Như có một nguồn sức mạnh vô hình

Tâm sự với tôi trong một ngày Xuân Tân Sửu, bà bảo: Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, để mọi người ổn định lại cuộc sống, công việc, còn bà sẽ được trở về Nha Trang thân yêu – nơi bà đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Tôi không khỏi ngạc nhiên về sự dẻo dai của bà khi biết từ lúc nghỉ hưu (1998) đến nay, bà vẫn thường xuyên bay qua bay lại giữa hai thành phố Hà Nội – Nha Trang. Trong chuyến bay tới, bà muốn tôi cùng đi để đến thăm Viện Pasteur Nha Trang nơi bà làm Viện trưởng suốt 23 năm (1976-1998); đến thăm Bảo tàng Yersin, khu mộ Yersin, Phòng khám miễn phí cho người nghèo do Hội Ái mộ Yersin xây dựng…

Với nhiều người Việt Nam, nhất là trong giới y học, tên tuổi Alexandre Emile Jean Yersin (1863-1943) không còn xa lạ. Ông là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học người Pháp gốc Thụy Sĩ, hiệu trưởng đầu tiên của trường Y khoa  Đông Dương1 và cũng là người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang. Ông được biết đến là người phát hiện trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này nó được đặt theo tên ông – Yersinia pestis. Ông cũng là người đầu tiên chứng minh loại trực khuẩn này có trong bộ gặm nhấm và gây ra bệnh dịch ở người. Là người ưa mạo hiểm, ông đã khám phá ra Cao nguyên Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng) để đến năm 1899, tại đây Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng dành cho người Âu, sau này trở thành Đà Lạt… Năm 2021 vừa tròn 130 năm ngày A. Yersin đặt chân đến Nha Trang, rồi ông quyết định ở lại sống, làm việc và từ giã cõi đời tại đây. Bà Trâm dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang không chỉ bởi tài năng mà còn bởi nhân cách lớn của ông. Cuốn sách “A. Yesin – Nhà bác học, nhà nhân văn lớn” mà bà cứ đọc đi đọc lại này là do Hội Ái mộ A.Yersin ấn hành năm 2003, trong đó bà là người tham gia biên soạn chính.

Buổi làm việc với PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm tại Hàng Chuối, Hà Nội

Cách đây 46 năm, sau thống nhất đất nước, khi đang ở Đức tham dự một hội nghị khoa học thì bà nhận được điện báo về nước gấp. Bộ Y tế quyết định cử đoàn cán bộ gồm 6 thành viên do TS (nay là Tiến sĩ khoa học) Nguyễn Thị Thế Trâm – cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội2 làm Trưởng đoàn vào tiếp quản Viện Pasteur Nha Trang. Thành phần đoàn còn có: bà Nguyễn Thị Lệ, bà Nguyễn Phước Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Thành, ông Vũ Đức Thọ, ông Phan Đức Nhuận . Ngày ấy, bà chưa tìm hiểu và cũng không có khái niệm gì về A. Yersin, chỉ biết Viện Pasteur Nha Trang do ông sáng lập từ năm 1885. 

Tháng 8-1975, bà và một số đồng nghiệp đã có mặt tại Nha Trang để nhận nhiệm vụ. Thời gian này, làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang gồm 4 thành phần: Cán bộ từ Hà Nội và Liên khu V đến tiếp quản, một số cán bộ ở chiến khu về và phần lớn cán bộ cũ (cán bộ lưu dung). Nhân sự khá đông nhưng có rất ít bác sĩ và cán bộ chuyên môn, nhiều cán bộ chuyên môn cũ đã chuyển vào Sài Gòn hoặc di cư đi nơi khác. Về cơ sở vật chất, các phòng chuyên môn vẫn còn nhưng trang thiết bị y tế thiếu nhiều. Đồ đạc chỉ có một chiếc điện thoại, một chiếc máy đánh chữ, những thứ khác hầu như không có3. Tất cả những điều này gây khó khăn trong việc tiếp quản, công tác tổ chức, bố trí công việc.

