Giáo sư, AHLĐ Nguyễn Tài Thu: “Đức tâm là cái gốc sâu vững của tài năng”

Sự ra đi của GS Nguyễn Tài Thu để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với giới châm cứu trong và ngoài nước, nhất là rất rất nhiều bệnh nhân đã được ông tận tình cứu chữa bằng tất cả tâm, tài của mình.

Nhớ hồi tháng 2-2009, tôi được theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) đến gặp GS Nguyễn Tài Thu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số 49 phố Thái Thịnh, Hà Nội. Khi ấy, ông không còn là Viện trưởng, nhưng ông vẫn luôn bận rộn, gần như không có ngày nghỉ. Cảm giác của tôi trước khi đến gặp GS Nguyễn Tài Thu là lo lắng, tự ti vì sắp được gặp một người nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới trong lĩnh vực châm cứu. Ấy nhưng khi gặp mặt trực tiếp thì suy nghĩ ban đầu ấy ngay lập tức tan biến. Thấy PGS Nguyễn Văn Huy, ông đã nở nụ cười rất tươi cùng lời chào: “Huy đấy hả em?”. Dường như thầy Huy của tôi với GS Nguyễn Tài Thu đã có mối thân tình từ lâu mà tôi chưa được biết. Tôi cũng được bắt tay và cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm chân thành từ ông.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu giới thiệu và trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chiếc máy điện châm phiên bản đầu tiên (1983). Ảnh chụp tháng 2-2011

Kể từ lần ấy, tôi thường xuyên được đến nghe ông kể chuyện về cuộc đời mình. Sở dĩ thế vì tôi nhận được sự tin tưởng của anh Cường – một điều dưỡng viên, người trợ giúp riêng cho Giáo sư. Mỗi lần Giáo sư có thời gian rảnh là anh lại gọi điện cho tôi báo: “Hóa đến đi em, thầy hôm nay không phải châm cứu”. Thế là tôi lại phi xe máy đến gặp Giáo sư. Và lần nào cũng vậy, anh Cường đón tôi từ dưới chân cầu thang của tầng 1, đưa lên phòng làm việc của Giáo sư ở tầng 2. Các phòng châm cứu cho bệnh nhân, phần đông là trẻ em hoặc những người nghèo cũng nằm ở tầng 2. Những lần tôi đến, khi thì thấy Giáo sư ngồi đọc sách trong phòng làm việc, có lần phải đợi, và cũng có khi được theo sang phòng châm cứu để xem ông khám, châm cứu.

Tôi cảm nhận được tình yêu của GS Nguyễn Tài Thu dành cho bệnh nhân thông qua lời nói, cử chỉ ân cần. Hành trình đến với nghề y, nghề châm cứu xuất phát từ sự lựa chọn của lương tâm, bởi vậy những đường kim châm cứu của ông cũng xuất phát từ tình yêu với người bệnh và những khó khăn không thể cản được ông chữa bệnh cho người nghèo, thương bệnh binh và nghiên cứu khoa học. Nhiều bệnh nhân nghèo được ông chữa bệnh miễn phí.

GS.TTND Nguyễn Tài Thu sinh ngày 6-4-1931 tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ cuối năm 1946, chàng thanh niên Nguyễn Tài Thu hăng hái tham gia Quyết tử quân của Ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau đó rút lên Việt Bắc. Năm 1952, ông được cử đi học trường Đại học Y khoa. Đầu năm 1953, ông lại được sang Bắc Kinh, Trung Quốc để học chuyên về Đông y. Sáu năm học tập ở nước ngoài, ông say sưa tìm hiểu về những phương pháp chữa bệnh của Đông y, đặc biệt là phương pháp Thủy châm.

Trở về nước năm 1959, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã mang hết sở học ra để phục vụ nhân dân. Kể từ đó cho đến khi ở tuổi xưa nay rất hiếm, không còn nhiều sức lực làm việc, ông vẫn luôn tự học, tự trau dồi bản thân để chữa bệnh cho thương bệnh binh, người nghèo. Suốt cuộc đời gắn trọn với nghề của ông có cả những thành công nhưng không thiếu những đau khổ, nước mắt. Có thể nhận thấy ông có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học và bằng những phương pháp đặc thù ông đã rất thành công trong việc khám chữa bệnh.

1. Phương pháp Thủy châm

Thủy châm là một trong những phương pháp của châm cứu, đã được áp dụng ít nhiều ở một vài nước. Phương pháp này sử dụng kim tiêm đưa thẳng thuốc vào huyệt nhằm nâng cao hiệu lực của thuốc, giảm thời gian chữa bệnh. Các thuốc dùng thủy châm rẻ tiền, dễ kiếm thường là sinh tố B, C hoặc Novocain, khi tiêm vào huyệt có tác dụng khác hẳn với cách tiêm thông thường. Trong thời gian công tác ở Hội Đông y, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã sử dụng phương pháp này rất hiệu quả. Ngoài việc tiêm thuốc tây lên các huyệt, ông còn nghiên cứu bào chế thuốc ta theo dạng thuốc tiêm để thủy châm vào huyệt làm tăng thêm hiệu lực cho một số thuốc Đông y.

