trung giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang, kiến thiết vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia. Thực hiện chủ trương đó, từ cuối năm 1965, Việt Nam cử một số đơn vị quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự, chính trị, kinh tế, và văn hóa sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào với số lượng ngày càng lớn theo yêu cầu của cách mạng Lào[2].

Trước đó, ngày 25-5-1965, hơn 100 tân bác sĩ mới tốt nghiệp Đại học Y khoa, trong đó có bác sĩ Trần Đình Ngạn, được điều động nhập ngũ, trở thành bác sĩ quân y sẵn sàng phục vụ các đơn vị quân đội. Những chàng trai trẻ thấm nhuần tư tưởng: sống, chiến đấu, học tập vì mục tiêu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, đã rất hồ hởi nhận nhiệm vụ  [3].

Giữa tháng 8-1965, khi BS Trần Đình Ngạn đang học tập, rèn luyện ở Quân y Viện 109 (Vĩnh Phúc) thì được lệnh về Cục Quân y để nhận nhiệm vụ mới. Tại Cục Quân y, ông nhận quyết định về Đoàn 959 – Đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Đến đơn vị mới – Đoàn 959. Người đầu tiên ông gặp là Trung tá Bằng Khê. Ông Bằng Khê thể hiện thái độ rất trân trọng đối với ông, dù khi đó ông đeo lon Chuẩn úy. Giai đoạn này, Quân đội Việt Nam cùng Quân đội Lào đang mở chiến dịch tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), Đoàn 959 có nhiệm vụ tổ chức Đội Điều trị 952[4] và BS Trần Đình Ngạn được phân công về đơn vị này.

Đội điều trị 952 gồm khoảng 70 người, được chia thành hai ban Ngoại khoa và Nội khoa. Ban Ngoại do BS Hoàng Lạng phụ trách, chịu trách nhiệm điều trị cho các thương bệnh binh cần xử lý bằng phẫu thuật. Ban Nội do BS Trần Đình Ngạn phụ trách, điều trị các ca sốt rét, đau dạ dày, bệnh tiêu hóa … Ngoài ra còn có ban Dược, do Dược sĩ Nguyễn Vĩnh phụ trách; ban Xét nghiệm do y sĩ Nguyễn Thị Liên Oanh phụ trách…

Bác sĩ Trần Đình Ngạn là người duy nhất ở Ban Nội khoa có trình độ bác sĩ, Phó ban là y sĩ, còn lại là 4 – 5 y tá. Y tá của đơn vị phần lớn từng phục vụ y tế thôn bản, từng được đào tạo vài tháng chuyên khoa mắt hoặc chuyên khoa lao trong các đợt phòng chống bệnh đau mắt hột, phòng chống lao. Họ cũng có kiến thức về một số bệnh lý thông thường, biết băng bó, cố định cánh tay, chân bị gẫy, hoặc biết tiêm, nhưng hầu như không có ai biết truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, còn có các vệ binh, dân công và đội hậu cần. Số vệ binh chủ yếu là người Hà Tây, mới 17-18 tuổi nhưng đã được đào tạo các kỹ thuật quân sự, điều lệnh quân đội.

Đội điều trị 952 tập trung ở Công trường 800 (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để chuẩn bị lên đường. Đúng 15h30, ngày 13-9-1965, Đội hành quân ra bến tàu điện Bưởi đi về ga Hàng Cỏ, bắt đầu hành trình bằng tàu hỏa sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Lào.

Ngày 1-10-1965, sau 19 ngày đêm di chuyển bằng tàu hỏa, ô tô và hành quân bộ, Đội điều trị đến Khăng Khay – thủ đô kháng chiến của Lào, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Ngay đêm hôm ấy, Đoàn lại nhận lệnh ngược trở lại bản Ban (cũng thuộc Xiêng Khoảng, nay là thị trấn), nơi đóng quân của Đội. Đơn vị đóng quân trong rừng nhằm tránh bị máy bay phát hiện. Nhà ở, phòng khám, phòng mổ… đều được xây dựng bằng tranh tre nứa lá. Đội nhanh chóng đi vào ổn định, sẵn sàng phục vụ chiến dịch Đông – Xuân 1965-1966. Thời gian BS Trần Đình Ngạn ở Lào đã diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ (chủ yếu diễn ra trong mùa khô, từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), trong đó trận mang lại thắng lợi lớn nhất là ở Phu Cút – trung tâm cánh đồng Chum.