Bằng sự nhạy cảm tinh tế, bà Trâm cảm nhận rõ sự lo lắng của nhóm cán bộ cũ. Chính vì vậy, với vai trò Trưởng đoàn tiếp quản, đầu tiên, bà thu xếp ổn định tổ chức, công việc. Bà nêu cao tinh thần đoàn kết, không phân biệt đối xử, khẳng định ai đang làm việc gì thì tiếp tục làm việc đó (sau khi ổn định sẽ có sự luân chuyển phù hợp), ai đang có nhà ở đâu thì cứ ở đó. Các cán bộ mới thì được sắp xếp chỗ ở để an tâm làm việc. Điều quan trọng nữa cần ưu tiên là tăng cường cán bộ chuyên môn chống dịch: sốt xuất huyết, dịch tả, bạch hầu… vì đây là hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, bà Trâm trực tiếp liên hệ với Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đặt vấn đề giúp đỡ. Mấy tháng sau, công việc ở Viện Pasteur Nha Trang dần ổn định, bà trực tiếp ra Hà Nội kêu gọi các bác sĩ chuyên môn tình nguyện vào Nha Trang tham gia chống dịch. Một năm sau, tuy chưa được khống chế hoàn toàn nhưng tình hình dịch bệnh trong khu vực đã giảm nhiều.

Năm 1976, danh sách Ban lãnh đạo của Viện Pasteur Nha Trang được chính thức hóa theo quyết định của Bộ Y tế, gồm bà Nguyễn Thị Thế Trâm là Viện trưởng, ông Nguyễn Văn Thành (cán bộ ở Liên khu V) làm Viện phó. Nhưng thật bất ngờ, cuối năm 1976, Bộ Chính trị có quyết định Bộ Y tế chuyển giao Viện Pasteur Nha Trang cho Bộ Nông nghiệp quản lý, sẽ có đoàn của Bộ Y tế vào giúp Viện bàn giao. Đúng là tin sét đánh. Từ khi thành lập, Viện Pasteur Nha Trang có nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo cán bộ, nghiên cứu về bệnh sốt rét và bệnh do các loại vi trùng, ký sinh trùng gây ra, điều chế một số loại vắc-xin cho người, còn hoạt động đào tạo y sĩ thú y, nghiên cứu sản xuất vắc-xin thú y (liên quan hoạt động của Bộ Nông nghiệp) chỉ là phụ. Viện trưởng Nguyễn Thị Thế Trâm triệu tập cuộc họp trong phạm vi hẹp gồm các thành viên Ban lãnh đạo ngay trong đêm. Các thành viên đều cho rằng, đã có quyết định của các Bộ, là cán bộ cơ sở cứ chấp hành thôi.

Không chấp hành chắc chắn sẽ bị kỷ luật còn chấp hành thì thật vô lý! – bà Trâm nghĩ. Như có sức mạnh nào đó thôi thúc: Còn nước còn tát. Bà lấy lại tinh thần và tuyên bố: Còn 2 tuần nữa mới bàn giao. Vậy ta bình tĩnh, đọc các báo cáo của Viện thời chống Pháp, chống Mỹ xem Viện đã làm được gì cho cả hai ngành y tế và nông nghiệp4. Ngay đêm họp, bà và ban lãnh đạo đã thức trắng đọc nhiều báo cáo, tài liệu và ghi chép lại những thông tin quan trọng. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo làm xong tờ trình Bộ Chính trị và các đơn vị liên quan, đề nghị xem xét lại quyết định trên. Bà yêu cầu các thành viên giữ bí mật về chuyện này, tránh làm cán bộ trong Viện hoang mang. Bà sẽ bay ra Hà Nội tìm cách gặp gỡ lãnh đạo các cấp trình bày, kêu cứu. Về sự vắng mặt của bà, bà dặn anh em trả lời rằng bà đi chống dịch các tỉnh chưa về.