Từ năm 1959 đến năm 1969, bác sĩ Nguyễn Tài Thu dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Thủy châm. Ông từng tâm sự rằng “Sung sướng, vinh dự thay cho tập thể của mình, vinh dự thay cho bản thân ta đã được đặt viên gạch đầu tiên xây dựng phương pháp chữa bệnh bằng thủy châm – một phương pháp có kết hợp y học dân tộc với y học thế giới mà tổ quốc ta từ xưa chưa ai nêu lên. Mồ hôi đổ xuống cho nền y học độc lập, dân tộc, đại chúng, khoa học… vất vả cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân quần chúng… ta vô cùng sung sướng trước sự tín nhiệm, tin yêu của mọi người… đẹp vô cùng lương tri của một thầy thuốc vô tư…”. Ông sung sướng, vui mừng vì đã thành lập được phòng nghiên cứu Thủy châm Trung ương – một phòng nghiên cứu với tên gọi chưa từng có trong những trang sử y học Việt Nam: “Một tổ chức mới, một công trình mới được chính thức ghi lần đầu trong sử xanh của Y học tổ quốc”. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui là trách nhiệm của một nhà khoa học “Nhiều người nhắc đến công lao của bản thân mình, mình càng lo lắng cho nhiệm vụ mai đây, làm thế nào để đi nốt con đường nghiên cứu cho công trình này hoàn chỉnh. Khó khăn còn nhiều lắm! Trở ngại cũng không ít, nhưng làm theo lời Đảng, có Đảng dẫn dắt, nhất là có quần chúng nhân dân ủng hộ, tin yêu, tập thể mình sẽ thành công tốt đẹp, trong đó có vinh dự của bản thân”[1].

2. Phương pháp Châm tê để mổ

Không chỉ dừng lại ở Thủy châm, bác sĩ Nguyễn Tài Thu còn tự mày mò, nghiên cứu để có thể chữa bệnh hiệu quả trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Theo ông, thời kỳ thập niên 60-70 Trung Quốc không có chiến tranh nên họ xử lý nội thương là chính, chọn huyệt để châm tê khi mổ thường chọn ở chân tay, khiến cho khi mổ ở ngực, ở bụng không bị vướng víu. Nhưng trong chiến tranh, vết thương rất đa dạng, vết thương chân tay thường xảy ra, vì vậy muốn châm tê để mổ thì phải chọn huyệt ở gần trên ngực, trên cổ hoặc phía trên cánh tay, phía bụng thì mới mổ cắt ở chân tay được dễ dàng. Mặc dù nguyên lý chung là như vậy nhưng nghiên cứu được thì phải dày công và tốn nhiều thời gian[2].

Làm sao để có thể chữa cho thương binh khỏi liệt, có thể đi lại được sau khi phẫu thuật? Bác sĩ Nguyễn Tài Thu luôn coi đó là một nhiệm vụ, một trách nhiệm, như lời ông viết trong nhật ký (6-4-1972): “Hôm nay kỷ niệm ngày mình ra khỏi lòng mẹ với một tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ vì bệnh nhân… Kết quả bước đầu đã làm mình phấn khởi và bớt lo lắng hơn: những bệnh nhân liệt từ 3-4 năm đã có những biến chuyển rõ ràng, những bệnh nhân liệt mới đã có 3 người đi lại được, các bệnh nhân đau thần kinh, các cháu liệt đều có kết quả,…”. Những nỗ lực của ông cuối cùng cũng có kết quả. Ngày 12-5-1972, sau 18 trường hợp thực hành châm gây tê mổ trên cơ thể bác sĩ, y sĩ, học viên và trên một số bệnh nhân, ông đã châm tê để làm thủ thuật vùng bụng thành công. Đây là ca châm gây tê để tiến hành thủ thuật vùng bụng đầu tiên ở nước ta. Với bước ngoặt quan trọng này, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã mở ra cả một trang mới cho nền châm cứu Việt Nam.

3. Chữa cai nghiện bằng châm cứu

Những năm 1971-1972, thương binh từ ngoài mặt trận được gửi ra miền Bắc rất nhiều, phần lớn bị thương do bom Napan ở chân tay, mặt, mắt,… rất đau đớn, phải tiến hành châm tê để mổ. Lúc đầu, phải tiêm thuốc giảm đau như morphine, dolargan để tiến hành phẫu thuật. Tiêm nhiều thuốc giảm đau thì thương binh nghiện, cũng như nghiện ma túy. Từ những kiến thức đã học được khi còn ở Trung Quốc, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã áp dụng vào thực tế, tìm ra phương pháp châm tê để mổ cho thương binh, làm giảm đau mà không gây nghiện morphine.