Đội điều trị 952 là tuyến điều trị cuối cho các thương bệnh binh ở khu vực Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Do vậy, BS Trần Đình Ngạn và các y bác sĩ của đội không trực tiếp tham gia  ở tuyến đầu mà luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân được chuyển từ chiến trường về. Dù trẻ tuổi nhưng ai nấy đều được trang bị các chiến thuật quân sự. Một trong số đó là việc chuyển thương binh. Để đảm bảo bí mật, tránh máy bay Mỹ phát hiện, ô tô chở thương binh không được chạy thẳng đến địa điểm Đội điều trị đóng quân mà thường dừng ở cánh rừng cách đó 4-5 cây số, rồi toàn bộ bác sĩ, y tá đến dân công hỏa tuyến đều tham gia cáng thương binh về, bất kể là ngày hay đêm. Dù ban Nội và Ngoại có nhiệm vụ riêng nhưng trong một số chiến dịch lớn, bệnh nhân đông, y bác sĩ của hai ban phải tương trợ lẫn nhau để kịp thời xử lý các vết thương và cứu chữa cho các bệnh nhân nặng. Có khi BS Trần Đình Ngạn phải tham gia phụ mổ cho những ca khó và thiếu người. Dù vất vả, cuộc sống gian khổ nhưng ai cũng rất hào hứng.

Nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công việc của Đội điều trị 952 được cung cấp tương đối đầy đủ. PGS Trần Đình Ngạn cho biết: Quân đội có tổ chức theo cơ số, gọi là cơ số sẵn sàng. Trong đó có đầy đủ từng loại cơ số đi theo từng ban, ví dụ ngoại khoa phải có các bộ đại phẫu thuật, trung phẫu, tiểu phẫu…, rồi cơ số thuốc gây mê, cơ số thuốc điều trị… Điều kiện dụng cụ, thuốc thang này đầy đủ hơn rất nhiều so với trong kháng chiến chống Pháp. Hầu hết nhu yếu phẩm đều là viện trợ của Liên Xô hoặc Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là của Trung Quốc, từ thuốc điều trị, giày vải, dép cao su, mũ cối, bi đông nước, súng lục, bạt chôn người đến từng tảng thịt ướp sẵn… Từng cân đường và muối dạng kết tinh cũng được trang bị, ban Dược có nhiệm vụ chưng cất, hoặc pha chế một số thuốc tiêm thông thường[5].  

PGS.TS Trần Đình Ngạn (thứ hai từ phải sang) trong buổi gặp mặt cựu chiến binh Đội điều trị 952

Khi không có chiến dịch, BS Trần Đình Ngạn tổ chức dạy chuyên môn cho các y sĩ, y tá của ban Nội. Việc dạy học được ông thực hiện nghiêm túc, bài bản; ngoài viết bảng, vẽ sơ đồ treo lên minh họa, ông còn dạy cho anh em các kỹ thuật tiêm, truyền, theo dõi biến chứng của truyền dịch như thế nào…, vì đa số y tá chưa được học những kỹ thuật này. Đó đều là những kiến thức ông được học trong thời gian học đại học cùng với kinh nghiệm thực tế của cá nhân. Bên cạnh đó, ông đã đào tạo các dân công trẻ tuổi (mới học hết lớp 6-7) thành các hộ lý biết chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm, truyền, băng bó để họ thay các y tá khi cần. PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Tôi đã sớm ý thức được việc tự đào tạo. Do vậy, sự trưởng thành của tôi ở chiến trường ngoài việc phục vụ chiến đấu, có kỷ luật, xây dựng tình đồng chí, đồng đội gắn bó với nhau vượt qua khó khăn thì về chuyên môn tôi đã thường xuyên bồi dưỡng, giúp đỡ anh em. Bởi tôi được đào tạo ở trường Đại học Y khoa, tôi được học cái gì, các thầy dạy như thế nào tôi lại dạy lại anh em, đó là những kiến thức chuyên môn, tình yêu thương với bệnh nhân… Nhiều cô dân công hỏa tuyến mà tôi đào tạo sau này trở thành bác sĩ, có người là Trung tá công an[6].

Ông đã khéo léo lồng ghép các bài giảng gắn với những nhiệm vụ đang diễn ra. Ví dụ tối hôm trước gặp bệnh nhân bị thương hàn, thì sáng hôm sau ông sẽ giảng cho anh em về bệnh thương hàn. Trong bài giảng ông nêu rõ tình trạng của bệnh nhân và các cách xử lý. Nhờ vậy, không chỉ anh em có thêm kiến thức mà ông còn rèn luyện được kỹ năng giảng dạy để sau này trở thành giảng viên của trường Sĩ quan quân y (sau là Học viện Quân y).