Phương tiện liên lạc thập niên 70 còn rất hạn chế, khó khăn. Tại Hà Nội, bà Trâm đã tìm mọi cách để liên lạc được với lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn trả lời rằng Bộ Y tế đã có ý kiến nhưng Bộ Chính trị cho biết Bộ Nông nghiệp cần Viện hơn, Y tế sẽ xây dựng sau. Bà trình văn bản mà cả nhóm thức đêm, dày công chuẩn bị và nói: Yersin đến Việt Nam, xây dựng Viện Pasteur Nha Trang là để phục vụ y tế, phục vụ con người chứ không phải thú y. Đồng thời bà xin phép Bộ trưởng tiếp tục đi, nếu việc này không đem lại kết quả thì mong Bộ đừng kỷ luật. Bộ trưởng Cẩn đồng ý nhưng cũng e ngại rằng, cán bộ cấp cơ sở khó mà thay đổi được điều gì.

Tiếp tục cầu cứu ai bây giờ? Liệu Bộ Chính trị có tiếp con người nhỏ bé như mình không? Bỗng bà cảm thấy như có ai đó động viên bà hãy mạnh dạn lên. Được biết Bộ Chính trị đang họp tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức bà lên đường và may mắn gặp được Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ngày ấy việc gặp lãnh đạo Trung ương không quá khó khăn như bây giờ, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, bà từng gặp gỡ một số đồng chí lãnh đạo Trung ương, nên lần này đề đạt xin gặp Tổng Bí thư cũng được thuận lời. Trong thời gian rất hữu hạn, bà trình bày ngay mục đích cuộc gặp và đưa văn bản trình Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp đón bà ân cần và nói nếu chưa hợp lý thì sửa, rồi giao cho đồng chí thư ký tờ trình của Viện. Bà Trâm tiếp tục tìm cách liên hệ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Bà nhờ các đồng chí thư ký, nếu có tin gì mới thì nhắn bà. Trong thời gian chờ ý kiến lãnh đạo, bà ở nhờ nhà họ hàng, chỉ đạo công việc từ xa, vì lúc này đoàn của Bộ Nông nghiệp đã ở Nha Trang, chỉ đợi bàn giao. Cuối cùng, Viện Pasteur Nha Trang được giữ nguyên vị trí, thuộc Bộ Y tế quản lý cho đến ngày nay.

Hai năm sau (1978), Bộ Y tế ra quyết định mới, tổ chức lại Viện Pasteur Nha Trang. Bộ phận sản xuất vắc xin, huyết thanh và trại chăn nuôi Suối Dầu trực thuộc Viện chuyển giao cho Viện Pasteur Đà Lạt (nay các bộ phận này thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang). Viện Pasteur Nha Trang cũ tập trung quản lý, triển khai các hoạt động, dịch vụ y tế công cộng, y tế dự phòng tại 11 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) và nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế; chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới; hợp tác quốc tế. Vì thế, từ nhân sự đến cơ sở vật chất của Viện phải chia thành đôi. Sau hai sự kiện lớn trên, tôi bị nhồi máu cơ tim, đi cấp cứu bệnh viện tỉnh. Ai cũng lo tôi không còn khả năng làm việc nữa nhưng không hiểu sao, sau 2 tuần nằm bất động, tự nhiên tôi khỏe hơn và xin ra viện. Trở lại công việc, suốt thời gian đi công tác từ đồng bằng đến miền núi (có y tá đi theo chăm sóc tôi) sức khỏe tôi vẫn bình thường. Ai nấy đều ngạc nhiên về điều này, riêng tôi thì tin vào một sức mạnh tâm linh đã giúp tôi chóng khỏi bệnh5 – PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm chia sẻ.

Ảnh nhà bác học A.Yersin được treo trang trọng trong phòng làm việc của Viện trưởng Viện Pasteur Nguyễn Thị Thế Trâm tại Nha Trang

Đầu năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm văn bản trình Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch  đề nghị công nhận cụm công trình: Mộ A. Yersin, Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng và thư viện A. Yersin, chùa Long Tuyền (Cam Lâm) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sự kiện này thu hút nhiều người và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đây cũng là lần đầu tiên một cụm công trình liên quan đến cá nhân là người nước ngoài được đề nghị xét công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Vì thế, Ủy ban đã tìm gặp bà Trâm đề nghị Viện Pasteur Nha Trang giúp chứng minh A. Yersin là nhà khoa học chân chính, nhân văn, có nhiều đóng góp cho Việt Nam. Bà đã trả lời ngay: Chỉ có tiếng nói của nhân dân, của những người già từng tiếp xúc hoặc làm việc với A. Yersin mới thuyết phục và chứng minh điều đó rõ hơn. Mà muốn làm được thế thì phải có một tổ chức quần chúng . Đại diện Ủy ban tán thành và ra quyết định thành lập Ban vận động Hội Những người ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa (còn gọi tắt là Hội Ái mộ A.Yersin) năm 1990 do bà Nguyễn Thị Thế Trâm làm Trưởng ban8.