Hòa bình lập lại, trước thực tế nhiều người nghiện ma túy, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã áp dụng phương pháp châm tê để chữa cai nghiện. Cơ chế của nó là dưới sự điều khiển của vỏ não, cơ thể tự sản sinh chất morphine nội sinh để điều tiết sự cân bằng của các tạng phủ. Khi dùng ma túy tức là đưa vào cơ thể một chất morphine làm tê liệt chức năng sản xuất morphine nội sinh, nếu không cung cấp thường xuyên để đảm bảo hoạt động bình thường của các tạng phủ thì sẽ gây ra triệu chứng gọi là lên cơn nghiện. Khi châm cứu đúng các vị trí trên cơ thể khoảng 20-25 phút thì cơ thể sẽ tiết ra morphine nội sinh, làm giảm đau và giảm lên cơn nghiện, châm một ngày ba lần và đều đặn theo thời gian thì có thể cai nghiện được ở người.

4. Xây dựng Viện Châm cứu Việt Nam và đào tạo đội ngũ cán bộ châm cứu mới

Một trong những thành tựu lớn nhất của GS Nguyễn Tài Thu là xây dựng được Viện Châm cứu Việt Nam và đào tạo được một đội ngũ kế cận trong lĩnh vực này. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, GS Nguyễn Tài Thu đã phải chắt chiu tiền bạc có được trong những chuyến đi giảng bài ở nước ngoài, xin từng chiếc giường bệnh, xin đất ở Thái Thịnh (khi đó còn là đất dùng cho nông nghiệp đã bỏ hoang, rất rậm rạp), rồi cùng cán bộ nhân viên tự tay đặt những viên gạch đầu tiên, tự tay góp công, góp sức xây dựng lên Viện Châm cứu Việt Nam. Cho đến năm 1990 thì Viện tương đối hoàn thành và đi vào hoạt động, từ đó trở đi GS Nguyễn Tài Thu tập trung sức chữa bệnh, cứu người tại đây. Thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, ông đã mở các lớp đào tạo tại Viện, tiến hành giảng bài cho các cán bộ ở trong nước. Chỉ tính riêng việc đào tạo ông cũng đã hướng dẫn thành công 13 luận án tiến sĩ, 33 luận văn thạc sĩ và nhiều luận văn chuyên khoa cấp 1. Ngoài việc đào tạo ở trong nước, ông còn đi rất nhiều nước khác để chữa bệnh, giảng bài, truyền đạt kinh nghiệm cho các nước bạn: Ý, Uzbekistan, Pháp, Mexico,… đặc biệt ông còn hợp tác với trường đại học Mexico để đào tạo nhiều thạc sĩ về chuyên ngành Châm cứu.

Để phổ biến rộng rãi sở học và kinh nghiệm của mình, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã viết nhiều sách về châm cứu. Một số cuốn sách do ông là tác giả hoặc đồng tác giả đều có giá trị thực tiễn và lý luận cao, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu học tập và thực hành của các sinh viên và học viên. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến những cuốn sách: Nhĩ châm. Thuỷ châm. Mai hoa châm (đồng tác giả), Nxb Y học và Thể dục Thể thao, 1969; Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Nxb Y học, 1975; Châm tê trong ngoại khoa chiến thương (đồng tác giả), Nxb Y học, 1984; Châm cứu chữa bệnh, Viện Châm cứu Việt Nam, 1984; Châm cứu ở tuyến cơ sở, Nxb Y học, 1987…

Khó có thể tóm lược hết những đóng góp, tâm huyết của GS Nguyễn Tài Thu dành cho Đông y và cho người bệnh. Ông luôn sống và làm việc với quan niệm: “Đức tâm là cái gốc sâu vững của tài năng… Lương y như từ mẫu, trong tim của mình đã có chữ tâm thì tự nhiên mình sẽ nghĩ đủ cách chữa trị cho người bệnh”.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã về với thế giới người hiền, để lại bao niềm thương tiếc, nhớ ơn cho nhiều người. Tên tuổi của ông sẽ mãi được các thế hệ đồng nghiệp và học trò trong và ngoài nước nhắc đến. Di sản của ông vẫn còn đó: Một chiếc máy điện châm phiên bản đầu tiên (1983), những cuốn nhật ký, những bức thư của đồng nghiệp, học trò, người bệnh, những thước phim và bức ảnh tư liệu…Đó sẽ là những chất liệu, bằng chứng để kể hành trình và những câu chuyện dài về cuộc đời một thầy thuốc tận tâm, một nhà khoa học tài năng, trách nhiệm, mà Trung tâm Di sản có trách nhiệm nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi và hiệu quả nhất.

Nguyễn Thanh Hóa


[1] Nhật ký tập V, năm 1969-1971, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nhật ký tập VI, năm 1969-1971, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.