Những kiến thức từ thực tế đã giúp ích rất nhiều trong quá trình khám chữa bệnh cho bộ đội. Lần ấy, có bệnh nhân bị sốt rét, mặc dù được điều trị cắt cơn sốt nhưng lại đi lang thang ra rừng không về, khiến mọi người nghĩ anh ta đào ngũ. Cả đơn vị chia nhau đi tìm, cuối cùng tìm thấy bệnh nhân bên bờ suối, đến đêm bệnh nhân lại sốt cao. Sau khi tìm hiểu ông mới biết bệnh nhân bị sốt rét ác tính thể não (sốt rét cơn), có những biểu hiện bệnh chưa từng gặp trước đó. Tiếp đó, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ sốt rét ác tính nên đã bình phục sau 15-20 ngày, tiếp tục trở lại đơn vị chiến đấu. Đó là một bài học quý với ông và những người cùng đơn vị.

Do yêu cầu của chiến dịch, cũng có khi do bị địch phát hiện mà Đội điều trị 952 phải thường xuyên thay đổi địa điểm đóng quân. Mỗi lần tìm địa điểm mới đều phải đảm bảo các tiêu chí: ở trong rừng kín đáo, trong khe núi, có thể là ở dưới gốc cây to um tùm lá và phải gần sông suối để có nước sinh hoạt. Nhờ việc chấp hành tốt các nguyên tắc ngụy trang nên nhiều khi máy bay quần đảo ngay sát trên đầu mà không phát hiện được đơn vị do đơn vị đã chấp hành tốt các nguyên tắc ngụy trang.

Đi cùng với Đội điều trị 952 là một Trung đội dân công hỏa tuyến, có cả người già, người trẻ và lao động chân tay rất giỏi. Họ cùng với cán bộ của Đội điều trị nhanh chóng vào rừng chặt cây để xây dựng cơ sở mới. PGS Trần Đình Ngạn kể: Ngày nay khó có thể hình dung được, mỗi lần chuyển địa điểm, rất nhanh chóng tất cả từ cán bộ chuyên môn đến dân công đều phải lao vào làm việc. Những ngày đầu mọi người nằm võng có màn chống muỗi, mưa thì che nilon, nhưng chỉ sau 1 tuần đã kiến tạo thành một bệnh viện, dù chỉ bằng tranh tre nứa lá, cây rừng, có đủ nơi ở, phòng họp, phân khu riêng cho từng đối tượng với đủ lán trại cho tất cả mọi người. Các dụng cụ như rìu, đục… có nhưng rất ít nên không thể làm kèo, cột như bình thường mà khi chặt cây rừng phải giữ lại chạc để gác cây tre hoặc gỗ lên rồi buộc dây tạo thành khung nhà. Mái lợp bằng lá cọ, phên xung quanh cũng che bằng nứa và lá cọ. Giường cũng làm bằng cách tương tự như làm khung nhà, dùng bốn cọc gỗ có chạc, gác cây tre lên, rồi làm vạc giường bằng thân cây tre hoặc nứa. Mọi người còn đào cả hầm, hào quanh các lán trại để trú ẩn khi máy bay ném bom. Ai ai cũng phải lao động nên ba lô của mỗi người đều cài cuốc và dao. Cuốc cũng rất đặc biệt, kéo thẳng là xẻng, gập lại là cuốc. Đó là thứ thiết yếu cho bộ đội sống trong rừng[7].

Lao động rất vất vả, cuộc sống khó khăn nhưng mọi người đều rất có kỷ luật, đặc biệt luôn tương trợ lẫn nhau, dù là bác sĩ, chỉ huy, y tá hay dân công. PGS Trần Đình Ngạn vẫn nhớ tình cảm gắn bó giữa ông với y tá Tư (người Từ Sơn, Bắc Ninh) – y tá trưởng của ban Nội, khi ấy đã 36 tuổi và có vợ con. Hai người luôn cùng đào hầm, hào, giúp đỡ, chia sẻ với nhau mọi công việc.

Khi có gạo, nhu yếu phẩm hay đồ dùng y tế về, tất cả anh em trong đội đều đi vác về. Có lần BS Ngạn dù đang bị sốt rét nhưng ông vẫn cùng anh em đi vác gạo, chặng đường từ nơi tập kết gạo về đơn vị phải lên, xuống nhiều con dốc, mỗi lúc nghỉ chân ông phải tìm gốc cây để tựa vào vì sợ nếu ngồi xuống sẽ không thể đứng dậy đi tiếp.