Ngay sau đó, Ban vận động Hội Những người ái mộ A.Yersin đã tổ chức cuộc hội thảo về A. Yersin, mời những người từng làm việc, gắn bó với Yersin như ông Kiều Xuân Cư, ông Đặng Anh Trai…  và những người dân ở Xóm Cồn – nơi Yersin sống trước đây. Sau đó, rất nhanh chóng, họ đã có một văn bản trình các ý kiến của quần chúng, chứng minh Yersin là nhà khoa học chân chính, cống hiến to lớn cho ngành y, thú y Việt Nam, đặc biệt là đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Nha Trang, giúp đỡ các đối tượng yếu thế như trẻ em người già, người nghèo. Ngày 28-9-1990, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch chính thức công nhận cụm công trình nêu trên là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Ở thời điểm mà các dự án nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế, nếu có thì chủ yếu ưu tiên cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bà Trâm đã có công lớn trong việc kêu gọi được sự giúp đỡ của Viện Pasteur Paris (Pháp) cho Viện Pasteur Nha Trang. Ngày 1-3-1991, dưới sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch, Viện Pasteur Nha Trang và Hội Những người ái mộ A.Yersin đã tổ chức thành công Hội thảo về Yersin nhân kỷ niệm 100 năm ngày ông đến Việt Nam. Đây cũng là hội thảo tầm cỡ quốc tế đầu tiên về nhà bác học này. Hội thảo có sự tham dự của ông J. Dagesen – đại diện Tổ chức Y tế thế giới, ông Durosoir – Tổng đại diện hệ thống các Viện Pasteur trên thế giới, Đại sứ Pháp Claude Blanche, Đại sứ Thụy Sỹ Peter Feriederich tại Việt Nam và đại diện các cơ quan Trung ương… Trong dịp này, Viện Pasteur Nha Trang đã giới thiệu được đóng góp của Yersin cũng như của Viện cho ngành y tế Việt Nam. Từ đây Viện Pasteur Nha Trang nhận được nhiều sự giúp đỡ, có thêm nhiều dự án lớn hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước.

Trong suốt hơn hai thập kỷ, từ khi nghỉ hưu đến năm 2020, bà Trâm dành phần lớn thời gian để thúc đẩy Hội Ái mộ A. Yersin phát triển. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền, phát huy những thành tựu khoa học của Yersin để lại, đặc biệt Hội còn lan tỏa tinh thần nhân văn của nhà bác học bằng việc mở phòng khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, trẻ em khuyết tật, mồ côi; tổ chức dạy nghề cho các em; trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học…

Nhìn lại chặng đường dài (23 năm làm Viện trưởng  Viện Pasteur Nha Trang và 30 năm làm Chủ tịch Hội Những người ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa), tôi cảm nhận rằng, để vượt qua các khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, ngoài sự quyết tâm phấn đấu của bản thân còn có sự hỗ trợ rất lớn về mặt tâm linh. Sau này nhiều việc kết hợp lại, tôi nghĩ có lẽ chính nhà bác học A.Yersin là người đã truyền cảm hứng, tiếp cho tôi nguồn sức mạnh vô hình ấy!9  – PGS Nguyễn Thị Thế Trâm chia sẻ.

Nguyễn Điệp

____________________

[1] Tiền thân của Đại học Y Hà Nội.
[2] Nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, 29-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, 23-2-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, 23-2-2021, đã dẫn.
[6] Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[7] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, 23-2-2021, đã dẫn.
[8] Ngày 20-9-1992, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thành lập Hội Những người ái mộ A. Yersin tỉnh Khánh Hòa do PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm làm Chủ tịch hội, bà giữ chức này cho đến năm 2020.
[9] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, 23-2-2021, đã dẫn.