Trong chuyên môn, ông và đồng đội luôn cố gắng cứu chữa được nhiều thương bệnh binh nhất. Ông cho rằng, ý chí và sức khỏe của tuổi trẻ đã giúp ông và đồng đội làm được những việc đó. Chính gian khó nơi chiến trường đã giúp ông trưởng thành, rèn luyện ý chí, tinh thần, yêu và gắn bó với người lính.

Đối tượng phục vụ của Đội điều trị 952 là bộ đội tình nguyện Việt Nam, một số ít bộ đội Lào (do họ có đơn vị quân y riêng) và số lượng lớn người dân Lào ở các địa phương đóng quân. PGS Trần Đình Ngạn có nhiều ấn tượng về mối quan hệ giữa quân tình nguyện Việt Nam và người dân Lào. Ông từng nhiều lần xuống bản để làm dân vận và thấy rằng tình cảm người dân Lào đối với bộ đội Việt Nam rất chân tình, yêu thương. PGS Trần Đình Ngạn nhớ lại: Người dân bị sốt rét thì chúng tôi chữa cho họ, họ khỏe mạnh, họ sẽ bảo vệ mình. Mình quý họ lắm, họ cũng không khác gì những người mẹ, người chị, đứa em, đứa cháu của mình. Những đứa trẻ cũng cởi truồng, nhếch nhác, đói khổ, trời rét vẫn ngoài đồng mò cua bắt ốc như trẻ em Việt Nam bấy giờ[8]. Vì cuộc sống của người dân Lào rất thiếu thốn nên các ông thường bớt khẩu phần ăn như muối, gạo đem cho họ. Đáp lại, họ biếu gà, lợn, rau xanh cho đơn vị.

Gà, lợn được người dân biếu, đơn vị giữ lại để nuôi trong những khe núi hẹp được quây hai đầu. Y tá Tư là tay hòm chìa khóa của đơn vị, huy động anh em đi chặt cây rừng làm hàng rào chắn ngang lại để nuôi gà. Gà thường lên hang đá đẻ trứng, khi ấp thành con thì chúng kéo nhau xuống.

Anh em trong đơn vị còn đi đến các nương ở xa đơn vị để trồng rau, tự túc nguồn thực phẩm. Cũng có khi thì đi hái rau rừng (như rau tàu bay), hoặc tìm đến các bản làng bỏ hoang (do tập tục du canh du cư của người dân Lào) tìm các cây ăn quả như khế, chuối, cà phê, lá chua, rau… mang về cải thiện bữa ăn. Cây chuối non hoặc hoa chuối đều được lấy về làm rau… Có khi anh em hái được ít lá chua đem về nấu cùng thịt hộp thành một bữa canh ngon lành. Nhờ vậy, ngoài những thứ như gạo, thịt hộp, lương khô… được cấp thì đơn vị đã chủ động được các nguồn thực phẩm.

Trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, thì tháng 9-1967, theo lệnh của tổ chức, Trần Đình Ngạn được điều động về nước để chuẩn bị sang Liên Xô học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Hai năm ở Lào khép lại, khoảng thời gian đó không dài nhưng đã đọng lại trong PGS Trần Đình Ngạn biết bao kỷ niệm không thể quên về tình đồng đội, đồng chí và sự gắn bó giữa quân tình nguyện Việt Nam với người dân Lào. Đó cũng là miền ký ức đáng trân trọng của ông mỗi khi trở lại, là hành trang bước đầu trong hành trình phấn đấu của ông.

Lê Thị Hằng

 


[1] Trích Chỉ thị số 102-CT/TW, ngày 3-7-1965 của Ban Bí thư, in trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26, 1965, Nxb Chính trị quốc gia, 2003.

[2] Ban Tuyên giáo Trung ương “Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào 1930-2017”, tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngọi giao (1962-2017) và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, (1977 – 2017) http://tuhn.vn/Uploads/files/L%E1%BB%8Bch%20s%E1%BB%AD%20quan%20h%E1%BB%87%20%C4%91%E1%BA%B7c%20bi%E1%BB%87t%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20-%20L%C3%A0o%2C%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%201930-2017%2C%20ph%E1%BA%A7n%202.pdf

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 27-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Ban chỉ huy đội gồm: BS Nguyễn Viết Giang – Thượng úy, Đội trưởng; Đinh Thanh Hương – Thượng úy, Chính trị viên; BS Hoàng Lạng – Đội phó…

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 27-1-2021, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 27-1-2021, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 27-1-2021, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Đình Ngạn, 27-1-2021, đã dẫn.